Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Bồ Tát Và Chúng Sanh

Bồ Tát Và Chúng Sanh  

Trời vừa dứt mưa, một bà cụ khoác áo tơi đi ra phố. Gặp một chú bé đang nghịch nước bẩn bên vệ đường, bà cau mặt quát:

- Thằng Cu! Mày có lên ngay không. Khiếp!


Thằng bé phản đối:


- Cháu xí cái vũng này từ hồi mới mưa lận. Bà kiếm cái khác đi, thiếu gì!


Em thân mến!


Bồ Tát là những vị sách vở định nghĩa là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.” (Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh). Riêng chúng ta có thể hiểu một cách giản dị như thế này: “Nếu chúng ta tin rằng mình và tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ thì ta đã có mầm Bồ Tát trong lòng rồi. Trên đường tu chừng nào thành Phật hãy hay, còn hiện tại chúng ta hãy tùy thuận giúp đỡ người chung quanh bằng tất cả khả năng hạn hẹp của mình... Vì tin tưởng nơi Phật tánh của mình và người nên Bồ Tát không bao giờ mệt mỏi trên bước đường tự lợi, lợi tha...


Nhưng... tâm Bồ Tát thì khó phát nhưng rất dễ thối thất... Em có biết tại sao không? Em đừng tưởng là khi hành Bồ Tát hạnh đi đến đâu thiên hạ cũng rải hoa và trải chiếu bông đón tiếp mình hết đâu... mà coi chừng vỡ mộng đấy nhé! Như trường hợp của bà cụ trên đây chẳng hạn. Nếu các tôn giả chúng sanh đang ưa thích điều gì mà mình cản trở thì coi chừng họ có thể nghi là mình muốn đoạt cái sở thích ấy, trong trường hợp đó, nếu ta chưa đủ tài thuyết phục họ thì phải chạy cho thật lẹ kẻo... u đầu, nếu em có giúp đỡ ai điều gì thì... chớ nên hí hửng chờ người tuyên dương công trạng của mình vì có hàng khối kẻ bàng quan đang bĩu môi phẩm bình rằng:


“Ðồ ngu! Chuyên môn làm mọi thiên hạ.”


Hoặc là:


“Cái số cực...” “Cái nghiệp nặng”. Chà coi bộ em muốn thối tâm rồi phải không? Nếu mình là Bồ Tát thứ thiệt thì khỏi nói, đàng này thật kẹt cho hàng Bồ Tát sơ tâm như bọn mình, có lẽ vì thế mà trong các kinh, đức Phật đã không tiếc lời ca ngợi hạnh Bồ Tát, và Ngài cũng đã từng nhắc nhở với chúng ta rằng:


“ Muốn giảng kinh Pháp Hoa, tức là đi gieo rắc niềm tin rằng “Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật”, Pháp sư phải ngồi tòa Như Lai, mặc áo Như Lai, tòa Như Lai là tâm từ bi, áo Như Lai là giáp nhu hòa nhẫn nhục đó em ơi!
 

Phật Của Ngoại 

Bé đi chùa về chào ngoại, ngoại hỏi:

- Con đi chùa có gì hay kể cho ngoại nghe với!

- Ngoại à! Thầy dạy con niệm danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà, ngoại nhớ niệm nghe.


Bà ngoại ngần ngừ hồi lâu đáp:


- Xưa nay ngoại niệm Ðức Quán Thế Âm, bữa nay đổi niệm Ðức Di Ðà... Sao ngoại sợ ông Phật kia giận ngoại quá...!


PC: Ðiều này phải hỏi lại Ðức Quán Thế Âm mới rõ thực hư.


Bà Chủ Hiền Thục

Kasi là một nữ chủ được nhiều người ca tụng là hiền thục, nàng không bao giờ nói lớn tiếng hay cau mặt với bọn gia nhân trong nhà.

Những lời đồn đãi về Kasi khiến cho Asy, một cô tớ gái đâm ra nghi ngờ, Asy nghĩ bụng: “Có thật là tiểu thơ của mình hiền thục hay không chứ? Hay là nhờ mình chu toàn bổn phận nên tiểu thơ không có dịp lộ vẻ bất bình, điều này phải trắc nghiệm lại mới được.” Và Asy liền tìm cách thử nữ chủ.


Một hôm Asy cố tình thức dậy muộn, cô bé thấy nữ chủ cau mày khi cô dâng bữa điểm tâm. Sáng hôm sau, Asy lại dậy muộn, nữ chủ của cô vừa cau mày, vừa quát mắng ầm ĩ.


Sáng hôm sau nữa, Asy lại dậy muộn, còn đang nằm nán trên giường thì cô bé đã thấy nữ chủ chưa kịp chải tóc, nghiến răng, trợn mắt, vào tận giường lôi cô dậy. Sáng ngày thứ tư, Asy lại dậy trễ, lần này cuộc trắc nghiệm lại thành công mỹ mãn: nữ chủ đã vớ lấy cây cài cửa... và cô bé Asy ôm chiếc đầu chảy máu, chạy thẳng ra khỏi nhà la khóc ầm ĩ:


- Ối làng nước ơi! Xem đây. Xem đây! Hãy xem nữ chủ rất hiền thục đánh tôi đây này...


Em thân mến!


Trong Trung Bộ Kinh, đức Phật đã kể lại câu chuyện trên cho các thầy tỳ kheo nghe, và Ngài kết luận:


- Này các tỳ kheo! Như Lai không gọi một vị tỳ kheo nào là dễ nói, dễ dạy, tu hành đắc lực khi vị ấy còn nhận được đầy đủ tứ sự cúng dường (quần áo, thực phẩm, thuốc men, mền mùng). Nếu nữ chủ Kasi phải thử thách qua bốn lần mới chứng tỏ được mức độ hiền thục của cô ta, thì một thầy tỳ kheo đệ tử của Như Lai, phải được thử thách khi chịu đựng sự thiếu thốn của những nhu cầu cần thiết, mà vẫn không sờn lòng nản chí thì Như Lai và các bạn đồng phạm hạnh của vị ấy mới có thể kết luận rằng: “Ðây là một vị tỳ kheo phạm hạnh thanh tịnh dễ dạy, dễ nói... đã xuất gia vì sự giải thoát cho mình, cho người chứ không phải vì cơm ăn áo mặc.”


Em thân mến!


Bọn chúng ta trong cảnh sống hiện tại đầy đủ hơn người xưa rất nhiều, chúng ta chưa đến nỗi thiếu thốn vì cơm ăn, áo mặc, thuốc men, mền mùng... nhưng không vì thế mà cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn, tâm tư được thoải mái hơn các vị tỳ kheo thời trước. Nếu em không tỉnh giác kịp thời thì, một cơn bệnh dai dẳng, một lời nói trái tai, một chuyện bất như ý, vẫn có đầy đủ mãnh lực biến chúng ta từ một tu sĩ dễ dạy, dễ nói, dễ thương... thành một nhân vật không giống ai hết, có giống chăng là giống nữ chủ Kasi thôi. Có phải thế không nào?...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét