Có bà lão nhiều
đạo tâm, cất ngôi tịnh am lo đầy đủ tứ sự cúng dường ủng hộ một vị sư tham thiền
tu niệm. Qua hai chục năm, một hôm bà lão dặn bảo cô con gái rằng:
- Bữa nay, sau khi
đem cơm cho sư thọ trai xong, con thừa lúc bất ngờ ôm ngay sư mà hỏi:
"Lúc này như thế nào?" Sư trả lời ra sao, con về đây thuật lại
cho mẹ rõ."
Cô con gái y như
lời, ôm sư gạn hỏi.
Sư đáp:
- Khô mộc ỷ hàn
nham, tam đông vô noãn khí.
Với câu này, ý sư
muốn bảo: "Mình chẳng mảy may động tâm về sắc dục, ví như cây khô nương tựa gộp
đá lạnh, lại ở vào ba tháng mùa đông, tìm một chút hơi ấm cũng không có."
Cô con gái trở vào
thuật lại, lão bà không vui, bảo:
- Thật uổng công
ta hai mươi năm lo lắng, không ngờ chỉ ủng hộ một kẻ phàm phu!"
Nói xong, lão bà
ra đuổi nhà sư đi, rồi châm lửa đốt luôn cái am.
Thật ra, tu đến
trình độ của sư, đời nay cũng ít có. Còn lão bà vốn một vị Bồ Tát, hành động đốt
am là muốn khai ngộ cho thiền sư. Tại sao thế? Bởi sư tuy không động tâm về sắc
dục, nhưng còn thấy mình thanh tịnh, còn trụ tâm nơi tướng vắng lặng không không
của thiền định, tức chưa được đại triệt đại ngộ. Để phân tích thêm cho rõ, thiền
môn có ba cửa ải phải vượt qua là: Bản Tham quan, Trùng quan và Lao quan. Người
tu thiền tham thoại đầu đến khi phá được nghi tình, tỏ suốt ý Tây-lai, nhìn rõ
mặt mày trước khi cha mẹ chưa sanh, tức đã vượt qua cửa ải thứ nhứt, gọi là "Phá
Bản Tham". Đến trình độ này, dù đã dứt được tưởng-tâm hư vọng từ vô thỉ, nhưng
còn cảnh giới năng sở đối đãi của quán trí, hãy còn chưa tuyệt tướng quên tình.
Cho nên tuy đã vô tâm cùng thế sự, nhưng đối với đại đạo vẫn cách một lớp cửa
dày dặn trập trùng. Cổ đức bảo:
Chớ gọi vô tâm
nguyên thật đạo.
Vô tâm còn cách
một trùng quan!
Chính là ý này.
Nhà sư trên tuy đã đạt đến cảnh giới khá cao, nhưng hãy còn trụ tâm nơi tịnh
tướng. Đây cũng là một sự tham nhiễm vi tế, mà người tu cần phải dứt trừ.
Người niệm Phật
cũng thế. Phải rõ tất cả sắc tướng đều như huyễn, dù tu đến cảnh giới nhứt tâm,
thấy hoa sen báu, các tướng tốt, hoặc chư Phật Bồ Tát hiện thân, nên biết đó
chẳng qua là do nhân lành cảm quả lành, cứ an nhiên đừng đắm nhiễm tham trước,
cũng không nên phủ nhận. Như vậy mới gọi là hiểu ngộ lý: "Như thật bất không"
của tạng tâm.
(Sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét