Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Pháp Sư Đậu Hũ

Pháp Sư Đậu Hũ


Trích: Hư Hư Lục Ni Sư Như Thủy trang 208 đến trang 313.

Thuở xưa có một ông đồ thông minh, bác học. Ông ta thường làm khổ vị Hoà Thượng trụ trì chùa láng giềng không ít vì những câu hỏi lý sự cùn minh của ông ta. Vì thế, mỗi lần nghe tiếng guốc lộp cộp của ông đồ đến gần, dù đang bận bất cứ công việc gì, xem kinh hay cuốc đất, Hoà Thượng đều vội vàng leo lên thiền sàng để “tị nạn” sự tham vấn “phiền phức” của ông đồ đa sự.

Một hôm, đang ăn mấy củ khoai dang dở, chợt nghe tiếng khua ngoài cổng tam quan, Hoà Thượng vội vàng lau miệng, tức tốc trở về phương trượng. Thấy chủ nhà lật đật, khách cũng hối hả không kém. Nhờ vậy ông khách bắt được Hoà Thượng lúc Ngài mới leo lên bồ đoàn mà chưa kịp gác tréo chân. Cực chẳng đã, Hòa Thượng mới quay lại chào khách. Ngài thở phào nhẹ nhõm:
“À, thì ra là anh đậu hũ! Vậy mà anh làm tôi sợ bở vía.”
Chàng đậu hũ ngạc nhiên:
“Có chuyện gì vậy, bạch thầy? Hôm nay bán ế quá, con tạt vào chùa, nài thầy mua giùm con vài miếng chứ con có làm gì đâu nào?”
“Ấy, không phải vậy!”
Và Hòa Thượng bèn thuật lại đầu đuôi câu chuyện, xong Ngài than thở:
“Hôm nào cái tên đa sự đó đến đây thì ta cứ phải đưa tai ra nghe nào là pháp thân, niết bàn, tối thượng thừa, đệ nhất nghĩa đế, chơn đế … thiếu điều điếc con ráy!
Chàng đậu hũ bất bình:
“Rồi thầy chịu trận chứ không cách nào tống cổ hắn à?”
Hòa Thượng nhắm mắt:
“Ta mở miệng được tiếng nào đâu. Hắn cứ thao thao bất tuyệt đến lúc nào khô cổ mới ngừng lại hớp nước, lấy hơi và nói tiếp …”
“Thế hôm nay hắn có đến không ạ?”
“Hôm nào lại khỏi, qủa là một đại họa cho ta.”

Gã đậu hũ thuộc loại người có máu Lục Vận Tiên, nghĩa là thấy chuyện bất bình thì phải ra tay nghĩa hiệp, hăng hái:
“Thấy để đó cho con … con sẽ trị cho hắn một mẻ, thế nào cũng cạch đến già.”
“Chú có cách nào? Đừng có chọc người ta.”
“Ấy, thầy cứ cho con mượn cái mũ ni, áo tràng và y bá nạp nữa. Rồi thầy trò mình sẽ làm như vầy …, như vầy ….”

Hai thầy trò đang bàn tính thì đã nghe tiếng guốc của ông đồ. Đương sự mới đến sân ngoài đã lên tiếng:
“A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! Bạch Hòa Thượng, con mới đến ạ!”
Hòa Thượng vội bước ra suỵt nhỏ:
“Im nào! Ông bạn. Hôm nay chùa có khách!”
“Ai thế nhỉ?” lão đồ trố mắt tò mò.
“Một Thiền Sư vừa hạ sơn. Ngài ở Tà Lơn mới xuống.”
“Ối hiếm có qúa! Thật là “ hữu duyên thiên lý năng * ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.”
“Ngài còn trẻ nhưng đạo cao đức trọng lắm,” vị hoà thượng thêm.
“Ồ vạn hạnh, vạn hạnh! Thật là hữu … sư tử lên ba còn hơn đã can đầu bạc ….”
“Nhưng mà … Ngài không thích nói nhiều.”
“Đó mới là “ vô ngôn thông, tri giả bất ngôn.”
Người biết thì không nói … mà lại.
“Đạo hữu có hầu chuyện với Ngài thì nên ít lời một tí.”
“Thế thì … con xin phép được hầu chuyện với ngài bằng lối im lặng, một cuộc im lặng như sấm sét của những tâm hồn vĩ đại và chơn thật.”
Hòa Thượng ngơ ngác:
“Thế nghĩa là sao?”
“Im lặng, im lặng và im lặng. Đó là sự đối thoại của bồ tát cư sĩ Duy Ma Cật, một lối mặc ngữ mà pháp âm vang như sấm rền.”
Hoà Thượng đành lắc đầu:
“Thôi thì… Chú cứ làm những gì mà chú thấy cần thiết.”
Ông đồ liền tuột guốc, rón rén bước đến vái chào vị thiền sư Tà Lơn. “Thiền Sư” vẫn im lặng, hai mắt hơi hé rồi nhắm tít lại như cũ. Khách và chủ cùng phân tòa ngồi. Hoà Thượng cũng kiếm một chỗ ngồi, hồi hộp theo dõi cơ sự.
Thoạt tiên, ông đưa ba ngón tay lên. Ông Đồ gật gù, tỏ vẻ thông cảm tiếp thu kịp.
Ông đồ lại đưa lên 5 ngón tay. Thiền Sư mỉm cười, lắc đầu ra vẻ khoan dung rồi đưa hai bàn tay lên, xoè đủ mười ngón. Ông Đồ chặc lưỡi tỏ vẻ thán phục, đưa tay vẽ một vòng tròn. Thiền Sư có vẻ bất bình đưa tay hất mạnh, chỉ ra ngoài ngõ.
Ông Đồ sụp lạy, cung kính cáo từ ra về. Tiễn y đến tam quan hoà thượng hỏi:
“Sao, chú thấy thế nào?”
“Ồ, qủa là ‘Thiên niên thiết thọ khai hoa dị’ nghìn năm cây sắc đơm bông dễ. Nhưng mà tìm được một người như Thiền Sư Tà Lơn thì qủa là khó. Tam sinh hữu hạnh mới có cuộc đối đáp như chớp xẹt lửa như thế.”
“Ngài đã nói với chú những gì?”
“Ồ Hòa Thượng làm sao hiểu thấu!”
Hoà Thượng khẩn khoản:
“Tôi ở chốn rừng núi quê mùa, dốt đặc cán mai. Xin chú làm ơn thuật lại tỉ mỉ cho tôi mở rộng tầm mắt. Tại sao chú lại đưa một ngón tay?”

“Đó là chỉ “nhất tâm”

“Còn ổng đưa ra ba ngón tay là sao?”

“Đó là, nhất tâm, tam giới. Một tâm nhưng bao trùm cả ba cõi, đầy đủ thể tướng dụng. Đó là, ‘chân không, mà diệu hữu.’ Nhất tâm sanh muôn pháp.”

“Ngài đã đưa ra ‘tam giới’ để trả lời cho ‘nhất tâm’ thật là hay, hay tuyệt!”

“Rồi chú đưa năm ngón tay lên?”

“Đó là ý hỏi: nhưng đối với kẻ đã lỡ tạo ngũ nghịch thì sao?”

“Rồi thiền sư đưa mười ngón tay?”

“Ý dạy: phải khuyên đương sự tu 10 điều thiện.”

“Ố, hay quá! Chỗ này thì tôi đã hiểu kịp. Thế, lúc chú đưa tay vẽ một vòng tròn?”

“Tôi muốn nói: chúng ta đang đi luẩn quẩn trong vòng luân hồi vô tận.”

“Còn ý ngài lắc đầu, hất tay chỉ ra ngoài ngõ?”

“Ý Ngài nhắc chúng ta có ý hướng thượng, vĩnh xuất tam giới. Xong, ngài buông hai tay, lắc đầu, tỏ ý là đến chỗ vô ngôn tuyệt lự, bất lập văn tự. Tôi khi ấy chỉ còn nước im lặng, đảnh lễ ra về mà nghe Pháp âm rền vang như sấm nổ.”

Ông Đồ cáo từ. Hoà Thượng trở vào, gặp thiền sư Tà Lơn, tức chàng bán đậu hũ đang đứng lúng túng trong đống y áo. Hoà Thượng tiếp tay, giúp anh ta xếp y cất áo mão xong hỏi:
“Chú ra dấu hiệu gì mà hắn chạy một mạch vậy?”
Anh bán đậu hũ cười hề hề:
“Có chi đâu! Cũng chuyện làm ăn mà! Đâu có gì ngoài việc mua với bán. Hắn gạt Hoà Thượng chứ đâu có qua mắt * tư này nổi!”

“Chú thuật lại đầu đuôi ta nghe thử!”

“Đầu tiên hắn ta đưa lên một ngón tay, ý hỏi: bao nhiêu một miếng đậu hũ? Con liền xòe ba ngón, tức ba đồng bạc. Hắn liền đưa ra năm ngón tay, tức là ngỏ ý muốn mua 5 miếng. Con nghĩ hôm nay bán ế, mình để giá vốn cho hắn, nên đưa lên 10 ngón, ra giá là 10 đồng. Thấy rẻ hắn động lòng tham, đưa tay ra dấu hiệu đòi mua hết cả thúng. Con nổi sùng hất tay hắn chỉ ra chợ hỏi xem có ai chịu bán giá đó không. Còn thúng đậu ế này, thà rằng đem cúng thầy làm chao cúng rằm cho có phước.”

Từ đó ông đồ không còn làm phiền Hoà Thượng nữa. Có lẽ ông đã nghe đầu đuôi câu chuyện vì anh đậu hũ không phải là người kín miệng cho lắm. Và nhờ vậy mà câu chuyện được đồn đãi đến ngày nay.


Lời Bàn:

Tại sao cuộc “đối thoại vô ngôn” giữa ông đồ thâm nho và anh đậu hũ bình dân lại khác biệt như thế? Có lẽ sự nhận thức của hai tầng lớp đã khác xa nhau. Nhưng qua câu chuyện trên đã để lại cho chúng ta một bài học thật quý giá: không cần biết sự biểu đạt của chúng ta ra sao, điều quan trọng vẫn là người cảm nhận ra điều chúng ta biểu đạt. Chúng ta nên cẩn thận cái cảm giác của người nghe, người hiểu, mặc dù cách biểu đạt của chúng ta có tính cách thiện ý.

bình loạn của người gởi: Cái này trong nhà Phật gợi là sở tri chướng. Đôi khi chúng ta tự gạt mình bằng chính kiến thức của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét