Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Người khất sĩ cần hội đủ năm điều kiện


Mùa an cư năm tới, Phật cư trú trên núi đá Calika. Đây là Hạ thứ mười ba kể từ ngày Phật thành đạo. Năm nay thầy Mê Ghi Ga được làm thị giả cho Phật. Một hôm thầy Mê Ghi Ga thú thật với Phật là là có khi ngồi một mình trong rừng vắng, thầy thấy những tư tưởng tạp loạn và ái dục nổi dậy trong tâm. Thầy thường nhớ Phật dạy là vị khất sĩ phải biết sống một mình để có thì giờ và cơ hội mà thực tập thiền quán, nhưng khi ở một mình thầy lại gặp những chướng ngại khác trổi dậy từ trong tâm.
Phật dạy thầy rằng biết sống một mình không có nghĩa là sống không có bạn đạo. Gần gũi bạn bè mà chỉ để chuyện trò phù phiếm, điều ấy không có lợi cho sự tu tập và làm mất hết thì giờ, nhưng gần gũi bạn hữu để nâng đỡ và chỉ dẫn nhau trong việc thực tập là một điều cần thiết. Vị khất sĩ nên sống trong một đoàn thể, để được nâng đỡ và khuyến khích, đó là ý nghĩa của những tiếng quay về nương tựa Tăng (Sangham saranam gacchami).
Phật dạy đại đức Mê Ghi Ga:
- Người khất sĩ cần hội đủ năm điều kiện. Thứ nhất là có thiện hữu trí thức, tức là những bạn đồng tu có trí tuệ và đạo hạnh đủ để hướng dẫn mình. Thứ hai là phải có giới luật để giúp mình an trú trong chánh niệm. Thứ ba là phải có cơ hội học hỏi giáo pháp. Thứ tư là phải chuyên cần. Thứ năm phải có sự hiểu biết. Bốn điều kiện sau cũng có liên hệ nhiều tới điều kiện thứ nhất là có thiện hữu trí thức. Mê Ghi Ga, muốn điều phục ái dục, sân hận và si mê, thầy phải thường xuyên thực tập cửu tưởng quán, từ bi quán, vô thường quán và tùy tức quán. Bốn phép quán này có công năng đưa đến giải thoát và giác ngộ.
Cửu tưởng quán là quán chiếu về quá trình tàn hoại của cơ thể, thấy được quá trình hủy diệt của một thân thể từ khi tắt thở cho đến khi xương cốt tan thành tro bụi. Quá trình này có cả thảy là chín giai đoạn, cho nên gọi là cửu tưởng quán. Cửu tưởng quán có thể giúp ta đối trị ái dục.
Từ bi quán là quán chiếu về những nguyên nhân đã đưa tới tâm niệm giận dữ của mình, trong đó có những nguyên nhân thuộc tâm lý của mình, và những nguyên nhân xa gần đã khiến người khác nói năng và hành động thế nào để mình nổi cơn giận dữ. Từ bi quán giúp ta đối trị sân hận.
Vô thường quán là quán chiếu quá trình sinh diệt của vạn pháp; phép quán này có công năng diệt trừ si mê. Tùy tức quán là theo dõi hơi thở và nuôi dưỡng chánh niệm; phép quán này có công năng đối trị loạn tâm.
Nếu thầy thường xuyên thực tập bốn phép quán ấy, thầy sẽ đạt tới trạng thái tự do của tâm ý.
(Trích ĐXMT Chương 50 - Thích Nhất Hạnh)

Công cụ của người khất sĩ


Một buổi sáng, đi khất thực ngang qua cánh đồng ở làng Ekanala, Phật và các vị khất sĩ bị một nông dân chận đường.
Nông dân này tên là Bharadvaja, ông là một nhà triệu phú, ông có hàng ngàn mẫu ruộng, đây là mùa cày ruộng, ông đang đốc thúc dân cày đi cày. Có hàng trăm trăm người đang cày ruộng cho ông trong ngày hôm đó. Chận đường Phật và các vị khất sĩ, ông nói:
- Chúng tôi là nông dân, chúng tôi phải cày sâu cuốc bẫm, bỏ phân, chăm bón và gặt hái mới có được gạo ăn, còn các vị không làm gì cả, không sản xuất gì hết mà các vị cũng ăn. Các vị không có ích lợi gì cho đời cả. Các vị không cày, không cuốc, không gieo trồng, không bỏ phân, không chăm bón, không gặt hái ...
Phật bảo Bharadvaja:
- Có chứ, chúng tôi cũng có cày, cuốc, gieo trồng, bỏ phân chăm bón và gặt hái.
- Cày của quý vị đâu, cuốc của quý vị đâu, bò của các vị đâu, hạt giống của các vị đâu? Các vị chăm bón cái gì, săn sóc cái gì, gặt hái cái gì?
Phật nói:
- Hạt giống của chúng tôi là niềm tin. Đất của chúng tôi là chân tâm. Cày của chúng tôi là chánh niệm. Bò của chúng tôi là sự tinh tiến. Mùa màng của chúng tôi là sự hiểu biết và thương yêu. Điền chủ! Nếu không có niềm tin, sự hiểu biết và lòng thương yêu thì cuộc đời sẽ khô cằn và đau khổ lắm. Chúng tôi cũng gieo trồng và cũng gặt hái như điền chủ.
Vị chủ ruộng Bhadvaja rất thích thú được nghe lời Phật nói. Ông truyền gia nhân đem thức ăn trưa dành cho ông ta tới để cúng dường Phật. Thức ăn là cơm gạo thơm nấu với sữa. Phật từ chối. Người nói:
- Tôi thuyết pháp không phải với mục đích là được cúng dường. Các vị khất sĩ không đổi giáo pháp với phẩm vật cúng dường. Nếu điền chủ muốn cúng dường, xin để đến một hôm khác.
Vị điền chủ rất cảm phục. Ông lạy xuống và xin được quy y với Phật.
(Trích ĐXMT Chương 49 - Thích Nhất Hạnh)

Hãy Học Hạnh Của Đất


...
Trên đường về đại đức Xá Lợi Phất đã cùng Cát Tường ghé lại cụm rừng để đón La Hầu La về tu viện. Cát Tường chia xẻ phần ăn của mình xin được vào bát của La Hầu La. Sau giờ thọ trai, thầy Xá Lợi Phất bảo La Hầu La đi gặp Phật. Cát Tường xin được đi theo:
Biết tâm ý của La Hầu La đã đến lúc có thể tiếp nhận giáo lý giải thoát. Phật dạy:
- Này La Hầu La, con học theo hạnh của đất. Dù người ta đổ và rải lên những thứ tinh sạch và đẹp đẽ như hoa, nước thơm, sữa thơm, hoặc người ta đổ lên đất những thứ dơ dáy hôi hám như phân, nước tiểu và máu mủ, hoặc người ta khạc nhổ xuống đất thì đất cũng tiếp nhận tất cả những thứ ấy một cách thản nhiên, không vui vẻ mừng rỡ mà cũng không chán ghét tủi nhục. Cũng như thế, khi những cảm thọ khoái lạc hoặc buồn khổ phát sinh, con đừng để cho chúng làm nhiễu loạn tâm con và chiếm cứ lòng con.
Con hãy học theo hạnh của nước. Khi người ta giặt rửa những thứ dơ bẩn trong nước, nước cũng không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Con lại nên học hạnh của lửa. Lửa đốt cháy mọi thứ, kể cả những thứ dơ bẩn, vậy mà lửa cũng không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Con lại cũng nên học hạnh của không khí. Không khí thổi đi các thứ mùi, mà vẫn không cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường.
La Hầu La, con hãy tu tập lòng Từ để đối trị giận hờn. Lòng Từ là lòng thương yêu được thực hiện bằng cách đem lại niềm vui cho kẻ khác. Từ là thứ tình thương không có điều kiện và không chờ đợi sự đền trả.
Con hãy tu tập lòng Bi để đối trị tàn ác. Lòng Bi là lòng thương yêu được thực hiện bằng cách làm vơi đi sự khổ đau nơi người khác. Bi cũng là thứ tình thương không có điều kiện và cũng không chờ đợi sự đền trả. Con lại phải tu tập lòng Hỷ để đối trị ganh ghét. Lòng Hỷ là lòng vui phát sinh từ khả năng vui theo cái vui của người khác và niềm ước ao làm sao cho kẻ khác được an vui, mong cho kẻ khác được thành công và hạnh phúc. Con lại nên tu tập lòng Xả để đối trị kỳ thị và vướng mắc. Lòng Xả là tâm niệm thanh thoát và cởi mở đạt được do sự nhận thức về tính cách tương quan bình đẳng giữa mọi loài; cái nầy như thế nầy vì cái kia như thế kia, mình và người không phải là hai thực thể riêng biệt, không nên ghét bỏ cái này để đi nắm bắt một cái khác.
La Hầu La, Từ, Bi, Hỷ và Xả là bốn tâm tư lớn, rộng rãi không có bờ bến và cũng đẹp đẽ không cùng, đó gọi là Tứ Vô Lượng Tâm. Tu tập theo phép này thì mình trở nên một nguồn suối mát đem lại sinh lực và niềm vui cho tất cả vũ trụ.
La Hầu La, con lại phải quán chiếu về vô thường để phá trừ ảo tưởng về cái "ta". Con phải quán chiếu về tính sinh diệt và thành hoại của thân thể để hiểu sâu về sống chết và để thoát ly tham dục, và nhất là con phải tập quán niệm hơi thở. Quán niệm hơi thở sẽ đem lại nhiều thành quả lợi lạc lớn.
Ngồi kề La Hầu La, được nghe tất cả những điều Phật dạy, Cát Tường sung sướng vô cùng. Đây là lần đầu tiên chú được nghe những lời thâm sâu như vậy trực tiếp từ miệng Phật. Chú đã học thuộc lòng trên mười kinh, trong đó có những kinh căn bản như Kinh Chuyển Pháp Luân và Kinh Vô Ngã Tướng mà Phật nói ở vườn Nai Isipatana, nhưng chú chưa thấy thấm thía mùi vị đạo của đại pháp như hôm nay. Có lẽ vì những kinh đó chú không được nghe trực tiếp từ miệng Phật. Kinh đầu tiên mà chú nghe trực tiếp từ miệng Phật là Kinh Chăn Trâu, chú đã thuộc lòng, nhưng hồi Phật nói kinh ấy, chú còn đang mới quá, tâm trí chưa đủ chín chắn để cảm nhận lấy tất cả những cái hay. Chú tự hẹn là những lúc rãnh rỗi chú sẽ ôn tụng lại các kinh đó bằng nhận thức mới của mình để có thể thâm nhập được nghĩa lý sâu xa trong ấy.
Suy nghĩ tới đó thì Cát Tường lại nghe tiếng Phật cất lên. Phật bắt đầu dạy La Hầu La về phương pháp thở. Cát Tường và La Hầu La đã từng học phép quán niệm hơi thở rồi và cũng đã thực tập, nhưng đây là lần đầu hai người được Phật dạy trực tiếp về phép tu này. Phật dạy rằng tác dụng đầu tiên của hơi thở có ý thức là chấm dứt tạp niệm và phát khởi chánh niệm. Mỗi khi thở vào ta biết là đang thở vào, mỗi khi thở ra, ta biết rằng ta đang thở ra, đó là hơi thở có ý thức. Trong lúc thở như thế ta để tâm nơi hơi thở và chỉ để tâm nơi hơi thở mà thôi. Làm như vậy lập tức ta chấm dứt ngay được những tạp niệm, nghĩa là chấm dứt những suy nghĩ viễn vông, những suy nghĩ đã không ích lợi mà còn làm cho tâm ta loạn động. Một khi những tạp niệm được cắt đứt thì tâm ta an trú trong chánh niệm. Ta biết ta đang thở, ta biết ta đang tỉnh thức, ta không bị tạp niệm bao vây và dẫn dắt. Chỉ cần một hơi thở thôi, ta đã có thể thiết lập trạng thái tỉnh thức trong ta. Trạng thái tỉnh thức ấy là chất Phật sẵn có trong mọi người.
Phật dạy: "thở một hơi dài mình biết là mình thở một hơi dài, thở một hơi ngắn mình biết là mình thở một hơi ngắn. Như vậy có nghĩa là mình ý thức được trọn vẹn hơi thở của mình. Duy trì ý thức và hơi thở, ta thiết lập được định tâm. Lúc bấy giờ ta mới nương theo hơi thở để quán chiếu thân thể ta, cảm giác ta, tâm ý ta và mọi sự vật trong ta và ngoài ta. Các sự vật ấy gọi là các pháp (sarvadharma).
Cát Tường tin chắc rằng sau buổi giảng này, chú sẽ thành công rất dễ dàng trong việc thực tập quán niệm về hơi thở.
Phật đã tận tình dạy chú và dạy La Hầu La: lời dạy của người rất đơn giản mà cũng rất sâu sắc.
Sau khi lạy tạ Phật, chú và La Hầu La cùng rủ nhau ra bờ hồ.
Hai người lặp lại với nhau những lời Phật dạy để cùng ghi nhớ cho kỹ mà thực tập.
(Trích ĐXMT Chương 49 - Thích Nhất Hạnh)

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

TỨ THIỀN và TỨ THÁNH QUẢ

TỨ THIỀN và TỨ THÁNH 190-Phật Học


TỨ THIỀN ĐỊNH


Bách khoa toàn thư mở Wikipedia




Tứ thiền nghĩa là bốn mức độ nhập định được chia ra Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền.

Bốn mức thiền này đều có nhập và xuất, nghĩa là khi muốn an trú mức thiền nào, ta phải có thời gian dụng công chứ không phải đó là những trạng thái thường xuyên. Rồi khi muốn trở lại trạng thái như cũ, ta cũng phải mất công thoát ra chứ không phải tức thì được. Bình thường khi không nhập thiền, một thiền giả an trú trong nội tâm tỉnh giác vắng lặng nhưng không phải là bốn mức thiền này. Bốn mức thiền này chỉ được thực hiện trong tư thế bất động mà thôi. Tuy nhiên, cũng có khi một thiền giả vừa đi vừa nhập thiền rất sâu. Lúc đó, vị đó được xem là khởi thần thông, vì thần thông có nghĩa là vừa vào định vừa hành động. Chúng ta cần hiểu qua tính chất của Tứ thiền trước khi so sánh với Tứ thánh quả. Những điều được trình bày ở đây dựa vào bài kinh Sa Môn Quả trong Trường Bộ Kinh

Chánh niệm tỉnh giác

Muốn nhập định thì phải loại bỏ vọng tưởng, sau một thời gian luyện tập Thiền. Thiền giả đạt được 'Chánh niệm tỉnh giác nghĩa là tâm không loạn động như trước, những suy nghĩ vẩn vơ vừa mới manh nha nổi lên đã bị phát hiện và loại bỏ. Lúc này hành giả đã cảm thấy một phần an lạc và sáng suốt hơn xưa rồi, tùy duyên mỗi người mà trực giác cũng phát triển một chút xíu, có khi chỉ cần nghe người ta nói nửa câu thì biết ý của họ là gì, thậm chí có khi chỉ cần nhìn mặt là biết kẻ ngay người gian, biết người đối diện đang nói thật hay nói dối..v.v.

Thiền là lĩnh vực tâm linh, nên không thể được hỗ trợ bởi bất cứ phương tiện vật chất nào, ta phải tự lực cánh sinh. Vì phải có quyết tâm cao, chịu đựng sự đau chân, mỏi lưng, chiến thắng chính tâm trí của mình, nên lâu ngày hành giả sẽ có đức tính kiên nhẫn, ý chí sắt đá, sức chịu đựng cao, trực giác tốt..v.v.

Sơ thiền

Các mức thiền này chỉ dành cho người có quyết tâm tu tập, lìa bỏ Ái Dục. Và có chuẩn bị tâm lý trước, vì nó cần một môi trường thật sự yên tĩnh, cách ly thế gian.

Để leo lên từng mức thiền, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào căn cơ từng người, có thể là vài ngày, vài tuần, có khi khoảng vài chục năm, có khi mười mấy hai mươi năm, có khi sang cả kiếp khác. Nếu kiếp này không lập nguyện, thề ước trước Phật thì sang kiếp sau đảm bảo quên sạch và Phàm phu vẫn là Phàm phu.

Sơ thiền là mức nhập định đầu tiên, nhưng phải là đã chứng được Chánh niệm tỉnh giác (CNTG) và phá trừ xong Năm triền cái. Hành giả như lọt vào một trạng thái thanh tịnh hơn, và tự động, chứ không còn phải gắng sức giữ gìn như trong CNTG nữa. Khi chứng được Chánh niệm, hành giả thấy tâm mình cũng đã là thanh tịnh rồi, nhưng còn phải khéo léo giữ gìn nhẹ nhẹ. Nhưng từ Sơ Thiền trở đi, hành giả không còn phải giữ gìn nữa mà tâm tự động an trú trong định. Hành giả thấy thân của mình chuyển động từ trạng thái cứng (lúc phá xong triền cái Trạo cử, xem Năm triền cái) sang trạng thái mềm lỏng như một khối nước gì nhớt nhớt giống như xà bông.

Tâm hành giả dĩ nhiên là vắng lặng, nhưng thật ra vẫn còn những ý niệm về công phu của mình, về thành tựu của mình. Những ý niệm này rất thầm lặng, nên hầu như hành giả không biết là mình đang còn ý niệm, cứ tưởng rằng mình đã hoàn toàn thanh tịnh. Phật diễn tả đó là trạng thái ly dục sinh hỷ, còn tầm còn tứ (xóa bỏ Ái Dục, đạt được An vui, nhưng còn tiềm ẩn).

Trong Sơ thiền, hành giả lìa bỏ được các ham muốn thế gian vì niềm an vui của nội tâm vừa đầy đủ, vừa thanh khiết, không cần phải giải trí bằng vật chất bên ngoài. Toàn thân hành giả luôn ở trong trạng thái vui sướng nhè nhẹ và tràn đầy. Sau khi chết, nếu vẫn còn giữ được trình độ này thì sẽ sinh vào cõi trời Sơ Thiền.

Cái ý niệm thầm kín về công phu và sự thành tựu của mình tạo nên một loại kiến giải Phật Pháp và tâm tự hào bí mật. Hành giả sẽ dễ dàng đối đáp trôi chảy và nắm bắt các lĩnh vực khó, trừu tượng, hay say sưa diễn thuyết lưu loát nếu có cơ hội. Vì vậy, tuy Sơ thiền rất là vĩ đại nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với đạo đức.

Nhị thiền

Là kết quả tiếp theo nếu hành giả đủ công đức. Hành giả sẽ thấy toàn thân mình giống như nước trong mát tuôn trào bất tận mà Phật diễn tả như hồ nước được suối phun và mưa tuôn mãi mà không bao giờ lọt nước ra khỏi hồ. Dĩ nhiên nước thì mềm hơn, lỏng hơn nước sền sệt của xà bông. Từ toàn thân cứng của Chánh niệm, tiến lên Sơ thiền thì thân sền sệt như nước xà bông, tới Nhị thiền thì thân đã mềm hoàn toàn như nước nguyên chất, và lại còn thêm cảm giác tuôn tràn mãi mãi.

Lúc này những ý niệm thầm kín cũng biến mất, nên trong đời sống hành giả không còn ham thích trình bày phô trương, và rất hiền lành. Phật gọi là hết tầm hết tứ.

Lúc này hành giả thành tựu trí tuệ rất sắc bén nhanh nhạy, kiến giải Phật pháp là bất tận vô ngại, không ai có thể hỏi vặn vẹo được, việc gì nhìn thoáng qua là biết rõ, ngồi thiền rất lâu, thường biết trước giờ chết

Nếu đừng bị tà kiến xâm nhập thì đường giải thoát của người đạt Nhị thiền là chắc chắn. Nếu bị tà kiến, lầm cho mình là viên mãn, tưởng rằng mình đã kiến tánh thành Phật, thì hành giả hưởng hết phước kiếp này qua kiếp sau sẽ bị thoái đọa lui sụt xuống mức độ thấp hơn nhiều.

Tam thiền

Được Phật diễn tả toàn thân như một bông hoa sen đang vươn lên từ trong nước, được nước bao phủ với nội tâm là xả niệm lạc trú (dứt bỏ ý niệm, thường xuyên an lạc).

Niềm vui của Tam thiền rất đằm thắm nhỏ nhiệm và đầy khắp, giống như hoa sen ngập trong nước, tẩm ướt, tràn ngập, nhưng không thấm nước. Cũng vậy, niềm vui của Tam thiền rất tự tại, bình an và vượt khỏi cơ thể, giống như cả không gian đều cùng an vui vậy. Thân của hành giả lúc này giống như một khối không khí hân hoan an lạc.

Ý nghĩa của xả niệm là hành giả đã vượt qua được Vô thức (theo khoa học, Vô thức chiếm hơn 90% cuộc sống của con người, ý thức chỉ chiếm phần nhỏ). Vượt qua được nó nghĩa là tâm hồn đã thật sự ổn định. Những bản năng sinh tồn, bản năng hưởng thụ... đều bị kiềm chế.

Lúc này khi ngồi thiền nhập định, hành giả không còn nghe thấy mọi cảnh vật, tiếng động bên ngoài, hoàn toàn an trú vững chắc trong thế giới nội tâm sáng suốt vi diệu thanh tịnh của mình.

Tứ thiền

Là mức thiền cuối cùng của các bậc thiền Sắc giới. Phật diễn tả đó là trạng thái xả niệm, thanh tịnh, không lạc, không khổ. Xả niệm của Tứ thiền hơn hẳn Tam thiền vì đã hoàn toàn vượt khỏi Vô thức, kể cả Ý thức. Trong con người ta, Vô thức đảm nhận việc điều khiển hệ hô hấp, tiêu hóa, các tuyến nội tiết... những thứ mà ta không chủ động điều khiển được. Chiến thắng được Vô thức nghĩa là có thể dừng được hơi thở, dừng mọi sự sống, nhập định vài trăm năm rồi xuất định, sống bình thường, sống tiếp cái tuổi ngày xưa. Còn Ý thức thì liên quan tới các Giác quan, chiến thắng được Ý thức sẽ khai mở những khả năng của giác quan như thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông..v.v.

TỨ THÁNH QUẢ


Tứ thánh quả là bốn cấp độ tu dưỡng được Phật đặt ra để đánh giá sự giải thoát của một tu sĩ. Người chứng được một trong bốn Thánh quả này được xem là có tư cách của thánh, có thánh tính, có giá trị làm thánh, vượt lên sự tầm thường của con người, nếu ai cung kính cúng dường vị này sẽ có phước rất lớn tùy theo cấp bậc chứng ngộ của vị này. Tiểu chuẩn để đánh giá các quả thánh là dựa vào mức độ tăng trưởng Đạo đức qua việc phá trừ các Kiết sử, khác với tiêu chuẩn của Tứ thiền là dựa vào mức độ nhập định sâu cạn.

Sơ quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti)

Còn gọi là Nhập lưu, nghĩa là bắt đầu nhập vào dòng thánh. Đây là thánh vị đầu tiên sau khi đệ tử Phật phá được ba kiết sử Thân kiến, Giới cầm thủ, và nghi.

Một vị chứng Sơ quả thì có thể có trình độ thiền của Chánh niệm, hoặc Sơ thiền, thậm chí Nhị thiền. Nhưng ngược lại, một vị chứng thiền định như thế thì chưa chắc chứng được quả Thánh nào. Đó là lý do tại sao ngoại đạo có thể chứng thiền định rất sâu, có thần thông nhưng không thể chứng thánh quả là vậy. Thánh quả khác với thiền định ở chỗ đòi hỏi trí tuệ, đạo đức, quan điểm. Thiền định chỉ cần tâm vắng lặng là đủ.

Hầu hết những vị chứng thánh quả đều có nguyên nhân từ kiếp xa xưa, đã từng tu hành sâu theo chánh pháp, hết lòng tôn kính một vị thánh giác ngộ nào đó. Điều này giống như Thánh nối tiếp Thánh thành một dòng bất tận. Còn việc thành tựu thiền định thì chỉ đòi hỏi việc trụ tâm, không cho con khỉ ý thức lăng xăng chạy bậy.

Điều khác nhau giữa Thánh quả và bốn mức thiền là sự hứa hẹn ở vị lai. Đối với các mức thiền, nếu không đạt được Tứ thiền ngay trong kiếp này, hoặc không lập nguyện, thề ước với Phật sẽ tu hành đời đời kiếp kiếp, thì khi sang kiếp sau có nguy cơ quên mất. Còn đối với Thánh quả thì hứu hẹn sự giải thoát hoàn toàn ở vị lai theo từng quả vị khác nhau. Ở Sơ quả Tu đà hoàn, Phật ấn chứng rằng vị này chắc chắn sẽ giải thoát, nhưng không đưa ra thời gian cụ thể, lâu nhất là bảy kiếp. Trong bảy kiếp này, vị đó vẫn sống như người bình thường, tuy rằng sẽ không bao giờ rớt vào ba đường ác đạo (xem Lục đạo), rồi sẽ tu hành để chứng A-la-hán

Nhị quả Tư-đà-hàm (Sakadàgàmì)

Còn gọi là Nhất lai, nghĩa là còn trở lại một lần nữa. Quả vị này hiện hữu nơi người đã phá xong ba kiết sử trên và tiếp tục làm mỏng nhạt tham và sân. Người chứng Nhị quả chưa phải là người đã phá trừ hết hai kiết sử Tham và Sân, chỉ là bớt đi Tham và Sân, đủ để ta không bao giờ nhìn thấy vị ấy khởi tham lam và sân hận. Còn Tham và Sân vi tế, tiềm tàng thì khi diệt sạch sẽ đắc Tam quả.
Phật cũng ấn chứng cho người chứng được Nhị quả Tư-đà-hàm sẽ chỉ còn một lần tái sinh lại cõi đời này và chứng A-la-hán.

Tam quả A-na-hàm (anàgàmì)

Còn gọi là Bất lai, nghĩa là Không trở lại nữa, xuất hiện nơi vị đã diệt sạch hai kiết sử Tham và Sân.
  
Nhân duyên làm chúng ta cứ bị liên lụy với cõi đời này chính là do tham lam, tham dục, hận thù, ganh ghét. Hết hai kiết sử Tham và Sân rồi thì nhân duyên với thế gian này cũng hết. Do vậy, một vị chứng A-na-hàm thì không còn bị tái sinh về cõi này nữa, sẽ hóa sinh giữa cõi trời Sắc cứu kính, sau một thời gian không nhất định, sẽ chứng Niết bàn tại đây.
  
Chúng ta cũng không nghe nói là phải chứng được mức thiền nào thì chứng A-na-hàm, chỉ theo lời Phật dạy để biết rằng ai có thể diệt trừ năm kiết sử từ Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, Tham và Sân thì đạt được đệ Tam thánh quả.

Tứ quả A-la-hán (Arahanta)

Là quả vị thánh cao siêu cuối cùng, thật sự giải thoát, giác ngộ viên mãn. Vị A-la-hán tự tại phi thường, tuổi thọ vượt hơn người bình thường, không còn bị cuốn vào luân hồi sinh tử nữa, muốn chết (viên tịch) lúc nào cũng được.

Sự vĩ đại của một bậc A-la-hán thì không một ngôn từ nào có thể diễn tả được. Mỗi người chỉ tùy theo nhân duyên và trí tuệ của riêng mình để hiểu một phần nho nhỏ nào đó mà thôi.

Nếu trong vô lượng kiếp quá khứ chúng ta xả thân làm lợi ích cho chúng sinh, thực hành Bồ tát hạnh, thì đến khi đủ phước để đắc đạo, ta sẽ chứng được một quả vị A-la-hán cao siêu tột bậc, đó là quả vị Phật.

Khi bản ngã đã hết, vị A-la-hán không còn bị ràng buộc bởi sức mạnh nào đối với luân hồi sinh tử nên hoàn toàn giải thoát.

Sau khi phá luôn năm kiết sử cuối cùng, một vị A-na-hàm sẽ chứng A-la-hán, nghĩa là đạo đức đã trở thành tuyệt đối hoàn hảo. Không một thần thánh thiên tử nào có thể tìm thấy lỗi lầm của một vị A-la-hán nữa.

Nơi đây, đương nhiên một vị A-la-hán cũng đã thành tựu xong bốn mức thiền. Tứ thiền và Tứ thánh quả đều hiện diện đầy đủ nơi vị A-la-hán như thế.

Đôi nét về Tam Minh trong đêm Thành đạo

Đôi nét về Tam Minh trong đêm Thành đạo

Tác giả: Huệ Tịch


1.Khái niệm:
Tam Minh, tức ba Trí Minh. Ở chư Phật gọi là Tam Đạt, còn ở A La Hán thì gọi là Tam Minh. Lại gọi là Trí Chứng Minah, gồm có:
Túc Mạng Minh: còn gọi là Túc Mạng Trí Minh, tức là trí tuệ rõ biết tướng sanh tử của tự thân mình và tha thân trong đời trước.
Thiên Nhãn Minh: còn gọi là Sanh Tử Trí Minh, tức là trí tuệ rõ biết tướng sanh tử của tự thân mình và thân của người khác.


Lậu Tận Minh: còn gọi là Lậu Tận Trí Minh, tức trí tuệ rõ biết như thật, biết tướng khổ ở hiện tại, đoạn trừ mọi phiền não.
2. Tiến Trình Chứng Tam Minh:
Khi tư tưởng trở nên lắng dịu, tinh khiết, không còn tham ái và nhiễm ô, Ngài hướng tâm về tuệ giác có liên quan đến sự nhớ lại những kiếp trước, liền chứng Túc Mạng Minh _ tuệ hồi nhớ tiền kiếp. Đây chính là tuệ giác đầu tiên mà Bồ Tát Sĩ Đạt Ta chứng ngộ lúc canh một đêm thành Đạo.


Kế đến, Ngài hướng tâm đến sự tri giác hiện tượng diệt và sanh của chúng sanh. Với tuệ nhãn siêu phàm này, Ngài nhận thấy chúng sanh chết từ kiếp này, tái sanh vào kiếp khác, thấy được cảnh tượng kẻ sang người hèn, kẻ xấu, người đẹp… tất cả đều do Tam nghiệp của chính chúng sanh đó tạo ra chứ không phải sự ban ơn hay giáng họa của một đấng quyền năng nào khác. Đây chính là tuệ giác thứ hai mà Ngài chứng được trong đêm thành Đạo.
Và cuối cùng, Ngài hướng tâm đến tuệ hiểu biết sự chấm dứt các pháp trầm luân[1]. Tùy theo trường hợp mà Ngài nhận định đâu là phiền não, đâu là chấm dứt phiền não, và đâu là con đường dẫn đến sự chấm dứt phiền não ấy. Nhận thức như thế, tâm Ngài giải thoát hoàn toàn ra khỏi Dục lậu, Hữu lậu và Vô Minh lậu.
Vâng, đây chính là tuệ giác thứ ba trong đêm thành Đạo của Ngài.
3.Tam Minh Trong Kinh A Hàm:
 Trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng kinh có nói về tiến trình Chứng Tam Minh của Bồ Tát Sĩ Đạt Ta như sau:
 “Lúc bấy giờ Bồ Tát vận dụng Từ tâm, vào ngày mùng 7 tháng 12, khi đêm xuống, hàng phục các ma rồi, phóng đại quanh mình, Ngài liền nhập định tư duy chân đế. Trong các pháp thiền định tự tại, Ngài biết rõ các pháp đã tạo trong quá khứ, từ pháp này sanh ra pháp khác, phụ mẫu quyến thuộc, bần phú quý tiện, thọ mạng dài ngắn, danh tánh văn tự… tất cả đều biết rõ ràng. Ngài liền đối với chúng sanh khởi đại từ tâm mà nghĩ rằng: Tất cả chúng sanh không có người cứu độ, luân hồi trong ngũ thú không biết đâu là bờ bến xuất ly, hết thảy đều hư nguỵ, không có gì chân thật, rồi ở trong đó hoàn toàn sanh khổ lạc. Ngài tư duy đến tận giữa đêm[2]”.


Tuy nhiên trong kinh Thủy Ứng Bản Khởi thì lại ghi khác:
“Đầu đêm hôm ấy đắc Nhất Thuật Xà, tự biết túc mạng từ vô số kiếp đến nay xoay dần thọ thân không thể đếm hết. Đến canh hai, đắc Nhị Thuật Xà biết rõ hết mọi ý niệm trong tâm chúng sanh, pháp thiện, pháp ác, tai ương phước báu, sanh từ đâu, chêt đi về đâu… Đến cuối đêm, đắc Tam Thuật Xà, các lậu đã tận, trói mở tự biết, sạch hết các tập khí đã tạo từ xa xưa”.
Có thể do mỗi kinh ghi vào mỗi thời điểm khác nhau, Thánh ký khác nhau nên cách dùng từ có khác[3], thời điểm chứng đắc cũng khác, nhưng nhìn chung, tất cả đều nói lên trong đêm thứ 49 ấy Bồ Tát Sĩ Đạt Ta đã chứng được Tam Minh, đánh dấu bước đột phá vĩ đại, từ một Thái tử bằng xương bằng thịt như bao con người khác, thế mà giờ đây đã trở thành bậc Chánh Đẳng, Chánh Giác.
4. Luận Về Tam Minh:
a. Túc Mạng Minh: còn gọi là Túc Trụ tùy niệm trí chứng minh, Minh là sự thấy biết, bừng sáng như ánh mặt trời. Với ánh sáng trí tuệ ấy, không có một bóng đêm vô minh nào mà không bị xua tan. Vậy, Ngài đã biết thấy gì trong những lần bừng sáng này?
Ngài đã “biết rõ mọi viêc trong quá khứ, từ một đời đến nhiều đời, số kiếp thành hoại, tất cả túc mạng của mình và cả chúng sanh, tên tuổi là gì, đời sống ra sao, vui khổ thế nào, sống bao lâu, ở đâu, sinh ra và chết ở cõi nào, sinh về cõi khác…, nói chung tất cả đều biết rõ ràng. Đó gọi là Túc Mạng Trí chứng minh”[4].
Với Trí chứng này, Ngài biết rõ mọi chuyện quá khứ của mình. Điều này, có thể hiểu quá khứ ở đây được xem như một thực tại sinh động chứ không phải là sự tư duy trừu tượng. Ngài đã thấy như biết chính mình đang sống ở trong đó, có đau khổ, có vui sướng… Bồ Tát không chiêm nghiệm đời sống bằng thứ tư duy trừu tượng như một số người vẫn nghĩ, mà qua sự tự tu tự chứng của mình Ngài đã thấy biết từ sự bừng sáng của tâm thức[5], của sự Giác ngộ hoàn toàn của một vị Phật sẽ thành trong một vài canh kế tiếp.
b.Thiên Nhãn Minh:Có khi gọi là Tử sanh trí chứng minh. Tức: “biết rõ như thật các chúng sanh khi sống chết, đẹp xấu, cao thấp, sanh vào ác thú, tùy nghiệp thọ sanh… các chúng sanh đều là do nghiệp của thân mà thành tựu, do ác hạnh của ý thành tựu, do hủy báng thánh nhân, tà kiến mà thọ tà pháp, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục ác thú. Các hạnh thiện nơi thân, khẩu, ý của các chúng sanh ấy không hủy báng thánh nhân, thành tựu chánh kiến, thân hoại mạng chung sanh trong cõi lành trời người”[6]


Bồ Tát thấy rõ nguyên nhân cũng như kết quả của tất cả những hành vi tạo tác, dẫn đến thọ nghiệp trong vị lai Túc mạng minh thì biết về quá khứ. Sở đắc của hai Minh này luôn có sự tương đồng, chỉ có thắng dụng là khác. Có điều là cả hai Minh này đều không phải là Trung đạo Đệ nhất nghĩa đế. Vậy Đệ nhất nghĩa đế của Trung đạo là gì?
Đó chính là Lậu Tận Minh: Đây mới chính là quả vị mà Sĩ Đạt Ta cần phải có, dù thịt nát xương tan. Thế nhưng phải đợi đến lúc sao Mai ló dạng mới có được!
c. Lậu Tận Minh:Cũng chính là Lậu tận trí minh, lậu tận trí. Nghĩa là: “biết rõ như thật khổ, khổ tập, khổ diệt và con đường diệt khổ. Biết rõ như thật tri kiến, Dục vô lậu tâm giải thoát, Hữu hữu lậu tâm giải thoát, Vô minh lậu tâm giải thoát, giải thoát tri kiến, sự sanh đã tận, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm, tự tri không còn thọ thân sau nữa. Đó là Lậu tận trí minh”[7].


Trong lúc cảnh vật đang chìm đắm trong giấc mộng, bóng đêm như đang làm chủ mọi sự vận hành của không gian và thời gian, bỗng nhiên sao Mai lại xuất hiện. Sự xuất hiện của sao Mai trong đêm nay có oai lực huyền bí hơn. Ánh sáng hảo huyền ấy lại có sức mạnh vô song, phá tung bóng đêm và đặc biệt là màng vô minh tồn tại từ vô thỉ vô chung cũng dần tan biến[8], âm thầm lui gót mà không lời từ giã. Những giọt sương long lanh lần lượt trở mình, kêu gọi những chiếc lá nơi rừng già Uruvella trổi dậy để chứng kiến một sự kiện trọng đại mà xưa nay chưa từng có. Thời gian tưởng chừng như không còn hoạt động, không gian trở nên yên tĩnh… tất cả đều hướng về cội Tất Bát La[9], theo dõi sự chuyển biến trong nội tâm của Sĩ Đạt Ta.


Chỉ trong khoảnh khắc, đuốc tuệ trong Ngài bừng chiếu, ánh sáng ngập tràn thiên địa, hoành biến thập phương chiếu sáng cả tam thiên đại thiên thế giới. Trong giây phút đáng nhớ ấy, Đức Thế Tôn vẫy chào vĩnh biệt đôi bờ tử sinh cùng với nụ cười tuyệt vời của “Trang Giác Ngộ”[10].


5. Kết luận:


Như vậy, tiến trình chứng Tam Minh của Bồ Tát Sĩ Đạt Ta được thống nhất như sau: canh một, chứng Túc Mạng Minh, thấy rõ tướng trạng sanh tử, có thể sanh tâm yểm ly sâu sắc. Canh hai, chứng Thiên Nhãn Minh và canh ba, chứng Lậu Tận Minh, hai lần này điều có sự yểm ly trong ngoài. Thế nhưng đến canh ba thì sự yểm ly có lẫn lộn với niềm hân hoan nhập Niết Bàn. Nếu không có sự xuất hiện thỉnh cầu của chư Thiên, rất có thể đến hôm ấy Đức Thế Tôn đã vào Niết Bàn. Thử hỏi điều đó xảy ra, liệu Tam Minh có còn ý nghĩa gì nữa chăng? Thể dụng thù thắng ấy, sử sách có kịp thời ghi lại không, nhân loại ngày nay có ai biết đến Đạo Phật là gì không, và điều muốn nói ở đây là lúc ấy thiên hạ sẽ hỏi gì về việc tu học thành bại của Thái Tử Sĩ Đạt Ta?
Đúng vậy! Nếu đêm hôm đó, Ngài vào Niết Bàn, điều đó quả là một mất mát lớn cho nhân loại nói riêng, cho chúng sanh nói chung. Và chưa chắc gì đến ngày nay, con người có thể tìm đâu ra một Tôn giáo có đầy đủ Từ bi và Trí tuệ như đạo Phật không tìm ra chân lý thoát khổ, rồi đây sự chìm đắm trong ngũ dục mà lâu nay con người bị cuốn trôi lại diễn ra êm ả như dòng chảy của thời gian, chúng sanh không tìm được nơi nương tựa - khổ cả rùa mù tìm bọng cây nơi Đại dương không bờ mé[11].
Thế nhưng có thể nói sự thỉnh cầu của Chư Thiên được xem như phần Duyên Khởi cho lộ trình hoằng hóa lợi sanh của Ngài sau này mà thôi. Ngài quyết định không vào Niết Bàn, cốt lõi vẫn là lòng từ bi rộng lớn, sự hy sinh cao cả… của Đấng cha lành.
Với đuốc tuệ rộng chiếu, ý chí dũng mãnh, Ngài không chỉ là tấm gương soi sáng cho riêng hàng Phật tử mà còn cho tất cả mọi người, bất luận là tôn giáo nào, giai cấp nào. Vì thế mà giáo pháp của Ngài, hình ảnh của Ngài bao giờ cũng ngời sáng dù có trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử nhân loại. Và mãi mãi vẫn là giáo pháp tuyệt vời trên mọi giáo pháp, hình ảnh tuyệt vời trên mọi hình ảnh. Trong những giây phút tĩnh tâm nào đó, chiêm nghiệm lại những lời di huấn sau đây, nhất định ta sẽ thấy rõ điều này:
“Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có Đạo ta là quý báo. Chỉ có chân lý của Đạo Ta là bất di bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát”[12]. 
[1] HT. Thích Thiện Hoa,phật học phổ thông, nxb. Tôn Giáo, Hà Nội,2004, khoá I,tr53.
[1] Trầm luân, có 4 pháp: Dục, Hữu, Tà Kiến và Vô Minh. Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh, dg.
[2] Đại chánh Tâm Tu Đại Tạng Kinh, tập 50, quyển hạ,tr.34.
[3] Thánh ký: chỉ cho việc ghi (kết tập) lại Kinh điển của chư vị Thánh giả.
6&8: Kinh Tạp A Hàm, q.31, Đại Chánh Tạng, tập 2, tr.223, trung.
7: Tâm thức, còn gọi là thức hoặc Tâm nghĩa la liễu biệt. Tâm phân biệt, hiểu rõ được cảnh thì gọi là
 thức.
[7] Kinh Tạp A Hàm
[8] Vô minh: (Avidya) tiếng phạn gọi là A-vĩ-nễ. Chỉ cho cái tâm ám độn, không chiếu rọi được ràng sự và lý của các pháp.
[9] Tất Bát La: còn gọi là Tì Bát La. Nay gọi là cây Bồ Đề. Bồ Tát Sĩ Đạt Ta chứng được đạo quả Bồ Đề dưới gốc cây này nên gọi là cây Bồ Đề.
[10] Thế tôn, là một trong mười danh hiệu của mỗi Đức Phật.
[11] Điển tích về rùa mù: 100 năm mới có một cây trôi ra biển, lại 100 năm rùa mới nổi lên mặt biển tìm bộng cây. Việc tìm được là không thể đối với rùa mù.