Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

NHỮNG YẾU LĨNH CƠ BẢN TRONG LUYỆN THÁI CỰC QUYỀN

NHỮNG YẾU LĨNH CƠ BẢN TRONG LUYỆN THÁI CỰC QUYỀN (phần 1)

Những yêu cầu đối với tòan bộ các động tác trong Thái Cực quyền còn được gọi là những yếu lĩnh trong luyện Thái Cực Quyền. Tuy mỗi dạng Thái Cực Quyền đều có những đặc trưng riêng ; song yếu lĩnh luyện tập cơ bản là thống nhất (cái chung nằm trong cái riêng). Ở đây chỉ giới thiệu 1 cách khái quát nội dung của nó để giúp người mới học lần đầu có được 1 khái niệm tòan diện.

khi luyện Thái Cực Quyền, từ đầu chí cuối buổi tập, người tập luyện phải giữ thăng bằng tâm khí, thư giãn thoải mái. Trước tiên phải "thả lỏng" trung khu thần kinh đại não, thả lỏng cơ bắp tòan thân, thả lỏng các khớp xương và các cơ quan nội tạng. Thân người phải thẳng 1 cách tự nhiên, đỉnh đầu và hậu môn luôn luôn thẳng đứng, trên dưới thống nhất. Tránh hiện tượng ngực ưỡn, bụng phưỡn, đầu cúi, lưng khom, mông cong, hít thở phải tự nhiên - dần dần áp dụng phương pháp thở bụng, phải luôn luôn giữ được tư thế bụng rắn ngực nở. Khi vận động cũng phải giữ được trạng thái thân thẳng, các cơ thả lỏng, bụng rắn ngực nở khiến cho thân dưới có thể trụ vững, thân trên linh họat.

Luôn luôn phải tập trung tinh thần, điều khiển các động tác bằng ý thức, động tác phải nhẹ nhàng, mềm mại uyển chuyển, không vận lực 1 cách thô bạo, cứng nhắc ; động tác phải vòng tròn theo hình cung hoặc hình tròn, dần dần khiến cho tất cả các cơ bắp và các khớp xương đều được vận động, động tác hài hòa khiến các cơ bắp được rèn luyện dần từ lớp ngòai vào đến lớp trong ; động tác phải liên hòan, liên tục ; mọi tư thế và động tác đều phải được thực hiện 1 cách đầy đủ, hòan hảo, không được cái nặng cái nhẹ, không được khiếm khuyết và đứt đọan.

Phải lấy vận động quanh trục của eo lưng làm chính, phần eo phải thẳng và được thả lỏng, không lắc lư xương chậu - đùi phải vững để có thể ổn định được trọng tâm, khi vận động tứ chi chỉ cần xoay nhẹ phần eo.

Đầu phải thẳng, huyệt bách hội luôn luôn phải huớng lên ; khi cử động muốn hướng về phương nào thì thần nhãn phải được huớng đi trước, ánh mắt phải được đánh đi trước cùng với sự vận động của tay ; khi dừng thế, ánh mắt nhìn ra xa theo hướng đầu ngón tay trỏ hay ngón giữa, thần nhãn phải chú ý tới 2 bên trên dưới, cổ phải thẳng, thả lỏng và chuyển động theo ánh mắt ; miệng ngậm tự nhiên, hàm dưới hơi thu vào, đầu lưỡi hơi cuốn lên chạm nhẹ vào hàm trên, nhằm tăng cường khả năng tiết nước bọt, như vậy khi luyện tập, cổ họng không cảm thấy khô, tạo thói quen thở bằng mũi, đảm bảo vệ sinh hô hấp.

Vai phải thả lỏng, 2 vai cân đối, không được bên cao bên thấp, khủy tay phải được thả lỏng, khớp khủy tay hơi cong, tập trung ý thức vào đầu khủy khiến cho cánh tay khi co vào duỗi ra được nhẹ nhàng, linh họat mà vẫn có lực ; cổ tay cũng phải linh họat và có lực, cẳng tình yêu trụ vững theo thế gọi là "tọa uyển", các ngón tay duỗi ra, khi bàn tay hòan thành động tác đánh về phía trước, gốc bàn tay cũng đánh mạnh về phía trước theo quán tính, vận lực nhiều ở ngón giữa và ngón áp út. Khi cánh tay vận động, cổ tay cũng phải vận động theo, tay xoay ra hướng ngòai gọi là thuận triền ty, xoay vào hướng trong gọi là nghịch triền ty.

Trên đây là những yêu cầu đối với chi trên.

Phải "Hàm hung bạt bối", có nghĩa là xương quai sanh tương đối ổn định, hơi chìm xuống, cổ ngực thả lỏng, lồng ngực hơi thu vào, khiến các bộ phận bên trong cảm thấy thỏai mái, thuật ngữ gọi là hàm hung ; các cơ lưng cũng phải thả lỏng, 2 xương bả vai vươn ra ngòai, đồng thời cố định lại, dưới tác động của cơ lưng các đốt xương sống cũng phải thẳng và thả lỏng, khớp xương giữ 2 vai (đốt lớn) hơi nhô lên khiến lớp da ở bộ phận này có cảm giác căng ra, thuật ngữ gọi là bạt bối, khiến giữa 2 đốt xương 2 vai có sự thông liền, đồng thời 2 đốt xương này lại hơi cong về phía trước, tạo thuận lợi cho việc "hàm hung bạt bối".

Vận dụng phương pháp hít thở bụng tự nhiên, sử dụng họat động lên xuống của cơ hòanh để "khí trầm đan điền" (dồn khí xuống bụng dưới) khiến bụng dưới được điều dưỡng tốt, không dâng lên, như vậy khi luyện tập sẽ không thở gấp vì thiếu oxy, đồng thời có thể ổn định được trọng tâm. "Hàm hung bạt bối" là tạo điều kiện để "khí trầm đan điền", các cơ ngực và cơ lưng trong trạng thái thả lỏng dần dần thu xuống dưới, khiến vùng quanh eo căng chắc, xương chậu - đùi trụ vững, đồng thời khiến cho phần bụng vô cùng căng chắc trong trạng thái thả lỏng.

Đốt xương cùng luôn luôn phải chiếu thẳng đường chính giữa của phần bụng và ngực, như là đỡ bụng dưới, đường chính giữa của phần bụng muốn quay sang hướng nào đốt xương cùng phải quay thẳng sang hướng đó, có tác dụng như bánh lái điều khiển hướng vận động, đảm bảo giữ cho thân thẳng ở mọi góc độ trong khi vận động, gọi là "xương cùng chính giữa" (vỹ lư trung chính). Đáy hông vùng khớp chậu - đùi phải mở, cơ ở bộ phận hậu môn hơi co lại (không nên co quá), gọi là "treo háng", có mối quan hệ tương hỗ với "hư lĩnh đỉnh kình". Việc cố định xương quai sanh trong "hàm hung" đối xứng trên dưới với việc "khí trầm đan điền", việc đốt sống lớn nhô lên trong "bạt bối" đối xứng trên dưới với việc khớp chậu - đùi có lực. Cố định xương quai sanh là chuẩn bị lực tĩnh cho "hàm hung", đốt sống lớn nhô lên là chuẩn bị lực tĩnh cho "bạt bối".



NHỮNG YẾU LĨNH CƠ BẢN TRONG LUYỆN THÁI CỰC QUYỀN (phần 2)

Khi vận động, eo là là bộ phận quyết định, cơ bụng vận động, cơ lưng cũng vận động theo, đưa đến sự vận động của tứ chi.

trên đây là những yêu cầu về "Hàm hung bạt bối", "Khí trầm đan điền", "eo thẳng thả lỏng", "vỹ lư trung chính", "lỏng hông treo háng", "lực hợp về trước" của phần thân.

Hai đùi phải phân định rõ hư thực, khớp chậu - đùi phải lỏng, khớp gối luôn hơi chùng. Khi vậy động đùi, trước tiên phải thực hiện xong việc chuyển dịch của 1 bên eo, đáy hông hơi thu vào (chuyển dịch vào trong), dồn trọng tâm vào 1 đùi, cơ đùi vận lực, vai bằng với gót chân, lực ở vai phải được đưa xuống tận gót chân, nhằm tăng tính bền vững mà lại không làm mất tính linh hoạt của khớp gối bên đùi thực, khiến chân bước vững chắc, thân người hơi xổm xuống, sau đó chân kia từ từ duỗi ra, khớp gối không quá thẳng, rồi vận lực cơ đùi ; dùng mũi chân vận lực để bước, giữa chừng lại hơi thẳng người lên để tăng thêm lượng vận động mà lại không cứng nhắc ; bước đi phải nhẹ nhàng linh hoạt, cùng với sự chuyển dịch từ từ của trọng tâm, 2 chân phải thay nhau nâng đỡ trọng tâm, để giữ thăng bằng cho toàn thân. Khi thực hiện động tác, ngón chân, bàn chân, gót chân áp thẳng xuống đất, lực của bên chân thực đè xuống, như được cắm xuống đất, khiến bước chân vững chắc, còn bên chân hư thì thay đổi linh hoạt.

Đó là những yêu cầu về phân định rõ hư thực, chùng gối lỏng khớp chậu - đùi, điều chỉnh trọng tâm của chi dưới.

Khi mỗi thế đã vào đúng vị trí, phần eo trong khi thả lỏng phải hơi đè xuống, các đốt sống thả lỏng chìm xuống, khiến khớp xương chậu - đùi có lực ; đốt sống lớn hơi nhô lên, khiến xương chậu - đùi như bị kéo giằng theo 2 chiều lên và xuống. Khớp chậu - đùi được mở gọi là treo háng. Ngực nở, bụng thả lỏng mà căng chắc. Ý nghĩ phải được tập trung tới ngón tay và đầu ngón chân.

Cánh tay vươn ra hướng ngoài và hơi thả chìm xuống, như thả lỏng mà không thả lỏng, phải luôn thể hiện được tư tưởng "nhu trung hữu cương" của Thái Cực Quyền. Như vậy dần dần có thể tăng cường được nội lực. Động tác sẽ nhẹ nhàng linh hoạt, có lực mà lại không cứng nhắc. CHính vào lúc thế trước như dừng lại mà không phải là dừng, thế sau đã được hình thành.

Vai phải luôn luôn vuông góc với hông, khủy phải tương ứng trên dưới với gối, đầu ngón tay phải tương ứng trên dưới với đầu ngón chân, đầu ngón tay của của tay trước có mối quan hệ hô ứng với đầu ngón tay của tay sau, mũi chân trước và mũi chân sau, gót chân trước và gót chân sau cũng phải có mối quan hệ hô ứng với nhau, trên dưới, trái phải, trước sau phải hô ứng với nhau và hợp lại. Muốn hợp lại được với nhau 1 cách tự nhiên, thần khí phải hợ lại trước. Kiểu thế phải viên mãn, nghiêm túc, không tản mạn, không khô cứng, yếu ớt, không nghiêng ngả; khi mở thế không được tiến hành tản mạn, khi các thế được tiến hành liên tục phải thể hiện được uy lực, không được ẻo lả yếu ớt. Thân phải ngay thẳng, tinh thần phải được dồn tích vào trong.

Phàm những tư thế mà đầu ngón tay trước trên thì đối chóp mũi, dưới thì đối mũi chân thuật ngữ gọi là "tam tiêm tương đối". Bất kỳ tư thế nào cũng đều phải vai hợp với hông, khủy tay hợp với gối, tay hợp với chân, thuật ngữ gọi là "ngoại tam hợp". Ý hợp với khí, khí hợp với lực, thuật ngữ gọi là "Nội tam hợp". Mỗi 1 động tác, trước tiên dùng ý thức để điều hành sự vận động bên trong, đồng thời bên ngoài cũng theo đó mà vận động, từ ngoài vào trong, dùng ngoài điều khiển trong.

Mỗi tư thế có 4 giai đoạn : khởi, thừa, chuyển, hợp (phát thế gọi là khởi, tiếp theo gọi lài thừa, biến đổi gọi là chuyển, thành thế gọi là hợp). Thực hiện tiết tiết quán xuyến giữa thế này với thế kia, vào lúc như dừng mà không phải dừng, nội lực dần dần được vận đủ, tinh thần tập trung gọi là "tiết tiết quán xuyến" ; các đốt thả lỏng - các đốt xương toàn thân thả lỏng, đưa ý thức vào chúng, hình thành lực toàn thân 1 cách tự nhiên mà linh hoạt gọi là các đốt thả lỏng ; nói tụ hợp - khi 1 thế đã hình thành thì tứ chi phải có sự hợp lực trên dưới, phải trái, trước sau 1 cách tự nhiên. Trong đó ta phải biết được cái nào trước cái nào sau, khiến động tác được tiến hánh cách tuần tự. Trong quá trình thực hiện động tác không được dứt quãng, trong ngoài, trên dứoi, phải trái, trước sau phải hài hòa thống nhất ; phải thực hiện được "nội ngoại hợp nhất", "tiết tiết quán xuyến", "nhất khí ha thành"

NHỮNG YẾU LĨNH CƠ BẢN TRONG LUYỆN THÁI CỰC QUYỀN (phần 3)

Khi tập quyền, thế này nối tiếp thế kia, liên hoàn, liên tục, càng tập càng lỏng, càng chậm, khiến cho việc hít vào thở ra càng nhỏ, càng sâu, càng dài và càng đều, nội tạng dần dần săn chắc, lực chân dần dần bền vững, thể lực được tăng cường, có thể giữ được thăng bằng cơ thể ở mọi góc độ, lại có thể biến hóa linh hoạt, nhanh chóng.

Tư thế thân người cao, vừa hay thấp, điều này phải căn cứ vào điều kiện thể lực và mức độ thành thục củ người tập mà quyết định. Lượng vận động lớn hay nhỏ được quyết định bởi tư thế thân người.

Phương pháp luyện tập cao mà nhanh thì lượng vận động nhỏ, còn thấp mà chậm thì lượng vận động lớn. Việc tăng lượng vận động phải tiến hành từ từ, phải căn cứ vào khả năng của mỗi người để xác định lượng vận động cho mình, đồng thời phải luôn điều chỉnh cho phù hợp với tiến độ luyện tập.

Khi tập toàn bài, phải xác định tư thế thân người ngay từ đầu, và phải luôn luôn giữ ở 1 mức độ, không được thay đổi giữa chừng, làm ảnh hưởng tiết tấu của toàn bài.

Đối với những người luyện tập để chữa bệnh phải tuân thủ nguyên tắc nhẹ nhàng, thoải mái, tự nhiên, tập với mức độ hơi ra mồ hôi. Khi bắt đầu tập với tư thế cao, nếu thấy khớp gối đau không chịu được thì nên nghỉ, sau tập tiếp. Không nên tập theo phương pháp khổ luyện của những người muốn đạt tới trình độ kỹ thuật cao.


Huỳnh Quang Vũ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét