Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Cơ bản Triết học Trung Quán

Những điểm đặc trưng cơ bản Triết học Trung Quán

 
Như nước trong bốn biển, chỉ có một vị đó là vị mặn, cũng vậy, giáo lý của đạo Phật tuy bao la nhưng tựu trung cũng chỉ có một vị, vị giải thoát Niết bàn.
TRÌNH BÀY NHỮNG ĐIỂM ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN TRIẾT HỌC TRUNG QUÁN LUẬN
I. DẪN NHẬP
Như nước trong bốn biển, chỉ có một vị đó là vị mặn, cũng vậy, giáo lý của đạo Phật tuy bao la nhưng tựu trung cũng chỉ có một vị, vị giải thoát Niết bàn.
Giáo lí chỉ có một vị thì chúng sanh khổ đau phiền não cũng bởi một chữ, chữ “chấp”: chấp không, chấp hữu, chấp nhơn, chấp ngã, … Do vậy, suốt 49 năm giáo hoá, công việc của Ngài là đả phá những kiến chấp, luận giải sai lầm đó bằng cách tuyên thuyết các pháp như: Duyên sanh, Vô thường, Vô ngã, đặc biệt là bài pháp sống - Trung Đạo - được ngài ân cần thi thiết trong thời tu tập để hướng tới vô thượng bồ đề.
Đến cuối thế kỷ thứ II sau Tây lịch (cách Phật khoảng gần 700 năm) ngài Long Thọ, một bậc thánh tăng, một lần nữa đã làm sống lại giáo lý vi diệu ấy với bộ Trung Quán luận. Bằng lối biện chứng phủ định sâu sắc, Ngài đã đập tan những thành trì vọng chấp kiên cố nhất của ngoại đạo tà giáo, mở ra một thời kỳ sáng lạn, thời kỳ Phật giáo Đại thừa. Từ đó, Trung Quán luận mang đến một hướng nhận thức mới trong sứ mệnh cải tạo, xây dựng xã hội, và vị trí của nó lan rộng khắp mọi nơi.
Với một vị trí đặc biệt và một nền tư tưởng cao thâm như thế, để hiểu được Trung Quán Luận thì trước tiên chúng ta không thể nào không biết đến những điểm đặc trưng cơ bản cùng những vấn đề được nêu lên trong đó. Dẫu là những điểm đặc trưng cơ bản nhưng chúng ta dốc hết lòng nghiên cứu cũng chưa dễ thấu hiểu cùng tận. Do vậy, với bài viết ngắn trong một học kỳ của một lớp học tất không thể nào trình bày một cách trọn vẹn như mong muốn được vì thế ở đây chỉ xin tạm trình bày một cách sơ lược mà thôi.
II. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP TRƯỚC TÁC CỦA LONG THỌ
1. Sơ Lược Tiểu Sử
Long thọ (Nàgàrjuna) là vị tổ thứ 14 trong 28 vị tổ Thiền tông, đệ tử tổ Kapimala (Ca-tỳ-ma-la). Ngài cũng còn gọi là Long Mãnh hay Long Thắng, là nhà biện chứng siêu hình[1] thuộc chủng tộc Nàga (rồng) dòng dõi Bà La Môn, người nước Vidharbha (Tỳ-Đạt-bà) Nam Ấn. Ngài sinh vào khoảng thế kỷ thứ II Tây lịch.[2] Trong Long Thọ truyện nói rằng mẹ Ngài khi đi đến gốc cây Arjuna thì mới sinh ngài nên lấy chữ Nàga (chủng tộc của Ngài) cùng với tên câu Arjuna mà ghép thành Nàgarjuna.
Bẩm tính Ngài rất thông minh, thuở thiếu thời Ngài đã tinh thông các bộ thánh điển Veda và mọi kỹ nghệ, học thuật của thiên văn, toán số, địa lý, khoa học v.v… Có thuyết nói lúc trẻ Ngài đã biết được một số tà thuật của thế gian. Nhưng tất cả các môn học thuật và kiến thức ấy không làm Ngài thỏa mãn, do vậy ngài mới vào đạo để nghiên tìm Phật lý. Lúc đầu Ngài đi theo giáo lý Tiểu thừa, sau đó Ngài chuyển qua tu tập và nghiên cứu xiển dương giáo lý Đại thừa.
Trong một thời gian ngắn Ngài đã thấu triệt tất cả các kinh tạng cả Tiểu thừa Đại thừa. Tổng hợp tất cả kiến thức đó và chứng kiến cảnh tranh luận, công kích chống báng của những học phái Phật giáo có cái nhìn phiến diện cố chấp đương thời cùng bọn ngoại đạo tà giáo nên Ngài đã viết rất nhiều bộ luận mà đặc biệt nhất là bộ Trung Quán Luận để đánh tan những bám chấp sai lầm ấy.
Ngài được xem là “một nhà biện chứng độc nhất vô nhị trên thế giới”.[3] Đương thời, các kinh sách về đại thừa đã xuất hiện khá nhiều nhưng chưa được hệ thống. Khi xuất hiện, Ngài đã phát triển và hệ thống hoá làm cho nó thành một luồng tư tưởng chính yếu, đặc sắc nhất của Phật giáo cho đến ngày hôm nay. Chính nhờ những công lao đóng góp to lớn như thế nên Ngài được mọi người tôn xưng là Đệ Nhị Thích Ca.  
2. Sự Nghiệp Trước Tác
Về phần trước tác, Ngài viết rất nhiều bộ luận rất có giá trị, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ tư tưởng Phật giáo về sau. Các bộ luận của Long Thọ về bản Hán có tất cả hơn 13 bộ, nhưng chính yếu vẫn không ra ngoài 3 bộ sau:
1. Trung Quán Luận (Madhya Dhỳna Sàstra), 4 quyển, La Thập dịch.
2. Thập Nhị Môn Luận (Dvàdasa Nikàya Sàstra), 1q., La Thập dịch.
3. Đại Trí Độ Luận (Mahapranàparamità Sàstra), 100q., La Thập dịch. [4]
III. NGUỒN GỐC VÀ SỰ RA ĐỜI TRUNG QUÁN LUẬN
1. Nguồn Gốc Tư Tưởng 
Bàn về nguồn gốc của Trung Quán luận chúng ta sẽ thấy một điều rất rõ rằng tánh Không, tư tưởng chủ đạo của Trung Luận, không phải đột nhiên xuất hiện bởi Long Thọ ở thế kỷ thứ II TL mà nó đã được thai nghén từ trong kinh tạng Nikàya.
Toàn bộ hệ thống kinh điển Phật nói ra trong 45 năm giáo hoá hầu hết đều được xây dựng trên nền tảng Duyên sinh, vô thường, vô ngã. Từ nền tảng Duyên sinh các pháp hiển thị tánh chất Vô tự tánh hay vô ngã tánh của nó: “Vạn pháp giai không”. Và điều này được đức Phật trình bày như là nguyên lý khách quan và phổ quát nhất. Đặc biệt, khi hệ thống kinh tạng Bát Nhã hình thành, thì tần số xuất hiện của tư tưởng tánh Không dần dần tăng lên làm tiền đề cho Trung Quán luận ra đời.
2. Sự Ra Đời   
Sau Phật nhập diệt khoảng 100 năm, do bất đồng tư tưởng trong nhận thức, Phật giáo bắt đầu có sự phân chia bộ phái. Ban đầu là hai phái chính: Thượng Toạ Bộ và Đại Chúng Bộ. Dần dần theo thời gian các bộ phái cứ tiếp tục ra đời và con số đã lên đến 20. Mỗi một học phái chủ trương theo một đường lối nhận thức khác nhau. Chẳng hạn như phái Hữu Bộ chủ trương “Ngã không pháp hữu”; Đại Chúng bộ chủ trương “Quá vị Vô thể, hiện tại hữu thể”; đến phái Nhất Thiết Hữu Bộ họ giải phóng luôn cả tư tưởng Ngã pháp thành “Tam thế chư pháp giả danh vô thể”…
Sau thời kỳ bộ phái, khoảng thế kỷ thứ I, II sdl, khi Phật giáo đại thừa xuất hiện thì sự tư tưởng tự do cũng thể hiện rầm rộ. Trong đó, những tư tưởng, nhận thức đúng với con đường giải thoát của Phật giáo rất nhiều nhưng nhận thức sai lầm (tà giáo) cũng không phải ít. Đứng trước tình cảnh hỗn loạn của tư tưởng giới Ấn Độ đương thời, với trình độ uyên bác, Bồ tát Long Thọ không thể nào chấp nhận được, vì thế ngài bắt đầu trước tác bộ Trung Quán luận này với phương pháp phủ định tuyệt đối nhằm hạ gục tất cả các lý luận bảo thủ cố chấp và ngoại đạo tà giáo.
IV. KHÁI QUÁT VỀ TRUNG QUÁN LUẬN
1. Giải Thích Tiêu Đề
Trung Quán Luận (MùlàMadhyamikakàrika) hay còn gọi là Trung Luận. Trung là chỉ thực tướng của tất cả các pháp. Thực tướng ấy vô tướng, luôn vắng lặng bình đẳng, siêu việt tất cả ngôn ngữ, khái niệm nhị biên: có không, sanh diệt, hữu vô…
Quán là lấy trí tuệ chơn chánh quán xét duyên khởi để hiển bày tánh Không. Quán còn có nghĩa là tư duy, phá chấp. Nguyên văn chữ Madhyamika không có từ nào có nghĩa là Quán những ngài La Thập đã thêm vào lúc dịch để làm sáng tỏ khi thực hành. Thầy Tuệ Sĩ đã lí giải về chữ Quán: “khi Trung được khai hiển và chỉ thị bởi luận, thì thể ngộ và thể nhập phải do thực hành. Như thế, ở phương diện thực hành, Trung như là quán cảnh, là đối tượng được hướng đến”.[5]
Luận (Abhidharma) là Đối pháp hay Vô tỷ pháp. Đại Thừa Khởi Tín Luận giải thích chữ Abhi là năng đối trí, chữ Dharma sở đối cảnh, gợp lại có nghĩa là dùng trí tuệ để quan sát suy nghiệm các pháp trần cảnh để hiểu tận chân lý. Ở đây, luận là dùng ngôn luận để thuyết minh lý trung đạo, thật tướng. Như vậy, Trung Quán luận là bộ luận chủ yếu trình bày về lý Trung Đạo, tánh Không để làm sáng tỏ các pháp.
2. Bố Cục Tác Phẩm
Toàn bộ Trung Quán luận được chia thành 4 quyển, 27 phẩm với tất cả 446 bài tụng. Mỗi bài tụng có 4 câu 5 chữ, tổng cộng có 1784 câu và 8920 chữ. Toàn văn Bồ tát không những đề cập về thế giới tương quan nhân quả, luân hồi mà còn đề cập về thế giới giải thoát. Nguyên văn bằng tiếng Sanskrit do Bồ tát Long Thọ tạo, ngài La Thập dịch ra Hán văn vào đời Tần. Ngoài bộ chánh văn này ra còn có các bộ chú giải về Trung Quán Luận của ngài Thanh Mục, Vô Trước, Cát Tạng…
3. Phương Pháp Luận Của Trung Luận
Nhằm đả phá những tư tưởng sai lầm, tà kiến của ngoại đạo và những học phái Phật giáo giúp họ thoát ngoài gọng kềm xiềng xích bó buộc để trực nhận được tính Không, bồ tát Long Thọ đã dùng phương pháp lí luận phủ định biện chứng. Phép phủ định này phủ định mọi khái niệm, danh ngôn, hình tướng của sự vật để tánh Không được hiển lộ. Nó được Ngài tận dụng một cách triệt để và như là cách duy nhất để đưa vạn vật trở về với thực tại sinh động, chuyển hoá.
“Phương pháp biện chứng của Nàgàrjuna rất là phi thường và độc đáo. Ngài không những vạch những tư tưởng lỗi lầm trong các sách điển ngoại đạo đưa ra phê bình sửa sai, mà chính Ngài cũng đặt ra những nghi vấn để Ngài giải đáp hoặc Ngài tự vạch những điểm sai lầm tư tưởng của chính Ngài đã nêu ra trước kia, đem ra phê bình biện minh”.[6]
V. TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC TRUNG QUÁN LUẬN
Trong phẩm quán Tứ Đế, 24 nói: “Các pháp do Duyên sinh ra, ta nói tất cả đều là Không, cũng gọi là Giả danh, cũng chính là nghĩa Trung Đạo”. Qua bài ấy, ngài Long Thọ muốn nói rằng Tánh Không, Duyên sinh và Trung đạo là một, và tư tưởng chủ đạo ấy được Bồ tát Long thọ diễn giải qua các hình thức khác nhau trong toàn bộ tác phẩm. Do đó, để thấu triệt được tác phẩm này cũng như chủ đích của Long Thọ ta cần phải nắm bắt các tư tưởng trên.
1. Tánh Không Là Gì?
Tánh Không (Sunyata) có nghĩa là Không (emptiness), là sự phủ định siêu việt có không, sinh diệt, thường đoạn. Ngài Phạm Chí giải thích Không là Chơn Tánh. Không “không phải là phủ định thật tại tính của sự vật, mà không ở đây là một từ ngữ chỉ thật tại tính vô tính, vô sở đắc, nhân duyên tính, vô ngã tính, có khi còn gọi là Pháp giới (dharmatu), Pháp tánh (dharmata), Chân tánh (tattva), Pháp bất biến tánh (dharmaniya-mata), Thực tế (bhutakoti), Tự tánh (Pvabhavaprakti), Chân như”.[7]
Trong thế giới hiện thực, con người luôn luôn nhận lầm các pháp là có thật, có một cái ta, cái ngã trường tồn mà không biết rằng các pháp tồn tại là do duyên sinh cấu tạo, do duyên sinh cấu tạo nên thể tánh nó vốn là không, ngay cả cái không cũng không luôn. Đó là chân Không. Theo Bồ tát Long Thọ, chân Không là các hiện tượng chỉ là hiện hữu tương quan, tương sinh mà không có tính độc lập, do đó không tự tánh. Tuy không tự tính nhưng các pháp vẫn tồn tại, đó là Diệu hữu. Chân không Diệu hữu không bao giờ lìa nhau. Do vậy, tánh Không trong Trung Luận bao giờ cũng sinh động mà không tiêu cực hư vô trống rỗng (ngoan không) như một số người đã hiểu.
Nhận thức tánh Không là “không có gì” là một cái hiểu phiến diện bởi khi xiển dương tánh Không Bồ tát Long Thọ đã xây dựng nó trên ba phương diện cơ bản sau:
a. Bài bác những ý kiến sai lầm và biện minh những tư tưởng, ý kiến đúng đắn
b. Phân biệt giữa Nhị đế: tục đế và chơn đế (hay tương đối và tuyệt đối)
c. Trung đạo là từ Bát bất (tám cái không)
Xây dựng nền tảng lý luận trên ba điểm cơ bản như trên để đi tìm chân lý thì “không lí do nào Nàgarjuna lại tự ràng buộc mình vào một lối thiên kiến: chấp Không. Chấp Không là lỗi đồng như lỗi chấp Hữu. Cho nên tư tưởng của Nàgarjuna có nghĩa là Tất cánh Không, nghĩa là cái Không cũng không còn nữa”.[8]
Có người bảo nếu tất cả các pháp đều là Không thời suy luận, giáo pháp tu tập, quả chứng v.v… đều trở nên vô nghĩa? Long Thọ trả lời: “dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành” (do có nghĩa Không nên tất cả các pháp được thành tựu, nếu không có nghĩa Không, thời tất cả cáp pháp không thành. HT Thiện Siêu dịch). Điều đó có nghĩa là tánh Không không những không làm tiêu tan đi những gì thế gian đang có, đang sở hữu mà ngược lại, nhờ tánh Không vạn pháp hiện hữu mới sinh động, uyển chuyển, tích cực và đáng sống.
2. Duyên Sinh
Bồ tát Long Thọ muốn chỉ cho mọi người thấy được Thật tại tánh Không của vạn pháp nhưng thật tại tánh Không là cái gì đó rất trừu tượng, vượt ra ngoài nhận thức của con người, nếu không nhờ phép Duyên sinh để làm hiển thị. Do vậy, “muốn hiểu về tánh Không thì trước hết phải nghiên cứu về Duyên Khởi, vì nó con đường độc nhất vô nhị dẫn đến tri nhận thực tại tánh Không”.[9]
Vậy Duyên sinh là gì? Là các pháp do nhân duyên hợp lại mà thành. Trong đó, các nguyên tố vừa làm nhân vừa làm duyên cho nhau, không một pháp nào có thể đơn duyên thành tựu. Pháp Duyên sinh, y tha khởi đã được đức Phật thuyết trong kinh Phật Tự Thuyết, Tiểu bộ I:
“Cái này có thời cái kia có,             Cái này không thời cái kia không.
Cái này sanh thời cái kia sanh,        Cái này diệt thời cái kia diệt”.
Tuy nhiên vạn hữu không chỉ đi theo một chiều thuận là tương sinh tương hợp mà nó còn đi theo chiều hướng ngược lại, tức hoại diệt. Nhờ có sinh diệt tiếp nối mà xã hội, thế giới luôn sinh động, hữu tình. Vì vậy, khởi đầu Trung Luận Bồ tát Long Thọ đã đề cập ngay nguyên lý Bát Bất để làm rõ tính chất duyên sinh của các pháp:
“Bất sinh diệc bất diệt,                     Bất thường diệc bất đoạn,
Bất nhất diệc bất dị,                          Bất lai diệc bất khứ.
   Từ Bát Bất mà Duyên sinh được hiển thị một cách rõ ràng. Điểm đặc biệt của Duyên sinh trong Trung Luận là duyên sinh để làm rõ về tánh không. Tuy cũng trình bày về duyên sinh như những bộ kinh khác nhưng giáo lý duyên sinh ở đây đã mang một giá trị khác hẳn, một giá trị từ phủ định đưa tới khẳng định.
3. Trung Đạo
Trung Đạo là không chấp “có không”, “thường đoạn”, “nhơn ngã”. Nó không phải một điểm ở giữa hai cực đoan như một số người lầm tưởng hay như thuyết Trung Dung của Nho giáo và Aristote mà nó mang tính đặc biệt hơn nhiều. Luận Trí Độ ghi: “chẳng có cũng chẳng không, cũng chẳng phải chẳng có không, lời này cũng chẳng chấp, như thế gọi là Trung đạo”. Còn theo Trung Luận thì “nó bao dung và siêu việt cả có và không, cả vật và tâm, cả tương đối và tuyệt đối. Nghĩa là san bằng những mâu thuẫn và đối lập, những định kiến sai lầm thiên lệch”.[10]
Theo ngài Nguyệt Xứng, chữ Pratìtyasamupàda (Duyên khởi) có thể hiểu là các pháp hiện khởi trong sự hỗ tương lệ thuộc, hay do các nhân duyên phối hợp mà sinh khởi. Với phần đầu của chữ Duyên khởi là Pratìtya (đạt được) nhằm chỉ rõ các pháp do nhân duyên hòa hợp, không thường hằng nên cần phải loại bỏ tà kiến chấp thường. Phần sau là Samutpàda (hiện khởi, sinh khởi) chỉ rõ rằng các pháp khi hội đủ nhân duyên thì hiện hữu, có mặt, là phần đoạn trừ tà kiến chấp đoạn, vì nó có sinh khởi. Như vậy, cả hai phần của chữ Duyên sinh biểu thị trọn vẹn ý nghĩa Trung đạo là không chấp thường, chấp đoạn.
4. Tư Tưởng Triết Học Trung Quán Với Phép Biện Chứng
Triết học Trung Quán xây dựng trên Duyên sinh, Tánh Không và Trung đạo, nhưng để mọi người trực nhận một cách dễ dàng mà không vướng mắc thì không phương pháp nào hay hơn bằng sự phủ định. Bởi với những kiến chấp lệch lạc, sự bảo thủ những định kiến cũng như sự phát sinh rầm rộ tư tưởng của các tông phái đương thời thì ngài Long Thọ, nếu đưa ra thêm một tư tưởng khẳng định nào đó thì cũng chỉ làm tăng thêm phần phức tạp của hệ thống tư tưởng dẫn đến tranh luận mà thôi. Chính nhờ phép biện chứng phủ định này mà Ngài đã đánh đổ tất cả nhận thức sai lầm trước đó, ngay đó, và cả sau này. Phép biện chứng đó được biểu hiện qua ba nguyên tắc mà bất cứ mọi khái niệm, hiện hữu trên thế gian đều không thể ra ngoài được.
a. Bát Bất - Phép Biện Chứng Phủ Định Triệt Để
Tám phép hay bốn cặp phủ định này được ngài Long Thọ đặt ngay phần đầu tiên của bộ luận. Vừa đọc vào chúng ta bắt gặp ngay:
1. Chẳng sinh, chẳng diệt                            (bất sanh, bất diệt)
2. Chẳng thường, chẳng đoạn                      (bất thường, bất đoạn)
3. Chẳng phải một, chẳng phải khác           (bất nhất, bất nhị)
4. Chẳng phải đến, chẳng phải đi                (bất lai, bất khứ).
Tuy chỉ nêu có tám tên gọi này nhưng nó đã bao gồm tất cả pháp. Để biểu dương lý Duyên sinh ngài đã nêu ra bốn cặp phạm trù đối đãi rồi phủ định nó. Trong đó, hai phạm trù đầu đã bao gồm cả các cặp còn lại nhưng vì thuận theo nhận thức của thế gian, có người chấp cái này, có người chấp cái kia nên phương tiện đặt ra nhưng tất cả đều bao hàm trong phạm trù Bất sinh, Bất diệt.
Ngài bảo các pháp không thật sinh bởi các pháp không tự sanh, không từ cái khác sanh, không phải cả hai hợp lại, cũng không phải từ các duyên khác (Chư pháp bất tự sanh, diệc bất tùng tha sanh, bất cộng bất vô sanh, thị cố tri vô sanh. Phẩm I Quán Nhân Duyên) mà nó phải do nhân duyên hoà hợp, không thể đơn duyên thành tựu.
Các nhân duyên hợp lại để sinh khởi ấy không thể ra ngoài bốn yếu tố sau đây: 1). Nhân duyên. 2). Thứ đệ duyên. 3). Sở duyên duyên. 4). Tăng thượng duyên. Như vậy, có cái gì thật sinh đâu, sự sinh khởi đó chẳng qua là giả danh mà thôi. Đã giả danh, tạm gọi là sinh thì có gì mà diệt.
Cứ như thế mà phủ định, đến lúc phủ định luôn cả cái gọi là Duyên sinh. Tại sao? Tại lúc đầu nói các pháp do Duyên sinh nhưng sợ chúng sanh tham ưa chấp trước bảo duyên sinh là cái có thật, nhưng sự thật Duyên sinh cũng vô tự tánh nên Bồ tát lại phải phủ định luôn cái Duyên sinh. Từ phủ định nhân duyên, rồi lần lượt Thứ đệ duyên, Tăng thượng… thông qua vấn đề nhân quả: “nếu quả từ duyên sinh ra, mà duyên ấy không có tự tánh, vậy từ cái không tự tánh sinh ra đâu được gọi là duyên sinh” (phẩm Duyên sinh I, HT Thiện siêu dịch).
Từ phủ định các cặp phạm trù đối đãi Ngài chuyển qua phủ định cả hai và toàn bộ. Bất cứ sự vật nào có mặt đều bị phủ định, phủ định tới mức tột cùng để làm sáng tỏ cái “Đương thể tức không” của vạn pháp. “Đương thể tức không” là ngay nơi thể tánh ấy là không (không có tự thể, hay tự tánh) chứ không phải “đương tướng tức không”. Đấy là phép biện chứng “phủ định của phủ định” hay phủ định triệt để.
b. Tứ Cú - Phép Phê Phán Toàn Diện
Tứ cú là chỉ bày “cách thức phản bác ngôn ngữ và lý luận thông tục khi được sử dụng mô tả thực tại cứu cánh” [11] nằm trong phẩm 25, quán Niết Bàn:
1. Có (hữu - ens)
2. Không (vonon ens)
3. Vừa có vừa không (diệc hữu diệc vô – either ens or non ens)
4. Chẳng phải có, chẳng phải không (phi hữu phi vô – neither ens nor non ens)
Trong phẩm thứ 18, Quán Pháp có nói: “Thật tướng của các pháp thì tuyệt dứt đường ngôn ngữ và tâm duyên, không sinh cũng không diệt, tịch diệt như Niết Bàn” mà Niết bàn thời “không chứng đắc cũng không chỗ đến, chẳng đoạn cũng chẳng thường, chẳng sinh cũng chẳng diệt” (phẩm quán Niết Bàn, 25). Thế nhưng chúng sanh mê chấp thường gán cho thật tướng một cái tên gọi hay cho nó là một cái gì đó theo lối của vọng tưởng ngư ngôn. Có, không, vừa có vừa không hay chẳng phải có chẳng phải không là bốn cách trả lời mà cách nào cũng làm cho ta xa lìa sự thật.
Có người hỏi Niết Bàn là gì, có hay không? Ngay câu hỏi đã sai thì làm sao đòi có câu trả lời đúng. “Nếu Niết bàn là có, thời Niết bàn tức là pháp hữu vi, như vậy trọn không có một pháp nào là vô vi” (phẩm 25). “Nếu bảo Niết Bàn do “Có” “Không” tạo thành, mà Niết bàn là giải thoát, vậy thì tất cả có không (hữu vi) đều giải thoát cần gì tu tập”. Như vậy, Niết bàn hay tánh Không không phải có. Không từ nơi có mới không, nhưng có đã không thì không cũng không. Hai phạm trù kế tiếp cũng như vậy. Một cái đã không thì làm sao những cái khác hiện khởi. Do vậy, Trung Luận phủ định luôn cả Tứ cú để trực nhận Niết Bàn, tánh Không, Trung Đạo.
c. Nhị Đế - Phép Nhận Xét Hai Mặt Của Một Sự Vật
Nhị đế là cách nhìn nhận, quán xét hai mặt của một vấn đề, nó nằm trong phẩm Quán Tứ Đế thứ 24: 1). Tục đế hay Thế tục đế (sự thật theo cuộc đời, thế gian). 2). Chân đế hay Đệ nhất nghĩa đế (sự thật theo ý nghĩa đúng đắn nhất).
Bất cứ sự vật nào cũng đều có hai mặt của nó, một mặt thế gian (tục đế) và mặt kia là xuất thế gian (chân đế). Các pháp do duyên sinh nên không thật, không có tự tánh, đó là Chân đế. Nhưng vì duyên sinh hiện ra các cảnh vật nên chúng sanh cho rằng cái có đó là sự thật, theo thế gian, đó là Tục đế. 
Đối với hai sự thật này, Tục đế tất nhiên là giả tạm nhưng chấp vào Chân đế thời cũng không thể nào thấu ngộ được Đệ nhất nghĩa đế, bởi Chân đế để hiểu rằng thế giới phi hữu còn Tục đế để hiểu rằng thế giới phi vô. Vả lại, “nếu không nương theo Tục đế thời không được Đệ nhất nghĩa đế” (phẩm 24 Tứ Đế), nghĩa là nếu không nhờ những sự vật phi thật ở thế gian thì sự thật tuyệt đối cũng không do đâu mà tồn tại. Nó chính là hai mặt của một vấn đề, bỏ một trong hai cũng không được mà ôm lấy cả hai cũng không xong. Do vậy, Trung luận vượt lên cả hai, cả Chân đế và Tục đế để trực ngộ Thánh đệ nhất nghiã đế. Tánh Không của Không đấy là Trung Đạo.
VI. TƯƠNG QUAN GIỮA TÁNH KHÔNG, DUYÊN SINH VÀ TRUNG ĐẠO
Trung Luận trình bày về ba vấn đề: Duyên sinh, Tánh Không, Trung đạo nhưng thực chất ba từ ấy chỉ là một, tuỳ theo từng vấn đề, khi đứng ở mặt này thì nó là Duyên sinh, đứng ở mặt kia thì nó là Trung đạo hay ở mặt kia nữa thì nó là tính Không. Tất cả diễn tả đều chỉ vì muốn đưa về với thực tại của các pháp. 
Khái niệm Duyên khởi là một khái niệm về Không bởi “Duyên khởi và tánh Không là hai mặt của một thực tại, dầu nó được giải minh trên bất kỳ bình diện nào, công ước hay tuyệt đối, tục đế hay chân đế. Duyên khởi, trên mặt hiển thị, là hiện tượng của tính Không; và cái Không, trên cái nhìn tuyệt đối, là bản chất của Duyên Khởi”.[12] Không và có là hai mặt đối lập nhưng cùng tồn tại trong nhất thể. Chúng không bao giờ mâu thuẫn nhau bởi cái có là có với duyên sinh và không là không từ bản chất. Thật chất các pháp là Không bởi nó không có tự tánh nhưng có vì nó duyên sinh. Cái có đó là giả có chứ không thật như chúng ta lầm tưởng. D.T. Suzuki trong Thiền Luận nói: “Khi người ta có thể nghĩ đến Duyên sinh hay tương đối tính được là vì chúng đã sẵn trong Không” có nghĩa là khi chúng ta chấp nhận có duyên sinh tức là chúng ta thừa nhận có tính Không, nếu không có tính Không thì duyên sinh không do đâu mà thành lập. Giống như muốn cất ngôi nhà thì phải từ một khoảng đất trống, không có khoảng không thì ngôi nhà không thể nào hiện hữu. Tính không và Duyên sinh được hiểu một cách tương tự như vậy. 
Như bài kệ đã dẫn ở trên: “Các pháp do Duyên sinh ra, ta nói tất cả đều là Không, cũng gọi là Giả danh, cũng chính là nghĩa Trung Đạo”. Điều đó có nghĩa rằng các pháp do các duyên hợp lại mà thành, tự nó không có một tánh chất cố định hay vô tự tánh nên nó là Không. Tuy không nhưng giả hợp thành có nên gọi nó là Giả danh.
Như vậy, Không cũng không thật mà có cũng không chơn. Thường thì chúng ta không nhận thức rõ nên hay cho rằng các pháp là thật có. Đến khi hiểu được một phần thì lại cho rằng các pháp là không hay giả có. Mà giả danh có hay không cũng chỉ là một cái nhìn phiến diện không thấy được sự thật sinh động của nó nên Bồ tát mới phủ định cả hai. Phủ định ở đây chính là Trung Đạo bởi nó không phủ định để đưa đến một cái hư vô trống rỗng mà chính ngay nơi đó thực tại mầu nhiệm hiện ra. Vì thế, biện chứng pháp Phủ định là “phương tiện đánh đổ khái niệm nhưng không khiến ta bị kẹt vào khái niệm đối lập cho nên nó được gọi là Trung Đạo; con đường trung dung. Trung dung ở đây không có nghĩa là tổng hợp giữa cái có và không, cái sinh và cái bất sinh mà là một sự siêu việt khỏi khái niệm”.[13] Do vậy, khi Trung luận đề cập về Duyên sinh cũng chính là đang nói về tính Không và cũng là đang nói về Trung Đạo bởi Duyên khởi, tánh Không và Trung đạo là một, tuỳ theo từng từng khía cạnh mà có tên gọi khác nhau. Đó cũng chính là nét đặc trưng của Trung Quán luận.
VII. KẾT LUẬN
Mục đích của Long Thọ khi thuyết minh về tánh Không không những đả phá những kiến chấp sai lầm ngay trong thời điểm ấy mà dụng ý của Ngài là luôn muốn chúng ta thấy được rằng một khi bị vướng mắc vào bất cứ một phạm trù khái niệm nào thì cũng vướng vào khổ đau phiền não. Muốn giải thoát cần phải vượt lên tất cả, vượt lên tức phủ định để thấy được tuyệt đối tính hay con đường trung đạo cần phải đi. Rõ tính Không cũng là để thực hiện lòng từ bi trọn vẹn, tự do vô ngại trong công cuộc hoằng dương đạo pháp và phổ độ chúng sanh. Như hình ảnh ví dụ nắm tay, nếu bàn tay không sở hữu, ràng buộc bởi bất cứ vật gì thời thiên hà đại địa đều có thể nằm gọn trong tầm tay của chúng ta. Ngược lại, một khi nắm bắt, dù một vật rất nhỏ, thì công dụng của bàn tay sẽ không còn được phát huy như mong muốn. Nghĩa là bàn tay đã bị ràng buộc bởi vật mà bàn tay đang nắm giữ. Bàn tay không nắm trọn cả thiên hà đại địa không phải bàn tay quá nhỏ bé để nắm bắt mà chính bởi bàn tay đã tự trói buộc, làm mất đi khả năng của mình bằng một sở hữu vật.
Thấu được tánh Không con người cũng sẽ giải thoát mình ra khỏi mọi trói buộc như bàn tay không còn bị một vật nhỏ nhoi làm mất công năng của nó. Lúc đó, thế gian sum la vạn tượng không những không mất đi, rỗng không mà chính ngay nơi đó vạn vật hiện lên một cách đầy đủ và chân thật nhất. Đó cũng chính là ý nghĩa Chân Không Diệu Hữu mà kinh Bát Nhã cũng như toàn bộ tác phẩm Trung Quán luận muốn chuyển tải đến tất cả mọi người. 
Tóm lại, tánh Không không phải cái không trống rỗng, hư vô, chỉ có phủ định. Mà từ phủ định để đưa đến khẳng định, khẳng định cái tính “Diệu hữu”, cái “không tức thị sắc” linh động của các pháp. Tuy nhiên, đối với hạng trí năng thấp kém mà luận giải về tánh Không hay hiểu Không trên ngôn thuyết thì điều tai hại sẽ là không lường như Bồ tát Long Thọ đã răn nhắc: “Như bắt rắn không đúng; như dùng chú thuật sai lạc, tánh Không bị hiểu nhầm là điều tai hại cho kẻ thấp kém” (Phẩm Tứ Đế 24).
 Thích Nguyên Tuấn - khóa 6


[1] Thích Đức Nghiệp, Tam Luận Toàn Tập. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2002, tr.11
[2] Theo Hoà thượng Thanh Kiểm trong Lược sử Phật giáo An Độ thì ngài sinh vào khoảng thế kỷ thứ III Tây lịch (cách phật nhập diệt khoảng hơn 700. thời điểm thế kỷ thứ II TL ở trên là được nhiều người chấp nhận nhất, kể cả các học giả phương tây như ông Etienne Lamotte, một giáo sư trường ĐH Bỉ, dịch bộ Đại Trí Luận.
[3] Đánh giá của P.T. Raju trong “Idealistic Thought of India”, xem trong Triết Học Tánh Không của Tâm Thiện. NXB TPHCM , 1999, tr. 95
[4] Xem chi tiết trong Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ của HT Thanh Kiểm. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2001, tr.204-5.
[5] Hồng Dương, Trung Quán Luận-Phá Tà Hiển Chánh. WWW.đaophatngaynayviettriet066-phatahienchanh.htm
[6] Thích Quảng Liên, sđd, tr. 56
[7] Thích Thiện Siêu, Vô Ngã Là Niết Bàn. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2000, tr. 250
[8] Thich Quảng Liên, sđd, tr. 55
[9] Tâm Thiện, sđd, tr. 85
[10] Thích Đức Nghiệp, sđd, tr. 18
[11] Hồng Dương-Nguyễn Văn Hai, Luận Giải Trung Luận Tánh Khởi Và Duyên Khởi. Hà Nội, NXB Tôn Giáo, 2003. tr. 61.
[12] Tâm Thiện, sđd, tr. 86
[13] Nhất Hạnh, Nẻo Vào Thiền Học. Sài Gòn: NXB Lá Bối, 1971, tr. 181.

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Chuyện thiền sư Hakuin Ekaku

Chuyện tu thiền ly kỳ nhưng có thực của đại sư lừng danh nước Nhật.


- Là một vị thiền sư quan trọng nhất của dòng thiền Lâm Tế, người đã có công phục hưng lại thiền phái vốn đã bị tàn lụi trước đó nhiều thế kỷ, thiền sư Hakuin Ekaku còn được nhắc tới như một họa sĩ xuất chúng.
- Chính vì thế, người ta gọi ông là thiền sư vĩ đại “500 năm mới có một người” của nước Nhật. Thế nhưng, có lẽ ít người biết rằng ngay từ khi còn là một cậu nhóc 7-8 tuổi, câu chuyện tu thiền của Hakuin đã là những huyền thoại…

1. Hakuin Ekaku sinh năm 1684 ở thời kỳ Edo Nhật bản. Người ta kể rằng, ngay khi còn là một cậu bé mới lên 8 tuổi Hakuin bắt đầu có ý định xuất gia. Khi ấy, trong một lần Hakuin theo mẹ lên thăm chùa, cậu bé Hakuin đã được nghe các vị sư ở chùa tụng bài kinh trong đó miêu tả lại cảnh dưới địa ngục.


Cảnh địa ngục đau khổ và khủng khiếp trong bài kinh khiến tâm hồn nhạy cảm của Hakuin bị ám ảnh và cậu bé quyết định sẽ đi tu để đạt tới cảnh giới “vào lửa không bị cháy, vào nước không bị chìm”.

Xuất thân trong một gia đình quý tộc nên bố mẹ của Hakuin nhất định không đồng ý cho ông xuất gia đi tu. Tuy nhiên, không sự ngăn cản của cha mẹ không thể làm lung lay được quyết định của Hakuin. Năm 15 tuổi, Hakuin đã vào chùa, cạo đầu xuất gia theo Phật.

Mặc xuất gia khi còn rất nhỏ, song Hakuin rất chăm chỉ, cần mẫn, suốt ngày chăm lo tụng niệm kinh Phật. Tuy nhiên, cho đến năm 19 tuổi, vị sư trẻ Hakuin đã gặp phải một vấn đề mà không thể nào giải quyết được khiến cậu mất lòng tin nơi Phật pháp.

Năm đó, Hakuin có đọc một câu chuyện liên quan tới một vị thiền sư nổi tiếng của Trung Quốc thời đại nhà Đường tên là Nham Đầu.

Chuyện kể rằng, khi còn sống, Nham Đầu tưng nói với các đệ tử của mình rằng: “Khi ta chết thì chỉ có một tiếng kêu thảm thiết mà thôi”. Quả nhiên, sau này Nham Đầu đi đường gặp cướp, khi bị chúng dùng dao chặt đầu giết chết thì ông chỉ hét lên một tiếng, tiếng hét truyền đi cả chục dặm đều nghe thấy.

Câu chuyện của thiền sư Nham Đầu khiến Hakuin cảm thầy rất buồn phiền. Vị sư trẻ nghĩ, nếu ngay cả một cao tăng đắc đạo như Nham Đầu mà cũng không thể tránh khỏi bị bọn cướp đường chặt đầu thì liệu mình có thể thoát được quả báo địa ngục hay không?

Nghĩ tới nghĩ lui, Hakuin vẫn không thể nào giải quyết được triệt để vấn đề của mình. Thậm chí, càng nghĩ, Hakuin càng mất lòng tin nơi Phật pháp nên không còn chăm chỉ tụng kinh niệm Phật như trước nữa mà dành hết thời gian cho văn chương, hội họa. Chính vì thế, sau này, ngoài là một thiền sư, Hakuin còn được người đời ca ngợi như một họa sĩ, một nhà văn và một nhà điêu khắc xuất chúng.

Mọi nghi ngờ của Hakuin chỉ được giải quyết cho đến khi ông gặp thiền sư Maun ở chùa Monoru. Đó là vào một ngày chùa Monoru đem kinh sách ra sân phơi cho khô. Hakuin quyết định đánh cược với thiền sư Maun.

Hakuin nói rằng, ông sẽ nhắm mắt lại và lựa chọn một trong số hàng trăm cuốn kinh này. Nếu như lựa chọn được một cuốn kinh điển Nho giáo thì ông sẽ lập chí trở thành một nhà Nho. Còn nếu như lựa chọn được một cuốn kinh điển nhà Phật thì ông sẽ tiếp tục theo đuổi con đường tu hành.

Trên thực tế, đây chỉ là một chuyện mà Hakuin bày ra để chơi đùa, song nó cho thấy, chàng trai trẻ khi ấy mới chưa đầy 20 tuổi đang dao động, không biết lựa chọn con đường nào cho mình.

Kết quả là, Hakuin chọn được một cuốn sách có tên là: “Thiền quan sách tiến”, một cuốn sách của thiền tông Trung quốc. Kết quả của chuyện đánh cược này là một sự ngẫu nhiên, tuy nhiên, nếu như người đánh cược sớm quả đoán quyết tâm thì chuyện ngẫu nhiên này sẽ thành chuyện tất nhiên. Hakuin chắc chắn từ rất sớm đã có được sự thấu hiểu này, chính vì vậy, sau lần đánh cược đó, ông bắt đầu chuyên tâm trên con đường tu thiền, và chính nhờ vậy mà người Nhật Bản mới có một thiền sư vĩ đại như sau này.

2. Năm 22 tuổi, khi nghe một câu kinh, Hakuin cho rằng mình đã ngộ ra chân lý của thiền, càng quyết tâm đi tìm phép "an tâm" và tập trung vào công án "Vô.

Ông viết trong cuốn sách Viễn la thiên phủ của mình rằng: “Một đêm nọ, khi nghe tiếng chuông chùa vang, ta hoát nhiên tỉnh ngộ... Ta tự biết, chính mình là thiền sư Nham Đầu, chẳng mang thương tích gì trong tam thế. Tất cả mọi lo sợ đeo đuổi từ xưa bỗng nhiên biến mất. Ta gọi lớn: Tuyệt vời! Tuyệt vời! Chẳng cần vượt khỏi sinh tử, chẳng cần giác ngộ. Một ngàn bảy trăm công án chẳng có giá trị gì”. Sau lần đó, Hakuin rất lấy làm kiêu ngạo về khả năng của mình. Ông tự nói với những người bạn của mình rằng: “Trong ba trăm năm qua chưa có ai ngộ đạo một cách dễ dàng và nhanh chóng như ta”.

May mắn cho Hakuin, đúng khi ông sinh ra ngạo mạn thì gặp được một thiền sư đang đi ngao du thiên hạ. Khi gặp Hakuin và nghe câu chuyện của ông, vị thiền sư này nói rằng, ông nên đến gặp thiền sư Dokyo Etan ở Shinano thì sẽ vỡ vạc ra nhiều điều. Hakuin khi đó nghĩ rằng, mình là người duy nhất trong thiên hạ này đại ngộ, chẳng còn phải học hỏi ai nữa nhưng khi nghe vị thiền sư nọ nói vậy, bèn quyết tâm đến gặp thiền sư Dokyo xem sự thể ra sao.

Khi đến được Shinano gặp thiền sư Dokyo, Hakuin vừa kể lại câu chuyện về sự giác ngộ chân lý của mình. Thiền sư Dokyo nghe xong, đưa tay trái giả như nắm lấy rồi ném xuống đất lạnh lùng nói: “Chỉ là một thứ phế thải chả ra làm sao. Đem thứ ngươi thực sự nhìn thấy ra đây”.


Nói rồi ông đưa tay phải chìa về phía Hakuin nói: “Nếu có điều gì muốn nói thì nhổ ra đây!”. Hakuin làm động tác nôn ra. Thiền sư Dokyo lại hỏi: “Lý giải thế nào về công án Vô”.

Hakuin đem tất cả sở học của mình trong thời gian qua ra nói. Vừa nói xong, thiền sư Dokyo đã dùng tay nắm lấy mũi của Hakuin vặn một cái sau đó vừa kéo vừa nói: “Cái ‘vô’ của người mà ta vẫn nắm được đấy!”. Chỉ một câu nói này của Dokyo đã làm tiêu tan tất cả sự ngạo mạn bấy lâu nay của Hakuin.

Thực ra, thiền sư Dokyo đã nhận ra cả sự kiêu ngạo lẫn tài năng của Hakuin nên ông muốn Hakuin từ bỏ lòng kiêu ngạo mới có thể tiến sâu vào sự giác ngộ chân lý. Chính vì vậy, mặc dù mỉa mai cách giải thích của Hakuin song Dokyo vẫn giữ Hakuin làm đệ tử.

Tuy nhiên, trong những năm sau đó, dù Hakuin có cố gắng thế nào, khắc khổ tu luyện ra sao nhưng hễ cứ đứng trước mặt thầy trình bày sở ngộ của mình là bị Dokyo chê rằng: “Một chúng sinh đáng thương sống trong địa ngục”. Mỗi lần bị thầy chê như vậy là lại một lần Hakuin quyết tâm hơn. Và bằng sự nỗ lực không ngừng, cuối cùng Hakuin cũng đạt đến sự giác ngộ.

Đó là vào một hôm, Hakuin cầm bát ra bên ngoài hành khất. Đến cửa một nhà nọ, họ không đồng ý cho nhưng Hakuin lúc đó trong đầu vẫn còn đang mãi nghĩ về câu chuyện trong công án nên không hề để ý đến lời từ chối của gia đình nọ. Vì vậy, ông cứ đứng nguyên trước cửa mà không đi.

Chủ hộ thấy Hakuin cứ đứng lỳ ngoài cửa nhà mình, cho rằng ông có ý định chọc giận mình bèn xông ra đánh cho Hakuin một trận. Hakuin bị đánh bất ngờ, ngã xuống đất bất tỉnh. Đến khi thần trí hồi phục trở lại thì Hakuin đã đạt đến cảnh giới đại ngộ. Nhìn thấy Hakuin, thiền sư Dokyo lập tức nói: “Ngươi đã triệt để giác ngộ rồi đó!”.

3. Sau khi được thiền sư Dokyo ấn chứng trở thành một thiền sư, Hakuin bắt đầu ngao du khắp nơi tiếp tục con đường tu hành của mình, đồng thời truyền bá thiền tông. Với thân thiện gần gũi các phật tử, không hề lấy địa vị một thiền sư ra để giảng giải thuyết pháp, thiền tông mà Hakuin truyền bá là một thứ thiền tông được “đại chúng hóa”.

Các công án thiền tông cũng được Hakuin tổng kết biên soạn lại cho dễ hiểu với đại chúng hơn. Chính vì vậy, mặc dù còn rất trẻ song thiền sư Hakuin được rất nhiều người tìm đến theo học, tiếng tăm lừng lẫy khắp nước Nhật Bản.

Sự thành công trong việc truyền bá thiền tông của ông đã góp phần quan trọng vào việc phục hưng lại dòng thiền Lâm Tế, đã bị tàn lụi từ thế kỷ 14. Đây chính là lý do người ta gọi Hakuin là vị thiền sư vĩ đại nhất của Nhật Bản mà “500 năm mới có một người”.

Trong thời gian truyền bá thiền tông, Hakuin đã để lại rất nhiều sự tích thú vị, trong đó có câu chuyện ông nuôi con cho người khác được nhiều người nhắc tới nhất như một ca tụng công đức của ông.

Chuyện kể rằng, thời bấy giờ, ở một nhà bán vải cách thiền viện của Hakuin không xa có cô con gái chửa hoang. Sợ nói ra tên người bạn trai thì anh ta sẽ bị cha mình đánh cho tới chết nên cô gái nhất định không chịu nói nửa lời. Sau đó, không chịu được sự tra hỏi bức ép của cha, cô gái bèn nghĩ tới thiền sư Hakuin, người mà cha cô rất sùng kính nên nói rằng: “Đứa trẻ trong bụng con chính là của thiền sư Hakuin đấy!”.

Cha cô gái nghe xong sững cả người, thiền sư Hakuin là người mà ông ta tôn kính, làm sao lại có thể có chuyện đó được. Nghĩ vậy, nhưng không còn cách nào khác, người cha mang con gái tới gặp thiền sư Hakuin.

Thiền sư nghe xong, chỉ nhẹ nhàng nói một câu: “Thế à?”. Cha mẹ cô gái thấy thái độ của Hakuin rất bình thản, cũng không làm lớn chuyện nữa. Đến khi cô gái sinh con ra, họ liền mang đứa trẻ tới thiền viện của Hakuin nói: “Đây là nghiệt chủng của ông, trả lại cho ông đấy!”. Sự việc sau đó được truyền ra bên ngoài, những người trong vùng ai cũng che bai dè bỉu thiền sư Hakuin, nói rằng ông đường đường bệ bệ thế mà tâm địa thấp hèn. Mặc dù bị người đời dè bỉu, song Hakuin vẫn không cố thanh minh, ngược lại âm thầm nuôi dưỡng đứa bé.

Hơn một năm sau, cô gái nọ không chịu được sự cắn rứt của lương tâm nên nói ra toàn bộ sự thực. Cha mẹ cô nghe xong, vô cùng hối hận, cả nhà từ lớn tới nhỏ kéo lên chùa xin lỗi Hakuin. Thiền sư nghe xong, cũng chỉ nói có một câu: “Thế à?”. Thế rồi đưa trả đứa bé về với mẹ của nó.

- Người ta nói rằng, dù thiền sư Hakuin chỉ nói có 1 câu nhưng cũng đủ thấy sự giác ngộ của ông tới mức độ nào.

Bằng Hư (Phunutoday)
Nguồn: http://giacngo.vn/lichsu/nhanvat/2011/06/09/72F040/

Tiếng vỗ của một bàn tay

Mokurai, Tiếng Sấm Tĩnh Lặng, là thiền sư trụ trì chùa Kennin. Sư có một đệ tử nhỏ tên Toyo mới 12 tuổi. Toyo thấy các đệ tử đàn anh vào phòng thầy mỗi sáng và tối để nhận giáo huấn trong lớp riêng một thầy một trò và được hướng dẫn cá nhân về cách dùng công án để chận tâm trí không đi lang thang.
Toyo cũng muốn được vào lớp riêng.

Mokurai nói, “Đợi một thời gian đã. Con còn nhỏ.”
Nhưng Toyo nằng nặc xin, vì vậy cuối cùng thầy cũng đồng ý.
Chiều tối, cậu bé Toyo đến đúng giờ, trước cửa phòng thầy Mokurai dùng làm lớp riêng. Cậu đánh một tiếng cồng báo hiệu đã có mặt, gập mình chào lễ phép ba lần ngoài cửa, và bước vào ngồi yên lặng một cách lễ độ trước mặt thầy,
“Con có thể nghe âm thanh của hai bàn tay khi hai tay vỗ vào nhau,” Mokurai nói. “Bây giờ chỉ cho thầy tiếng vỗ của một bàn tay.”
Toyo cúi chào và về phòng để suy nghĩ vể câu hỏi. Từ cửa sổ cậu có thể nghe nhạc của các cô geishas. “A, tôi có rồi!” cậy bé tuyên bố.
Sáng hôm sau, khi thầy hỏi cậu trình bày tiếng vỗ của một bàn tay, Toyo làm tiếng nhạc của geishas.
“Không, không,” Modurai nói. “Không bao giờ được. Đó không phải là tiếng vỗ của một bàn tay. Con chẳng hiểu gì cả.’
Nghĩ là nhạc của geishas cắt đứt dòng suy tưởng, Toyo chuyển chỗ ở đến một nơi yên lặng hơn. Cậu bé thiền định. “Tiếng vỗ của một bàn tay là gì?” Cậu bé nghe tiếng nước nhỏ giọt. “Tôi có rồi,” Toyo nghĩ.
Khi Toyo đến gặp thầy sau đó, cậu bé bắt chước tiếng nước nhỏ giọt.
“Cái gì vậy?” Mokurai hỏi. “Đó là tiếng nước nhỏ giọt, nhưng không phải là tiếng vỗ của một bàn tay. Cố thêm đi.”
Hoài công Toyo thiền định để nghe tiếng vỗ của một bàn tay. Cậu nghe tiếng thở dài của gió. Nhưng tiếng đó cũng bị thầy gạt bỏ.
Tiếng vỗ của một bàn tay cũng không phải là tiếng ve kêu.
Hơn mười lần Toyo vào thăm Mokurai với những loại tiếng khác nhau. Tất cả đều trật. Cả một năm, cậu bé suy nghĩ tiếng gì có thể là tiếng vỗ của một bàn tay.
Cuối cùng Toyo vào được thiền định thật sự và vượt lên trên tất cả mọi âm thanh . “Tôi chẳng còn tìm được tiếng nào nữa,” sau này cậu bé giải thích, “vì vậy tôi đạt được âm thanh im lặng.”
Toyo đã đạt được tiếng vỗ của một bàn tay.

Bình:
• Takeda Mokurai (1854-1930) (“Silent Thunder” – Tiếng Sấm Tĩnh Lặng) đi tu lúc còn nhỏ và được huấn luyện bởi các thiền sư hàng đầu thời đó. Mokurai trở thành sư trụ trì chùa Kennin, một trong những ngôi chùa cổ nhất và quan trọng nhất ở Kyoto, Nhật, vào năm 1892 khi Mokurai chỉ 38 tuổi. Mokujrai còn là một họa sĩ nổi tiếng với tên Sayu Núi Đông. Sayu vì một trong những bút danh của Mokurai là Sayutei, và Núi Đông là chỉ chùa Kennin.
• Bài này nói đển thủ tục lễ nghĩa khi đến gặp thầy để có lớp riêng với thầy (sanzen) rất rõ.
• “Dùng công án để chận tâm trí không đi lang thang.” Đây chính là yếu tính của công án. Đa số công án không phải là một câu hỏi cho một câu trả lời bằng chữ nghĩa hay lý luận, như câu hỏi “tiếng vỗ của một bàn tay” ở đây.
Người học trò, trong tiến trình tìm câu trả lời, sẽ tự nhiên tìm mọi cách để tập trung tư tưởng, không cho tư tưởng đi lang thang. Tâm sẽ lặng từ từ, như nghe tiếng nhạc, đến tiếng nước nhỏ giọt, tiếng thở dài của gió…
• Đến một lúc nào đó, tâm hoàn toàn tĩnh lặng đến nỗi không còn âm thanh nào có thể làm cho ta bị phân tâm. Tai nghe thì vẫn nghe, nhưng tâm hoàn toàn không xao động. Đó là “vượt lên trên” mọi âm thanh.
• Nhưng tại sao lại là tìm được “âm thanh tĩnh lặng” (soundless sound)?
Âm thanh tĩnh lặng (soundless sound) cũng là âm thanh của tĩnh lặng (sound of silence) như tên một bản nhạc của Simon and Garfunkel hay “tiếng thầm trong ngọc nói lời hay” của thiền sư Kiều Trí Huyền.
Tức là, trong tĩnh lặng ta “nghe”, “thấy”, “hiểu” hay “ngộ” được nhiều điều mà khi tâm ta bị phân tâm vì các “tiếng động” ta không nghe, không thấy, không hiểu.
Điều này thì chúng ta ai cũng đã có kinh nghiệm loáng thoáng phần nào—đôi khi ta tĩnh lặng, chẳng làm gì cả, chẳng suy nghĩ gì cả, tự nhiên bao nhiêu ý tưởng sáng tạo lại ùa đến. Tĩnh lặng làm con người thông thái ra, bao nhiêu vị thầy đã nói như thế.
• Tại sao vị học trò trong truyện này chỉ mới 12 tuổi?
Thưa, vì: (1) 12 tuổi thì ít có tiếng động trong đầu từ những lo lắng—con cái, công việc, chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện tiền bạc, chuyện nợ nần… và (2) 12 tuổi thí ít có kiến thức lý luận để mà có thành kiến “Làm sao một tay mà phát ra tiếng vỗ được? Vô l‎ý!”
Tức là nếu cái tâm ta càng nhẹ nhàng, giản dị, và không cố chấp, như trẻ thơ, thì ra sẽ thiền dễ hơn và đạt giác ngộ dễ hơn.
Muốn vào được thiên đàng thì hãy như trẻ thơ.
(Trần Đình Hoành dịch và bình)
.
The Sound of One Hand
The master of Kennin temple was Mokurai, Silent Thunder. He had a little protégé named Toyo who was only twelve years old. Toyo saw the older disciples visit the master’s room each morning and evening to receive instruction in sanzen or personal guidence in which they were given koans to stop mind-wandering.
Toyo wished to do sanzen also.
“Wait a while,” said Mokurai. “You are too young.”
But the child insisted, so the teacher finally consented.
In the evening little Toyo went at the proper time to the threshold of Mokurai’s sanzen room. He struck the gong to announce his presence, bowed respectfully three times outside the door, and went to sit before the master in respectful silence.
“You can hear the sound of two hands when they clap together,” said Mokurai. “Now show me the sound of one hand.”
Toyo bowed and went to his room to consider this problem. From his window he could hear the music of the geishas. “Ah, I have it!” he proclaimed.
The next evening, when his teacher asked him to illustrate the sound of one hand, Toyo began to play the music of the geishas.
“No, no,” said Mokurai. “That will never do. That is not the sound of one hand. You’ve not got it at all.”
Thinking that such music might interrupt, Toyo moved his abode to a quiet place. He meditated again. “What can the sound of one hand be?” He happened to hear some water dripping. “I have it,” imagined Toyo.
When he next appeared before his teacher, he imitated dripping water.
“What is that?” asked Mokurai. “That is the sound of dripping water, but not the sound of one hand. Try again.”
In vain Toyo meditated to hear the sound of one hand. He heard the sighing of the wind. But the sound was rejected.
He heard the cry of an owl. This was also refused.
The sound of one hand was not the locusts.
For more than ten times Toyo visited Mokurai with different sounds. All were wrong. For almost a year he pondered what the sound of one hand might be.
At last Toyo entered true meditation and transcended all sounds. “I could collect no more,” he explained later, “so I reached the soundless sound.”
Toyo had realized the sound of one hand.

Tranh thiền họa của thiền sư Hakuin

Đa số chúng ta có lẽ đều biết câu truyện này.  Có một vị thiền sư được những người chung quanh ca tụng là người sống trong sạch.  Một gia đình sống ở gần đấy có một cô con gái xinh đẹp.  Một hôm cha mẹ cô gái khám phá ra rằng cô có thai, và cô gái thú nhận rằng cha của đứa bé chính là vị thiền sư này.  Cha mẹ cô gái vô cùng tức giận.  Sau khi đứa bé sinh ra, ông bà mang nó tới trao cho vị thiền sư, và ông không nói gì chỉ thốt lên vỏn vẹn hai tiếng: “Thế à?” rồi thôi.  Lúc đó ông đã mất hết danh dự, nhưng không hề buồn.  Vị thiền sư săn sóc đứa bé rất tử tế, ông đi xin sữa của những bà mẹ hàng xóm và những đồ dùng cần thiết để nuôi đứa bé.  Một năm sau cô gái không chịu đựng được nữa.  Cô thú thật với cha mẹ rằng người cha thật sự của đứa bé không phải là vị thiền sư ấy, mà là một thanh niên hàng xóm.  Lập tức gia đình đến gặp vị thiền sư xin tha lỗi, và xin đem đứa bé về.  Khi trao lại đứa bé, ông cũng chỉ thốt hai tiếng: “Thế à?”
Và vị thiền sư trong truyền thuyết đó là ngài Hakuin Ekaku, người Trung hoa dịch là Bạch Ẩn Huệ Hạc. 
Hakuin là một thiền sư nổi tiếng, ông cũng đã có công gây dựng lại dòng thiền Lâm Tế ở Nhật bản.  Hakuin là một vị thầy có lối dạy rất cụ thể, theo ông thì tuệ giác phải được khám phá ngay trong đời sống hằng ngày, trong những sinh hoạt bình thường của ta.  Có người hỏi ông Thiền là gì, ông đáp “Thiền là làm sao cho mọi việc mình làm: ho, uống nước, đưa tay lên, cử động hay ngồi yên, nói năng hay làm việc, được thua, thành công thất bại, hảnh diện hay hổ thẹn… tất cả đều gồm chung vào một công án.”
Hakuin tin rằng những chứng nghiệm tu học phải được mang trở lại vào cuộc sống hằng ngày, thì nó mới thật sự là tuệ giác, và mới có khả năng nở hoa kết trái, giúp ích được cho mình và tất cả mọi người.
Hakuin không chỉ là một thiền sư ông còn là một nhà danh hoạ một thi hào xuất chúng.  Những bức tranh mực tàu, cũng như những bức thư pháp của ông vẽ đã trở thành những kiệt tác của thiền hoạ Nhật bản.  Ông sử dụng những tranh vẽ của mình như là phương tiện để hướng dẫn và giảng dạy về Thiền.  Mỗi bức tranh của Hakuin là một công án, một pháp thoại không lời, a visual dharma talk.  Và những bức tranh này, ông thường chỉ vẽ để tặng cho các đệ tử của mình với mục đích khuyến khích hoặc chỉ dạy cho họ quán chiếu sâu về một đề tài nào đó.
Xin được chia sẻ với các bạn một số tranh thiền họa của thiền sư Hakuin.
Quan Âm và 16 vị A la hán
Trong tranh, bồ tát Quan Âm nằm nghỉ chơi an nhàn, xa xa là dòng thác đổ, chung quanh ngài là 16 vị A la hán.  Dưới bức tranh Hakuin viết dòng chữ, “Một dòng thác lạnh, cao trăm ngàn  dậm.  Ai bảo là lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh của ta sâu rộng như biển.  Ta đã cắt đứt hết những dính mắc với cuộc đời bụi bậm, giờ ta trốn ở đây mà vui chơi chốc lát.”
Tôi nhớ một câu chuyện với bức tranh này, có người đến hỏi một vị thiền sư mục đích của cuộc đời là gì?  Ông đáp “Để vui chơi tháng ngày.”  Anh ta có vẻ thất vọng và nói, “Vui chơi thì ai mà lại chẳng biết vui chơi?”  Nhưng bạn biết không, thật ra trong chúng ta mấy ai mà có khả năng vui chơi giữa cuộc đời này!  Có lẽ chỉ khi nào ta không còn tìm cầu, mong muốn gì nữa hết, thấy được rằng mình đã về, đã tới rồi, thì ta mới có thể biết vui chơi. 
Như đức Quan Âm, ngài có hạnh nguyện cứu độ hết tất cả mọi người, không bỏ sót một ai, nhưng ngài vẫn biết ngồi chơi và an nghỉ.
Núi Linh Thứu
Khi về già thiền sư Hakuin rất thích đọc kinh Pháp Hoa.  Trong bức tranh này Hakuin vẽ ngọn núi hình một con chim ưng lớn, tượng trưng cho núi Linh Thứu, Vulture Peak, nơi Phật giảng kinh Pháp Hoa.  Và bên dưới là một làng đánh cá nhỏ với dăm ba mái nhà nằm rải rác, với những chiếc thuyền chài, biểu tượng cho một đời sống bình thường.
Trên tranh ông viết, “Nếu bạn nhìn lên, núi Linh Thứu.  Nếu bạn nhìn xuống, những chiếc thuyền đánh cá bên ngôi làng Shigeshishi nhỏ.”
Những lời dạy của đức Phật, dầu cao xa đến đâu nhưng bao giờ cũng đang có mặt với chúng ta, trong mỗi bước mình đi, mỗi việc mình làm, mỗi lời ta nói.  Đạo bao giờ cũng hiện hữu trong cuộc sống bình thường hằng ngày của mình.  Đỉnh núi Linh Thứu và một làng chài nhỏ bé, chúng rất gần gũi và hòa hợp với nhau.  Lời kinh uyên thâm xưa vẫn có mặt trong tách cà phê của bạn sáng hôm nay.
Củ khoai nước
Trong tranh, có một cụ già và đứa bé rửa những củ khoai nước (taro root) bằng hai cây xào và thùng nước trong một ngày mùa thu, bên cạnh một dòng suối.  Trong phút chốc, cả hai chợt dừng lại, để ông lão có  thể ngước nhìn lên ngắm một vầng trăng thu thật đẹp.
Có lẽ Hakuin muốn nhắc nhở chúng ta rằng, dầu bận rộn với bất cứ một công việc gì, dầu hoàn cảnh ta có như thế nào, chung quanh ta bao giờ cũng có một vầng trăng đẹp hiện hữu.  Và thỉnh thoảng ta hãy dừng lại và ngước lên để nhìn đi.  Giữa những bon chen và mệt nhọc của cuộc sống, cuộc đời vẫn có một vầng trăng trong sáng.
Đừng đợi đến khi tuổi già rồi ta mới thật sự nhận thấy được những gì mới là chân thật trong cuộc sống này.
Khỉ và con chim én
Một con khỉ ngồi như đang trầm tư suy nghĩ một điều gì, có một con chim én bay ngang và hót.  Trên tranh dòng chữ viết “Dù không lắng nghe, đưa lên một bàn tay, chim én.”
Có lẽ đây cũng là tiếng vỗ của một bàn tay.  Dù ta không lắng nghe, tiếng chim vẫn hót.  Hạnh phúc vẫn có mặt.  Có lẽ ta chỉ cần biết dừng lại thôi phải không bạn?
Tôi nhớ vài năm trước nghe một vị Thầy kể, có lần ông được một ký giả của một tờ báo lớn đến xin phỏng vấn.  Và người ký giả này mải mê đặt những câu hỏi về giáo lý, về phương pháp tu học, về Thiền… để anh có tài liệu về viết bài.  Khi vị Thầy đưa người ký giả ra xe, anh ta vẫn cố gắng đặt thêm tiếp một số câu hỏi.  Vị Thầy dừng lại chỉ lên trời và nói, “Hôm nay là một ngày thật đẹp, anh có thấy trời buổi sáng nay trong xanh quá chừng không?”  Và cả hai đứng yên thật lâu để ngắm nhìn.  Vị Thầy kể lại, người ký giả ấy sau này có lẽ sẽ quên hết những câu hỏi kia, nhưng ông sẽ nhớ mãi trời xanh mây trắng ngày hôm ấy.
Mải mê đi tìm học mà ta cũng có thể quên đi chuyện giác ngộ bạn hả.
Con kiến trên chiếc cối xay

Trong tranh, Hakuin vẽ một con kiến bò trên chiếc cối xay bằng đá, nhưng có lẽ nó cũng chỉ phí công thôi vì chiếc cối quay ngược chiều lại.  Hakuin viết, “Đi vòng quanh trên cối đá.  Một con kiến – tiếng thầm thì nhỏ nhoi của thế giới”.

Tiếng lao xao nhỏ nhoi ấy có lẽ là âm thanh của một con kiến nhỏ bé đi vòng quanh trên chiếc cối xay.  Phải chăng mỗi người chúng ta có một hoàn cảnh, nghiệp quả khó chuyển lay, như một con kiến nhỏ bé đi ngược trên chiếc cối xay bằng đá.  Nhưng âm thanh nhỏ nhoi ấy cũng có thể là lời Phật dạy, tuy chỉ là tiếng thầm thì và bị lấn át giữa dòng đời náo nhiệt bon chen , nhưng nếu biết lắng nghe, chúng vẫn có mặt đó, và sẽ giúp ta thoát ra khỏi cái thế giới vòng quanh ấy.  Và chuyển hóa được hết những phiền muộn của mình.
Khỉ vớt Trăng
Một con khỉ tay nắm cành cây và một tay vói xuống ao vớt mặt trăng trên nước.  Trên bức tranh, thiền sư Hakuin có viết bốn câu kệ,  "Con khỉ nhỏ với tay bắt trăng trên nước.  Dẫu trọn đời cũng chẳng ích lợi gì.  Nếu phải chi nó buông mình  xuống ao. Và thế giới này sẽ trở nên rực sáng."
Tôi cũng đọc được một câu chuyện vui này.  Có một ông vua khỉ ra lệnh cho thần dân của mình là nếu ai có thể vớt được mặt trăng trên nước và dâng lên cho ông thì sẽ được thưởng lớn.  Tất cả những con khỉ cố thử nhưng đều thất bại.  Nhưng có một con khỉ nọ vớt được mặt trăng ấy lên và đến dâng cho vua khỉ, “Có phải đây là cái mà ngài muốn không?”  Vua khỉ mừng rỡ nói, “Ngươi tài giỏi thật, đúng là vượt hơn hẳn những kẻ khác!”  Con khỉ ấy nói, “Nhưng thưa Ngài, xin cho tôi hỏi là không biết Ngài sẽ làm gì với mặt trăng này?”  Vua khỉ ngần ngừ suy nghĩ chút rồi đáp, “Ờ… Thật ra ta cũng chưa nghĩ đến điều ấy.”
Trong cuộc đời chúng ta ai cũng có những ước mơ.  Giả sử như chúng ta nắm bắt được những gì mình mong cầu, giả sử như cuộc đời này sẽ không còn đổi thay nữa, rồi ta sẽ làm gì bạn nhỉ?  Ta sẽ thật sự có hạnh phúc chăng?  Mình có nghĩ đến chưa?
Con quỷ một mắt
Những bức tranh của Hakuin thường nói về giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, nhưng đôi khi ông cũng có vẽ về thế giới siêu hình, nhưng có tánh khôi hài trong đó.  Như trong bức tranh này, một ông lão mù đang đi dạo, và thốt lên lời này với một bóng ma hiện trước mặt mình, “Ai đang gầm gừ ở đó?  Cái gì? Quỷ một mắt đó à?  Ta đâu có thấy ngươi đâu mà sợ.  Ngươi có 1 mắt, ta không có mắt nào hết, ngươi sợ ta mới phải chứ!”
Ông nói cũng có lý phải không bạn, nếu ta cho rằng một mắt là đáng sợ, thì không có mắt nào phải còn là đáng sợ hơn chứ.  Có lẽ ý thiền sư Hakuin muốn nhắc nhở rằng, nếu ta nhìn nhưng không có chấp vào hình tướng, với một cái thấy chân thật thì trong cuộc đời này, những việc sanh tử, được thua, mất còn... không có gì là đáng sợ hết.  Cũng như âm thanh của một bàn tay không thể nghe bằng lỗ tai, chân tánh không thể nhìn thấy bằng đôi mắt của mình.
Con Trâu qua cửa sổ
Bức tranh này Hakuin vẽ từ công án thứ 38 trong Vô Môn Quan.  Một con trâu nhảy qua khung cửa sổ nhỏ bé, đầu sừng, thân, bốn chân đều vượt qua hết.  Nhưng chỉ kẹt lại cái đuôi không qua được.  Tại sao vậy? 
 Trong cuộc sống, nhiều khi điều đơn giản nhất lại là việc khó làm nhất, một lời tha thứ lại là lời khó nói nhất.  Cái nhỏ nhất đôi khi lại là điều mình khó xả bỏ nhất, vì nó lại tàng chứa hết cả cái tôi của mình.
Trong Cổ Học Tinh Hoa có kể ông Lưu Ngưng Chi đang đi giày, thì có người lại nhận rằng đôi giày là của họ.  Ông đưa cho họ ngay.  Vài hôm sau, người ấy tìm được giày của mình, mang lại trả cho ông và xin lổi.  Ông không nhận mà nói, "Đôi giày khi trước là của tôi, nhưng tôi đã cho bác rồi thì bây giờ nó không phải là của tôi nữa.  Nên tôi không nhận được."
Có ông Thẩm Lân Sĩ đang đi giày, cũng có người đến nhận.  Ông cười hỏi "Giày của bác đó à?" rồi cũng cởi ra đưa cho họ ngay.  Sau người hàng xóm tìm được giày của mình, mang lại trả cho ông.  Ông hỏi "Ồ, giày không phải của bác à?"  Ông cười rồi nhận. 
Tôi nghĩ, ông Thẩm Lân Sĩ cũng có một thái độ “Thế à!” của thiền sư Hakuin.  Buông xả đâu phải chỉ là hình tướng ở bên ngoài thôi phải không bạn?
Tiếng vỗ của một bàn tay
Thiền sư Hakuin cũng là tác giả của công án âm thanh của một bàn tay, anh đã nghe tiếng vỗ của hai bàn tay, nhưng thế nào là âm thanh của một bàn tay?  Dù cho toàn thân anh có là tai đi chăng nữa, cũng không thể nghe được âm thanh này.
Hakuin viết “Núi, sông và mặt đất này tất cả đều là tai của ta.  Những gì ngập tràn tai ta, tự nguyên thủy của nó không phải là âm thanh.  Ta có thể lắng nghe sâu sắc mà không cần đến lỗ tai của mình… mà thật ra không có mắt, không có tai mới chính là cái thấy và cái nghe chân thật nhất.”
Và ông cũng thường nhắc nhở rằng, “Anh có nói gì đi nữa, nhưng nếu vẫn chưa nghe được tiếng của một bàn tay thì tất cả cũng chỉ là vô ích mà thôi.”
--- oOo ---
Mỗi bức tranh của thiền sư Hakuin là một bài pháp thoại, một công án cho người xem.  Ông sử dụng những hoàn cảnh, sinh hoạt hằng ngày để đưa chúng ta bước vào thế giới chân thật.  Như trong bài Tọa Thiền Hòa Tán, The Song of Zazen, thiền sư Hakuin viết
Tất cả chúng sinh bản lai là Phật
Cũng như băng với nước
Ngoài nước, không đâu có băng
Ngoài chúng sinh, tìm đâu ra Phật?
Đạo gần bên mình mà chẳng biết
Bao người tìm kiếm xa vời — Đáng thương!
Đó cũng như người nằm trong nước
Gào khát cổ xin được giải khát
Và như nếu chúng ta biết nghe được tiếng vỗ của một bàn tay thì,
Đạo bản lai thanh tịnh hiện thành
Thế giới này là thế giới của Liên hoa tạng
Và thân này là Pháp thân của Phật.
Nirvana is right here, before our eyes,
This very place is the Lotus Land,
This very body, the Buddha

Nguyễn Duy Nhiên