Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Thất tình - Lục dục - Ngũ nghịch




        

THẤT TÌNH LỤC DỤC LÀ GÌ ? 


Bảy thứ tình cảm biểu lộ ra bên ngoài và sáu việc ham muốn của con người gồm chung trong câu nói ngắn gọn là "thất tình lục dục". Vậy 7 thứ tình cảm và 6 điều ham muốn đó là những gì ? 
Bảy thứ tình cảm mà mỗi chúng ta đều có như : Vui mừng, giận dữ, buồn bã, vui vẻ, yêu thương, ghét và ham muốn hay nói cách khác là hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố và dục vậy. 
Bảy trạng thái tâm lý nầy luôn luôn tiềm ẩn ở nơi tâm thức chúng ta, hễ khi nào gặp một cơ hội thuận tiện, tự nhiên cái tình cảm ấy sẽ hiện nguyên ra bên ngoài như bộc lộ ra nơi nét mặt hay nơi cử chỉ, trong lời nói v.v... Như khi vui, người ta có bộ mặt tươi tắn, lúc buồn mặt ủ dột, lạnh nhạt. Còn giận thì mặt tái mét, xanh xao ; yêu thương mặt đỏ, nóng bừng v.v... Một trong 7 thứ tình cảm trên thái quá cũng khiến cho tâm sinh lý con người xáo trộn mất quân bình và gây ra những hành động thiếu ý thức và tai hại. Để đối trị lại với thất tình, Phật giáo đưa ra Thất-giác-chi tức là 7 điều hiểu biết đúng đắn là : Chọn lựa phương pháp, chuyên cần, mừng vui, nhẹ nhàng, suy nghĩ, định tĩnh tâm thức và xã bỏ những ý tưởng thấp hèn. 
Còn lục dục là gì ? Lục dục là 6 điều ham muốn đã trở thành thói quen khó sửa đổi : 
- Sắc dục : Ham muốn sắc đẹp. 
- Dung mạo dục : Ưa thích diện mạo đẹp đẽ. 
- Tư thái dục : Mong có dáng chững chạc, dịu dàng. 
- Muốn đụng chạm vào thân xác giữa nam nữ. 
- Say đắm lời ngọt ngào êm dịu. 
- Thích người cao lớn đẫy đà, phương phi, gọn gàng. 
Ngoài ra, còn một định nghĩa khác là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến cũng nằm trong khía cạnh xấu của lục dục, nhưng theo thiển ý của bút giả, định nghĩa nầy không thể chấp nhận được. Đối với người tu, không phải dứt 7 thứ tình cảm, lìa 6 dục mà đạt được đạo, nhưng nương vào đó mà chuyển hướng tình cảm, ý muốn bất chánh trở lại với con đường thiện, tức là tự làm một cuộc cách mạng ngay chính bản thân. 
Cá nhân tốt, xã hội sẽ được cải thiện mà Phật giáo chủ trương phải hướng thiện ngay nơi mỗi ý nghĩ, lời nói. 


Trong Phật giáo, tội ngũ nghịch là một tội nặng như ngoài đời là tội bị tử hình vậy. Tội ngũ nghịch còn gọi là tội vô gián bị đọa vào địa ngục, vì trái với luân thường đạo lý nên gọi là nghịch. 
Năm tội cực ác ấy như là : Giết cha, giết mẹ, giết bậc A-la-hán, hủy phá thân Phật ra máu, phá hoại hòa hợp Tăng. 
Căn cứ vào kinh ngũ nghịch tội do vua A-Xà-Thế hỏi Phật, thì có năm tội thật nặng nề mà người tu hành phải tránh để khỏi gây ra hậu quả xấu, bị đọa vào địa ngục. Trong năm tội nghịch nầy, tội nào cũng nặng tầy trời cả. Theo truyền thuyết cho rằng khi đức Phật Thích-Ca còn tại thế, Đề-Bà-Đạt-Đa cố tâm hại Phật như cho lăn đá đè, cho voi dữ cán lên mình Phật, nhưng nhờ sức thần thông, đức Phật đã thoát ra được các nạn dữ đó. Những tội như thế được liệt vào tội thứ tư trong năm tội nghịch nầy. Cũng trong cùng một ý nghĩa đó, việc hủy phá hình tượng Phật như bắn phá, đâm đục đều có tội rất nặng. Cả năm tội nghịch nầy đều có chung hình tướng cho cả ba thừa (Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-Tát), tức bao gồm cả Đại-thừa và Tiểu-thừa. 
Người não đã lỡ phạm vào một trong năm tội trên, còn cách nào cứu thoát được không ? 
Những kẻ phạm phải tội nghịch ác như thế, tâm sinh lý họ đã có sự mất quân bình nên gây ra sự lầm lỗi quá nặng. Muốn giải cứu, phạm nhân phải tự mình phát nguyện sám hối trước Tam-Bảo, hứa chừa bỏ những hành vi, ý nghĩ xấu ác thô bỉ kia và quyết tâm thực hành điều thiện thì mới có thể xóa bỏ được lỗi phạm trước, để bắt đầu làm lại mọi việc đổi mới hoàn toàn và phải cảnh giác việc ác trong mỗi ý niệm, trong hành vi, tư tưởng ... 
Người Phật tử khi đã biết lý nhân quả và tội phước báo ứng rồi thì đừng nên gây ra cho kẻ khác bất cứ một tội nhỏ nào, huống chi trong năm tội nghịch ác lại cần phải tìm cách lánh xa. 
sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét