Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Sợ hãi & các biện pháp hóa giải của Phật giáo


Khái niệm về sự sợ hãi
Trong cuộc sống, không ít người cảm thấy rất sợ trước một số đối tượng, hoàn cảnh hay tình huống cụ thể nào đó. Những sự lo sợ ấy thường tồn tại rất lâu và chúng trở thành nỗi ám ảnh trong đời sống của họ. Có những sự sợ hãi là kết quả của những sự kiện tổn thương, bất hạnh ở trong quá khứ. Tuy nhiên, hầu hết những sự lo sợ đó đều rất vô lý. Các nhà tâm lý học gọi những nỗi sợ ấy là sự sợ hãi.
Sự sợ hãi có thể được hiểu là nỗi lo sợ quá mức và kéo dài về những đối tượng, hay những tình huống, hoàn cảnh cụ thể nào đó, và nó trở thành nỗi ám ảnh, khiến người ta tìm cách né tránh những đối tượng, hoàn cảnh gây ra nỗi sợ hãi cho họ. Nhìn chung, sợ hãi được hình thành bởi sự phóng đại sự thật, bởi suy luận thiếu cơ sở về những thứ mà người ta tiếp thu trong thế giới hiện tượng.
Sự sợ hãi thường khiến cho người bệnh lo âu và cảm thấy bất an. Vì lo sợ nên họ thường tìm cách né tránh những tác nhân khiến họ sợ hãi, và điều này gây ra những rối loạn, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt thường nhật trong cuộc sống của họ. Sự sợ hãi có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng và sự tự tin của người bệnh. Khi sợ hãi quá mức và dai dẳng, nỗi sợ hãi ấy sẽ trở thành nỗi ám ảnh thường trực. Nếu như không có biện pháp hóa giải thích ứng thì người bệnh dễ bị rơi vào trạng thái stress nặng.

Những nguyên nhân gây ra sợ hãi
Các nghiên cứu trong tâm lý học đã chứng tỏ rằng, sự sợ hãi được hình thành bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể là:
sohai-2.jpg
- Do tích lũy kinh nghiệm từ cuộc sống. Những thông tin, kiến thức và kinh nghiệm mà chúng ta thu thập được trong đời sống xã hội có thể là những nhân tố khá quan trọng trong sự hình thành các nỗi sợ hãi. Ví dụ, một người thường nghe tin về tai nạn máy bay có thể tạo ra ở người đó nỗi sợ đi máy bay. Những điều kiện và hoàn cảnh sinh hoạt mà ở đó tạo ra các phản ứng khó chịu, khiến người ta cảm thấy bất an và sự tiếp xúc dần dần với điều kiện, hoàn cảnh sinh hoạt đó cũng là nhân tố gây nên sự sợ hãi.
- Do những sang chấn tâm lý. Những sang chấn tâm lý là nhân tố quan trọng gây ra các nỗi sợ hãi. Ví dụ, một người bị chó cắn có thể khiến cho người đó sợ chó.

- Do những động lực tâm lý. Các động lực tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra sự rối loạn tâm lý. Các động lực tâm lý ấy thường là các ham muốn thuộc về bản năng của con người.
- Do các yếu tố sinh học. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tính hoạt hóa cao của các đường mòn trên não bộ tương ứng với những yếu tố cấu thành nhận thức, xúc cảm của sự lo âu, và về mặt sinh học thì chúng khiến cho cá nhân dễ bị những nỗi sợ hãi cụ thể.
- Bẩm chất của gen di truyền và quan hệ huyết thống gia đình cũng ảnh hưởng đến tâm lý của con người, gây ra các nỗi sợ hãi. Một cá nhân có một thành viên trong gia đình bị chứng sợ hãi cụ thể thì nguy cơ bị mắc chứng sợ hãi cụ thể ở người đó cao hơn. Nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng, có sự tương tự về các chứng sợ hãi giữa các thành viên trong gia đình. Đặc biệt là chứng sợ máu, sợ kim tiêm, chúng chịu sự ảnh hưởng lớn từ gia đình.
- Yếu tố văn hóa xã hội cũng đóng một phần nhỏ trong quá trình hình thành nên các chứng sợ hãi. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị các chứng sợ hãi cụ thể cao hơn so với người da trắng.
- Các thay đổi về phương diện cá nhân cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến sự sợ hãi. Các nghiên cứu cho rằng có sự liên hệ giữa độ tuổi với những sợ hãi cụ thể và sự hiểu biết sâu sắc về chứng sợ hãi của bản thân. Sự hiểu biết sâu sắc ấy tăng lên cùng với tuổi tác. Sợ các loài động vật và sợ các yếu tố môi trường là những chứng sợ hãi rất phổ biến ở trẻ em. Và nghiên cứu còn cho thấy rằng chứng sợ động vật ở nữ phổ biến hơn so với nam, người nữ bị các chứng sợ hãi và tìm đến các phương pháp chữa trị nhiều hơn so với nam.

Quan điểm của Phật giáo về sự sợ hãi
Theo Phật giáo, sợ hãi là một loại cảm giác không dễ chịu, không làm cho chúng ta hài lòng. Hay nói cách khác, sợ hãi là một dạng của khổ đau. Và nguyên nhân sâu xa của sự sợ hãi là do tâm chấp ngã, do nhận thức sai lầm của con người. Vì chấp ngã, vì nhận thức và tư duy theo đường hướng sai lầm khiến cho lòng vị kỷ, tâm tham luyến, sân hận càng ngày càng lớn mạnh. Đấy là những chất liệu tiềm tàng, và là nguyên nhân căn bản gây nên sợ hãi và làm cho lòng sợ hãi càng ngày càng nhiều và càng sâu nặng thêm. Tại sao như vậy? Tại vì cuộc sống là vô thường, tất cả mọi sự vật hiện tượng trong thế giới này đều luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng. Con người không thể nào kiểm soát và làm chủ hết được trong tất cả các tình huống, hoàn cảnh sống. Chính vì không làm chủ được, không kiểm soát được, lại không muốn mất đi những gì người ta quý mến, yêu thích, những gì người ta đang sở hữu, và không muốn cái ngã của mình bị tổn thương cho nên sợ hãi.
Tương tự như trong tâm lý học, ngoài những nguyên nhân căn bản, sâu xa và ẩn tàng trong tâm thức của con người, Phật giáo cũng cho rằng sự sợ hãi được hình thành do các tác nhân trực tiếp gây ra, như là những thông tin, tri thức mà chúng ta thu lượm được qua các kênh thông tin xã hội trong đời sống hàng ngày; do hoàn cảnh, điều kiện sống mà sự sợ hãi dần dần được hình thành; do những tổn thương tinh thần, những sang chấn tâm lý. Và Phật giáo cũng không phủ nhận sự góp phần của các yếu tố sinh học, yếu tố di truyền, quan hệ huyết thống, cũng như các nhân tố văn hóa xã hội trong việc hình thành sự sợ hãi và làm cho chúng càng ngày càng sâu nặng.
Theo Phật giáo thì tất cả những gì chúng ta suy nghĩ, những đối tượng, hoàn cảnh chúng ta tiếp xúc hàng ngày, tất cả những tác nhân bên ngoài tác động, ảnh hưởng đến chúng ta đều để lại dấu ấn trong tâm thức của mình. Nói cụ thể hơn là chúng được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Những thứ được lưu giữ trong tàng thức này sẽ tồn tại khá lâu, có thể là vài năm, và chục năm, thậm chí là vài trăm năm, hoặc kéo dài từ đời này sang đời khác, và chúng có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của chúng ta. Dấu ấn càng sâu đậm thì sự lưu trữ càng lâu dài và càng khó bị phai mờ trong tâm thức của chúng ta. Điều này giúp cho chúng ta hiểu được tại sao những sang chấn tâm lý, những tổn thương tinh thần có thể hình thành nên sự sợ hãi và chúng ám ảnh chúng ta mãi. Tại vì những sang chấn, tổn thương ấy đã tạo ra dấu ấn trong tâm thức của chúng ta, và chúng được lưu trữ trong tàng thức, khi gặp cảnh thì những dữ kiện được lưu trữ ấy sống dậy, toàn bộ những gì đã diễn ra liên quan đến sự sang chấn, tổn thương trước đó được tái hiện lại trong tâm trí chúng ta như là một bộ phim quay chậm lại, và chúng tác động lên tư duy, hành động của chúng ta, khiến chúng ta sợ hãi và tìm cách né tránh.
Không những thế, sự lưu trữ dữ liệu trong tàng thức còn là cơ sở để chúng ta lý giải về những sự sợ hãi vô lý. Tại sao từ nhỏ một số người đã sợ bóng tối, sợ đi trong đêm, trong khi họ chưa hề bị tổn thương, bị sang chấn gì do bóng tối gây ra, và cũng chưa nghe thông tin gì về những nguy hiểm trong bóng tối kể từ khi họ sinh ra? Điều này chỉ có thể giải thích là có lẽ họ đã bị tổn thương, bị những sang chấn tâm lý bởi bóng tối gây ra từ trong kiếp quá khứ, và những tổn thương, sang chấn ấy đã được lưu giữ trong tàng thức của họ, chúng đã không mất đi khi họ tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác, cho nên sự ám ảnh về nỗi sợ bóng tối vẫn không hề mất đi.
Trong nhiều nỗi sợ hãi thì theo đạo Phật, sợ chết là một sự sợ hãi lớn mà hầu như ai cũng có, và những liệu pháp tâm lý bình thường không thể nào giúp cho người ta hết sợ chết được. Chết là một sự thật mà không ai có thể trốn chạy được. Mọi sự vật hiện tượng trong cõi đời này đều tuân theo quy luật vô thường, hễ có sinh ra thì ắt phải có sự hoại diệt. Sở dĩ con người sợ chết là vì người ta còn có chấp thủ, còn luyến ái, không muốn nếm mùi khổ đau do sự quằn quại thân xác trong giờ phút lâm chung, không muốn mất đi những gì đem đến niềm vui và hạnh phúc cho cuộc đời họ, không muốn mất đi những thứ mà họ đã khổ công gầy dựng, đeo đuổi. Có nhiều người bị cái chết ám ảnh đến độ hễ nghe đến từ chết là nổi da gà, hồn xiêu phách lạc.
Nhận chân được căn nguyên của sự sợ hãi mà con người thường mắc phải, cho nên đức Phật đã dạy nhiều phương pháp rất hữu hiệu cho việc hóa giải các chứng sợ hãi.

Vận dụng giáo lý đạo Phật để hóa giải sự sợ hãi
Giáo lý đạo Phật được gọi là khế cơ và khế lý, cho nên khi vận dụng vào việc hóa giải sự sợ hãi cũng tùy theo đối tượng, tùy theo chứng bệnh mà áp dụng những phương pháp tương ứng. Nhìn chung, có ba phương pháp hóa giải cơ bản:
sohai-3.jpg
Trước hết là phương pháp thay đổi nhận thức và cách tư duy. Có thể khẳng định rằng, đây là phương pháp quan trọng nhất và áp dụng cho hầu hết các trường hợp bị chứng sợ hãi. Theo quan điểm của đạo Phật, tâm là yếu tố đóng vai trò quan trọng, quyết định đến đời sống tinh thần, đến tính chất của đời sống con người. Phần lớn các chứng sợ hãi đều có yếu tố nhận thức, tư duy lệch lạc của cá nhân góp phần vào. Thậm chí ngay cả những sợ hãi do sang chấn, tổn thương trong quá khứ gây ra cũng có sự góp phần của yếu tố nhận thức. Phương pháp thay đổi nhận thức, điều chỉnh lối tư duy này đã được các nhà tâm lý học sử dụng rộng rãi trong quá trình điều trị các chứng bệnh tâm lý, phương pháp ấy được gọi là liệu pháp nhận thức. Với phương pháp này, những người trợ giúp (có thể là các chuyên gia tâm lý, hoặc là những người bình thường nhưng có hiểu biết nhất định về tâm lý học lẫn Phật học) sẽ giúp cho người mắc chứng sợ hãi nhận thấy sự vô lý, sai lệch và phóng đại của họ về tác nhân khiến cho họ sợ hãi thông qua sự tiếp xúc, trao đổi cởi mở với nhau. Sau khi đã biết được những yếu tố gây nên sự sợ hãi thì người trợ giúp sẽ tùy theo đó mà đưa ra những luận điểm, luận chứng thích hợp để giúp người bệnh điều chỉnh sự nhận thức và lối tư duy lệch lạc của họ.
Thứ hai là phương pháp tiếp cận dần dần với đối tượng gây sợ hãi. Với phương pháp này thì người mắc chứng sợ hãi phải đối diện với đối tượng sợ hãi của họ. Tuy nhiên không phải là đối diện một cách trực tiếp, đường đột, mà là tiếp cận từ từ, đối diện từ gián tiếp rồi dần dần chuyển qua trực tiếp. Có ba lối tiếp cận khác nhau: một là chính bản thân người bị sợ hãi tiếp cận dần dần với đối tượng làm cho họ bị sợ hãi, hai là người bị sợ hãi tiếp cận đối tượng gây sợ hãi với sự trợ giúp, cùng tham gia của người khác, và ba là kết hợp cả hai cách tiếp cận trên cùng một lúc. Tại sao sự tiếp cận dần dần này có thể đem lại hiệu quả trong quá trình hóa giải sự sợ hãi? Bởi vì trong quá trình tiếp cận dần dần như thế, chúng ta làm suy giảm sự sợ hãi bằng cách kết hợp giữa sự kích thích gây ra sự sợ hãi ấy với một phản ứng mới xung khắc với nó. Và phản ứng này sẽ dần dần thay thế cho sự sợ hãi đó. Hơn nữa, khi tiếp cận dần dần như thế thì sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh trong nhận thức của người bệnh. Họ sẽ ý thức một cách đúng đắn, thích hợp hơn về đối tượng gây sợ hãi, và sự phóng đại về các mối nguy hiểm, về những đặc tính tiêu cực của các đối tượng gây sợ hãi ấy được giảm xuống. Chẳng hạn như một em bé bị chứng sợ mèo, chúng ta có thể cho em bé đó tiếp cận dần dần với mèo bằng cách cho em nhìn hình ảnh các con mèo qua bức tranh, hoặc cho xem hình ảnh các con mèo trên truyền hình, đồng thời cho em bé ăn loại bánh kẹo mà em thích. Khi em bé đã quen với hình ảnh các con mèo rồi thì chuyển qua một giai đoạn khác, đặt con mèo trong tầm nhìn của em bé, không khiến cho em bé sợ hãi, cùng lúc, cho em bé ăn bánh kẹo, tập như thế dần dần và càng ngày thì khoảng cách giữa em bé với con mèo càng rút ngắn lại. Tập luyện như thế một thời gian thì em bé sẽ không còn sợ hãi khi nhìn thấy con mèo bên cạnh mình nữa. Trong trường hợp này, cảm giác thích thú, dễ chịu được tạo ra do ăn bánh kẹo xung khắc với cảm giác sợ mèo. Cảm giác sợ mèo bị suy yếu và dần mất đi do cảm giác thích thú, dễ chịu đã thay thế thông qua quá trình tiếp cận dần dần.
Phương pháp tiếp cận dần dần, dùng đối tượng khác để thay thế này đã được Đức Thế Tôn chỉ dạy rất rõ trong các phương pháp tu tập để đối trị, chuyển hóa các tâm bất thiện. Ví dụ như để đối trị tâm tham lam, Đức Phật dạy thực hành pháp bố thí. Khi tâm hạnh bố thí được lớn mạnh thì tâm tham lam sẽ bị yếu đi. Hoặc là để trải tâm thương yêu đến với những người chúng ta ghen ghét, thù hận thì Đức Phật dạy chúng ta cách tu tập tâm từ bi một cách có thứ tự, trước hết là đối với những người thân yêu nhất của chúng ta, rồi sau đó mới phát triển dần dần cho đến những người chúng ta ghen ghét. Việc hóa giải sự sợ hãi cũng dựa trên nguyên tắc tiếp cận dần dần này.
Qua đây chúng ta có thể kết luận rằng, đối với những trường hợp sợ hãi cụ thể, sợ hãi một cách vô lý, và nhiều khi chính những người mắc chứng sợ hãi ấy cũng cảm thấy sự sợ hãi của họ là vô lý, là không có căn cứ, thì tiếp cận dần dần là một phương pháp phù hợp và hiệu quả nhất cho việc hóa giải chúng.
Và phương pháp thứ ba là hành thiền hoặc niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ tát hay trì chú, cầu nguyện. Đây là phương pháp đặc thù của Phật giáo. Khi chúng ta sợ hãi, có nghĩa là nội lực của chúng ta chưa đủ mạnh, chúng ta thiếu tự tin. Phương pháp thứ ba này sẽ làm cho nội lực của chúng ta mạnh hơn, tự tin hơn. Người mắc chứng sợ hãi có thể chọn một trong số những biện pháp cụ thể trong phương pháp thứ ba này để áp dụng sao cho thích hợp với tình huống, hoàn cảnh của bản thân. Chẳng hạn như đối với người bị chứng sợ đi máy bay, để hóa giải nỗi sợ hãi này, người ấy có thể trì niệm danh hiệu của Bồ tát Quán Thế Âm, vị Bồ tát đã phát nguyện cứu khổ, cứu nạn cho mọi loài chúng sanh. Khi niệm danh hiệu của Bồ tát một cách chuyên chú, tâm không còn nghĩ tưởng, không còn bị chi phối bởi những tạp niệm khác nữa, ngay cả ý niệm sợ đi máy bay cũng không xen vào trong tâm trí được. Hơn nữa, khi người ấy trì niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, nhờ lòng tin sâu sắc vào tâm nguyện cứu khổ, cứu nạn của Bồ tát, tin vào tha lực của Bồ tát, cho nên nội lực của người ấy cũng được vững vàng hơn, tự tin hơn. Để tiến thêm một cấp độ nữa, người sợ đi máy bay ấy có thể thực tập từ bi quán, phát khởi tâm từ bi và trải rộng đến tất cả những người trên chuyến bay mà vị đó đang đi. Niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm và cầu nguyện Ngài gia hộ cho tất cả mọi người được an toàn trong suốt chuyến bay, chứ không chỉ cho riêng bản thân mình. Với định lực trì niệm danh hiệu Bồ tát và lòng từ bi tràn ngập như thế thì không còn chỗ cho nỗi sợ đi máy bay tồn tại nữa.
Phương pháp thứ ba này có phạm vi áp dụng rất rộng, có thể áp dụng cho tất cả các nỗi sợ hãi mà con người thường mắc phải, như là sợ bóng tối, sợ những nơi quá vắng vẻ, sợ các con vật, sợ độ cao, sợ nước,... và ngay cả sợ chết.
Hầu hết các chứng sợ hãi đều có thể hóa giải bằng các liệu pháp tâm lý. Chỉ có một nỗi sợ mà tâm lý học không thể nào hóa giải được, đó là sợ chết. Chỉ có giáo lý đạo Phật mới có thể giúp cho người ta thoát khỏi nỗi ám ảnh của cái chết. Chúng ta sợ chết vì chúng ta còn chấp thủ, còn luyến ái. Chúng ta sợ phải rời xa những người chúng ta yêu quý, sợ mất đi những tài sản, công danh, địa vị,... Thế nhưng, một khi thần chết gõ cửa thì ngay cả sinh mạng của chúng còn không giữ được, huống gì những thứ bên ngoài. Chính vì vậy mà hầu như ai cũng sợ chết. Sự chấp thủ và luyến ái càng nặng thì càng sợ chết. Với phương pháp quán chiếu về vô thường, vô ngã, sống trọn vẹn trong giờ phút hiện tại, bây giờ và ở đây, và quán chiếu về vòng luân hồi sanh tử của kiếp sống, Phật pháp có thể giúp cho mọi người thoát ra khỏi nỗi sợ chết, không còn bị cái chết ám ảnh nữa.
Tất cả mọi người đều có thể có được sự lợi ích khi áp dụng các phương pháp này để hóa giải sự sợ hãi của bản thân. Người bị sợ hãi có thể vận dụng một hay hai, hoặc thậm chí là cả phương pháp ấy để hóa giải sự sợ hãi của mình. Tuy nhiên, người nào có hiểu biết về đạo Phật, càng có niềm tin sâu sắc vào đạo Phật thì tính hiệu quả càng cao.
Quảng Trí

LÀM SAO ÁP DỤNG PHẬT PHÁP VÀO ĐỜI SỐNG

Lâu nay ở quê nhà, có một số Phật tử phát tâm tu học và đủ điều kiện thực hành công phu tu tập. Qua tiếp xúc, chúng tôi biết nỗi ưu tư lớn của quí vị là “Làm sao áp dụng được Phật pháp một cách chín chắn vào đời sống của mình?”. Phật tử cũng nhận biết rõ nếu như chỉ hiểu Phật pháp, dù hiểu nhiều, hiểu sâu sắc, nhưng thiếu phần áp dụng chúng ta cũng không thể gọi là người thâm nhận hoặc hưởng được giá trị thiết thực của Phật pháp.

Quả thật như thế, dù chúng ta có để tâm nghiên cứu học hỏi các phương pháp tu hành thật nhiều, nhưng không có phần hành trì, không hạ thủ công phu, thì cái hiểu của chúng ta cũng chỉ là hiểu, là kiến giải thôi. Vì vậy quí Phật tử nên quan tâm đến phần thực hành nhiều hơn. Công phu là công phu của chính mình, chứ không phải của ai hết. Chúng ta cũng không thể đợi chờ, ỷ lại vào một vị thầy nào. Ngay bây giờ, điều thiết yếu nhất là mỗi vị phải áp dụng tu hành. Người xưa dạy: Phật pháp không nhiều, người bền lâu khó có. Học đạo như tâm ban đầu thì thành đạo hẳn có thừa. Trước sau không hề đổi, mới thật là người học Phật.

Qua lời dạy trên chúng ta thấy rõ, hiểu sâu hay nghiên cứu nhiều, mà không quan tâm đến phần hành, phần tu thì không mong có ngày thành tựu. Phật pháp không nhiều, quí ở giữ tâm ban đầu, thực hành chuyên nhất, mới thật là người để tâm tới việc học Phật. Chúng ta nắm được chìa khóa, biết cách mở cửa, chúng ta có thể mở được cửa vào nhà. Người đủ điều kiện mở cửa vào nhà mà cứ đi loanh quanh bên ngoài, chưa chịu mở cửa vào nhà, thì vẫn chịu kiếp lang thang.

Chư Phật, Bồ-tát, các bậc Thánh hiền, những vị thiện hữu tri thức của chúng ta đều đã qua các giai đoạn thể nghiệm thật là sâu sắc, đến nơi đến chốn, do vậy các ngài được an lạc. Những gì các ngài dạy lại chúng ta đều từ sự thể nghiệm ấy. Người tu Phật không phải là triết gia, không phải thi sĩ, không phải học giả, mà là một người hành giả. Chúng ta chỉ có thể căn cứ từ nơi mình mà luận bàn, hơn là cứ tìm tòi chạy kiếm bên ngoài. Chúng ta nói tu học, nói áp dụng Phật pháp mà không trị được phiền não, không hết điên đảo lăng xăng, những mê mờ còn đọng lại trong lòng quá nhiều thì chưa thể gọi là tu Phật. Bởi vậy gặp chướng duyên tập khí tham, sân, phiền não, ganh tỵ, đố kỵ… dấy khởi lẫy lừng. Cho nên người con Phật phải quan tâm đến việc tu học của mình.

Người xưa dạy Phật pháp không có nhiều, tức là pháp Phật nói ra chung quy cũng chỉ có những điểm then chốt, chỉ mê khai ngộ giúp chúng sanh ta nhổ sạch gốc vô minh, phiền não. Những ai nhận được, hành trì đúng đắn, thể nghiệm hay sống được với thật pháp, nhất định có an lạc. Không nhất thiết chúng ta phải hành trì hết cả loạt những kinh điển đã được học, chỉ cần hành một phần nào trong đó thôi, cũng đã có an lạc rồi. Có khi ta học nhiều, nhớ thuộc, hiểu biết, trình bày càng nhiều càng làm loạn tâm thêm. Bởi vì như thế là tăng trưởng kiến giải, mà tăng trưởng kiến giải thì không thể an định được.

Chúng ta chỉ cần hiểu những điều chính yếu và khế hợp với căn cơ của mình thì có thể ứng dụng tu được rồi. Nắm được phương thức đó, nhất định chúng ta sẽ giác ngộ, giải thoát. Người xưa dạy Phật pháp không nhiều rất hay, bởi vì nếu Phật pháp nhiều, chúng ta sẽ không hành trì hết. Ta hành trì pháp thích hợp với mình, còn những phần khác hiểu qua thôi. Ví dụ kiểm nghiệm lại bản thân mình hay nóng nảy, nhớ lời Phật dạy quán từ bi trị bệnh nóng nảy thì nhắm thẳng phương pháp đó mà hành, nhất định hành cho đến nơi đến chốn. Có thế ta mới trị được bệnh nóng nảy của mình.

Học Phật pháp là để trị bệnh. Bệnh của chúng sanh là bệnh từ nhiều đời, nên thời gian điều trị không thể mau được. Do chúng ta mê lầm nên bị cuốn theo dòng thác sanh tử. Những tật xấu, những tập khí, những tham sân phiền não đã ăn sâu gốc rễ, nếu không bền lòng tận lực thì khó mong hết nổi. Biết như thế, bây giờ chúng ta nhắm ngay bệnh của mình mà trị. Chúng tôi rất tâm đắc với lời dạy Phật pháp không có nhiều. Chỉ cần nắm phần chính, phần thực sự khế hợp với mình và quyết tâm hành trì.

Phật pháp mình hiểu là để áp dụng cho mình, trị bệnh của mình. Những huynh đệ đồng tu đồng học là những người cùng một lý tưởng, một khuynh hướng, một nhân duyên với mình. Đối với những vị này chúng ta nên hỗ trợ động viên để cùng tu cùng học. Thật ra nói cùng tu cùng học chứ thực tình việc tu học là cho chính mình, chứ không cho ai hết.

Người lâu bền khó có, là người có kiên tâm, có ý chí hành trì Phật pháp đến nơi đến chốn thật hiếm. Không phải không có, nhưng rất hiếm. Bản thân chúng ta cũng vậy, buổi sáng vui buổi chiều buồn, sáng phấn khởi, giữa trưa lại muốn bỏ cuộc, đại khái như thế. Nghĩa là chúng ta có bệnh bất nhất. Bởi bất nhất nên phần hành có nhưng quyết tâm bền chí, dũng mãnh tu tập cho đến nơi đến chốn thì rất ít người được. Người xưa phát tâm tu tập chừng nào bằng Phật mới vừa lòng, về phần này chúng ta thua người xưa nhiều.

Nghiên cứu lại lịch sử tu hành của các tổ Trúc Lâm, chúng ta thấy Sơ Tổ Trúc Lâm, là một ông vua anh hùng của dân tộc. Khi Ngài đi tu đã hành hạnh đầu đà, đạt đạo dưới rừng trúc nên gọi là Tổ Trúc Lâm. Chúng ta cứ ngỡ một người quyền uy như thế, hưởng thụ như thế, chắc không tu nổi, mà nếu có tu cũng dễ rơi vào tình trạng bất nhất của mình. Nhưng không! Ông vua Việt Nam đi tu, lên rừng trúc tu hạnh đầu đà năm sáu năm trường, ngộ đạo rồi mới ra hoằng pháp lợi sinh. Cho nên bây giờ mới có hai bài Ngài viết để lại cho chúng ta là “Cư trần lạc đạo phú” và “Đắc thú lâm tuyền thành đạo”.

Người xưa đã làm được thì ngày nay chúng ta cũng làm được. Tổ thời Trần của tu như vậy, chúng ta cũng tu được như vậy. Các Ngài tu đắc lực, giác ngộ sáng được việc của mình, hôm nay chúng ta tu cũng giác ngộ, sáng được việc của mình. Bởi vì tinh thần giác ngộ, siêu thoát đó không dành riêng cho ai. Nó là thành quả dành cho các hành giả có tâm quyết liệt, khẳng định trong công phu tu tập. Vì vậy người tu phải có ý chí, kiên tâm bền bĩ, nhất định tu thành công.

Tâm ban đầu của chúng ta nếu được gìn giữ bảo quản liên tục, thì không có khó khăn nào, trở ngại nào ngăn cản bước chân ta nổi. Tâm ban đầu là tâm giác ngộ, tâm cầu thành Phật. Người tu nếu phát khởi tâm đó rồi, nuôi dưỡng liên tục trong suốt quá trình tu hành, nhất định tu sẽ thành công. Quý Phật tử nên nhớ phải phấn chí phát nguyện tu hành chừng nào bằng Phật mới vừa lòng mình, không thay đổi, không vì một sự duyên gì làm trở ngại việc tu hành cả. Nếu tất cả những người con Phật phát tâm tu hành, phát tâm học đạo giữ được tâm ban đầu của mình thì số người thành Phật rất nhiều.

Chúng ta có thấy được chỗ thâm yếu, vi diệu của Phật pháp thì mới phát tâm tin kính hướng về. Tu hành là tự nguyện, chứ không phải ai bắt buộc hết. Chúng ta phát tâm tìm hiểu, đến với đạo và học đạo. Chắc chắn quí vị thấy được giá trị đặc biệt của đạo mới đến với đạo. Ở ngoài đời, nếu nói về danh vị, nhiều Phật tử đã có danh vị, nhưng rõ ràng nó không thật sự đem đến an lạc, nên quí vị mới hướng về đạo. Khi vào đạo, biết được giá trị của đạo, chúng ta mới quyết tâm hành trì. Dù công phu có những trở ngại, nhưng cảm nhạân giá trị của đạo, chúng ta quyết tâm từng bước đi lên, như thế nhất định sẽ sáng đạo.

Sáng đạo là gì? Chúng ta có thể sáng đạo được không? Được. Trước nhất nói đến tinh thần áp dụng đạo vào trong sống. Có người bảo: Đạo lý thì nói giải thoát mà đời sống là va chạm, phiền não, lăng xăng… Hai con đường ngược nhau, làm sao áp dụng để đạt đạo? Thưa quý vị, nghe qua thì như thế, nhưng thực sự đạo lý là để áp dụng vào đời sống. Đời sống có phiền não lăng xăng mới có chỗ cho chúng ta áp dụng đạo lý chứ. Chính cái mâu thuẫn ấy mới giúp chúng ta thành tựu được đạo lý trong cuộc đời. Người tu phải khéo, khéo áp dụng thì lợi lạc của đạo lý nằm trong tầm tay. Chúng ta có thể nắm được, đến được, sống được đạo lý đó. Và vì thế, chúng ta có thể an lạc, giải thoát.

Trước chúng ta có những bậc huynh trưởng, các ngài đã thành tựu. Ngày nay trên bước đường chúng ta đi, có bản đồ, có sự chỉ dẫn rõ ràng của những người đi trước, nhất định chúng ta cũng sẽ thành tựu nếu chịu cất bước. Song, nếu thiếu tâm bền lâu, không có ý chí thì khó mong thành tựu. Người tuy hiểu đạo nhưng không có tâm bền lâu, không có ý chí, sự hành trì một nắng mười mưa, bước tới một bước bước lùi ba bước, thì đi tới đâu. Thành ra ở đây đòi hỏi chúng ta phải có ý chí. Có ý chí làm việc gì cũng đến nơi đến chốn. Người gặp khó khăn bỏ cuộc, gặp trở duyên nản lòng sẽ không đi tới đâu.

Khi thấy được chỗ thâm diệu đặc biệt của giáo pháp, chúng ta học và yên tâm hành trì, nuôi dưỡng phát huy ý chí. Phải kiên cường, phải bền lâu, phải vững mạnh. Năm này chúng ta chưa làm được thì cuối năm hoặc đầu năm tới phải làm được. Ta không bỏ cuộc, không nản lòng, mà kiên tâm dứt khoát sẽ thực hiện được. Người có công phu hành trì rồi thì lòng sẽ rực sáng. Chúng ta khắc phục được một phiền não, trị được một cái dở của mình là bước được một bước trong công phu, trong lòng ta có niềm vui, có sự phấn khởi. Niềm vui đó sẽ là đà tiến, là cơ hội để chúng ta bước tới. Niềm vui đó lần lần sẽ tròn đầy, sáng rực trong lòng chúng ta.

Người tu theo đạo Phật nếu không vững niềm tin, không có niềm vui, sẽ không tu đến nơi đến chốn. Những niềm vui ấy không phải tìm bên ngoài, mà lưu xuất từ công phu hành trì của chúng ta. Ví dụ trước khi bắt đầu công phu, mình có bệnh nghe ai nói trái tai là hờn trong lòng. Hờn rồi tự nhiên bủn rủn, không muốn tu hành nữa, công phu cũng công phu mà dã dượi, không có nhuệ khí, không tăng tiến được. Những loại phiền não nho nhỏ như thế len lỏi trong lòng, chúng ta không có cách đẩy lui, nó sẽ phát triển. Nó phát triển trong các sự duyên, trong đời sống, trong tiếp cận hằng ngày của chúng ta. Càng phát triển nó càng làm mình không muốn tu nữa, cuối cùng tâm Bồ-đề lui sụt và chúng ta mất hết công phu, bỏ tu luôn.

Tôi nói những tùy phiền não thôi, không phải những phiền não chính như tham, sân, si mà còn nguy hại như vậy. Nếu chúng ta không có cách trị nó, chúng sẽ phát triển. Một hôm nào đó cái buồn sẽ buồn hơn, cái hờn sẽ hờn hơn v.v... Từ đó chúng ta không còn năng lực tăng tiến trên đường đạo. Tâm cứ u mê, mờ mờ mịt mịt, buồn thì không buồn hẳn nhưng nghe phiền phiền trong lòng, dã dượi lười biếng lắm. Nếu chúng ta không quyết tâm, tùy phiền não khởi lên rất nhiều trong một ngày. Nó ở đâu mình cũng không biết nữa, nhưng cứ hiện ra một cách u u ám ám vậy. Loại này nếu không dứt khoát rất khó trị. Cho nên người không sáng suốt, không quyết tâm đối với Phật đạo khó thực hiện đến nơi đến chốn. Phải mãnh liệt lên, mình mới vui vẻ, tăng tiến được.

Trong sinh hoạt hằng ngày, nếu người tu thiếu sự kiểm soát, thiếu tích cực, chúng ta dễ lạc vào lối dở dở ương ương, không đi tới đâu hết. Thành ra người tu phải tích cực. Vì đây là tự nguyện, tự phát tâm, không ai bắt buộc, việc của mình thì mình phải làm, không đợi ai. Dù chúng ta có trông chờ, cuối cùng mình cũng làm thôi, chứ người ngoài không thể làm thay được. Như bây giờ chúng ta có Thầy, giả dụ Hòa thượng là người đạt đạo, dạy chúng ta tu nhưng mình không cố thực hành theo lời Ngài dạy, cứ để ngoại cảnh len vô phá vỡ sự thanh tịnh của tâm, thì dù Hòa thượng có thương xót, muốn độ bao nhiêu cũng không độ được. Thầy thành đạo mà đệ tử không tu cũng khó thành đạo. Vì đó là việc của mình, Thầy thương là chỉ dạy cặn kẽ phương pháp tu “con phải làm như thế, phải vượt qua như thế …” Nhưng chúng ta vượt qua, chứ không phải Thầy ban cho. Vì vậy quyết tâm hay kiên tâm là để trị bệnh ỷ lại, trông cậy, đợi chờ. Sự vật chung quanh chúng ta luôn đổi thay mau chóng, chúng ta liệu xem có thể đợi chờ được hay không? Hiểu như vậy, tất cả chúng ta phải gắng gổ, khắc phục hành trì. Mỗi người chúng ta là những hành giả phải về đến nhà, hưởng được lợi lạc trong Phật pháp.

Người học đạo phải là người biết rõ, vừa có ý chí vừa biết rõ. Biết rõ cái gì? Biết rõ tâm đạo của mình, biết rõ Phật đạo mình học, biết rõ chỗ đến của sự hành trì. Biết rõ để làm gì? Để chúng ta là chủ nhân ông quyết định cho sự tăng tiến của mình. Học đạo thì tiến cũng mình mà thoái cũng mình. Cho nên người tu Phật phải có tri thức, phải kiên tâm, biết một cách chắc thật mọi việc như thế. Ở đây chúng ta phải hiểu pháp tu, phải hiểu chúng ta. Hiểu được như thế, nhận rõ như thế mới hy vọng Kiến Tánh.

Nói đến từ “kiến tánh”, có khi quý vị nghĩ “chắc điều này chỉ để cho mấy ông tổ, còn mình không kiến tánh nổi”. Không phải thế. Chúng ta tu phải là người vững tin nơi mình có sẵn tánh giác. Đã có sẵn thì việc nhận lại đâu phải quá tầm tay của mình. Người kiến tánh là người thấy được cái thật của mình. Thế thôi. Chúng ta thấy được khả năng tu hành có thể thành Phật của mình. Hoặc trái lại, mình biết bệnh một cách rõ ràng để trị liệu cho mạnh khoẻ trở lại. Chữ Tánh là gì? Tánh là không thay đổi, là chắc thật. Mình thấy được lẽ thật của các pháp, lẽ thật của chính mình, gọi là kiến tánh. Người kiến tánh là người tu hành bảo đảm, chắc chắn không lui sụt nữa. Như vậy có gì đáng sợ lắm đâu, tại sao chúng ta không dám nhận khả năng có sẵn của mình?

Có thể nói, chúng ta tu thì phải kiến tánh. Ở trên tôi nói chúng ta phải hiểu biết, phải thấy rõ. Bây giờ đã hiểu biết, đã thấy rõ thì phải kiến tánh, phải thấy được lẽ thật. Phật dạy: Chúng ta có khả năng làm Phật. Chúng ta có khả năng giác ngộ. Tất cả chúng sanh, không riêng ai hết đều có khả năng đó. Mình nắm chắc như thế, từ đó mà khởi xướng công phu. Chúng ta đến với đạo bằng cái thấy, cái biết của mình, hành đạo cũng từ cái thấy, cái biết ấy tức là cái kiến tánh của mình. Như thế công phu tu tập cũng từ kiến tánh mà sáng đạo. Cái đó mình có thể làm được, thực hiện được, đạt được ngay trong đời này.

Tu thiền không đăït nặng vấn đề tu chứng. Sở dĩ không nói là vì sợ chúng ta lầm chấp, chưa được mà nghĩ đã được. Ở đây với người tu thiền nêu lên tinh thần kiến tánh để chúng ta mạnh mẽ, chuẩn bị công phu tu hành, làm sao sáng được việc của mình. Sáng được việc của mình gọi là người sáng đạo. Người sáng đạo là người thấy được chất Phật, thấy được khả năng làm Phật của mình. Nếu quí vị đi chùa học Phật mà phát nguyện “Con đời đời làm chúng sanh” thì thôi, tu chi cho mệt! Tu mà nguyên xi như thế thì có lợi lạc gì đâu?

Chúng ta biết chất Phật lâu nay mình có sẵn, nhưng chưa có cơ hội để nhận và sống được. Bây giờ mình có thầy có bạn, có Phật pháp chỉ đường, chúng ta phải gột rửa tất cả những gì bu bám xung quanh tánh Phật đó từ lâu nay, để hằng sống được với tánh giác. Đó là việc mình có thể thực hiện được. Trong công phu hằng ngày, có khi thầy chúng ta dạy một phương pháp rất bình thường, nhưng nếu khéo hành trì, chúng ta có thể sáng được việc của mình. Ví dụ hôm trước nhớ tới việc gì quí vị lao theo, tức là bị duyên dẫn đi. Bây giờ việc đó hiện ra, quý vị nhớ tới nhưng bỏ ngay, không lao theo. Đó là nhờ có học Phật, có hiểu Phật pháp, có hành trì, có ngồi thiền, mình biết những thứ đó là vọng tưởng không thật. Do vậy dù nó có hiện ba đầu sáu tay, mình cũng bái bái, không chạy theo nó, không để cho nó kéo mình đi. Vì thế mình dửng dưng bình thường đối với tất cả. Công phu ấy nếu được hành trì liên tục, quý vị sẽ được định tuệ, sẽ là người sáng được việc của mình. Từ đó Phật đạo hiện thành.

Người tu Phật, hành trì theo lời Phật dạy thâm niên, dù không nói sáng đạo hoặc sống đạo, mà tự nhiên bên trong có được Phật chất bình an, nó sẽ biểu hiện ra ngoài. Sự biểu hiện đó cho thấy người ấy rất an lạc, rất bình thản bởi các sự duyên chung quanh. Trong đời sống chúng ta dễ bị động bởi việc này việc kia, cho nên việc tu tập thiền định rất cần thiết. Người dễ bị động là người trong tâm chưa vững hoặc chưa sáng, nên cần phải hành trì Phật pháp nhiều hơn nữa. Nếu kiểm nghiệm thấy mình chưa chủ động được các việc, bên trong chưa sáng chưa vững, thì phải sắp xếp tu tập như thế nào cho vững sáng. Tu tập ở đây không có cách nào an toàn hơn làm sao thấy rõ, biết rõ, chủ động, đừng để mắc míu bởi bất cứ thứ gì. Bị kéo lôi bị mắc míu bởi một cái gì thì sẽ mất mình. Cố gắng làm sao làm chủ được, giữ được sự tỉnh sáng của mình là điều thiết yếu của một hành giả tu thiền.

Chúng ta mỗi người đều có một thói quen sâu dày riêng, nhà Phật gọi là nghiệp. Muốn trị được những thói quen ấy, phải dùng công phu. Muốn trị được thói quen, trước nhất chúng ta phải là người bình tĩnh. Có bình tĩnh mới sáng suốt mà trị được tập nghiệp của mình. Hòa thượng thường dạy phải tỉnh, phải giác. Làm sao lúc nào mình cũng tỉnh cũng giác, nghĩa là an nhiên, bình thường khi tiếp cận tất cả sự việc. Có tỉnh giác, có sáng suốt thì đối với thói quen mình có thể trị được, có thể làm chủ được, không bị nó dẫn đi.

Thói quen là nghiệp. Như người có thói quen hút thuốc, khi hành công phu, họ tự dặn mình phải bớt hút thuốc hoặc bỏ hẳn. Trong điều kiện thuận tiện, không tiếp duyên với thuốc, họ dễ bỏ. Nhưng khi gặp duyên, gặp bạn ghiền thuốc, tự nhiên thói quen cũ hiện ra. Cũng như là người thích nhạc, đi ngang quán nhạc tự nhiên muốn đứng lại nghe hát. Cho nên muốn trị được những tập khí cũ, chúng ta cố gắng làm chủ được mình. Trong công phu chúng ta phải cố gắng, phải phấn đấu mới làm chủ được. Người biết tu như vậy, công phu liên tục trong mọi hoàn cảnh sẽ sáng được việc của mình không khó.

Nếu có công phu, chúng ta sẽ nhận ra được chất Phật của mình, trí tuệ sẽ hiện tiền. Từ đó mọi tập khí không làm gì được chúng ta. Thật ra tập khí sâu dày lắm, tuy mình có công phu, nhưng trị được những hơi hướm đó đòi hỏi phải quyết tâm. Để cho tập khí có cơ hội dấy khởi hoặc phát triển thì công phu hành trì của chúng ta sẽ găïp trở ngại. Nhiều vị hành trì công phu nhiều năm mà thành quả không được bao nhiêu, bởi vì họ không làm chủ được những tập khí. Mỗi người có mỗi khuynh hướng nghiệp tập khác nhau, không ai giống ai cả. Ta tự biết mình có nghiệp tập gì thì nhắm thẳng cái đó mà tu.

Một khi gột rửa được tập khí rồi, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, an lạc, giải thoát. Bấy giờ không nói thành đạo, sáng đạo nhưng chúng ta đạt được tất cả những điều đó. Người xưa có những phương thức hành trì thực tiễn, các ngài đã chỉ dạy lại cho chúng ta. Điển hình như những thiền sư thời Trần, các ngài dạy chúng ta phải nhìn lại mình, không chạy theo bên ngoài. “Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tùng tha đắc.” Nhìn lại mình, soát xét lại mình, không bị những thứ bên ngoài kéo lôi, việc này ai cũng có thể làm được. Chỉ là mình không gan dạ, không làm liên tục nên không thành tựu. Nếu chúng ta gan dạ cố gắng hành trì liên tục như thế, nhất định sẽ đạt được thành quả xứng đáng.

Chúng tôi mong mỏi dù trong hoàn cảnh nào, các Phật tử cũng có thể nắm vững yếu lý Phật dạy và áp dụng được. Lâu nay chúng ta bỏ quên, nên việc tu mất nhiều thời gian, chưa nếm được lợi lạc. Bây giờ chúng ta thấy rõ phương pháp tu, nhất định sẽ đến được chỗ sáng suốt, sống được với giác tánh của mình, không bị những tập khí làm trở ngại. Đời sống thanh thản, giải thoát là đời sống của người con Phật. Thiền Phật giáo Việt Nam, qua kinh nghiệm của các vị tổ sư, các Ngài đã chỉ dạy lẽ thật đó.

Mong tất cả quí Phật tử lưu tâm và cố gắng áp dụng những gì Phật Tổ đã chỉ dạy. Chúng ta đủ duyên hiểu và hành đến nơi đến chốn thì sẽ hưởng được những giá trị an lạc thiết thực nhất trong Phật pháp.

(HT. Thích Nhật Quang)

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Nhận biết mười gốc rễ làm chúng ta đau khổ, phiền não

Phật dạy: Cội gốc của sanh tử luân hồi do các phiền não mê lầm là những dục vọng xấu xa, những ý niệm sai quấy, làm não loạn thân tâm chúng ta. Phiền não rất nhiều, nói rộng thì đến tám muôn bốn ngàn (84.000), nói hẹp lại thì có mười phiền não gốc, gọi là căn bản phiền não. Do mười phiền não gốc nầy mà sanh ra vô số phiền não ngành ngọn (nên xem quyển Tu Tâm, nói rất rõ). Mười phiền não gốc là:

1.- Tham: nghĩa là tham lam. Tánh tham có động lực bắt ta phải dòm ngó, theo dõi những cái gì nó ưa thích, như tiền tài, danh vọng, miếng ăn, chỗ ở v.v... rồi nó xúi ta lập mưu nầy, chước nọ để tầm kiếm cho được những thứ ấy. Ðiều tai hại nhất là lòng tham không có đáy, thâu góp bao nhiêu cũng không vừa; được một muốn có mười, được mười muốn có trăm. Tham cho mình chưa đủ, còn tham cho bà con quyến thuộc và xứ sở của mình. Cũng vì tham mà cha mẹ vợ con xung đột; cũng vì tham mà bè bạn chìa lìa; cũng vì tham mà đồng bào trở lại xung đột, xâu xé nhau; cũng vì tham mà chiến tranh tiếp diễn, giết hại không biết bao sanh linh. Tóm lại, cũng vì tham mà nhân loại, chúng sanh chịu không biết bao nhiêu điều thống khổ.

Tham không những hại cho mình và cho người, trong hiện tại mà cả đến tương lai nữa.

2.- Sân: nghĩa là nóng giận.

Khi gặp những cảnh trái ý nghịch lòng, như lòng tham không được toại nguyện, thì sân nổi lên, như một ngọn lửa dữ đốt cháy lòng ta. Thế là mặt mày đỏ tía hay tái xanh, bộ dạng thô bỉ, nói năng hung dữ, có khi dùng đến võ lực hay khí giới để hạ kẻ đã làm trái ý, phật lòng ta. Vì nóng giận mà cha mẹ, vợ con, anh em xa lìa, bạn bè ly tán; vì nóng giận mà đồng bào trở nên thù địch, nhân loại đua nhau ra chiến trường; vì nóng giận mà kẻ bị tàn tật, người vào khám đường, kẻ mất địa vị, người tan sự nghiệp. Kinh Hoa Nghiêm chép: "Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai", nghĩa là một niệm sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra. Sách Phật chép: "Nhất tinh chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn", nghĩa là một đóm lửa giận, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức. Thật vậy, lửa sân hận đã bừng cháy lên giữa lòng nhân loại, và đã đốt thiêu không biết bao nhiêu là công lao, sự nghiệp mà nhân loại đã tốn bao nhiêu mồ hôi và nước mắt để tạo nên.

3.- Si: nghĩa là si mê, mờ ám.

Si như là một tấm màn dày đặc, đen tối trùm lên trí huệ của ta, làm cho ta không thể nhìn thấy được sự thật, phán đoán được cái hay, cái dỡ, cái tốt, cái xấu. Do đó, ta gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi, làm hại mình, hại người mà không hay. Vì si mà lòng tham trở thành không đáy, bởi vì nếu người sáng suốt thấy cái tai hại của tham, thì người ta đã kềm hãm được một phần nào tánh tham. Vì si mà lửa sân tự do bùng cháy; nếu người sáng suốt biết cái tai hại của lửa sân thì không để cho nó hoành hành như thế. Tổ sư đã dạy: "Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì". Nghĩa là không sợ tham và sân nổi lên, mà chỉ sợ mình giác ngộ chậm. Nói một cách dễ hiểu hơn: Không sợ tham và sân, mà chỉ sợ si mê. Thật đúng như thế: Nếu tham, sân nổi lên, mà có trí sáng suốt ngăn chận lại, thì tham, sân không có trí huệ, sáng suốt thì tham, sân không thể tồn tại được; như khi đã có ánh sáng mặt rời lên, thì bóng tối tất nhiên phải tự tan biến.

Ba tánh tham, sân, si này, Phật gọi là ba món độc; vì do chúng nó mà chúng sanh phải chịu nhiều kiếp sanh tử luân hồi, đọa vào địa nghục, ngạ quỉ và súc sinh.

4.- Mạn: nghĩa là tự nâng cao mình lên và hạ người khác xuống.

Tự thấy mình là quan trọng mà khinh rẻ mọi người; ỷ mình có tiền của, tài trí hy quyền thế mà dương dương tự đức, mục hạ vô nhân, khinh người già cả, hỗn láo với người đức hạnh, chà đạp người dưới, lấn lướt người trên.

Vì lòng ngã mạn cho mình là hơn hết, nên chẳng chịu học hỏi thêm, không nghe lời nói phải. Do đó, làm nhiều điều lầm lẫn sai quấy, phước lành tổn giảm, tội lỗi càng tăng, phải chịu sanh tử luân hồi không bao giờ cùng.

Mạn có bảy thứ:

Mạn: Hơn người ít, mà nghĩa mình hơn nhiều.
Ngã mạn: Ỷ mình hay giỏi mà lấn lướt người.
Quá mạn: Mình bằng người mà cho là hơn người, người hơn mình l\mà cho là bằng.
Mạn quá mạn: Người hơn mình nhiều mà cho mình hơn người.
Tăng thượng mạn: Chưa chứng thánh quả mà cho mình đã chứng.
Ty liệt mạn: Mình thua người nhiều mà nói rằng thua ít.
Tà mạn: Người tu về tà đạo, được chút ít thần thông, hoặc hiểu biết được đôi chút việc quá khứ, vị lai, rồi khinh lướt người.
5.- Nghi: nghĩa là nghi ngờ, không có lòng tin.

Người nghi ngờ không làm nên được việc gì hết. Ðối với người thân trong gia đình, họ không tin cậy giao phó công việc; đối với bạn bè, họ nghi ngờ tất cả mọi thiện chí. Ngay đối với mình, họ cũng không tự tin nữa. Ðã không tự tin, họ còn gây hoang mang cho người chung quanh, làm cho người thế gian ngã lòng, thối chí.

Ðối với đạo lý chân chánh, họ cũng không hăng hái tin theo. Những pháp tu giải thoát và các điều phước thiện, họ do dự không làm.

Nghi có ba phương diện:

Nghi tự: nghĩa là nghi mình. Chẳng hạn như nghe chư Tăng bảo: "Tu hành sẽ được giải thoát", nhưng lại tự nghi rằng: "Chẳng biết mình tu có được không?". Vì lòng do dự ngi ngờ ấy, nên không tu.
Nghi pháp: nghĩa là nghi phương pháp mình tu. Chẳng hạn như nghe kinh Di Ðà nói: "Người chí tâm niệm Phật, từ một ngày cho đến bảy ngày, được nhất tâm bất loạn, đến khi lâm chung sẽ được Phật Di Ðà tiếp dẫn sanh về nước Cực lạc"; nhưng họ lại nghi ngờ "Phương pháp ấy không biết có kết quả đúng như vậy không?" Do sự nghi ngờ đó mà không tu.
Nghi nhơn: nghĩa là nghi người dạy mình. Như có người dạy rằng: "Làm lành sẽ được phước, làm ác sẽ bị tội"; nhưng lại nghi rằng: "Chẳng biết người này nói có thật không". Do sự nghi ngờ ấy mà không làm.
Tóm lại, tánh nghi ngờ làm cản trở sự tiến triển của mình, ngăn ngại mọi công tác hữu ích và làm cho cuộc đời không vượt ra khỏi cảnh tối tăm khổ sở.

6.- Thân kiến: nghĩa là chấp thân ngũ ấm tứ đại giả hiệp này làm ta.

Vì cái chấp sai lầm ấy, nên thấy có một cái ta riêng biệt, chắc thật không biến đổi, thấy cái ta ấy là riêng của ta, không dính dấp đến người khác, và là một thứ rất quý báu. Vì tưởng lầm như thế, nên kiếm món ngon, vật lạ cho ta ăn, may sắm quần áo tốt đẹp cho ta mặc, lo xây dựng nhà cao, cửa lớn cho ta ở, thâu góp thật nhiều của cải, đất ruộng để dành cho ta hãnh diện với mọi người. Do sự quý chuộng phụng sự cho cái ta ấy, mà tạo ra lắm điều tội lỗi, chà đạp lên bao nhiêu cái ta khác, làm cho họ đau khổ vì ta. Và thế giới trở thành một bãi chiến trường thường trực cũng vì thế.

7.- Biên kiến: nghĩa là chấp một bên, nghiêng về một phía, có một thành kiến cực đoan.

Biên kiến có hai lối chấp sai lầm lớn nhất là:

Thường kiến: Nghĩa là chấp rằng khi chết rồi, cái ta vẫn tồn tại mãi: người chết sẽ sanh ra người, thú chết sẽ trở lại thú, thánh nhơn chết trở lại làm thánh nhơn. Do sự chấp ấy, họ cho rằng tu cũng vậy, không tu cũng vậy, nên không sợ tội ác, không thích làm thiện. Lối chấp này, đọa Phật gọi là "Thường kiến ngoại đạo".
Ðoạn kiến: Nghĩa là chấp rằng chết rồi là mất hẳn. Ðối với hạng người chấp Ðoạn kiến, thì hễ tắt thở là không còn gì tồn tại nữa; tội cũng không mà phước cũng chẳng còn. Họ không tin nhân quả luân hồi, nên mặc tình làm các điều tội lỗi. Họ tự bảo: "Tu nhơn tích đức già đời cũng chết; hung hăng, bạo ngược tắt thở cũng không còn".

Có người đối trước những cảnh buồn lòng, nghịch ý, những chuyện tình duyên trắc trở, tưởng rằng chết là hết đau khổ, là giải thoát tất cả, nên họ đã không ngần ngại mượn chén thuốc độc, hay dòng sông sâu để kết liễu đời mình. Họ đâu có ngờ rằng chết rỗi vẫn chưa hết! Lối chấp này, kinh Phật gọi là "Ðoạn kiến ngoại đạo".
8-. Kiến thủ: nghĩa là chấp chặt sự hiểu biết sai lầm của mình.

Kiến thủ có hai phương diện:

Kiến thủ vì không ý thức được sai lầm của mình:

Hành vi của mình sai quấy, ý kiến của mình sai lầm, nhưng vì không đủ sáng suốt để nhận thấy, nên cứ bảo thủ hành vi, ý kiến của mình, tự cho là giỏi, ai nói cũng chẳng nghe.
Kiến thủ vì tự ái hay vì cứng đầu:

Biết mình làm như thế là sai, nói như vậy là dở, nhưng vì tự ái, cứ bảo thủ cái sai cái dở của mình, không chịu thay đổi. Như ông bà trước đã lỡ theo tà đạo, nay con cháu vẫn biết đó là tà, nhưng cứ theo như thế mãi không chịu đổi. Họ cứ nói một cách liều lỉnh: "Xưa sao nay vậy", hay "Xưa bày này làm". Hay như cha mẹ trước đã lỡ làm nghề tội lỗi, đến đời con cháu, vẫn cứ bảo thủ nghề ấy không chịu thay nghề khác.
Nói rộng ra trong thế giới, có một số đông người, mặc dù thời thế đã cải đổi, tiến bộ mà họ cứ vẫn giữ lại những lề thói, cổ tục hủ bại mãi. Chẳng hạn như ở Việt Nam ta, đến bây giờ mà vẫn có những Phật tử, hễ trong nhà có người chết là giết heo bò để cúng kiến; khi đưa đám tang, gánh theo những con heo quay to tướng, đi biểu diễn qua các đường phố; mỗi khi tuần tự hay kỵ giỗ, thì đốt giấy tiền vàng bạc, áo quần kho phướn, mỗi năm phải hội họp để cúng tế tà thần, ác quỷ v.v... Chấp chặt những hủ tục như thế, đều thuộc và "Kiến thủ" cả.

9.- Giới cấm thủ: nghĩa là làm theo lời răn cấm của ngoại đạo tà giáo.

Nhưng sự răn cấm nầy nhiều khi thật vô lý, mê muội, dã man, không làm sao đưa người ta đến sự giải thoát được, thế mà vẫn có nhiều người tin và làm theo. Chẳng hạn như ở Ấn độ, có phái ngoại đạo lấy đá dằn bụng, đứng một chân giữa trời nắng, nằm chỗ bẩn thỉu, leo lên cao nhảy xuống, gieo mình vào lửa, hay nhảy xuống sông trầm mình để được phước. Có đạo, mỗi năm lại bắt tín đồ giết một người để tế thần, hay như đạo của anh chàng Vô Não, phải giết một trăm người lấy một trăm ngón tay xâu làm chuỗi hạt mới đắc đạo. Những thứ cuồng tín như thế, không làm cho cuộc đời sáng sủa, mà còn làm đen tối, khổ đau thêm.

10.- Tà kiến: nghĩa là chấp theo lối tà, không chơn chánh, trái với sự thật, trái với luật nhân quả.

Nói một cách khác, Tà kiến nghĩa là mê tín dị đoan, như thờ đầu trâu, đầu cọp, bình vôi, ông táo, xin xâm, bói quẻ, buộc tôm, đeo niệt, coi sao, cúng hạn v.v... Nói rộng ra, cả bốn món chấp trên, đều thuộc và Tà kiến cả.

(HT. Thích Thiện Hoa)

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Phương Pháp lạy Phật



LỄ BÁI
Trong nghi lễ Phật giáo Việt Nam thuộc phái Ðại thừa (Bắc Tông) có nhiều khía cạnh tổ chức:
lễ nhạc (âm thanh êm ái), lễ tụng (giọng Thiền, giọng ai), lễ khí (nhạc cụ, pháp khí), lễ phục (y, mão), lễ đường (nơi hành lễ), lễ nghi (bày biện, tác phong), lễ bái (lạy); Trong phạm vi lễ bái xin được trình bày như sau:
I . Ý NGHĨA VÀ LỢI ÍCH CỦA LỄ BÁI
         A/ Tổng quát: Lạy Phật tức là bày tỏ lòng tôn kính và ngưỡng mộ của mình đối với bậc Giác Ngộ. Ngoài ra còn có khả năng tiêu diệt lòng tự cao, tự đại ngã mạn của mình, và rạp mình trước một tin tưởng tuyệt đối để biểu lộ sự chí thành, chí kính với đức Phật, tức là với chính mình vậy. Lạy Phật có 4 cách:
           1/ Lạy nép thân mình sát đất (ngũ thề đầu địa): cách lạy nầy làlàm tiêu diệt tâm kiêu mạn của mình và biểu lộ lòng tôn kính đối với đức Phật. Ngũ thể là 5 bộ phận trong con người: 2 tay, 2 chân và đầu. Khi lạy thì 5 bộ phận nầy phải từ từ gieo xuống chạm sát mặt đất. Khi lạy theo cách nầy phải phát nguyện lớn như
trong kinh Hoa Nghiêm Tùy Sớ Diễn Nghĩa đã dạy như sau:
-Khi gối phải con quỳ xuống đất, nguyện cho chúng sanh theo đường chánh giác.
-Khi gối trái con quỳ xuống đất, nguyện cho ngoại đạo bỏ hết tà kiến theo về chánh đạo.
-Khi tay phải con chống xuống đất, nguyện được vững chắc như Phật ngồi tòa Kim Cương, hiện điềm lành chứng đạo Bồ Ðề.
-Khi tay trái con chống xuống đất, nguyện các chúng sanh khó điều phục xa lìa ngoại đạo, dùng tứ nhiếp pháp (bố thí, nói năng êm dịu, làm việc lợi ích, đồng tâm, đồng sức cùng sống thân mật với nhau) mà đưa nhau gần vào chánh đạo.
-Khi đầu con sát đất, nguyện cùng chúng sanh bỏ tâm kiêu mạn, thành tựu đạo Vô Thượng Bồ Ðề.
           2/ Lạy úp mặt vào tay (đầu diện tiếp túc quy mạng lễ): tức là lạy ôm chân Phật, tỏ lòng thành kính vô cùng, xem như đang ôm lấy chân Phật.
           a/ Chính trí tương ứng: (Lạy phải đúng nghi thức, với tấm lòng hết sức chơn thành).
Khi lạy thân mình nghiêm chỉnh, ăn mặc đàng hoàng, tâm tưởng , ý suy với mục đích duy nhất: lạy Phật, nhất trí tiến tu, không cầu, không chứng. Lạy như vậy là chánh pháp cùng chí hướng tương quan với nhau nên gọi là chính trí tương ứng. Trái lại, thường vấp phải các lỗi như sau.
           b/ Khinh mạn tương ứng: Khi lạy Phật thân không nghiêm chỉnh, ý không thanh tịnh, tâm tán loạn, chỉ lạy như cái máy, miệng khấn vái lung tung, cầu xin loạn xạ. Thân, tâm, ý đều khởi lên những động tác bất kính, khinh mạn nên gọi là khinh mạn tương ứng.
           c/ Tạp giác tương ứng: Khởi đầu ăn mặc chỉnh tề, tâm ý thanh tịnh, nhưng vì giác quan thâu nhiễm cảnh trần phức tạp (mắt nhìn người nọ, liếc kẻ kia), dấy lên những tâm tưởng e thẹn, ngần ngại nên phát xuất ra động tác lạy Phật ngượng nghịu, sượng sùng, miễn cưỡng nên gọi là tạp giác tương ứng.
           3/ Lạy dập trán xuống đất 3 lần (tam khấu đầu): Ðó là cách lạy thông thường, xem như "nhất tâm đảnh lễ", 3 lần dập trán xuống đất là biểu hiện lòng thành khẩn và sự cung kính đối với Tam Bảo.
4/ Lạy đứng: Trong kinh Ðại Phương Quãng Bảo Kháp có chép rằng: "Bậc Thanh Văn tên là Trí Ðăng hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi rằêng: Lạy Phật phải lạy như thế nào?- Ðáp: Nếu thấy kinh, sách phải coi như thấy Phật, thân phải nghiêm chỉnh, không nghiêng, không vẹo, không lay, không động. Tâm phải vắng lặng không khởi lên một mảy may phiền não. Dù đứng mà lạy nhưng với sự thành kính, tịch tĩnh như thế chính là lạy Phật." Như vậïy chúng ta đứng nghiêm chỉnh, khởi lên ý niệm tôn kính tự tâm, khiến tâm tĩnh lặng hướng về đức Phật cũng không kém phần lợi lạc.
Trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt có phân tích đến lợi ích của sự lạy Phật như sau: "Lạy Phật một lạy thì từ đầu gối trở lên đến đầu đều có ngôi Chuyển Luân Thánh Vương hiển hiện phò trì và cũng có được 10 thứ công đức như sau:
1-Tự mình có được sắc thân tươi đẹp nhiệm mầu
2-Lời mình nói ra ai nấy đều tin.
3-Ðối với mọi người dù ác độc, mình không sợ hãi.
4-Chư Phật thời thường gia hộ phò trì.
5-Tự mình có đầy đủ oai nghi, được mọi người kính mến.
6-Mọi người thảy đều muốn làm quen giúp đở.
7-Chư Thiên đều yêu kính.
8-Ðầy đủ các điều phúc đức, hưởng mọi thanh nhàn.
9-Khi chết nhận định được vãng sanh.
10-Tự mình chứng quả vắng lặng Niết Bàn.
B/ Phân tích việc lạy Phật về SỰ và LÝ.
Theo kinh điển có 7 loại lạy Phật, 3 loại thuộc về SỰ và 4 loại thuộc về LÝ
a/ Ba (3) loại thuộc về SỰ là:
1-lạy Phật mà còn tính cách ngã mạn: Người theo đạo Phật vào lạy Phật nhưng chưa chịu nén lòng, đè khí (đê tâm, hạ khí), mà còn giữ tính tự cao, tự đại cố hữu, hoặc vì bất đắc dĩ, phép lịch sự mà phải lạy, e ngại, bỡ ngỡ, tuy có ý cung kính nhưng cũng chỉ nhất thời, lạy không đúng cách, chấ`p tay hoặc chân đứng không đúng phép, ý nghĩ lung tung, van xin khấn vái loạn xạ, tưởng như vậy là Phật thương Phậtđộ. Nhưng kinh Hoa Nghiêm, thiên Khổng Mục, Phật dạy: "kẻ lạy như vậy là chưa dẹp được lòng ngạo mạn, tội nhiều phúc ít". Do đó người cư sĩ Phật tử khi lạy Phật phải đem hết tâm trí, phải không còn một chút mảy may lòng ngã mạn, dồn hết tâm trí vào việc lạy Phật mới mong có lợi lạc.
2-Lạy theo người xướng họa: Ðó là lạy Phật vì bị thúc đẩy bởi người khác hay một động năng bên ngoài, lạy không theo nghi thức, không có oai nghi, tâm không tịnh, ý không tập trung, lạy với tính cách khoe khoang, hoặc thấy người lạy thì mình lạy theo, nghe người xướng thì mình lạy còn tâm tư thì nghĩ tận đâu đâu, không có một chút gì là để ý tới việc đang lạy Phật cả. Lạy như vậy là để cho có việc, cho xong việc và hành động không hợp nghi thức nên công đức tự sút giảm rất nhiều.
3-Lạy với thân tâm cung kính: Tức là tự mình lạy Phật hay nghe người chủ lễ xướng, thì tự tâm mình khởi ngay ý niệm tưởng tới đức Phật, tất cả thân tâm đều biểu hiện hình tướng trang nghiêm hết sức cung kính. Lúc nầy 6 căn thanh tịnh, 6 thức quy về một niệâm là tinh tấn, lạy với tất cả tấm lòng thành kính vô biên. Như vậy là toàn thân kính lạy, nhứt tâm quy mạng, công đức nhờ đó mà phát sinh.
b/ Bốn (4) loại thuộc về LÝ: (căn cứ vào sự suy luận nguyên nhân)
1-Phát hiện trí thanh tịnh mà lạy: Là tâm trí mình thông suốt mọi cảnh giới, tâm cảnh tương ứng, lạy đức Phật mà chính là lạy điểm "trí năng thanh tịnh" của mình. Như vậy là Phật pháp và thân tâm của mình dung thông, xem tâm với Phật là một. Tâm trí thanh tịnh tất nhiên có Phật trong chính mình vậy.
2-Lạy ngôi Tam Bảo là lạy khắp Pháp giới: Khi đã hiểu được thân tâm mình cùng với vạn pháp là một không xa lìa nhau, thì chúng sanh với Phật cũng bình đẳng như nhau. Trong kinh dạy: "Nhất thân phục hiện sát trần thân. Nhất nhất biến lễ sát trần Phật".Nghĩa là thân của ta cũng sẽ hiện ra vô số thân trong cõi trần hoàn. Riêng một thân ta lạy Phật, thì tất cả các thân khác cũng lạy Phật. Như vậy là ta lạy Phật tức là lạy khắp Pháp giới nên gọi là "Biến Lễ" là lạy khắp thảy 10 phương Pháp giới, 10 phương chư Phật.
3-Lạy với sự quán tưởng chân chánh: Lạy Phật tức là lạy mình, lạy khắp Pháp giới. Như vậy lạy có nghĩa là biểu lộ ra hành động mà quán tưởng đến chư Phật tức là liên hợp được thân tâm, mình với Phật và chúng sanh như nhau, cùng ảnh hiện do sức quán tưởng. Do đó lạy mà quán tưởng sẽ gặt hái được vô lượng công đức.
4-Lạy Phật mà xem như lạy khắp chúng sanh không phân biệt. Lạy như vậy gọi là lạy với thực tướng bình đẳng, 3 cách lạy Phật (thuộc Lý) nêu trên có hành động có suy nghĩ nhưng còn có phân biệt: Mình, Phật và Chúng sanh. Ðến cách thứ tư nầy: lạy với thực tướng bình đẳng tức là trong việc lạy không còn sự phân biệt là Mình, Phật, Chúng sanh nữa. Phàm Thánh tất cả chỉ là một bản thể Chơn Như, cho nên dù Thể hay Dụng cũng không phân biệt. Do đó ngài Văn Thù mới dạy: "Năng lễ, sở lễ tánh không tịch" nghĩa là người lạy, người được lạy, cả hai đều không, mà chỉ có một sự vắng lặng là đáng quý mà thôi.
Tóm lại Lạy Phật phân ra bảy loại, theo Sự và Ly để chỉ rỏ trên bước đường tu tập phải trải qua từng giai đoạn để tự huân tập lấy bản thân, hầu đạt đến khi thuần thục: lạy với thực tướng bình đẳng là lạy Phật. Cho nên người cư sĩ Phật tử trên bước đường tu học, cần phải tìm hiểu rỏ ràng mới mong đạt được kết quả trong pháp môn Lạy Phật.
C/ Ðộng tác lạy Phật
1/ Ðứng: Hai gót chân chạm khít lại với nhau,hai đầu bàn chân xòe ra khoảng 60 dộ.
2/ Chấp tay: Hai bàn tay chụm lại, các ngón tay khít lại với nhau, tầm mắt nhìn xuống thấy đầu lỗ mũi và đầu ngón tay vô danh là vừa đúng.
3/ Ðầu ngay thẳng, mắt ngước nhìn lên, hai cánh tay khép sát vào nách, hai bàn tay chụm lại.
4/ Bắt đầu lạy: Hai tay chấp nguyên, từ từ đưa lên theo với tầm mắt nhìn theo Tôn Tượng, rồi từ từ hạ hai tay xuống, cúi đầu chuẩn bị hạ năm phần cơ thể xuống, khi gần đến sát đất, hai bàn tay xòe ra, lòng bàn tay úp xuống mặt đất làm thành hai cây chống đỡ toàn thân, hai gối hơi dãn ra và quỳ sát đất, như vậy là đã ở trong một tư thế cúi sấp người và tùy theo cách lạy mà thay đổi tay:
           a-Nếu là đầu diện tiếp túc: Thì hai tay lật ngữa chồng lên nhau, bàn tay phải đặt lên trên bàn tay trái rồi cúi đầu úp mặt vào lòng bàn tay.
           b-Nếu là ngũ thể đầu địa: Thì hai tay vẫn chống tức là lòng bàn tay úp xuống đất, và cúi đầu, trán sát xuống đất là được.
           c-Nếu là tam khấu đầu: Thì hai tay cũng ở tư thế chống và đầu cúi xuống đất 3 lần.
5/ Khi lạy xong: Ðầu ngẫng lên từ từ, nếu là ở tư thế đầu diện tiếp túc thì hai tay phải lật úp lại trở về thế chống, dùng sức đẩy nhẹ thân mình lên và đứng thẳng dậy thật nghiêm chỉnh rồi lại tiếp tục.
6/Tư thế lạy đứng: Lạy đứng là cách giản dị nhất, nhưng rất dễ bị mất tính cách trang nghiêm, do đó chúng ta cần phải chú ý. Trước khi lạy, đứng thật ngay thẳng, chấp tay đúng theo các yếu tố ghi trên, yên lặng trong một phút để tập trung tưởng và phát nguyện lạy Phật. Xong tay từ từ đưa lên, trong khi đó đầu hơi cúi xuống và gập thân mình lại.    
Số lạy trong đạo Phật thường là: -Biểu lộ quy kính Tam Bảo: 3 lạy.
                                                    -Biểu lộ báo đáp Tứ Ân     : 4 lạy.
                                                    -Biểu lộ quy kính Tam Bảo và cha mẹ: 5 lạy.
Sau khi lạy xong, vái 3 vái và cúi đầu thấp xuống để tỏ sự nép mình cung kính.
Khi lạy tuyệt đối không được nhìn ngang, nhìn dọc hoặc dấy lên những động tác thiếu trang nghiêm hoặc hỏi han nói chuyện với người khác làm cho mình vàngười đều phân tâm mất phần công đức.
Tóm lại, việc lạy Phật là một điều rất quan trọng đối với người cư sĩ Phật tử trong tiến trình tu học, chúng ta phải luôn luôn huân tập để tiến đến chỗ Sự, Lý viên dung. Hằng ngày lạy Phật với một dạ chí thành, chí kính, nhất tâm, nhất trí. Lạy một lạy mà:- lạy cả mười phương -lạy với thực tướng bình đẳng. Ðược như vậy mới phát huy mạch đạo và tăng thêm phần công đức tu tập.
(Trích trong Thực Hành Phật Giáo của cư sĩ Khánh Vân)    
II . CÁCH LẠY PHẬT
Hồi Phật còn tại thế, khi người ta lễ bái thì quỳ mọp, đầu chí chân Phật. Ấy là đảnh lễ. Hoặc người ta đi quanh Phật ba vòng, theo tay mặt. Ấy là hửu nhiễu tam táp. Còn như lễ Phật tại chùa tháp, tức lạy tượng cốt Phật, thì thân đỉnh lễ, miệng xưng danh hiệu Phật, tâm tưởng có Phật trước mặt mình.
           BÁI : (Tạp ngữ). Khi lễ Phật thì nên theo qui tắc mà Phật giáo đã chế định, vì cách thức lễ Phật khác với cách thức lễ bái của thế gian.
           Nay tường thuật cách thức lễ Phật như sau:
           1- Chắp hai bàn tay, đặt trước ngực, đứng trước tọa cụ (chiếu ngồi).
           2- Ðưa bàn tay phải xuống đặt giữa tọa cu.ï
3- Bàn tay trái đặt ở mép trái của toạ cụ phiá trước (đây là một động tác)
4- Bàn tay phải từ trong giữa đi ra mép bên phải của tọa cụ (đây là một nửa động tác ) mà theo cách thức lễ bái của thế gian gọi làhai động tác rưỡi ), hai bàn để cách nhau khoảng 6 tấc).
5-  Ðầu đặt lên tọa cụ ở giữa khoảng hai bàn tay.
6-  Hai bàn tay thu vào và ngữa lòng bàn tay lên, lúc nầy dùng hai bàn tay đặt lên chân Phật, cho nên gọi là Ðầu diện lễ túc (đầu và mặt lễ chân). 
7-  Nắm hai bàn tay lại, lật lên, nhưng vẫn giữ nguyên vị trí trên tọa cụ.
8-  Ðầu cất lên khỏi tọa cụ.
9-  Kéo bàn tay phải vào giữa tọa cụ.
10- Ðưa bàn tay trái khỏi tọa cụ và đặt trên ngực như dáng chắp tay.
11- Dùng bàn tay phải tỳ xuống để lấy sức đứng dậy (đồng thời, hai đầu gối cũng rời khỏi tọa cụ) và chắp lại với bàn tay trái, đặt trước ngực.
Ðến đây là một lạy, và ít nhất là phải lạy ba lạy. Nếu lạy nhiều thì cứ tính số 3 gấp lên, như 6 lạy, 9 lạy, 12 lạy v.v..
Lạy xong, còn thêm một lạy nữa mà người đời gọi là vái chào, và nhà Phật gọi là Vấn tấn (thăm hỏi). Khi lạy xong, hai tay vẫn chắp trước ngực rồi từ từ đưa hai tay xuống (lúc này cả người đều cúi xuống) quá đầu gối khoảng một tấc, dùng bàn tay phải đặt bên trong bàn tay trái làm thành nắm tay, rối đưa lên ngang lông mày (lúc nầy người đã đứng thẳng), lại duỗi bàn tay thẳng ra, đặt trước ngực, lòng bàn tay ngữa lên, hai ngón tay cái giao nhau, đây tức là thủ ấn của đức Di Ðà. Lạy Phật như thế đến đây là xong.
(Trích Từ Ðiển Phật Học Hán Việt)
III . Cách thức lạy Phật và Quán tưởng của Trung Quốc
( Trích trong cuốn Lễ Phật dự y học = Lạy Phật và Y học )
Cách chấp tay:
1- Hai cánh tay cần phải buông lõng, ngay thẳng, mềm dẽo, nhẹ nhàng, không lấy sức chuyển gân.
           2- Hai bàn tay ép sát với nhau, nếu như tay trái khít thì tay phải lõng, hoặc ngược lại.
           3- Hai tay chấp lại để trước ngực, cánh tay trên không được kẹp sát nách (để máu huyết dễõ lưu thông)
* Hai ngón tay cái để ngang trước huyệt Ðản trung (Chiên trung), huyệt này nằm ngay chính giữa trung tâm trên đường thẳng ngang hai vú.
           4-Hai mắt nhìn thẳng vào hai đầu bàn tay, tự mình kiểm soát lại xem thử chấp tay đàng hoàng chưa hay còn loạn tâm, chấp tay cũng không phải là dễ, năm ngón tay khi tâm mình đang tán loạn thì hai ngón tay út thường bị hở ra, không dễ khép chặt được. Nên dùng tâm quán chiếu, nâng cao giác tánh, thì năm ngón tay mới khít nhau được.
Cách lạy:
           Phật nghĩa là Giác Ngộ. Lạy Phật là mở mang giác tánh của chính mình chứ không phải tôn sùng một cách mù quáng và cũng chẳng phải là một động tác để quán tánh. Nếu không hiểu rõ thì sẽ bị thói quen của các động tác có sẳn trong con người lôi kéo đi đường khác.
           Lạy Phật cần yếu làbồi đắp khả năng " hồi quang phản chiếu ", làm khơi dậy giác tánh có sẳn trong thói quen trước đây trở nên hữu dụng, chứ không phải là một loại vận động. Vì vậy nên luôn luôn quán chiếu vào mỗi động tác. Trong lúc lạy Phật phải chú ý không được nhắm mắt lại, mà từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc phải thu nhiếp nhãn thần, quán chiếu tự thân,, quán tự tại. Thị lực tập trung ngay đường chính giữa mắt. Nên hiểu rằng tại sao mình phải làm đúng đắn trong mỗi động tác. Bởi vì trên cao có đức Phật đang nhìn chúng ta. Không thể nào mà không biết điều nầy được. Lạy mà mê, không lạy mà giác là vậy đó. Nên thu nhiếp lục căn, không thể để tản mạn lung tung được.
 1/ Ðứng thẳng như cây thông, mà thư giãn : buông lõng.
           Hai bàn chân mở ra thành chữ V, hai ngón cái cách nhau khoảng 26cm và hai gót cách nhau khoảng 7cm (trước 8 tấc Tàu và sau 2 tấc Tàu), hai bàn chân đứng thẳng như cây thông, sức nặng chia đều trên hai gót chân, hít sâu vào toàn thân thư giãn hoàn toàn, các ngón chân cũng buông lõng, đầu như cái chuông treo, ngay thẳng linh hoạt, tai ngay giữa vai. Ót sát với cổ áo, xương cổ và xương ngực thẳng đối nhau. Lấy trung điểm của gót chân, cột xương sống và đỉnh đầu là một đường thẳng đứng. Khớp xương quai hàm dưới để tự nhiên, không nghiếân răng hay cắn chặt răng. Lưỡi, quai hàm, yết hầu đều buông lõng mềm mại. Ðầu lưỡi cuốn để lên trên vòm hàm trên, lưỡi uống cong lên như đang ngậm một cục tròn không khí. Như vậy, tuyến nước bọt mới thông thương tốt, trong lỗ mũi và yết hầu đường khí lưu thông cũng thoải mái. Thư giãn thì khí mạch lưu thông, đỉnh đầu được mát dễõ giữ gìn chánh niệm, không mê, không loạn.
 2/ Chấp tay : (để nhiếp tâm)
           Hai bàn tay chấp lại với nhau để trước ngực, vai và cánh tay thư giãn, góc ngón cái ngay trước huyệt Ðản trung ( Chiên trung ) không quá sát ngực, cách khoảng I tấc tây. Tự mình kiểm soát lấy, năm ngón tay khít lại với nhau ngay thẳng hướng lên phía trên. Riêng ngón út rất khó khít lại với ngón đeo nhẫn, nên hãy chú tâm để ý. Nếu tâm chưa tập trung được thì ngón tay út sẽ hở ra. Tay tuy phải giữ ngay ngắn, nhưng đừng gồng cứng, nếu tay trái ép thì tay phải buông lõng, hay ngược lại. Hít sâu vào vai buông lõng, dưới nách để hở, không khép cùi chỏ sát vào. Giữ ngay thẳng buông xả, hít vào thật đầy đủ không khí, thâu nhiếp nhãn thần, nhìn ngay chính giữa đường ranh của hai lòng bàn tay chấp lại, hướng thẳng vào đường khí ngưng sau mũi.
            3/ Cuí đầu ( nhìn lại mình )
         Mềm mại cúi đầu cung kính đảnh lễ, đầu từ từ cúi xuống đến gần ngực, cổ để yên hoàn toàn không dùng sức. Lúc ban đầu chưa cúi xuống được, đó là vì bấp thịt cổ, lâu ngày co súc ngắn lại, chỉ cần buông lõng, tập luyện nhiều lần ( như khi bị ngủ gật, đầu tự nhiên cúi xuống dễ dàng, hoàn toàn không cần dùng sức trong động tác nầy.) Chỉ cần thư giãn để kéo dài bắp thịt cổ mà thôi. Nhưng phải thâu nhiếp nhãn thần, tự nhìn lại mình, lạy Phật là để tu tập ( động trong định ). Trong động tác, cảnh trước mắt tuy có thay đổi, nhưng đều nằm trong sự thâu nhiếp cuả nhãn thần, tức là thâu nhiếp lục căn.
 4/ Gập thân mình lại (cột sống cong về hướng sau). Khiêm tốn
           Trọng tâm tại gót chân, đứng vững trên gót chân, ngón chân buông lõng không chịu lực. Ðầu cúi xuốâng nhìn thẳng đường chính giữa như là nhìn chính mình vậy. Nếu cần thì nhìn thẳng vào đường giữa hai gót chân của mình, cũng giống như người đang nằm ngữa mà dùng lực ngồi dậy, khiến cho ức, bụng, mông, đầu gối đều đồng loạt giật lui khiến cho cột sống hướng lui sau và ngồi dậy. Bụng và rốn có thể lui một thước tàu ( khoảng 33cm ), còn cánh tay thì bất động.
 5/ Vai thư giãn ( chuẫn bị ngồi xuống ) -buông xả     
         Vẫn giữ tư thế đầu cúi xuống và thân gập lại như cũ, hai bàn tay vẫn chấp lại hướng thẳng xuống giữa hai gót chân, hai vai theo sức kéo tự nhiên chúi xuống. Ðộng tác nầy sẽ làm tiêu trừ những chướng ngại của bắp thịt vai thường ngày. Tiếp theo đây hai động tác nhanh và liên tục nhau để chống xuống đất trong nháy mắt trước khi quỳ xuống là động tác chuyển tiếp. Tuy động tác nầy rất nhanh khoảng 3 giây đồng hồ, nhưng vẫn giữ được trọng tâm, đồng thời lấy sức ở đan điền để mở rộng gót chân ra rất quan trọng. Vì thế không nên bất cẩn mà phải xem xét rõ ràng.
6/ Cong đầu gối ( gập thân lại mà quỳ xuống )- Cung kính
           Vẫn tiếp tục cúi đầu, gập thân, thòng tay và giữ vững hai ống chân đứng thẳng mà gập đầu gối lại cho đến khi hai tay đụng đất ( tưởng tượng như phía sau hai bấp chân có ghế để dựa vào chân ghế mà ngồi xuống ). Mắt vẫn châm chú nhìn thẳng ngay đường giữa 2 mắt vàrốn, dựa vào đường thẳng nầy mà ngồi thẳng xuống trên hai gót và tay sẳn sàng chống xuống mặt đất, nhẹ nhàng hai tay phân ra hai bên đầu gối hai lòng bàn tay lật hướng về phía sau để chống xuống đất. Người mới tập thì đầu gối có khuynh hướng đâm về phía trước, nên phải cố gắng tập luyện. Chú ý : Vì trước khi động tác gập người xuống thì bấp vếâ và đầu gối đã hướng về sau rồi, vì vậy trong khi xếp đầu gối lại,bắp chân vẫn còn đứng thẳng mà giữ cho đừng chúi đầu gối về trước.
 7/ Quỳ xuống đất ( hết sức cung kính và khiêm nhường )
           Khi đầu các ngón tay đụng đất, có thể khi hai tay chạm đất, gót chân mới nhón lên để đầu gối quỳ xuống, động tác nầy rất nhanh. Các khớp xương bàn và ngón chân đều được kéo giãn ra, các khớp xương của mỗi bàn chân đều được kéo ra, đều cùng vận động. Chỗ mà các đầu ngón tay đụng đất là phải ngang với đầu gối khi quỳ xuống. Hai đầu gối hơi mở ra một chút khoảng 5cm, (không nên quá rộng, để khỏi nằm sát xuống đất và làm cho cột sống giãn ra. Khi đầu gối đã quỳ trên đất, thì tay thư giãn . Hãy chú ý đến trọng tâm.
 8/ Quỳ ngồi trên bắp chân nhẹ nhàng ( loạn tâm chấm dứt )
           Lòng bàn chân hướng lên trên thành hình chữ V, hai ngón chân cái đụng nhau một cách nhẹ nhàng mà không đè lên nhau, mông đặt nhẹ nhàng lên hai mặt trong của gót chân, quỳ vữngï ngồi yên, lấy sức nặng của thân thể đè lên hai gót chân. (Tư thế nầy có khả năng làm giãn khớp xương mắt cá, kích thích điểm phản xạbạch huyết cầu ). Lưu ý : Trọng tâm vẫn ở giữa hai gót chân.
9/ Hai tay duổi thẳng tới trước để đón Phật. (Ðể trở về giác tánh )
           Ngồi vững vàng, trọng tâm ở giữa hai gót chân , toàn thân thư giãn, không ngẫng đầu lên, hai tay mềm mại, hướng về phía trước ngay chính giữa duỗi thẳng tới như hình sau ( / ) đầu các ngón chấm xuống đất, tay vẫn thư giãn, không chuyển gân, nhưng hai bắp thịt vai vẫn triễn khai sức kéo về phía trước. Lúc nầy bụng dưới úp xuống mặt đất, thân thể thư giãn, (sức tại đan điền.)
10/ Năm vóc gieo sát đất. ( Thức tỉnh )
           Luôn giữ trọng tâm, lấy hai đầu ngón tay giữa làm điểm tựa đè lên mặt đất, hai cùi chỏ bật ra hai bên, hai đầu cùi chỏ ngang thẳng với hai lỗ tai, hai vai mở rộng, hai bả vai bằng phẳng, đừng rút vai lại, nách mở rộng, mở rộng ngực, phổi căng, ngón tay, lòng bàn tay bằng phẳng úp xuống mặt đất ( thể hiện tâm bình đẳng ). Trong lúc mở rộng hai cùi chỏ thì thân trên hạ sát đất, huyệt ấn đường chạm đất. Không nên chuồi tới phía trước thái quá, nhưng có thể hạ thấp càng tốt làm cho xương sống cong lên phía sau, thế nầy làm cho thở sâu, đỉnh đầu, rốn và giữa hai gót chân nằm trên một đường thẳng.
11/ Lật hai bàn tay ngữa lên đặt trên chân Phật. ( Chuyển phàm thành Thánh )
           Trước hết hai bàn tay nhẹ nhàng nắm lại một nửa, trong lúc lật bàn tay lên ngón tay từ từ bật ra như một bông sen đang nỡ, như đem hết lòng để cúng dường lên Ðức Phật. Ðộâng tác nầy biểu thị sự quyết tâm, quyết chí chuyển biến chính bản thân mình hướng về đức Phật để tu học. Hai bàn tay hoàn toàn bằng phẳng, không xiêng xẹo, gồng cứng, mà phải thư giãn mềm mại như cánh hoa sen. Dùng bàn tay hoa sen nầy đặt lên chân Phật. Hai tay quá đầu về phía trước khoảng một nắm tay. Hai ngón tay giữa cách nhau khoảng 1 tấc 2 tây, ngón tay tuy thư giãn nhưng phải ngay thẳng.
 12/ Tâm mình cùng với tâm Phật. ( thông suốt giao hòa )
           Trong khi lật tay đón Phật, quán tưởng Phật đang đứng trên bàn tay bông sen của mình và nhận cái lạy của mình. Lúc nầy gặp được tâm Phật nở một nụ cười. Ðức Phật phóng quang rọi xuống chính mình, ánh sáng của đức Phật chiếu xuống và đi vào đỉnh đầu của mình, đầy khắp cả thân tâm, toàn thân đều buông lõng, với nụ cười tự nhiên và hít thở thật sâu.
 13/ Trở lại tư thế quỳ. ( Hoan hỷ tín thọ )
           Sau khi đón Phật, cũng nắm nửa bàn tay, nhận lãnh Phật lực, kế đó úp bàn tay lại để sát trên mặt đất, tượng trưng bình đẳng bố thí, hít vào tự nhiên, cất đầu thẳng lên trở lại thế quỳ ngồi, hai tay rút vào hai bên đầu gối và đầu ngón tay ngang với đầu gối. Vì đầu ngẩng lên nên như một bức tượng gỗ có dây kéo lên ví như đức Phật đang kéo mình dậy, toàn thân thư giãn hoàn toàn, không dùng lực, không dựa lưng nên làm cho có sức để ngồi lên.
 14/ Bật hai lòng bàn chân ra phía ngoài. ( Hoan hỷ khởi hành )
           Dùng đầu gối làm điểm tựa, dùng sức chống của hai bàn tay ở hai bên đầu gối phụ thêm. Nhờ sức kéo khi ngẫng đầu lên, tự nhiên hai mông rời thế ngồi làm cho hai bàn chân tự đông đang ở hình chữ V đổi thành hình chữ bát ( / ). Hai ngón chân cái bật ra ngoài chạm đất cách nhau khoảng 26cm , hai gót chân hướng vào trong cách nhau khoảng 6cm. Mục đích động tác nầy để giữ đúng vị trí và kích thước lúc ban đầu sau khi đứng lên
 15/ Ðứng dậy . ( Vững chắc không lùi )
Giống tượng gỗ được kéo lên bằng giây, như được đức Phật kéo lên từ đỉnh đầu bằng một sợi dây, rất linh hoạt, nhanh nhẹ đã trở về thế đứng. Khi đứng dậy hoàn toàn không dùng sức, chuyển gân, cũng chẳng dùng tay chống dậy mà chỉ dùng sức ở đỉnh đầu kéo lên. Không nên cất mông lên trước, ngẫng đầu lên sau.
 Nếu làm như vậy lưng sẽ tiêu hết lực, và sẽ bị bệnh đau lưng.
           Tại sao phải chống tay xuống đất trước rồi mới quỳ sau? Nếu chúng ta không chống tay xuống đất trước mà đột nhiên quỳ xuống, thì khớp xương đầu gối có thể bị tổn thương. Như đã nói ở trước; lạy Phật là những động tác mềm dẽo theo quy luật, chứ không phải làmột sự khổ nhục, không cần phải làm cho thân thể thọ thương. Vì thế phải mềm mại chống tay xuống đất trước để lấy điểm tựa, sau đó bàn chân mới nhón lên để quỳ xuống, trong sự mềm mại của động tác là để điều phục nhân tâm. Hai tay chống đất mà quỳ xuống là biểu hiện sự cung kính, khiêm nhường, từ bi hết mức.
                      IV . CÁCH THỨC LẠY HƯƠNG LINH.
           Lạy Hương Linh là một nghi thức trong mỹ tục thờ cúng Ông Bà của dân tộc Việt Nam mà những thế hệ trước đây được học. Ðặc biệt là những người phụ trách nghi lễ gia tộc, làng xã. Những người nầy thường được gọi là "Học trò lễ". Bộ sách căn bản thường dùng cho học trò lễ là bộ Ấu Học Quỳnh Lâm, trong đó có nhiều cuốn và giải thích nhiều phần khác nhau về nghi lễ cổ truyền của dân tộc. Trong mục "lạy" có hướng dẫn cách lạy hương linh như sau:
           1/ Chấp tay: Trước khi lạy, đứng nghiêm chỉnh trong vòng tròn chính giữa chiếu. Hai bàn chân trước rộng sau hẹp hình chữ V, hai bàn tay chấp lại với nhau. Có hai cách chấp tay:
           a-Bàn tay phải nắm lại, bàn tay trái ôm bọc ngoài bàn tay phải. Ngón cái của bàn tay trái đè chéo lên ngón cái của bàn tay phải.
           b-Các ngón của hai bàn tay đan lại và ép hai lòng bàn tay lại với nhau, ngón cái của tay trái cũng đè lên ngón cái của tay phải như trên. Ðể tay ngay chính giữa ngực; cao ngang trái tim, khoảng cách giữa ngực và bàn tay khoảng một tấc tây.
           2/ Cách lạy:
           a-Chân trái bước lên một bước, chân phải bước theo, đứng ngay ngắn như trước, vái một vái.
           b-Cong lưng, gập đầu gối lại, dùng hai tay chống xuống đất làm điểm tựa.
           c-Chân trái làm trụ, chân phải bỏ lui về sau, quỳ gối ngang với bàn chân trái;
  Chân phải làm trụ, chân trái đẩy lui về sau, quỳ gối ngang bằng như chân phải.(hai gối ngang nhau). Hạ hai cùi chỏ sát đất làm điểm tựa, hai bàn tay để sắùp hay lật ngữa tuỳ ý, trán cúi xuống sát đất.
3/ Ðứng dậy: Dùng sức của hai bàn tay (nếu để ngữa thì lật sấp lại) đẩy toàn thân quỳ thẳng lên, chấp hai tay để trước ngực như trên. Ðưa chân trái lên phía trước, ở thế quỳ một chân trái, hai tay vẫn chấp lại tựa trên đầu gối trái, dùng lực của chân trái và mũi chân phải bật đứng dậy, rút chân trái nhập vào với chân phải, trở lại tư thế và vị trí lúc ban đầu.
Lưu ý: Tay áo lễ rất rộng và dài (chiều dài của hai tay áo bằng chiều cao của chiếc áo). Trước khi lạy xuống, hai tay đang ở tư thế chấp tay, khoác ra hai bên nữa vòng tròn về phía dưới, khi tay đưa lên đồng thời hạ người xuống để tránh đè tay áo. Chân bước lên trước là tránh đạp vạt áo, để khi đứng dậy người khỏi mất trọng tâm.
           Qua phần tham khảo ở trên, chúng ta có một nhận thức rỏ ràng: xuất xứ, cách thao tác, ý nghĩa và lợi ích của lễ bái. Ngưỡng mong quý cư sĩ Phật tử thưcï hành, thực chứng trong việc tu tập, ngõ hầu thăng hoa và trang nghiêm đạo tràng trên bước đường tu học.
           Mỗi môn phái, mỗi quốc gia có cách lễ bái riêng mang bản sắc dân tộc như Nhật Bản, Tây Tạng . . . rất đáng tôn quý. Trong phạm vi bài này chúng tôi cũng mong gìn giữ được bản sắc dân tộc "Phật Giáo Việt Nam" 
Trúc Viên và Tâm Pháp