Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Sự Bám Chấp là nguyên nhân của khổ đau

Sự Bám Chấp là nguyên nhân của khổ đau


Nhật Tịnh dịch

Buồn
Tình yêu cao thượng và sự tự tế rất cần thiết trong thế giới này, được xuất phát từ sự trân quí và tùy hỷ với đối tượng, và mong muốn đối tượng được hạnh phúc, an lạc, nhưng không bám víu chặt chẻ và cũng không sở hữu đối tượng. Bạn đang sống trong một xã hội đầy đủ vật chất mà trong đó lòng tham đắm sở hữu nhiều hơn và lớn hơn như là tổng số tiêu chuẩn cho đời sống hạnh phúc. 
Những gì mà bạn sở hữu không phải là vấn đề, mà là thái độ của bạn đối với sự sở hũu đó. Nếu bạn đang có vật gì và vui hưởng nó, thì là bình thường hoặc đánh mất nó, cũng không sao. Nhưng nếu khi bạn bị mất nó, mà trong tâm rất chấp trước, thì là điều khác. Không nhất thiết đó là vật gì, bởi vì bản thân của đối tượng không thành vấn đề. Sự bám víu trong nội tâm làm bạn lao theo sự vận chuyển đó và mang đau khổ, mới thực là vấn đề. Nếu tâm bạn mở rộng và hãy để cho sự vật bay đi tự nhiên, sẽ không bị khổ. Có đúng không bạn? Rất cần thiết để thực hành điều nầy hàng ngày, để nhận thức được hạt giống của chấp trước trong tâm và dần dần loại hẵn nó.
Có một câu chuyện thú vị về trái dừa, được truyền tại Ấn độ về cách bắt những chú khỉ. Người ta lấy trái dừa và khoét một lổ nhỏ đủ cho tay khỉ thọt vào và cho vô một chất gì ngọt, rồi đóng đinh treo trái dừa vào thân cây. Khi con khỉ đi đến, thấy trái dừa, ngữi thấy mùi ngọt, liền đút tay vào lổ nhỏ đó để lấy. Tay nó bị giữ chặt bời chất ngọt bên trong và bị quấn thành nắm tay. Nhưng vì cái lổ quá nhỏ nên không thể rút tay ra được. Khi những người bẫy khỉ đến, họ bắt con khỉ đó. Dĩ nhiên, các con khỉ làm giống như vậy, đều bị bắt. Không ai nắm giữ con khỉ ngoại trừ con khỉ có hạt giống tham chấp trong tâm. Không ai giữ chúng ta trong bánh xe luân chuyển nầy, tự bạn mang sự chấp trước đó. Bánh xe không có trói buộc, nên bạn có thể thoát ra bất cứ lúc nào. Nhưng vì bạn bị bám víu, nên phải chịu khổ đau mà thôi.
Nguồn:  Clinging Causes the Pain - Tenzin Palmo

Genuine love and kindness is desperately needed in this world. It comes from appreciating the object, and rejoicing in the object, wanting the object to be happy and well, but holding it lightly, not tightly. And this goes for possessions too. You are in an extremely materialistic society in which the possession of more and bigger and better is held up as the total criteria for being happy.

What we own is not the problem, it's our attitude towards our possessions. If we have something and we enjoy it, that's fine. If we lose it, then that's OK. But if we lose it and we are very attached to it in our heart, then that's not fine. It doesn't matter what the object is, because it's not the object which is the problem. The problem is our own inner grasping mind that keeps us bound to the wheel, and keeps us suffering. If our mind was open and could just let things flow naturally, there would be no pain. Do you understand? We need our everyday life to work on this, to really begin to see the greed of attachment in the mind and gradually begin to lessen and lessen it

There's a famous story of a coconut, which is said to be used in India to catch monkeys. People take a coconut and make a little hole just big enough for a monkey to put its paw through. And inside the coconut, which is nailed to a tree, they have put something sweet. So the monkey comes along, sees the coconut, smells something nice inside, and he puts his hand in. He catches hold of the sweet inside, so now he has a fist. But the hole is too small for the fist to get out. When the hunters come back, the monkey's caught. But of course, all the monkey has to do is let go. Nobody's holding the monkey except the monkey's grasping greedy mind. Nobody is holding us on the wheel, we are clinging to it ourselves. There are no chains on this wheel. We can jump off any time. But we cling. And clinging causes the pain.

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Ngón tay chỉ mặt trăng



Một buổi chiều nọ, hai vị đại đức Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đến thăm Phật nơi tịnh xá của người và giới thiệu với Phật một người quen thân của họ, du sĩ Trường Trảo Phạm Chí. Du sĩ Trường Trảo Phạm Chí không phải là đệ tử của đạo sĩ Sanjaya nhưng cũng rất nổi tiếng, Trường Trảo Phạm Chí là cậu ruột của đại đức Xá Lợi Phất. Nghe nói hai người thân nhất của mình đã xuất gia theo Phật, ông tìm tới để hỏi thăm Phật về giáo pháp của người. Thay vì mô tả và tường thuật, hai vị đưa ông đến trực tiếp gặp Phật.
Trường Trảo Phạm Chí nói với Phật:
- Sa môn Cồ Đàm, ngài dạy giáo pháp gì? Chủ thuyết của ngài là chủ thuyết nào? Riêng tôi, tôi không thích một chủ trương hay một lý thuyết nào hết. Tôi không tin vào một chủ trương hay một lý thuyết nào hết.
Phật mỉm cười hỏi:
- Vậy ngài có thích cái chủ trương "không thích" của ngài không? Ngài có tin cái chủ trương "không tin" của ngài không?
Vị du sĩ ngỡ ngàng. Ông ta nói liều:
- Sa môn Cồ Đàm, tôi thích hay không thích, tôi tin hay không tin, thì cũng như vậy thôi, điều đó không quan hệ gì mấy.
Phật từ tốn:
- Một khi đã bị kẹt vào một chủ thuyết rồi thì người ta mất hết tự do, người ta trở nên độc đoán, cho rằng chỉ có chủ thuyết của mình mới là chân lý còn tất cả những chủ thuyết khác đều là tà đạo. Những tranh chấp và cãi cọ được phát sinh từ thái độ cố chấp này. Những tranh chấp và cãi cọ ấy có thể kéo dài bất tuyệt, làm mất rất nhiều thì giờ quý báu và có thể tạo ra xung đột và chiến tranh. Vì vậy cho nên kiến thủ là trở ngại lớn lao nhất trên con đường tu học.
- Kiến thủ là gì?
- Kiến là nhận thức, là quan điểm. Thủ là sự cố chấp. Kiến thủ là cố chấp vào một nhận thức hay một quan điểm. Cố chấp như vậy là bị kẹt, vì bị kẹt cho nên cánh cửa chân lý không còn cơ hội mở ra cho mình nữa.
Này ông bạn, để tôi kể cho ông bạn nghe câu chuyện này. Có một người lái buôn góa vợ kia đang sống với một đứa con trai năm tuổi. Anh ta cưng chiù con, xem đứa nhỏ là lẽ sống của đời mình. Một bữa nọ trong khi anh ta bỏ hàng đi vắng, kẻ cướp đến đốt xóm đốt làng, cướp bóc và bắt đứa con của anh đi theo. Khi về tới nơi, người cha trẻ thấy thi hài một em bé cháy đen nằm bên căn nhà đã cháy rụi của mình, anh ta tin ngay rằng con mình đã chết. Anh ta khóc lóc, làm lễ hỏa thiêu thân xác đứa bé, vì thương con quá, anh ta cất tro của đứa bé vào một cái túi gấm và đi đâu cũng mang theo bên mình. Mấy tháng sau, đứa con của anh ta thoát được tay ke cướp và tìm về được vào lúc nửa đêm. Nó gõ cửa đòi vào. Lúc ấy người cha trẻ đang ôm chiếc túi gấm đựng tro và than khóc một mình. Anh ta không chịu đứng dậy mở cửa. Anh ta tin rằng con anh đã chết thật rồi, và đứa trẻ đang gõ cửa ngoài kia là một đứa trẻ hàng xóm mất dạy nào đó đang cố tình trêu ghẹo anh. Vì vậy mà đứa con thật của anh ta phải thất thểu ra đi, và người cha khốn khổ kia vĩnh viễn mất đứa con duy nhất.
Này ông bạn, nếu ta cố chấp vào một chủ nghĩa và cho đó là chân lý tuyệt đối, ta sẽ lâm vào tình trạng của người cha trẻ kia. Ta sẽ không mở lòng ta ra được để đón nhận chân lý. Ta sẽ có cảm tưởng rằng ta không cần đi tìm sự thật nữa, vì ta đã có sự thật rồi. Lúc ấy nếu sự thật có tới gõ cửa tìm ta, ta cũng sẽ từ chối không mở cửa.
Trường Trảo Phạm Chí hỏi:
- Vậy giáo pháp của ngài dạy có phải là một chủ nghĩa không? Cố chấp vào nó có phải là kiến thủ không?
- Giáo pháp của tôi chỉ dạy không phải là một chủ nghĩa hay một lý thuyết. Nó không hình thành do công phu suy tư và ức đạt của trí năng, như những chủ thuyết chủ trương về bản chất của vũ trụ, cho rằng bản chất ấy là lửa, nước, là đất, là gió hay là thần linh hoặc cho rằng vũ trụ hữu hạn hay vô hạn, hữu biên hay vô cùng v.v...
Trí năng ức đạt và suy tư về sự thật cũng như con kiến bò quanh miệng bình bát không đưa ta đi đến đâu cả.
Không, giáo pháp của tôi dạy không phải là một chủ thuyết xây dựng trên trí năng. Đó là kinh nghiệm thực chứng, những gì tôi nói ra tôi đều đã thực chứng, và ông bạn cũng có thể kiểm điểm lại bằng kinh nghiệm thực chứng của ông bạn. Tôi nói vạn vật là vô thường và không có tư ngã. Điều này tôi đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Tôi nói vạn vật nương vào nhau mà sinh khởi, tồn tại, và hoại diệt, chứ không phải xuất phát từ một nguyên nhân đầu tiên nào hết. Điều này tôi cũng đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Tôi nói quán chiếu về vô thường, vô ngã và duyên sinh thì có thể đạt tới giải thoát và an lạc. Điều này tôi cũng đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Những điều tôi nói không có mục đích thuyết minh về vũ trụ mà chỉ có mục đích hướng dẫn sự thực tập và chứng nghiệm thực tại. Lời nói không diễn tã được thực tại, chỉ có kinh nghiệm trực tiếp mới làm cho ta tiếp xúc được với thực tại.
Trường Trảo Phạm Chí thốt lên:
- Hay quá, hay quá, sa môn Cồ Đàm! Nhưng trong trường hợp mà có người nhận thức giáo pháp của ngài như một chủ thuyết thì sao?
Phật im lặng gật đầu:
- Du sĩ Trường Trảo Phạm Chí, câu hỏi của ông bạn hay lắm. Giáo pháp của tôi không phải là một chủ thuyết do trí năng tạo dựng, nhưng sau này và ngay cả bây giờ nữa, đã có thể có những người nhận giáo pháp ấy như một chủ thuyết. Tôi cần nói rõ: giáo pháp của tôi là một phương tiện để đi vào thực tại chứ không phải là để miêu tả thực tại, cũng như ngón tay chỉ lên mặt trăng không phải là mặt trăng. Người khôn khéo phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Nếu cố chấp vào ngón tay, nếu cho ngón tay là mặt trăng thì sẽ không có cơ hội nào thấy được mặt trăng cả. Giáo pháp của tôi là để thực tập chứ không phải là để cất giữ mà thờ phụng và ca ngợi. Chiếc bè là để giúp ta qua sông chứ không phải để ta vác lên trên vai mà tự hào. Này các bạn, giáo pháp tôi dạy cũng như một chiếc bè. Phải sử dụng nó để đi sang bên bờ bên kia, bờ giải thoát.
- Xin Phật chỉ bày cho tôi con đường có thể vượt thoát được những cảm thọ sầu khổ.
- Cảm thọ có ba loại: cảm thọ dễ chịu, cảm thọ khó chịu và cảm thọ không dễ chịu cũng như không khó chịu. Cả ba loại cảm thọ đều có gốc rễ hoặc trong thân thể hoặc trong tâm ý và nhận thức. Cảm thọ có sinh có diệt như bất cứ hiện tượng tâm vật lý nào. Phương pháp tôi chỉ bày là phương pháp quán chiếu. Quán chiếu để có thể thấy được bản chất và nguồn gốc của các cảm thọ, dù là lạc thọ, khổ thọ hay xả thọ. Thấy được nguồn gốc của các cảm thọ rồi, ta sẽ thấy được bản chất của cảm thọ. Ta sẽ thấy cảm thọ cũng có tánh vô thường và vô ngã như tất cả các pháp khác. Sự sinh diệt của chúng dần dần sẽ không động được tới ta. Hầu hết các cảm thọ khổ đau của ta đều bắt nguồn từ nhận thức sai lầm của ta về thực tại. Nhổ bật gốc rễ của những sai lầm ấy lên thì khổ thọ không còn. Các vị nên biết: nhận thức của con người đầy dẫy sai lầm. Vạn pháp vô thường mà cho là thường, vạn pháp vô ngã mà cho là ngã. Đó là vô minh. Vô minh là nguồn gốc của khổ đau. Tu tập đạo giải thoát tức là diệt trừ vô minh của nhận thức. Điều này quý vị chỉ có thể thực tập bằng phép quán chiếu chứ không thể thực tập bằng cách cầu nguyện và tế tự.

(Trích ĐXMT_Chương 32 - Thích Nhất Hạnh)

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Đức Phật chân thực chính là thực tại đời sống của chính bạn







Tôn giáo luôn cho rằng điều này là tốt hay điều kia là xấu. 

Nếu bạn coi Phật giáo như là tôn giáo và bạn thấy rằng đức Phật đã dạy một điều gì đó là tốt thì bạn sẽ phải tin rằng điều đó là hoàn toàn tốt đẹp. Nếu đức Phật dạy điều đó là xấu thì điều đó sẽ trở nên là xấu 100%. Cách thức của bạn là như vậy! Bạn sẽ không suy xét tường tận về mọi điều vì bạn không được phép làm điều đó! Tương tự, nếu bạn là người Thiên Chúa giáo, bạn phải tin tưởng Thiên Chúa giáo chỉ đơn thuần là tôn giáo, khi đó, bất cứ điều gì chúa Jesus dạy đều trở thành chân lý tối thượng ... mà bạn chẳng suy xét, quán chiếu tường tận về những điều đó. Đây chính là phương thức điển hình của tôn giáo khi đề cập tới vấn đề niềm tin tâm linh của mỗi người.

Tuy vậy, chính đức Phật đã dạy trong giáo lý kinh điển:"Nếu con coi ta là Phật, con sẽ không bao giờ thấy được Phật. Nếu con lắng nghe giáo pháp của ta mà coi là Pháp, con sẽ không bao giờ thấu đạt được chân Pháp." Đây thực sự là một thông điệp vĩ đại, nhưng thật bất hạnh, nhiều người lại ngộ nhận sai lầm chân lý này. Họ đã bỏ lỡ mất lời dạy của đức Phật. Thậm chí, họ có thể là những vị học già lớn, hiểu biết rất nhiều giáo lý Phật pháp nhưng lại không thấu hiểu được lời khai thị này. Họ cứ coi Phật chính là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Không! Đức Phật Thích Ca đã dạy chúng ta không được coi ngài là "Phật". "Phật" ở trong chính bạn. Bạn phải hiểu rằng đức Phật chân chính là thực tướng đời sống của chính bạn. Đây là điều mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khai thị và cũng chính là "Pháp" mà tôi đang bàn luận tới.

Pháp chân thực chính là thực tại trong chính bạn. Pháp tự nhiên, chân thật và nền tảng đang diễn ra trong chính bạn và thế giới một cách tự nhiên. Thứ được coi là giáp Pháp ví dụ như điều mà tôi đang đàm luận ở đây chỉ là sự hướng đạo mà thôi. Đây cũng chính là điều mà đức Phật Thích Ca từng dạy:"Nếu con cho rằng giáo pháp của ta là Pháp, con sẽ không bao giờ thấu đạt chân Pháp." Lý do là vì giáo pháp của ngài chỉ là sự hướng đạo, tuy nhiên, nếu bạn cho rằng giáo pháp đó là tối thượng thì sự chấp pháp này sẽ trở thành một chướng ngại, một rào cản lớn. Sự ngộ nhận sai lầm này sẽ ngăn cản bạn nhận ra được bản chất chân lý của Pháp.

Theo tiếng Phạn, "Dharma" có nghĩa là "vạn Pháp". Do đó, bạn sẽ không bao giờ có được nhận thức chân thực về vạn Pháp nếu bạn cứ cố chấp vào những điều đức Phật dạy. Nếu bạn cố gắng tạo ra một thứ gì đó ngoài giáo Pháp của ngài và sau đó lại trở nên bám chấp vào nó thì bạn chỉ lãng phí thời gian, bạn sẽ không bao giờ giác ngộ được chân lý. Đấy cũng chính là một trở ngại mà chính đức Phật đã từng chỉ dạy.

Đó chính là lý do tại sao tôi luôn nói giáo lý đức Phật là triết học chứ không phải một tôn giáo. Tất nhiên, đạo Phật cũng có thễ thực hành dưới tư cách là một tôn giáo, và hàng triệu người đã thực hành như vậy trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, rất nhiều chướng ngại rắc rối đã phát sinh đơn giản chỉ vì sự ngộ nhận sai lầm đạo Phật là một tôn giáo. 
(Gyalwang Drukpa)
 

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

66 CÂU THIỀN NGỮ CHẤN ĐỘNG THẾ GIỚI

66 CÂU THIỀN NGỮ
CHẤN ĐỘNG THẾ GIỚI
Thích Nhật Từ biên tập


Chi chú: Nguyên tác Hoa ngữ của “66 cầu thiền ngữ” này là “Lục thập lục điều kinh điển thiền ngữ” (六十六條經典禪語), có nghĩa là “66 câu thiền ngữ trong Kinh điển [Phật giáo]”, được phổ  biến trên internet vào khoảng năm 2004. Bản dịch tiếng Việt được phổ biến năm 2010, có tựa đề là “66 cầu làm chấn động thiền ngữ thế giới” hoặc “66 câu Phật học làm chấn động thiền ngữ” đều không chuẩn với nguyên tác Hoa ngữ, đồng thời, đã thêm cụm từ “chấn động thế giới” và tỉnh lược từ “kinh điển”.
Không rõ người biên tập bản Hoa ngữ là ai. Cũng không rõ ai là dịch giả bản tiếng Việt. Sau khi đối chiếu bản Hoa ngữ, tôi đã hiệu đính một vài từ cho chuẩn xác và trau chuốt lời văn cho thuần Việt hơn. Phần hiệu đính và biên tập được tô màu xanh dương đậm để nhận dạng. Các đại từ nhân xưng “anh” trong bản dịch, tôi đều đổi thành “bạn” cho gần gũi với người đọc.
Từ “Kinh điển thiền ngữ” ở đây nên hiểu là “lời minh triết trong Kinh Phật”. Khó tìm được xuất xứ của 66 thiền ngữ này trong Kinh Phật, mặc dù về mặt tư tưởng, chúng diễn ta triết lý Phật giáo ứng dụng, dưới hình thức danh ngôn. Câu 43 diễn đạt sai tư tưởng Phật học, vì Phật giáo không chấp nhận “ngẫu nhiên”, trong khi câu 50 được người biên tập Hoa ngữ đánh tráo tư tưởng Nhất thần giáo vào thiền ngữ Phật giáo, với mục đích lạc dẫn người đọc tin vào quyền uy toàn năng của Thượng đế, vốn không có thật và không được đạo Phật chấp nhận. Không phải tất cả 66 câu “thiền ngữ” này đều mô tả sâu sắc tư tưởng Phật giáo. Đây là điều các Phật tử cần lưu tâm, khi sử dụng tài liệu trên internet vốn khó kiểm chứng tính nguyên thủy về văn bản học Phật giáo, để khỏi hiểu sai tư tưởng Phật giáo nguyên chất.
Để minh họa cho các bài giảng, tôi tạm phân 66 câu thiền ngữ thành 6 phần, mỗi phần 11 câu và đặt tựa đề cho từng phần, nhằm giúp người đọc dễ nhớ các ý tưởng chính trong từng phần. Sau đây là bản dịch Việt có hiệu đính và nguyên tác Hoa ngữ để đối chiếu.

I. CHẤP DÍNH LÀ GỐC KHỔ ĐAU
1. Sở dĩ người ta đau khổ là do đeo đuổi những thứ sai lầm.
2. Nếu bạn không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không cách nào gây phiền não cho bạn. Tất cả do nội tâm bạn. Chỉ do bạn không chịu buông xuống.
3. Bạn hãy luôn cảm ơn những ai tạo ra nghịch cảnh cho bạn.
4. Bạn phải luôn mở lòng khoan dung, lượng thứ cho người khác, cho dù họ xấu bao nhiêu, thậm chí họ đã làm tổn thương bạn. Bạn phải buông bỏ để có được niềm vui đích thực.
5. Khi đang vui, bạn nên nghĩ rằng niềm vui này không vĩnh hằng. Khi đau khổ, bạn hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn.
6. Sự chấp trước của ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai.
7. Bạn có thể có tình yêu nhưng đừng nên dính mắc, vì chia ly là lẽ tất nhiên.
8. Đừng lãng phí mạng sống mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ ân hận.
9. Khi nào bạn thật sự buông xuống thì lúc ấy bạn sẽ hết phiền não.
10. Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành.
11.Người cuồng vọng còn cứu được, người tự ti thì vô phương. Chỉ khi nhận thức được mình, hàng phục chính mình, sửa đổi mình, bạn mới có thể thay đổi người khác. 
II. THAY VÌ HẬN NGƯỜI, HÃY TỰ CỨU MÌNH
12. Đừng nên có thái độ bất mãn người khác hoài. Bạn hãy quay về kiểm điểm chính mình mới đúng. Bất mãn người khác là chuốc khổ cho chính mình.
13. Người nào nếu tự đáy lòng không thể tha thứ cho kẻ khác, thì tâm người đó sẽ không thể được thanh thản.
14. Người nào trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác.
15. Hủy diệt người chỉ cần một câu, xây dựng người lại mất ngàn lời, xin bạn "đa khẩu hạ lưu tình".
16. Thật sự không cần quay đầu lại xem người nguyền rủa bạn là ai? Chẳng lẽ khi bị chó điên cắn một phát, bạn phải chạy đến cắn con chó đó một phát?
17. Đừng bao giờ lãng phí một giây phút nào để nghĩ nhớ đến người bạn không hề yêu thích.
18. Khi bạn biết đem lòng từ bi và thái độ ôn hòa để bày tỏ những nỗi oan ức và bất mãn của mình, người khác sẽ dễ hiểu ra vấn đề.
19. Cùng là một chiếc bình giống nhau, sao bạn lại chứa độc dược? Cùng một mảnh tâm, sao bạn phải chứa đầy những não phiền làm chi?
20. Những thứ không đạt được, chúng ta sẽ luôn cho rằng nó đẹp đẽ, chính vì bạn hiểu nó quá ít, bạn không có thời gian ở chung với nó. Nhưng rồi một ngày nào đó khi bạn hiểu sâu sắc, bạn sẽ phát hiện nó vốn không đẹp như trong trí tưởng tượng của mình.
21. Sống một ngày là có diễm phúc của một ngày, nên phải trân quý. Khi tôi khóc vì không có dép để mang thì tôi lại phát hiện có người không có chân!
22. Hao tổn tâm lực để chú ý người khác sao bằng dành chút tâm lực phản tỉnh bản thân? 
III. BUÔNG CHẤP NGÃ LÀ HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC
23. Hận thù người khác là mất mát lớn nhất đối với bản thân.
24. Dù ai cũng có mạng sống, nhưng không phải ai cũng hiểu được và biết trân quý mạng sống của mình. Người không hiểu được mạng sống thì mạng sống đối với y chỉ là sự trừng phạt.
25. Tình chấp là nguyên nhân của khổ đau. Buông bỏ tình chấp, bạn mới được tự tại.
26. Muốn không hối hận về sau thì đừng khư khư về cách nghĩ của mình.
27. Khi sống thành thật với chính mình, không ai trên đời sẽ lừa dối bạn được.
28. Người che đậy khuyết điểm của mình bằng thủ đoạn tổn thương người khác là kẻ đê tiện.
29. Người âm thầm quan tâm, chúc phúc người khác là đang trao tặng vô hình.
30. Đừng gắng sức suy đoán cách nghĩ của người khác, nếu bạn không phán đoán chính xác bằng trí huệ và kinh nghiệm thì bạn sẽ mắc phải nhầm lẫn như sự đương nhiên.
31. Muốn hiểu một người có thật lòng không, chỉ cần xem điểm xuất phát và mục đích của họ có giống nhau không.
32. Chân lý của nhân sinh được giấu trong cái bình thường.
33. Người không tắm rửa thì càng xức nước hoa càng thấy thối. Danh tiếng và sự tôn quý đến từ chân tài thực học. Có đức tự nhiên thơm.

IV. HÃY ĐỂ THỜI GIAN CUỐN TRÔI KHỔ ĐAU ĐI
34. Thời gian sẽ trôi qua. Hãy để dòng thời gian cuốn trôi phiền não của bạn đi.
35. Ai nghiêm trọng hóa những chuyện đơn thuần sẽ sống trong đau khổ.
36. Người luôn e dè với thiện ý của người khác thì hết thuốc cứu chữa.
37. Buông một lời dối gian thì phải bịa thêm mười câu hư vọng nữa để biện hộ. Cần gì khổ như vậy?
38. Ai sống một ngày vô tích sự thì chẳng khác gì kẻ phạm tội ăn trộm.
39. Người gieo duyên rộng mở sẽ không làm tổn thương người khác.
40. Im lặng là một câu trả lời hay nhất của sự phỉ báng.
41. Kính trọng người khác là tự trang nghiêm.
42. Ai có tình thương vô tư thì sẽ có tất cả.
43. Đến là ngẫu nhiên [nhân duyên], đi là tất nhiên [nhân duyên]. Do vậy, bạn cần phải "tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên".
44. Từ bi là vũ khí tốt nhất của mỗi người. 
V. BIẾT THƯƠNG CHÍNH MÌNH
45. Chỉ cần đối diện với hiện thực, bạn mới vượt qua hiện thực.
46. Lương tâm là thẩm phán công bằng nhất của mỗi người. Bạn lừa dối người khác được nhưng không thể qua mặt lương tâm mình.
47. Người không biết thương bản thân thì không thể thương người khác.
48. Thi thoảng, ta nên tự thầm hỏi: “Ta đang đeo đuổi cái gì? Ta sống vì cái gì?”
49. Đừng vì một chút tranh chấp mà đánh mất tình bạn chí thân. Đừng vì một chút oán giận mà quên đi thâm ân của người khác.
50. Cảm ơn đời[1] về những gì tôi đã có. Cảm ơn đời vì những gì tôi không có.
51. Biết đứng ở góc độ của người khác để nghĩ cho họ thì đó là từ bi.
52. Nói năng nên tránh tánh châm chọc, đừng gây thương tổn, đừng khoe tài cán, đừng vạch lỗi người, nhờ đó, biến thù thành bạn.
53. Thành thật đối diện với mâu thuẫn và khuyết điểm trong tâm, đừng lừa dối chính mình.
54. Nhân quả chưa từng nợ chúng ta thứ gì, nên xin đừng oán trách nhân quả.
55. Đa số người đời làm được ba việc: Dối mình, dối người và bị người dối. 
VI. LÀM CHỦ TÂM, LÀM CHỦ HẠNH PHÚC
56. Tâm là tên lừa đảo lớn nhất. Người khác có thể dối bạn nhất thời, tâm dối gạt bạn suốt đời.
57. Chỉ cần tự giác tâm an, thì đông tây nam bắc đều tốt. Nếu còn một người chưa độ thì đừng nên thoát một mình.
58. Khi tay bạn nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì bạn chỉ có mỗi thứ này. Nếu chịu buông xuống, bạn có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Người chấp khư khư quan niệm của mình, không chịu buông thì trí huệ chỉ đạt được ở một mức độ nhất định.
59. Nếu bạn có thể sống qua những ngày bình an, thì đó chính là phúc đức của bạn. Hôm nay, biết bao nhiêu người hôm nay đã không thấy được vầng thái dương ngày mai; biết bao nhiêu người đã trở thành phế nhân, biết bao người đã đánh mất tự do, và biết bao nhiêu người phải nước mất nhà tan.
60. Bạn có nhân sinh quan của bạn, tôi có nhân sinh quan của tôi. Tôi không dính dáng gì tới bạn. Chỉ cần tôi có thể, tôi sẽ cảm hóa được bạn. Nếu không thể thì tôi đành cam chịu.
61. Nếu muốn nắm được tương lai thì bạn phải làm chủ hiện tại.
62. Đừng thốt ra từ miệng những lời ác độc, cho dù người ta có xấu ác với mình bao nhiêu. Càng nguyền rủa người khác, tâm bạn càng bị nhiễm ô. Hãy nghĩ mọi người là thiện tri thức của mình.
63. Người khác có thể làm trái nhân quả, tổn hại chúng ta, đánh chúng ta, hủy báng chúng ta. Chúng ta đừng vì thế mà oán hận họ. Vì chúng ta cần giữ tâm thanh tịnh và bản tánh hoàn chỉnh.
64. Người chưa từng cảm nhận sự đau khổ hoặc khó khăn thì khó cảm thông người khác. Muốn học tinh thần cứu khổ, cứu nạn thì trước hết phải chịu đựng được khổ nạn.
65. Thế giới vốn không thuộc về bạn, vì thế bạn không cần vứt bỏ. Cái cần vứt bỏ chính là tánh cố chấp. Vạn vật đều hữu dụng, nhưng không thuộc về ta.
66. Khi không thể thay đổi được thế giới xung quanh, ta nên sửa đổi chính mình. Giáp mặt tất cả bằng tâm từ bi và trí huệ.
(Theo http://thuvienhoasen.org) 

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Bà Già Đốt Am

Có bà lão nhiều đạo tâm, cất ngôi tịnh am lo đầy đủ tứ sự cúng dường ủng hộ một vị sư tham thiền tu niệm. Qua hai chục năm, một hôm bà lão dặn bảo cô con gái rằng:
- Bữa nay, sau khi đem cơm cho sư thọ trai xong, con thừa lúc bất ngờ ôm ngay sư mà hỏi: "Lúc này như thế nào?" Sư trả lời ra sao, con về đây thuật lại cho mẹ rõ."
Cô con gái y như lời, ôm sư gạn hỏi.
Sư đáp:
- Khô mộc ỷ hàn nham, tam đông vô noãn khí.
Với câu này, ý sư muốn bảo: "Mình chẳng mảy may động tâm về sắc dục, ví như cây khô nương tựa gộp đá lạnh, lại ở vào ba tháng mùa đông, tìm một chút hơi ấm cũng không có."
Cô con gái trở vào thuật lại, lão bà không vui, bảo:
- Thật uổng công ta hai mươi năm lo lắng, không ngờ chỉ ủng hộ một kẻ phàm phu!"
Nói xong, lão bà ra đuổi nhà sư đi, rồi châm lửa đốt luôn cái am.
Thật ra, tu đến trình độ của sư, đời nay cũng ít có. Còn lão bà vốn một vị Bồ Tát, hành động đốt am là muốn khai ngộ cho thiền sư. Tại sao thế? Bởi sư tuy không động tâm về sắc dục, nhưng còn thấy mình thanh tịnh, còn trụ tâm nơi tướng vắng lặng không không của thiền định, tức chưa được đại triệt đại ngộ. Để phân tích thêm cho rõ, thiền môn có ba cửa ải phải vượt qua là: Bản Tham quan, Trùng quan và Lao quan. Người tu thiền tham thoại đầu đến khi phá được nghi tình, tỏ suốt ý Tây-lai, nhìn rõ mặt mày trước khi cha mẹ chưa sanh, tức đã vượt qua cửa ải thứ nhứt, gọi là "Phá Bản Tham". Đến trình độ này, dù đã dứt được tưởng-tâm hư vọng từ vô thỉ, nhưng còn cảnh giới năng sở đối đãi của quán trí, hãy còn chưa tuyệt tướng quên tình. Cho nên tuy đã vô tâm cùng thế sự, nhưng đối với đại đạo vẫn cách một lớp cửa dày dặn trập trùng. Cổ đức bảo:
 
Chớ gọi vô tâm nguyên thật đạo.
Vô tâm còn cách một trùng quan!
 
Chính là ý này. Nhà sư trên tuy đã đạt đến cảnh giới khá cao, nhưng hãy còn trụ tâm nơi tịnh tướng. Đây cũng là một sự tham nhiễm vi tế, mà người tu cần phải dứt trừ.
Người niệm Phật cũng thế. Phải rõ tất cả sắc tướng đều như huyễn, dù tu đến cảnh giới nhứt tâm, thấy hoa sen báu, các tướng tốt, hoặc chư Phật Bồ Tát hiện thân, nên biết đó chẳng qua là do nhân lành cảm quả lành, cứ an nhiên đừng đắm nhiễm tham trước, cũng không nên phủ nhận. Như vậy mới gọi là hiểu ngộ lý: "Như thật bất không" của tạng tâm. 
(Sưu tầm)
 

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Sống trong phân thật là hạnh phúc!

Sống trong phân thật là hạnh phúc!
*********************
Nghiệp lực lôi chúng ta, khiến chúng ta thích những thứ mà cơ thể ta, tâm ta đòì hỏi. Chuyện chống tại nghiệp rất khó và không có mấy người đủ trí tuệ, nghị lực và quyết tâm để thay đổi nghiệp, quản lý nghiệp.

Và không chỉ vậy, ăn phân cũng thật là ngon và thích thú. Không gì trên đời này ngon hơn phân. Thưa các bạn, đó không phải là tuyên bố của tôi mà là của rất nhiều chúng sinh trên thế gian này!

Chuyện kể rằng, có 2 anh em nhà nọ cùng cha cùng mẹ nhưng mỗi người một tính, một nết. Người anh chăm chỉ tu hành, thanh lọc thân tâm, tinh tấn mỗi ngày. Còn người em thì lười biếng, không tin Phật pháp và chỉ mải ăn ngủ, chơi bời, lêu lổng.

Ngày từ giã cõi đời này, người anh được sinh thiên. Anh được tái sinh vào thiên đàng với cuộc sống tuyệt vời. Với khả năng của mình, người anh xuống trái đất tìm em nhưng không thấy. Anh xuống tìm khắp 9 tầng địa ngục cũng không thấy em mình đâu. Lại vào cõi ngạ quỷ cũng không hề có em trai mình. Cuối cùng anh đã phát hiện ra người em đã tái sinh vào kiếp mới là 1con giòi sống trong đống phân.

Người anh rất thương em, mong em tu tập tinh tấn và chuyển cõi. Với năng lực của mình người anh cố gắng thuyết phục em về cảnh trên cõi thiên, về cuộc sống trên thiên đàng. Rằng nơi đó rất tuyệt. Người em hỏi liệu trên cõi đó có phân không, có được chui lủi, ngụm lặn trong phân không. Người anh nói rằng, dĩ nhiên là không. Người em lại hỏi liệu trên đó thức ăn có là phân không. Câu trả lời của anh rằng dĩ nhiên không như vậy. Người em quả quyết rằng, nếu không được sống trong phân, không được ăn phân thì chẳng có gì thú vị cả và em không bao giờ lên đó.

Vì thương em, người anh cố gắng bắt con giòi để mang lên thiên đàng nhưng người em không chịu. Người em – con dòi quyết trườn khỏi tay anh để lao xuống đống phân, ngụp lặn trong phân. Người anh bắt hoài, bắt hòai, bắt bao lần nhưng em đều quyết trườn ra chạy thoát về bãi phân. Người anh ngán ngẩm, lắc đầu, bỏ đi.

Nghiệp lực trong kiếp người của người em quá mạnh đã biến em thành con giòi. Và đối với con giòi thì chỉ có phân là nhất. Không có gì ngon hơn! Không ở đâu sướng bằng!

Con người ta cũng vậy. Nghiệp lực kéo chúng ta mà chúng ta không chịu buông bỏ, cứ nhất quyết theo thói quen cũ. Uống rượu chỉ hại cho sức khỏe. Uống rượu làm ta không làm chủ được bản thân. Uống rượu làm ta mất hết tính người. Thế mà dù bao người khuyên ngăn, vẫn có bao người thích uống rượu, thậm chí nát rượu.

Tôi gõ những dòng chữ này khi vừa đi viếng đám tang cha của một người bạn. Ông say sưa rượu chè và bỏ mặc con cái cả chục năm nay. Ông say rượu để đánh chửi vợ con, gây gổ với bao người và rồi vợ con không chịu nổi nên phải phải ly dị. Bao năm nay ông sống với mẹ già hơn 90 tuổi. Ông chết với căn bệnh ung thư gan ở tuổi 48, cái tuổi lẽ ra đang sung sức nhất để cống hiến cho gia đình, cho xã hội, cho đời.

Có người lao vào kiếm tiền, bất chấp những mánh khóe và tội ác. Họ tưởng có tiền là có tất cả. Được gì chẳng biết nhưng nghiệp phải trả là cái chắc. Hơn nữa, nghiệp ác thời nay luôn hiện tiền ngay trong kiếp này. Tôi có bao người quen đã phải mất hết tất cả mặc dù có rất nhiều tiền.

Có người lúc đầu nói dối chơi chơi. Sau rồi thành quen. Cuối cùng nói cái gì cũng giả dối để chẳng ai tin. Mà họ đâu có biết rằng mình đang mê muội trong việc nói bậy đó. Nói dối thành quen, nói dối mỗi ngày mà họ không biết, không thấy cái hại của việc dối trá!

Chuyện rất nhỏ khác thôi là hút thuốc lá. Đa phần nhưng ai không hút thuốc (nhất là phụ nữ) thấy mùi thuốc lá rất khó chịu, thấy miệng của những người hút huốc rất hôi, thấy không khí quanh người hút thuốc rất ngột ngạt. Họ không thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra khi họ hút thuốc. Ấy vậy mà có bao người mê đắm thuốc lá, hút cả ngày. Cá biệt có người hút ngày đến 2 gói. Họ mê mẩn trong khói thuốc, sống không thể thiếu điếu thuốc. Và đối vối họ không gì quý hơn thuốc.

Lại có bạn nghiền café. Người không uống thì thấy café đắng, uống café vào thấy ruột gan bồn chồn và dĩ nhiên là mất ngủ. Vậy mà với dân nghiền cafe, ngày không có vài ly thì không chịu nổi. Thà nhịn ăn còn hơn không có café!

Nghiệp lực lôi chúng ta, khiến chúng ta thích những thứ mà cơ thể ta, tâm ta đòi hỏi. Chuyện chống lại nghiệp rất khó và không có mấy người đủ trí tuệ, nghị lực và quyết tâm để thay đổi nghiệp, quản lý nghiệp. Đức Phật, các vị A la hán, các vị thánh là những tấm gương sáng đã làm được điều kỳ diệu đó. Những tấm gương giúp chúng ta thay đổi số phận, thay đổi đời mình.

Liệu xung quanh bạn có ai đang sống trong bãi phân và thích ăn phân như con giòi trong câu chuyện tôi vừa kể. Tôi tin rằng bạn đã biết mình phải làm gì từ bây giờ!

(Nguyễn Mạnh Hùng)