Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

An trú trong chánh niệm

Niệm Xứ là an trú trong chánh niệm. Theo phép tu này người hành giả ý thức được những gì đang xảy ra trong các lĩnh vực thân thể, cảm giác, tâm ý và đối tượng tâm ý mình. Ý thức ấy tức là chánh niệm. Bốn lĩnh vực ấy là bốn lĩnh vực quán niệm. 

Trong lĩnh vực thứ nhất là thân thể, người hành giả quán niệm về hơi thở của mình, về bốn tư thế của thân thể mình là đi, đứng, nằm, ngồi, về những động tác của thân thể mình như đi tới, đi lui, nhìn, mặc áo, ăn, uống, đại tiểu tiện, nói chuyện, giặt áo ... về những bộ phận của cơ thể như tóc, lông, răng, gân, xương, thận, tủy, ruột, nước miếng, mồ hôi, v.v... về những yếu tố tạo nên cơ thể như nước, sức nóng, không khí, vật thể ... và về sự tàn hoại của một tử thi từ khi nó trương phồng lên cho đến khi xương cốt tan thành tro bụi. Quán niệm về thân thể bằng cách phát khởi ý thức về những hiện tượng thuộc về thân thể. Ví dụ khi đang thở vào, hành giả biết là mình đang thở vào; khi đang thở ra, hành giả biết là mình đang thở ra; khi đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh, hành giả biết là mình đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh. Khi đi, hành giả biết là mình đi, khi ngồi xuống, hành giả biết là mình đang ngồi xuống. Khi làm những động tác như mặc áo, uống nước, hành giả biết là mình đang mặc áo, uống nước v.v... 


Như vậy công phu quán niệm về thân thể không phải chỉ được thực hiện trong lúc ngồi thiền mà phải được thực hiện suốt ngày, ngay cả những lúc đi khất thực, ăn cơm và rửa bát. 


Trong lĩnh vực thứ hai là cảm giác, người hành giả quán niệm về những cảm giác đang phát sinh, tồn tại hoặc tàn hoại nơi mình, những cảm giác dễ chịu (lạc thọ), khó chịu (khổ thọ) và những cảm giác trung tính (xả thọ). Những cảm thọ ấy có thể có nguồn gốc sinh lý hay tâm lý. Quán niệm cảm giác bằng cách phát khởi ý thức về sự phát sinh, tồn tại và hoại diệt của những cảm giác ấy. Ví dụ khi đang bị nhức răng, hành giả biết là mình đang bị nhức răng, khi đang sung sướng vì được một người khác khen ngợi, hành giả biết là mình đang sung sướng vì được một người khác khen ngợi. Hành giả còn quán chiếu để an tịnh hóa những cảm giác của mình và để thấy rõ nguồn gốc phát sinh của mọi cảm giác. Công phu quán niệm về cảm giác, do đó cũng không phải chỉ được thực hiện trong lúc ngồi thiền, trái lại, đây là một công phu được thực hiện suốt ngày. 


Trong lĩnh vực thứ ba là tâm ý, người hành giả quán niệm về những trạng thái tâm lý đang có mặt. Khi có tham dục, biết là có tham dục, khi không có tham dục, biết là không có tham dục. Khi có giận hờn, lầm lạc, biết là có giận hờn hay lầm lạc, khi không có giận hờn hay lầm lạc thì biết không có giận hờn hay lầm lạc. Khi tâm ý tập trung hay tán loạn, thì biết là có tập trung hay tán loạn. Những lúc tâm ý mở rộng, khép kín, có giới hạn, cố định hay có giải thoát thì hành giả liền biết; không có thì cũng liền biết. Nói tóm lại, hành giả nhận diện và có ý thức về tất cả những trạng thái tâm ý có mặt trong giờ phút hiện tại. 


Trong lĩnh vực thứ tư là đối tượng tâm ý, người hành giả quán niệm về năm trạng thái chướng ngại của giải thoát (tham đắm, giận hờn, hôn trầm, kích thích và nghi ngờ) mỗi khi chúng có mặt; về năm yếu tố cấu tạo nên con người gọi là năm uẩn (thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức); về sáu giác quan và đối tượng của chúng; về bảy yếu tố giác ngộ (chánh niệm, trạch pháp, tinh tiến, hỷ lạc, khinh an, định và hành xả) và về bốn sự thật là khổ đau, nguyên do của khổ đau, sự giải thoát khổ đau và con đường thực hiện giải thoát. Tất cả những thứ ấy đều là đối tượng của tâm ý. Vạn pháp đều bao hàm trong những đối tượng ấy. 


Bụt chỉ dạy cặn kẽ về từng phép quán niệm trong cả bốn lĩnh vực. Người dạy tinh chuyên hành trì phép quán này trong bảy năm thì chắc chắn sẽ đạt được giải thoát. Người lại nói: có người có thể đạt tới giải thoát trong bảy tháng, hoặc nội trong bảy ngày, nhờ hành trì phép quán niệm này. 

(ĐXMT - Chương 53 - Thích Nhất Hạnh)

Tô Đông Pha và Thiền Sư Phật Ấn

Thiền sư Phật Ấn Với Tô Đông Pha
 
Tô Ðông Pha, quan Hàn Lâm học sĩ triều Tống, nổi tiếng là người học rộng nghe nhiều, tài hoa lỗi lạc. Ỷ tư chất thông minh, ông xem mọi người dưới tầm con mắt, thường làm những bài văn với tính cách trào lộng để mai mỉa tình đời. Ðối với đạo Phật, ông lại còn tỏ ra thái độ khinh rẻ, không tin, thẳng lời bài bác.
 
Một độ, nhân đi phó nhậm ở Chiết Giang, nghe danh sư Phật Ấn ở đỉnh Vân Cư là bậc học thông ba tạng, Tô Ðông Pha liền nảy ra ý định đến viếng cửa thiền, mục đích để trêu chọc lão Hòa Thượng này chơi. Ðến đây tôi xin tạm dừng câu chuyện thăm viếng ấy lại, để lược thuật cho quí vị biết tướng mạo và hành vi của vị tăng ở núi Vân Cư ra thế nào?
 
Phật Ấn thiền sư, vóc người cao lớn, mập mạp. Trên mặt ngài luôn luôn nở nụ cười, mỗi khi tiếp chuyện với khách. Về ngôn ngữ, Sư nói rất trôi chảy tài tình, khiến cho người đối thoại phải lặng thinh khâm phục. Sư có nhiều hành động khác thường, đến như rượu thịt là giới cấm trong nhà Phật, sư cũng không từ. Nhưng với bao nhiêu cử chỉ ấy, tất cả Tăng đồ và tín đồ thời bấy giờ không ai dám bài bác, và nhận thấy ở nơi sư có một cái gì siêu phàm hay làm cho người đời tỉnh ngộ, mà kẻ dung thường không thể bắt chước. Cho nên, hành vi khác lạ của sư được nhiều người ghi chép bằng nhiều bài thi, trong ấy có những câu:
 
"Viễn Công cô tửu yêu Ðào Lịnh, Phật Ấn thiêu trư đãi Tử chiêm" (Ngài Huệ Viễn mua rượu mời Ðào Uyên, minh sư Phật Ấn nướng thịt đãi Tô Tử Chiêm).
Ðây là hành vi của bậc đại triệt, đại ngộ, tùy cơ giáo hóa. Những vị tăng sĩ nào chưa được như thế, không nên khen ngợi bằng lối bắt chước, cũng đừng vội chê bai.
 
Xin tiếp tục câu chuyện trước. Khi Tô Ðông Pha đến non Vân, sư Phật Ấn còn đang ngồi tịnh trong phương trượng, nghe thị giả thưa:
-"Có quan Hàn Lâm học sĩ đến"
Sư vui vẻ chào hỏi và mời khách ngồi. Sau khi đáp lễ xong, Tô Ðông Pha liền mở lời vấn nạn:
- Bạch Hòa Thượng! Xin cho tôi hỏi một câu:
- Vâng, tôi cũng xin tùy chỗ hiểu biết để hầu chuyện cùng ngài.
- Bạch, tôi muốn mượn thân tứ đại của Hòa Thượng làm tòa ngồi, có được chăng?
Một nụ cười nở trên môi, Phật Ấn thiền sư đáp:
- Nếu bần đạo trả lời không suông, xin theo tôn ý, bằng trái lại, ngài sẽ tính thế nào?
- Tôi xin đem chiếc đai ngọc, một vật quí của vua ban cho, để đáp tạ Hòa Thượng.
- Bần đạo tứ đại vốn không, ngũ uẩn chẳng có, vậy ngài lấy chi làm tòa ngồi.
Tô Ðông Pha sửng sốt hồi lâu, không trả lời được, đành phải mở đai ngọc giao cho Phật Ấn thiền sư. Sư thâu nhận, rồi bảo thị giả vào trong đem chiếc áo bá nạp ra tặng cho quan Hàn Lâm học sĩ. Tô Ðông Pha gắng gượng tiếp lấy và làm bài kệ trình lên rằng:
Căn tối đành ngơ trước máy thần Nặng vì thân bịnh vướng đai cân! Muốn khuyên khất thực nhà ca kỹ? Nên mới nhường cho áo núi Vân.
Ðoạn, hai người cùng nhau tiếp chuyện rất thân mật.
 
CÂU CHUYỆN KHÁC
 
Từ khi được gặp Phật Ấn thiền sư và sau mấy phen ngài chiết phục, Tô Ðông Pha trở nên bạn thân của vị Tăng phi thường ấy. Trong thời gian đó, ông lại được quen với một vị sư khác: ngài Hoành Sơn Cốc. Khi rảnh việc Tô Ðông Pha thường mời hai bạn đến nhà thết tiệc khoản đãi, hoặc cùng đi dạo ở những nơi thắng cảnh. Nhưng, trong ba người, chỉ có sư Phật Ấn là mạnh ăn nhất. Vì thế, Tô Ðông Pha, Hoành Sơn Cốc thường bị cụt hứng và thường chịu lép trong những cuộc vui.
Một hôm, Ðông Pha bảo người nhà sửa sang con thuyền và sắm sẵn gỏi ngon rượu tốt, rồi mời riêng Sơn Cốc thiền sư cùng mình mở cuộc lãng du trên dòng nước. Không dè ngài Phật Ấn hay được việc ấy, lén đến mé sông trước, và dở ván ngồi lẳng lặng dưới khoang thuyền. Sơn Cốc, Ðông Pha đến sau thờ ơ không hay biết chi cả, bảo trạo phu gay chèo để phát khởi cuộc du trình.
Lúc ấy nhằm ngày rằm. Hoàng hôn đã trở về từ lâu nên mặt sông thu yên tĩnh. Vào khoảng đầu hôm, chị Hằng lộ dáng đứng trên dãy non Ðông, như bàng hoàng giữa vầng Ngưu Ðẩu. Hàng cây bên bờ sông in bóng dài trên bãi cát. Một ngọn gió mát từ đâu thoảng lại, thổi phất phơ tà áo vị thiền sư trí tuệ và trang học sĩ tài hoa. Thuyền từ từ tách khỏi bến ra giữa lòng sông, thả suôi theo dòng nước. Ði không lâu, chiếc du thuyền rẽ vào một mặt hồ to rộng, bao la. Bấy giờ, những thức ăn uống được sắp bày trên thuyền, dưới gương nga tỏa sáng. Trước khi nhập tiệc, Ðông Pha bảo Sơn Cốc:
-"Chúng ta mỗi người hãy làm bốn câu thi tức cảnh, hai câu sau lấy trong sách Tứ thơ và kết cuộc bằng chữ "tai". Nếu ai làm không được phải bị phạt ba chén rượu. Và, bước đầu tôi xin nhường cho Ngài”.
Lộ vẻ tươi cười, thiền sư đáp:
-"Thế thì còn chi thú vị bằng! Tôi xin lĩnh ý".
Bấy giờ con thuyền đang từ từ rẽ nước. Cánh bèo theo gợn sóng tan ra, lộ dáng mấy con cá lội thấp thoáng. Sơn Cốc trông thấy liền ngâm:
 
Phù bình bác khai Du ngư xuất lai Ðắc kỳ sở tai! Ðắc kỳ sở tai!
(Bèo nổi tan ra, Dáng cá lội qua Phải cảnh nó a! Phải cảnh nó!).
 
Ðông Pha vỗ tay khen:
-"Hay! Hay lắm! Thật là tuyệt!"
Rồi, vẻ mặt trầm ngâm ông nhìn khắp chung quanh để tìm câu gợi tứ. Chợt trông lên trời thấy áng mây trắng bay qua để lộ màu thỏ bạc, ông liền đọc:
 
Phù vân bác khai Minh nguyệt xuất lai Thiên hà ngôn tai? Thiên hà ngôn tai?
(Mây nổi qua mau, Trăng tỏ lộ màu Trời nào nói đâu, Trời nào nói đâ?)
 
Sơn Cốc cũng vỗ tay khen:
-"Mấy câu vừa rồi ý nghĩa siêu thoát lắm! Không biết ngài có nhận được mùi thiền trong ấy chăng?”.
Ðông Pha không đáp, yên lặng tủm tỉm cười. Ðoạn, hai người cùng rót rượu để tán thưởng cho nhau và sắp sửa vào tiệc. Nhưng, Phật Ấn thiền sư đã dở ván, từ dưới khoang thuyền chun lên, vừa đọc lớn:
 
Phù bản bác khai Phật Ấn xuất lai Nhơn yên sưu tai? Nhơn yên sưu tai?
(Ván lót dở cao, Phất Ất ra mau Người giấu được nào? Người giấu được nào?).
 
Ðọc xong sư điềm nhiên ngồi chễm chệ trước tiệc, quơ đũa không mấy chốc, thức ăn đã hết sạch. Sơn Cốc và Ðông Pha dở khóc dở cười, nhìn nhau ngơ ngẩn.

CÂU CHUYỆN KHÁC
 
Những việc trớ trêu tương tự như thế, thường xảy đến với Tô Ðông Pha, nhưng cũng do đấy, ông càng nghĩ càng khâm phục sư Phật Ấn.
Khách đa tài phần nhiều hay đa tình, Ðông Pha có bảy người thiếp rất đẹp. Một hôm, trong cơn đàm thoại, Phật Ấn thiền sư bảo ông rằng:
-"Tôi nghe ngài có nhiều thê thiếp, mà tôi lúc này thiếu người hầu hạ, không biết ngài có vui lòng cho tôi mượn một nàng không?"
Ðông Pha cười nói:
-"Hòa Thượng đã muốn, tôi đâu dám chẳng vâng lời".
Sau khi về đến nhà Ðông Pha cho gọi thiếp thứ bảy ra bảo:
-"Hôm nay, Phật Ấn thiền sư hỏi tôi mượn một cô hầu. Vậy nàng hãy sửa soạn để đi đến chùa cho sớm".
Người thiếp tỏ vẻ không bằng lòng, thưa:
-"Ông ấy đã tu hành, sao còn nói gở như thế?"
Ðông Pha bảo:
-"Người quân tử đã hứa, tất phải nhớ lời. Nàng nên vì tôi chịu phiền đi đến xem Hòa Thượng sử sự ra sao?"
Khi người thiếp đến chùa, Phật Ấn thiền sư ra tiếp, đưa vào cho an nghỉ một phòng. Ðoạn, sư bắt bảy cái lò gần đấy, quạt lửa than cháy đỏ rồi suốt đêm bước qua bước lại trên lò. Sáng ra, thiền sư bảo xa phu gác xe đưa mỹ nhân trở về. Sau khi về đến nhà, người thiếp thuật rõ lại hành vi của sư Phật Ấn trong đêm vừa qua. Ðông Pha nghe xong, thầm nghĩ:
-"Ðây chắc là thiền sư ngụ ý bảo: ta có bảy nàng hầu như bảy lò lửa, hành vi bước qua có phải tỏ rằng mình đã thoát khỏi vòng ái dục rồi chăng?"
Nghĩ đến đó, ông dường như tỉnh ngộ.
Về sau, do sự hóa độ của Phật Ấn thiền sư, Tô Ðông Pha lần lần hồi tâm trở về với đạo Phật. Khi lớn tuổi, ông mướn thợ vẽ một bức tượng A Di Ðà, đi đâu thường mang theo mình. Có ai hỏi, ông đáp:
-"Bức tượng này là công cứ của tôi đấy".
Giữa Phật Ấn và Ðông Pha còn lắm đoạn kỳ quan. Theo lời truyền thuyết ở các sách tàu, Tô Ðông Pha là thân sau của giới thiền sư, cũng là bạn đồng tu học của vị tăng núi Vân Cư từ kiếp trước. Trong tiền thân Phật Ấn thiền sư đã đắc đạo. Ngài tái sanh làm vị tăng với mục đích nhắc nhở người bạn tiền duyên trở lại con đường giác ngộ. Ðiều này, nên tin hay không ở đây không thành vấn đề bàn luận. Chúng ta chỉ nên biết rằng hành vi của ngài Phật Ấn không những có ý nghĩa với Tô Ðông Pha, mà với tất cả bao nhiêu người đồng tâm trạng, cảnh ngộ như ông.
 
CÂU CHUYỆN KHÁC
 
Một hôm, Tô Ðông Pha sáng tác được một bài thi mà ông rất hài lòng, ông bèn cho đem tặng Phật Ấn thiền sư ở chùa Kim Sơn. Thay cho lời khen mà ông Tô Ðông Pha mong ước, thiền sư lại phê hai chữ "phóng thí" (*) Ức lòng, Tô Ðông Pha bương bả vượt sông đến Kim Sơn bắt lỗi. Thiền sư lấy bút sửa câu chót, làm cho Tô Ðông Pha dở khóc dở cười.
Nguyên văn bài thi của tô Ðông Pha như sau:
 
Khể thủ thiên trung thiên.  
Hào quang chiếu đại thiên.  
Bát phong xuy bất động.  
Ðoan tọa tử Kim liên.
 
Làm để xưng tụng Ðức Phật, bài thi ấy thật rất hay, nhưng thiền sư biết tác giả chỉ là người múa văn, chơi chữ, chứ không phải người thâm nhập Phật lý đến mức thực chứng cảnh giải thoát "Bát phong xuy bất động", nên thiền sư phê hai chữ "phóng thí" để trêu. Quả như thiền sư tiên liệu: Tô Ðông Pha đã nổi nóng, vượt sông đến hỏi. Nhưng sau khi thấy thiền sư sửa câu chót thành "phóng thí đã quá giang", Tô Ðông Pha hổ thẹn vì đã để cho một cái "Lỡ trôn đánh bay ngang sông". Ðông Pha bái phục ra về, không nói được một lời... (**)

Tám gió (bát phong) là chỉ những cái ưa ghét của người đời, hễ một trong những cái ấy đến thì lòng người bị xao xuyến, như gió thổi nước lay. Tám gió ấy là: 

1. Lợi, 2. Suy (tổn thất), 3. Hủy (chê), 4. Dự (khen), 5. Xưng (phong tặng), 6. Cơ (nói xấu), 7. Khổ (cay đắng), 8. Lạc (vui).
 
"Rồi đây nguyện được như lời Thuyền từ một chiếc thảnh thơi giữa dòng Hỡi những ai còn trong bể khổ Hãy nương thuyền tế độ mà qua Bến mê vượt khỏi ái hà Lên bờ giải thoát mới là an vui..."
* Thí: có nghĩa là lỡ trôn nếu nói theo trong Nam, hay trung tiện nói theo Bắc, Trung.
** Bài thi của Tô Ðông Pha có nghĩa: Cúi đầu làm lễ Thần của các vị Thần mà ánh sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, là đấng mà "tám gió" thổi không lay và đang ngồi trên hoa sen vàng tía.

CÂU CHUYỆN KHÁC

Một hôm, Tô Đông Pha đến chùa Kim Sơn chơi với Thiền sư Phật Ấn cả ngày. Hai người đối nhau luận Thiền, Đông Pha hỏi Phật Ấn:

- Ngài thấy tôi thế nào?

Phật Ấn đáp:

- Rất trang nghiêm, giống một ông Phật!

Tô Đông Pha nghe nói vô cùng phấn khởi. Phật Ấn lại hỏi Tô Đông Pha:

- Ông thấy ta ra sao?

Đông Pha thấy Phật Ấn mập tròn, lại mặc áo đen, bèn đáp ngay:

- Giống một đống phân bò!

Phật Ấn không nói gì. Đông Pha cho rằng mình đã thắng một keo, lòng rất sung sướng, về nhà hớn hở nói với Tô tiểu muội:

- Này muội muội, hồi nào tới giờ anh bị Ấn lão cho đo ván mãi, đấu không lại ông ta. Không biết hôm nay Hòa thượng trở cờ hay học sĩ này gặp may mà Ấn lão không còn lời để nói, không có lý để trình đấy.

Nói rồi bèn thuật lại chuyện luận chiến vừa qua. Tô tiểu muội thiên tư hơn người, tài hoa xuất chúng, nghe ca ca kể xong câu chuyện, liền nói:

- Xì, anh thua đậm rồi!

Đông Pha tức quá mắng :

- Ta làm sao lại thua? Nếu ta thua sao ông ấy không nói một lời nào?

Tô tiểu muội nói:

- Này ca ca, tôi xin hỏi anh, Phật quý hay phân bò quý?

Đông Pha nói:

- Đương nhiên là Phật quý rồi!

Tô tiểu muội nói:

- Phật là Ấn lão thấy, còn phân bò là anh thấy, thế có phải là anh bị đánh úp không? Ấn lão đắc thắng hoàn toàn, còn gì để nói nữa!

Đông Pha nghe tiểu muội nói thế, như bong bóng xì hơi, biết rằng bị rơi vào tròng của Phật Ấn, thua một keo nặng.

CHUYỆN CHUYỂN KIẾP CỦA TÔ ĐÔNG PHA VÀ THIỀN SƯ PHẬT ẤN

        Vọng tưởng có hai phần: thô và tế. Vọng tưởng thô ai cũng biết, bởi hành tướng nó rất rõ ràng. Còn vọng tưởng vi tế, người tu già dặn cũng phải e ngại.

        Người mới tu, chỉ có thể nhận biết được các vọng tưởng thô, khó lòng phát hiện được các vọng tưởng vi tế. Ví như một ao nước đục, khi bọt nổi lên mặt ao ta mới nhận thấy. Còn phần bọt nhỏ nhẹ từ dưới đáy ao, muốn thấy rõ nó, cần phải có một ao nước thật trong. Người tu hành lâu (thiền định hay các pháp môn khác), đến trình độ nước tâm trong lặng mới thấy biết được vọng tưởng vi tế.

        Bạch Thánh pháp sư, một buổi sáng từ nơi giường bước lại ghế ngồi, trong khoảng chừng ba giây đồng hồ, đã phát giác trong tâm mình nổi lên đến vài mươi vọng niệm sai biệt. Chừng ấy ngài mới chứng minh được lời nói trong kinh: "Một niệm có chín mươi sát na, một sát na có chín trăm sanh diệt." Đây là vọng tưởng thuộc loại vi tế.

        Quang Huệ và Giới Diễn là hai vị thiền sư đều ngộ Đạo. Một hôm trong khi đồng ngồi thiền, nơi tiềm thức của ngài Giới Diễn thoạt nổi lên một niệm sắc ái, ngài liền diệt trừ; song bên kia Quang Huệ thiền sư đã hay biết. Sau khi xuất định, ngài Quang Huệ làm bài kệ có ý trêu cợt ngài Giới Diễn. Giới Diễn thiền sư buồn thẹn, liền thâu thần nhập diệt.

        Ngài Quang Huệ hối hận, gọi đệ tử đến phó chúc rằng: "Bạn ta trong khi thiền định có một niệm sắc ái, sau tất lụy về sắc; vì phiền ta mà thị tịch, sau sẽ phá hoại Tăng bảo. Lỗi ấy một phần do ở nơi ta, nếu ta không theo hóa độ, tất sẽ mang lấy hậu quả!"

        Dặn dò xong, ngài cũng viên tịch theo luôn. Sau, Quang Huệ chuyển thân làm thiền sư Phật Ấn; Giới Diễn chuyển kiếp làm Tô Đông Pha. Đông Pha do kiếp trước có tu nên làm quan to trong triều, thông minh trí tuệ mà cũng đa tài đa tình. Ông có đến bảy người thiếp, và thường đem sự thông minh bác lãm của mình mà vấn nạn các vị thiền sư. Về sau Tô Đông Pha bị ngài Phật Ấn chiết phục, ông mới quay lại đường tu.

        Cho nên vọng tưởng vi tế, người tu lâu cũng phải e ngại là thế. Tiên đức có câu:

Công phu không thiếu cũng không dư,
Muôn kiếp tham si chữa dễ trừ!

        Vậy người tu khi có chút cảnh giới tốt chớ vội khoe khoang tự đắc, phải nhìn gương ngài Giới Diễn; và cũng đừng vội tự thị chê bai kẻ khác, mà phải xem gương Quang Huệ thiền sư.

(Sưu tầm)

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Tinh Yếu Kinh Quán Niệm Hơi Thở

Hơi thở thứ nhất: Nhận diện hơi thở
Thở vào, tôi biết đây là hơi thở vào
Thở ra, tôi biết đây là hơi thở ra.

Bài tập thứ hai: Đi theo hơi thở.
Thở vào một hơi dài hoặc một hơi ngắn hành giả biết rằng hơi thở của mình dài hay ngắn
Thở ra một hơi dài hoặc một hơi ngắn hành giả biết hơi thở của mình dài hay ngắn

Bài tập thứ ba: Ý thức toàn thân
Thở vào tôi ý thức được toàn thân tôi
Thở ra tôi biết hình hài tôi có đó.

Bài tập thứ tư: Buông thư toàn thân
Tôi đang thở vào và làm cho toàn thân tôi an tịnh
Tôi đang thở ra và làm cho toàn thân tôi an tịnh

Bài tập thứ năm: Chế tác mừng vui
Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui
Ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui

Bài tập thứ sáu: Chế tác hạnh phúc
Ta đang thở vào và cảm thấy an lạc
Ta đang thở ra và cảm thấy an lạc

Bài tập thứ bảy: Nhận diện niềm đau
Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta
Ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta

Bài tập thứ tám: Ôm lấy niềm đau
Ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh
Ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh

Bài tập thứ chín: Nhận diện tâm
Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta
Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta

Bài tập thứ mười: Làm cho tâm hoan lạc
Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc
Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc

Bài tập thứ mười một và mười hai vẫn thuộc về tâm nhưng bốn hơi thở cuối từ hơi thở thứ mười ba cho tới hơi thở thứ mười sáu có liên hệ tới tri giác. Tri giác của mình có thể sai lầm, thấy sợi dây mà tưởng con rắn. Tri giác sai lầm gọi là vọng tưởng. Mình khổ là vì vọng tưởng. Vì vậy mục đích tối hậu của đạo Bụt là đào tận gốc vọng tưởng liệng đi.
Ta đang thở vào và thu  nhiếp tâm ý ta vào định
Ta đang thở ra và thu  nhiếp tâm ý ta vào định

Bài tập thứ mười hai: Cởi trói cho tâm giải thoát
Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do
Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do

Bài tập thứ mười ba: Quán chiếu về vô thường
Ta đang thở vào và quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp
Ta đang thở ra và quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp

Bài tập thứ mười bốn: Quán chiếu vô dục
Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp
Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp

Bài tập thứ mười lăm: Quán chiếu vô sinh, niết bàn
Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp
Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp

Bài tập thứ mười sáu: Quán chiếu buông bỏ
Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ
Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ

TS. Thích Nhất Hạnh 
http://langmai.org/phapduong/phap-thoai-phien-ta/tinh-yeu-kinh-quan-niem-hoi-tho?set_language=vi














Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Tinh tấn là căn bản để hàng phục ma chướng

Photo: Tinh tấn là căn bản để hàng phục ma chướng
***********************
Phiên âm: Đệ tứ giác tri: Giải đãi trụy lạc, thường hành tinh tấn, phá phiền não ác, tồi phục tứ ma, xuất ấm giới ngục.

Dịch nghĩa: Điều giác ngộ thứ tư: Giải đãi phải sa đọa, nên thường hành tinh tấn, để phá phiền não ác, chiết phục cả bốn ma, ra khỏi ngục ấm giới.

Giảng giải:
----------------
Trong đời này, không luận làm việc gì cũng cần phải có tinh thần đại hùng, đại lực, đại vô úy mới có thể thành công. Chúng ta dù xây dựng sự nghiệp trong xã hội, hay tu học đạo nghiệp trong Phật Pháp, đều gặp không ít chướng ngại hay ma nạn. Nếu ta do dự không tiến tới, hoặc có chút ít giải đãi, sẽ không thành tựu được một việc gì cả! Nên trong đoạn Kinh này, chúng tôi sẽ giảng đến đề tài: Tinh tấn là căn bản để hàng chục ma chướng. Giải đãi là chỉ sự không hết lòng, hết sức trong viêc đoạn ác tu thiện. Giải là căn thân mệt mõi; đãi là tâm thức phóng túng. Giải đãi là căn bệnh chung của chúng sinh, mà thuốc trị nó chính là tinh tấn.

Tinh tấn có nghĩa: Tâm thiện của chúng ta chưa phát sinh, thì nỗ lực khiến cho sớm phát sinh; tâm thiện đã sinh, thì nỗ lực làm cho được tăng trưởng; niệm ác chưa sinh thì cố gắng giữ đừng cho sinh: niệm ác đã sinh, thì cố gắng sớm dứt trừ. Thế gian này là cảnh giới ma. Tinh tấn có thể thành Phật, giải đãi sẽ đọa vào ma giới.

Xem lại các bậc Thánh hiền thành tựu đạo nghiệp thuở trước, không ai là chẳng trải qua một phen dùng tử công phu. Chúng tôi sẽ nói về Ngài A Na Luật, đương cơ của Kinh này.

Một hôm trong Pháp hội của Phật, Tôn giả A Na Luật bổng bị hôn trầm, giải đãi che lấp tâm tánh nên ngủ gục. Đức Phật thấy đệ tử giải đãi không tinh tấn như vậy liền gọi Ngài tỉnh dậy, quở rằng:

Than ôi ông ham ngủ 
Như sò ốc trong vỏ 
Ngủ một giấc ngàn năm 
Không nghe danh hiệu Phật!

A Na Luật nghe xong, trong lòng rất hổ thẹn bèn phát nguyện từ nay về sau không ngủ nữa, mỗi ngày nếu không kinh hành thì tụng Kinh. Một hai ngày không ngủ cũng không sao. Nhưng A Na Luật thức liên tiếp nhiều ngày đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và nhất là con mắt, song Ngài vẫn quyết chí tinh tấn tu tập như vậy. Một thời gian sau, Ngài trở nên mù lòa.

Đức Phật thấy Ngài vì quá tinh tấn mà phải mù lòa nên rất thương, mới dạy Ngài tu tập môn Kim Cương Chiếu Minh Tam Muội. Chẳng bao lâu Ngài chứng được thiên nhãn thông.

A Na Luật chỉ nghe Phật dạy một câu mà tinh tấn như thế. Người ta nếu không bị tình dục làm mê hoặc, sẽ không bị tà ma làm nhiễu loạn. Người học Phật nghe học Kinh Pháp, liễu tri thật tướng vạn hữu, đây là được đại trí của Bồ tát Văn Thù. Nhưng lại phải tinh tấn thực hành trí bát nhã đó, mới có thể khế hợp với đại hạnh của Bồ tát Phổ Hiền.

Tập khí của chúng sinh là ưa nhàn nhã, thích hưởng thụ nên khó phát tâm dũng mãnh, tinh tấn tu đạo. Đức Phật trong nhân tu quá khứ, từng xả thân cho cọp, cắt thịt cho chim ưng. Đây là tâm tinh tấn, hy sinh, làm được việc khó làm, nhẫn được việc khó nhẫn. Những kẻ phê bình Phật giáo là tiêu cực, làm sao có thể tưởng tượng hay thể hội được điều này?

Bồ tát Quán Thế Âm với:
Ba mươi hai tướng, hiện Ta bà 
Độ khắp muôn loài, kiếp hằng sa. 
Ngàn chỗ nguyện cầu, ngàn chỗ ứng 
Thuyền từ biển khổ, độ người ra.

Nếu người học Phật không có tinh thần tinh tấn, làm sao làm được như vậy?

Bồ tát Địa Tạng với lời nguyện:

Địa ngục chưa hết 
Thề chưa thành Phật 
Chúng sinh độ tận 
Mới chứng Bồ Đề

Đây không phải là tinh thần tinh tấn của bậc đại nhân, đại trí hay sao?

Thời nay người ta rủ mình cờ bạc ăn tiền, nếu mình không theo, họ sẽ cho mình là tiêu cực! Mời mình chè chén, khiêu vũ, mình không nhận lời, họ cho mình là thụ động! Bậc Thánh giả tu học Bồ tát đạo, tinh tấn liễu thoát sinh tử, rộng độ chúng sinh. Tinh thần tích cực này là điều mà người bình thường khó mà hiểu được!

Đại sư Huyền Tráng đi Thiên Trúc thỉnh Kinh, trải qua tám trăm dặm sa mạc, giữa đường thiếu nước cơ hồ bỏ mình nơi hoang mạc, song Ngài vẫn nguyện: Thà đi về hướng Tây một bước mà chết, quyết không quay về hướng Đông một bước mà sống! Nếu không phải là người có nhiệt tình tôn giáo, tâm tinh tấn vì đạo, thì làm sao có thể làm được việc như vậy?

Đại sư Tuệ Khả đến tham bái Tổ sư Đạt Ma, đứng ngoài tuyết lạnh, chặt tay cầu Pháp mà vẫn không thoái thất tâm tốt ban đầu. Thử hỏi, nếu không có tâm tinh tấn cầu Pháp, thì làm sao có thể làm được như vậy? Trong Phật Pháp, lục độ lấy tinh tấn làm chủ yếu. Không luận bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí tue? nếu không có tinh tấn, thì không cách nào thành tựu Ba la mật.

Trong Kinh nói tinh tấn có mười điều lợi ích:

1. Không bị lực lượng bên ngoài chiết phục.

2. Được chư Phật nhiếp thọ.

3. Chúng trời người kính ngưỡng.

4. Nghe được Chánh Pháp không quên.

5. Tìm biết được những điều chưa biết.

6. Tăng trưởng vô ngại biện tài.

7. Được an trú trong thiền định.

8. Ít bệnh, ít não, ít hoạn.

9. Ăn uống dễ dàng tiêu hóa.

10. Như hoa ưu đàm nở.

Tinh tấn như cọ xát cây lấy lửa, không thể dừng nghỉ giữa chừng. Tâm Bồ đề đã phát nếu không có sức tinh tấn thường hằng thì khó mà duy trì được. Không luận làm điều gì, nếu không có hằng tâm, tinh tấn, nghị lực, giữa chừng bỏ dở, thì chắc chắn không thu được ích lợi, thành tựu được kết quả. Người ta gọi là: nhiệt tình lửa rơm!

Người không có tâm tinh tấn thường hằng, làm việc với tâm thái nhiệt tình lửa rơm như vậy, thì làm sao có thể thành công? Muốn tâm tinh tấn được lâu bền, phải có tinh thần như Khổng Minh: Dốc lòng hết sức, đến chết mới thôi, và thái độ: Chỉ lo cày bừa, không nghĩ thu hoạch. Nếu người có tâm mong mau chóng thành tựu, hay cầu cái lợi trước mắt, thì khi vừa gặp thất bại đã bỏ cuộc, mới bị thử thách liền nản lòng. Người làm việc có đầu không có đuôi, có thủy không có chung như vậy, là không có tinh thần tinh tấn, không ngại gian lao, không nài khó nhọc. Trong Kinh có kể một đoạn ngụ ngôn:

Có một con chim anh vũ, thấy một khu núi rừng bị lửa thiêu cháy, thế lửa rất mạnh.

Nó cảm thấy hết sức đau lòng, thương cho các loài sinh vật trong đó, liền bay đến bờ sông dùng miệng ngậm nước để cứu lửa. Việc làm này giống như đem nước một chén mà cứu lửa cả xe, đương nhiên không giải quyết được vấn đề. Nhưng chim vẫn quyết tâm không từ bỏ việc cứu lửa.

Lúc đó vị thần lửa trên trời biết được, liền hiện xuống nói với chim:

- Này chim anh vũ, thế lửa lớn dường ấy mà ngươi chỉ dùng vài giọt nước ngậm trong miệng để dập tắt, thì làm sao mà có kết quả? Đây không phải là việc tốn công vô ích hay sao?

Chim Anh Vũ đáp rằng:

- Cứu lửa đó là điều mọi người nên làm hết trách nhiệm. Tuy sức tôi rất nhỏ, nhưng không thể không tận tâm, tận lực.

Lời nói của chim anh vũ rất bình thường, nhưng tráng chí của nó thật vĩ đại. Tinh thần dũng mãnh, thấy khó khăn không lui bước này đã khiến thần lửa cảm động sâu xa, nên đã dập tắt đám cháy đó giùm chim anh vũ.

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương có tất cả sáu chương nói về người học đạo nên tinh tấn như thế nào. Tinh tấn được chia làm ba loại:

Phi giáp tinh tấn.

Nhiếp thiện pháp tinh tấn.

Lợi lạc hữu tình tinh tấn.

Sao gọi là phi giáp ( mặc áo giáp ) tinh tấn? Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: Người học đạo như kẻ chiến đấu với vạn người, mặc áo giáp ra trận, nếu ý khiếp nhược sẽ giữa đường thoái lui, hoặc chiến đấu đến chết. Nếu tinh tấn dũng mãnh, không sợ gươm đao, thì dấn thân vào chỗ chết để tìm ra đường sống, phá diệt các ma, mà được đạo quả. Cho nên, mặc áo giáp tinh tấn là nói người tu phải có tinh thần chiến đấu với các ác pháp.

Thế nào là nhiếp thiện pháp tinh tấn?

Mặc áo giáp tinh tấn là trừ ác, nhưng tinh tấn còn phải hoàn thành thiện pháp, đây gọi là nhiếp thiện pháp tinh tấn. Không luận người xuất gia hay tại gia, khi tu tập thiện pháp không nên quá gấp, cũng không nên quá chậm, cốt yếu vừa chừng là tốt. Gấp quá thì bị sức phản động mà lui sụt. Chậm quá thì do giải đãi mà thoái đọa. Như gảy đàn, dây đàn chùng thì âm thanh không vang đúng mức, dây căng quá sẽ dễ đứt. Vì vậy, việc tu thiện pháp không nên quá chậm, cũng không nên quá gấp. Gấp hay chậm đều là sai lầm, đệ nhất nghĩa trong Phật Pháp chính là trung đạo!

Thế nào là lợi lạc hữu tình tinh tấn?

Người học Phật phải phát tâm đại từ bi, độ khắp chúng sinh. Nhưng chúng sinh trong tam giới vô lượng vô số, nếu không tinh tấn làm sao thực hiện được chí nguyện độ sinh? Ta phải có tâm từ bi vô hạn, có chí độ sinh vô cùng, thì mới có thể tinh tấn không thoái lui.

Chúng ta trên bước đường tu học, thường hay mắc phải chứng bệnh: Căn thân mệt mỏi, tâm thức phóng túng! Đây là do chưa nhận thức rõ thời gian và sinh mệnh trân quí biết chừng nào. Chúng ta sống trong dòng thời gian, nghĩ rằng: Ngày nay trôi qua vẫn còn ngày mai; năm nay không làm, còn có năm sau; tuổi trẻ không tu, hãy còn lúc gia, vì vậy mới luống qua thời gian, dần dà hết kiếp! Không ngờ, kết quả do thói quen giải đãi, ỷ lại này, khiến ta phải chịu đọa lạc, khổ đau!

Chúng ta nếu biết sinh mệnh là trân quí, thời gian qua rồi không trở lại, thì phải luôn khắc ghi trong tâm hai chữ vô thường, không một giây phút chần chờ, không một ý niệm xao lãng, trực tâm hướng về chính đạo.

Thuở xưa, đức Phật hỏi các đệ tử:

- Mạng người trong bao lâu?

Một đệ tử đáp:

- Trong vài ngày!

Đức Phật lắc đầu bảo:

- Ông chưa hiểu đạo.

Ngài lại hỏi một vị khác:

- Mạng người trong bao lâu?

- Mạng người trong khoảng bữa ăn.

Phật cũng lắc đầu bảo:

- Ông chưa hiểu đạo!

Rồi Ngài lại hỏi một vị khác:

- Mạng người trong bao lâu?

Vị này đáp:

- Mạng người trong hơi thở!

Đức Phật vô cùng hoan hỉ, khen rằng:

- Lành thay! Ông hiểu được đạo!

Người biết giác ngộ mạng sống trong khoảng hơi thở, thì đôí với việc tu đạo, hành thiện sao dám giải đãi? Đối với việc tu đạo hành thiện, nếu không nỗ lực tinh tấn, làm sao có thể thành tựu? Tinh là chuyên ròng không tạp; tấn là tiến mãi không lui. Mục đích của tinh tấn là phá phiền não ác, hàng phục bốn ma, ra ngục ấm giới.

Trời đất lâu dài có lúc hoại, phiền não miên man không tận cùng! Phiền não vô minh vốn câu sinh với ta, nằm sẵn trong tâm, khiến chúng sinh không thoát khỏi luân hồi, sinh tử. Học Phật, việc lớn nhất là phá phiền não ác. Phiền não là chỉ phiền tâm va não thân. Phiền não còn nguy hiểm hơn oán tặc, cường đạo, thổ phỉ. Cổ nhân bảo: Bắt giặc trong núi dễ, dẹp giặc trong lòng kho. Cuộc sống bất an, đau khổ, đều do phiền não gây ra cả!

Phật Pháp có tám muôn bốn ngàn Pháp môn là để đối trị tám muôn bốn ngàn phiền não. Lấy bất tịnh quán để đối trị tham dục, lấy từ bi đối trị sân hận, lấy vô ngã đối trị kiêu mạn, lấy chánh tín đối trị nghi hoặc, lấy chánh kiến đối trị tà kiến. Phiền não tóm lại có sáu loại căn bản: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Ngoài sáu loại căn bản phiền não này ra, còn có hai mươi loại tùy phiền não.

Căn bản phiền não như rễ cây, nó là gốc rễ của tất cả phiền não. Trong hai mươi tùy phiền não, lại chia ra có mười tiểu phiền não, hai trung phiền não và tám đại phiền não. Mười tiểu phiền não là: phẫn nộ, cừu hận, kết oán, giả dối, gian trá, siểm khúc, ngạo mạn, bách hại, tật đố, tự tư.

Hai trung phiền não là: vô tàm, vô quí.

Tám đại phiền não là: bất tín, giải đãi, phóng dật, hôn trầm, trạo cử, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri.

Chúng ta sở dĩ không nhận ra được bản tánh chân như của mình, là do phiền não che lấp ánh sáng tâm thể. Chúng ta sống trong nguy hiểm, lo sợ, là do phiền não nhiễu loạn. Cội gốc của tất cả phiền não chính là ngã chấp. Chúng sinh do chấp ngã nên tất cả phiền não mới dấy khởi. Cho nên cổ đức nói: Muốn học Phật Pháp, trước hết hãy vô nga. Tu chứng được cảnh giới vô ngã, cũng chính là đạt được cảnh giới không còn phiền não.

Ngã chấp đây là căn bản của phiền não sinh tử. Vô ngã là điều khó thực hiện biết bao! Ngã chấp không trừ, thì phiền não ác không thể phá được. Cách phá phiền não ác là trước phải tu tập ba môn vô lậu học: giới –định – tuệ, kế nữa là niệm Thánh hiệu Phật A Di Đà thì phiền não ác sẽ từ từ được phá trừ, bản lai diện mục của chúng ta dần dần được hiển lộ.

Phiền não phá rồi lại còn phải hàng ma. Những gì có thể làm hư hoại thiện căn, dứt mất tuệ mạng của chúng sinh, đều gọi là ma. Những chướng ngại, nhiễu loạn, phá hoại, dụ hoặc hay cướp đoạt tuệ mạng đều gọi là ma. Ngoại cảnh có ma: sắc thanh danh lợi; trong tâm có ma: tham sân phiền não. Không có tinh thần hàng phục ma thì không thể tu đạo. Ma có mặt khắp mọi nơi, nhưng nguy hiểm nhất lại là ma ẩn tàng ngay trong tâm chúng ta! Trong các tu viện lớn, tượng Bồ tát Vi Đà tay cầm chày hàng ma đứng mặt ngó vào mình, cho thấy hàng phục nội ma quan trọng hơn hàng phục ngoại ma!

Phật giáo suy vi, những vị mang tâm niệm tiếp nối làm hưng thịnh hạt giống Phật, khiến Chánh Pháp cửu trụ Ta bà, thật hiếm có người! Còn hạng mặc áo Phật, ăn cơm Phật, mượn danh là đệ tử Phật để mua bán Như Lai, thì ma con, ma cháu rất đông. Làm người con Phật chân chánh, ngày nay phải có tinh thần khiêu chiến với ma! Thời mạt Pháp, cách Thánh lâu xa thì Phật cao một thước, ma cao một trượng! Mong rằng đệ tử chánh tín của Phật thời nay phải học theo Bồ tát Vi Đà, tay cầm chày hàng ma, tuân theo lời dạy Kinh này để hàng phục tất cả ma quỷ chướng đạo!

Kinh văn nói: Hàng phục bốn ma. Bốn ma đó là:

1.Phiền não ma: Đây là chỉ tập khí tham sân si v.v… làm não hại thân tâm.

2. Ngũ ấm ma: Đây là chỉ năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay sinh ra tất cả đau khổ.

3. Tử ma: Đây là chỉ sự chấm dứt mạng căn sinh tồn của chúng sinh.

4. Thiên ma: Đây chỉ thiên ma ngoại đạo làm hư hoại thiện căn của chúng sinh, như ma vương ở cõi trời Tự tại dục giới.

Trong Tiểu Chỉ Quán và Khởi Tín Sớ v.v…, đều nói cách hàng phục bốn ma là trì niệm Thánh hiệu đức Phật A Di Đà, hay xưng niệm tam quy, ngũ giới, hoặc tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Đức Phật Thích Ca khi ngồi trên tòa Kim cang dưới cội Bồ đề, trước phải hàng phục ma, rồi sau mới thành đạo!

Phiền não khiến chúng ta gây tạo tội ác đã phá trừ; ma chướng làm nhiễu loạn đạo nghiệp của chúng ta đã hàng phục, thì có thể ra khỏi luân hồi sinh tử, giải thoát lao tù ngũ ấm, tam giới!

Ngũ ấm là chỉ sắc thân do ngũ uẩn hòa hợp của loài hữu tình. Ấm có nghĩa là che ngăn, vì sắc thọ tưởng hành thức thường ngăn che chân như Phật tánh của chúng hữu tình. Tam giới chỉ dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

Ngũ ấm là chỗ tụ họp của các khổ, ba cõi như ngôi nhà đang bốc cháy. Thân tâm, thế giới đều vô thường không thật, như lao ngục không thể nương cậy. Phải phá phiền não ác, hàng phục bốn ma, mới có thể ra khỏi ngục ấm giới!

Chúng sinh phải tinh tấn tu đạo, không được giải đãi, buông xả thân năm ấm, ra khỏi nhà ngục tam giới, chứng đắc pháp thân thường trú, an nhiên tự tại, mới là cảnh giới an ổn, giải thoát, quang minh!

Dịch Thơ:

Điều thứ tư phải luôn ghi nhớ 
Lười biếng làm lỡ dở đạo tâm 
Quen theo thói tục lạc lầm 
Đắm mê sa đọa trong hầm khổ đau. 
Nên thường phải dồi trau tinh tấn 
Dũng mãnh tu phá những não phiền 
Bốn ma hàng phục bình yên 
Khỏi ngục ấm giới về miền chân như.

(Trích KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC
Hán dịch: Đại Sư An Thế Cao
Giảng: Đại sư Tịnh Vân
Việt dịch: Thích Minh Quang)Tinh tấn là căn bản để hàng phục ma chướng
***********************
Phiên âm: Đệ tứ giác tri: Giải đãi trụy lạc, thường hành tinh tấn, phá phiền não ác, tồi phục tứ ma, xuất ấm giới ngục.

Dịch nghĩa: Điều giác ngộ thứ tư: Giải đãi phải sa đ
ọa, nên thường hành tinh tấn, để phá phiền não ác, chiết phục cả bốn ma, ra khỏi ngục ấm giới.

Giảng giải:
----------------
Trong đời này, không luận làm việc gì cũng cần phải có tinh thần đại hùng, đại lực, đại vô úy mới có thể thành công. Chúng ta dù xây dựng sự nghiệp trong xã hội, hay tu học đạo nghiệp trong Phật Pháp, đều gặp không ít chướng ngại hay ma nạn. Nếu ta do dự không tiến tới, hoặc có chút ít giải đãi, sẽ không thành tựu được một việc gì cả! Nên trong đoạn Kinh này, chúng tôi sẽ giảng đến đề tài: Tinh tấn là căn bản để hàng chục ma chướng. Giải đãi là chỉ sự không hết lòng, hết sức trong viêc đoạn ác tu thiện. Giải là căn thân mệt mõi; đãi là tâm thức phóng túng. Giải đãi là căn bệnh chung của chúng sinh, mà thuốc trị nó chính là tinh tấn.

Tinh tấn có nghĩa: Tâm thiện của chúng ta chưa phát sinh, thì nỗ lực khiến cho sớm phát sinh; tâm thiện đã sinh, thì nỗ lực làm cho được tăng trưởng; niệm ác chưa sinh thì cố gắng giữ đừng cho sinh: niệm ác đã sinh, thì cố gắng sớm dứt trừ. Thế gian này là cảnh giới ma. Tinh tấn có thể thành Phật, giải đãi sẽ đọa vào ma giới.

Xem lại các bậc Thánh hiền thành tựu đạo nghiệp thuở trước, không ai là chẳng trải qua một phen dùng tử công phu. Chúng tôi sẽ nói về Ngài A Na Luật, đương cơ của Kinh này.

Một hôm trong Pháp hội của Phật, Tôn giả A Na Luật bổng bị hôn trầm, giải đãi che lấp tâm tánh nên ngủ gục. Đức Phật thấy đệ tử giải đãi không tinh tấn như vậy liền gọi Ngài tỉnh dậy, quở rằng:

Than ôi ông ham ngủ
Như sò ốc trong vỏ
Ngủ một giấc ngàn năm
Không nghe danh hiệu Phật!

A Na Luật nghe xong, trong lòng rất hổ thẹn bèn phát nguyện từ nay về sau không ngủ nữa, mỗi ngày nếu không kinh hành thì tụng Kinh. Một hai ngày không ngủ cũng không sao. Nhưng A Na Luật thức liên tiếp nhiều ngày đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và nhất là con mắt, song Ngài vẫn quyết chí tinh tấn tu tập như vậy. Một thời gian sau, Ngài trở nên mù lòa.

Đức Phật thấy Ngài vì quá tinh tấn mà phải mù lòa nên rất thương, mới dạy Ngài tu tập môn Kim Cương Chiếu Minh Tam Muội. Chẳng bao lâu Ngài chứng được thiên nhãn thông.

A Na Luật chỉ nghe Phật dạy một câu mà tinh tấn như thế. Người ta nếu không bị tình dục làm mê hoặc, sẽ không bị tà ma làm nhiễu loạn. Người học Phật nghe học Kinh Pháp, liễu tri thật tướng vạn hữu, đây là được đại trí của Bồ tát Văn Thù. Nhưng lại phải tinh tấn thực hành trí bát nhã đó, mới có thể khế hợp với đại hạnh của Bồ tát Phổ Hiền.

Tập khí của chúng sinh là ưa nhàn nhã, thích hưởng thụ nên khó phát tâm dũng mãnh, tinh tấn tu đạo. Đức Phật trong nhân tu quá khứ, từng xả thân cho cọp, cắt thịt cho chim ưng. Đây là tâm tinh tấn, hy sinh, làm được việc khó làm, nhẫn được việc khó nhẫn. Những kẻ phê bình Phật giáo là tiêu cực, làm sao có thể tưởng tượng hay thể hội được điều này?

Bồ tát Quán Thế Âm với:
Ba mươi hai tướng, hiện Ta bà
Độ khắp muôn loài, kiếp hằng sa.
Ngàn chỗ nguyện cầu, ngàn chỗ ứng
Thuyền từ biển khổ, độ người ra.

Nếu người học Phật không có tinh thần tinh tấn, làm sao làm được như vậy?

Bồ tát Địa Tạng với lời nguyện:

Địa ngục chưa hết
Thề chưa thành Phật
Chúng sinh độ tận
Mới chứng Bồ Đề

Đây không phải là tinh thần tinh tấn của bậc đại nhân, đại trí hay sao?

Thời nay người ta rủ mình cờ bạc ăn tiền, nếu mình không theo, họ sẽ cho mình là tiêu cực! Mời mình chè chén, khiêu vũ, mình không nhận lời, họ cho mình là thụ động! Bậc Thánh giả tu học Bồ tát đạo, tinh tấn liễu thoát sinh tử, rộng độ chúng sinh. Tinh thần tích cực này là điều mà người bình thường khó mà hiểu được!

Đại sư Huyền Tráng đi Thiên Trúc thỉnh Kinh, trải qua tám trăm dặm sa mạc, giữa đường thiếu nước cơ hồ bỏ mình nơi hoang mạc, song Ngài vẫn nguyện: Thà đi về hướng Tây một bước mà chết, quyết không quay về hướng Đông một bước mà sống! Nếu không phải là người có nhiệt tình tôn giáo, tâm tinh tấn vì đạo, thì làm sao có thể làm được việc như vậy?

Đại sư Tuệ Khả đến tham bái Tổ sư Đạt Ma, đứng ngoài tuyết lạnh, chặt tay cầu Pháp mà vẫn không thoái thất tâm tốt ban đầu. Thử hỏi, nếu không có tâm tinh tấn cầu Pháp, thì làm sao có thể làm được như vậy? Trong Phật Pháp, lục độ lấy tinh tấn làm chủ yếu. Không luận bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí tue? nếu không có tinh tấn, thì không cách nào thành tựu Ba la mật.

Trong Kinh nói tinh tấn có mười điều lợi ích:

1. Không bị lực lượng bên ngoài chiết phục.

2. Được chư Phật nhiếp thọ.

3. Chúng trời người kính ngưỡng.

4. Nghe được Chánh Pháp không quên.

5. Tìm biết được những điều chưa biết.

6. Tăng trưởng vô ngại biện tài.

7. Được an trú trong thiền định.

8. Ít bệnh, ít não, ít hoạn.

9. Ăn uống dễ dàng tiêu hóa.

10. Như hoa ưu đàm nở.

Tinh tấn như cọ xát cây lấy lửa, không thể dừng nghỉ giữa chừng. Tâm Bồ đề đã phát nếu không có sức tinh tấn thường hằng thì khó mà duy trì được. Không luận làm điều gì, nếu không có hằng tâm, tinh tấn, nghị lực, giữa chừng bỏ dở, thì chắc chắn không thu được ích lợi, thành tựu được kết quả. Người ta gọi là: nhiệt tình lửa rơm!

Người không có tâm tinh tấn thường hằng, làm việc với tâm thái nhiệt tình lửa rơm như vậy, thì làm sao có thể thành công? Muốn tâm tinh tấn được lâu bền, phải có tinh thần như Khổng Minh: Dốc lòng hết sức, đến chết mới thôi, và thái độ: Chỉ lo cày bừa, không nghĩ thu hoạch. Nếu người có tâm mong mau chóng thành tựu, hay cầu cái lợi trước mắt, thì khi vừa gặp thất bại đã bỏ cuộc, mới bị thử thách liền nản lòng. Người làm việc có đầu không có đuôi, có thủy không có chung như vậy, là không có tinh thần tinh tấn, không ngại gian lao, không nài khó nhọc. Trong Kinh có kể một đoạn ngụ ngôn:

Có một con chim anh vũ, thấy một khu núi rừng bị lửa thiêu cháy, thế lửa rất mạnh.

Nó cảm thấy hết sức đau lòng, thương cho các loài sinh vật trong đó, liền bay đến bờ sông dùng miệng ngậm nước để cứu lửa. Việc làm này giống như đem nước một chén mà cứu lửa cả xe, đương nhiên không giải quyết được vấn đề. Nhưng chim vẫn quyết tâm không từ bỏ việc cứu lửa.

Lúc đó vị thần lửa trên trời biết được, liền hiện xuống nói với chim:

- Này chim anh vũ, thế lửa lớn dường ấy mà ngươi chỉ dùng vài giọt nước ngậm trong miệng để dập tắt, thì làm sao mà có kết quả? Đây không phải là việc tốn công vô ích hay sao?

Chim Anh Vũ đáp rằng:

- Cứu lửa đó là điều mọi người nên làm hết trách nhiệm. Tuy sức tôi rất nhỏ, nhưng không thể không tận tâm, tận lực.

Lời nói của chim anh vũ rất bình thường, nhưng tráng chí của nó thật vĩ đại. Tinh thần dũng mãnh, thấy khó khăn không lui bước này đã khiến thần lửa cảm động sâu xa, nên đã dập tắt đám cháy đó giùm chim anh vũ.

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương có tất cả sáu chương nói về người học đạo nên tinh tấn như thế nào. Tinh tấn được chia làm ba loại:

Phi giáp tinh tấn.

Nhiếp thiện pháp tinh tấn.

Lợi lạc hữu tình tinh tấn.

Sao gọi là phi giáp ( mặc áo giáp ) tinh tấn? Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: Người học đạo như kẻ chiến đấu với vạn người, mặc áo giáp ra trận, nếu ý khiếp nhược sẽ giữa đường thoái lui, hoặc chiến đấu đến chết. Nếu tinh tấn dũng mãnh, không sợ gươm đao, thì dấn thân vào chỗ chết để tìm ra đường sống, phá diệt các ma, mà được đạo quả. Cho nên, mặc áo giáp tinh tấn là nói người tu phải có tinh thần chiến đấu với các ác pháp.

Thế nào là nhiếp thiện pháp tinh tấn?

Mặc áo giáp tinh tấn là trừ ác, nhưng tinh tấn còn phải hoàn thành thiện pháp, đây gọi là nhiếp thiện pháp tinh tấn. Không luận người xuất gia hay tại gia, khi tu tập thiện pháp không nên quá gấp, cũng không nên quá chậm, cốt yếu vừa chừng là tốt. Gấp quá thì bị sức phản động mà lui sụt. Chậm quá thì do giải đãi mà thoái đọa. Như gảy đàn, dây đàn chùng thì âm thanh không vang đúng mức, dây căng quá sẽ dễ đứt. Vì vậy, việc tu thiện pháp không nên quá chậm, cũng không nên quá gấp. Gấp hay chậm đều là sai lầm, đệ nhất nghĩa trong Phật Pháp chính là trung đạo!

Thế nào là lợi lạc hữu tình tinh tấn?

Người học Phật phải phát tâm đại từ bi, độ khắp chúng sinh. Nhưng chúng sinh trong tam giới vô lượng vô số, nếu không tinh tấn làm sao thực hiện được chí nguyện độ sinh? Ta phải có tâm từ bi vô hạn, có chí độ sinh vô cùng, thì mới có thể tinh tấn không thoái lui.

Chúng ta trên bước đường tu học, thường hay mắc phải chứng bệnh: Căn thân mệt mỏi, tâm thức phóng túng! Đây là do chưa nhận thức rõ thời gian và sinh mệnh trân quí biết chừng nào. Chúng ta sống trong dòng thời gian, nghĩ rằng: Ngày nay trôi qua vẫn còn ngày mai; năm nay không làm, còn có năm sau; tuổi trẻ không tu, hãy còn lúc gia, vì vậy mới luống qua thời gian, dần dà hết kiếp! Không ngờ, kết quả do thói quen giải đãi, ỷ lại này, khiến ta phải chịu đọa lạc, khổ đau!

Chúng ta nếu biết sinh mệnh là trân quí, thời gian qua rồi không trở lại, thì phải luôn khắc ghi trong tâm hai chữ vô thường, không một giây phút chần chờ, không một ý niệm xao lãng, trực tâm hướng về chính đạo.

Thuở xưa, đức Phật hỏi các đệ tử:

- Mạng người trong bao lâu?

Một đệ tử đáp:

- Trong vài ngày!

Đức Phật lắc đầu bảo:

- Ông chưa hiểu đạo.

Ngài lại hỏi một vị khác:

- Mạng người trong bao lâu?

- Mạng người trong khoảng bữa ăn.

Phật cũng lắc đầu bảo:

- Ông chưa hiểu đạo!

Rồi Ngài lại hỏi một vị khác:

- Mạng người trong bao lâu?

Vị này đáp:

- Mạng người trong hơi thở!

Đức Phật vô cùng hoan hỉ, khen rằng:

- Lành thay! Ông hiểu được đạo!

Người biết giác ngộ mạng sống trong khoảng hơi thở, thì đôí với việc tu đạo, hành thiện sao dám giải đãi? Đối với việc tu đạo hành thiện, nếu không nỗ lực tinh tấn, làm sao có thể thành tựu? Tinh là chuyên ròng không tạp; tấn là tiến mãi không lui. Mục đích của tinh tấn là phá phiền não ác, hàng phục bốn ma, ra ngục ấm giới.

Trời đất lâu dài có lúc hoại, phiền não miên man không tận cùng! Phiền não vô minh vốn câu sinh với ta, nằm sẵn trong tâm, khiến chúng sinh không thoát khỏi luân hồi, sinh tử. Học Phật, việc lớn nhất là phá phiền não ác. Phiền não là chỉ phiền tâm va não thân. Phiền não còn nguy hiểm hơn oán tặc, cường đạo, thổ phỉ. Cổ nhân bảo: Bắt giặc trong núi dễ, dẹp giặc trong lòng kho. Cuộc sống bất an, đau khổ, đều do phiền não gây ra cả!

Phật Pháp có tám muôn bốn ngàn Pháp môn là để đối trị tám muôn bốn ngàn phiền não. Lấy bất tịnh quán để đối trị tham dục, lấy từ bi đối trị sân hận, lấy vô ngã đối trị kiêu mạn, lấy chánh tín đối trị nghi hoặc, lấy chánh kiến đối trị tà kiến. Phiền não tóm lại có sáu loại căn bản: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Ngoài sáu loại căn bản phiền não này ra, còn có hai mươi loại tùy phiền não.

Căn bản phiền não như rễ cây, nó là gốc rễ của tất cả phiền não. Trong hai mươi tùy phiền não, lại chia ra có mười tiểu phiền não, hai trung phiền não và tám đại phiền não. Mười tiểu phiền não là: phẫn nộ, cừu hận, kết oán, giả dối, gian trá, siểm khúc, ngạo mạn, bách hại, tật đố, tự tư.

Hai trung phiền não là: vô tàm, vô quí.

Tám đại phiền não là: bất tín, giải đãi, phóng dật, hôn trầm, trạo cử, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri.

Chúng ta sở dĩ không nhận ra được bản tánh chân như của mình, là do phiền não che lấp ánh sáng tâm thể. Chúng ta sống trong nguy hiểm, lo sợ, là do phiền não nhiễu loạn. Cội gốc của tất cả phiền não chính là ngã chấp. Chúng sinh do chấp ngã nên tất cả phiền não mới dấy khởi. Cho nên cổ đức nói: Muốn học Phật Pháp, trước hết hãy vô nga. Tu chứng được cảnh giới vô ngã, cũng chính là đạt được cảnh giới không còn phiền não.

Ngã chấp đây là căn bản của phiền não sinh tử. Vô ngã là điều khó thực hiện biết bao! Ngã chấp không trừ, thì phiền não ác không thể phá được. Cách phá phiền não ác là trước phải tu tập ba môn vô lậu học: giới –định – tuệ, kế nữa là niệm Thánh hiệu Phật A Di Đà thì phiền não ác sẽ từ từ được phá trừ, bản lai diện mục của chúng ta dần dần được hiển lộ.

Phiền não phá rồi lại còn phải hàng ma. Những gì có thể làm hư hoại thiện căn, dứt mất tuệ mạng của chúng sinh, đều gọi là ma. Những chướng ngại, nhiễu loạn, phá hoại, dụ hoặc hay cướp đoạt tuệ mạng đều gọi là ma. Ngoại cảnh có ma: sắc thanh danh lợi; trong tâm có ma: tham sân phiền não. Không có tinh thần hàng phục ma thì không thể tu đạo. Ma có mặt khắp mọi nơi, nhưng nguy hiểm nhất lại là ma ẩn tàng ngay trong tâm chúng ta! Trong các tu viện lớn, tượng Bồ tát Vi Đà tay cầm chày hàng ma đứng mặt ngó vào mình, cho thấy hàng phục nội ma quan trọng hơn hàng phục ngoại ma!

Phật giáo suy vi, những vị mang tâm niệm tiếp nối làm hưng thịnh hạt giống Phật, khiến Chánh Pháp cửu trụ Ta bà, thật hiếm có người! Còn hạng mặc áo Phật, ăn cơm Phật, mượn danh là đệ tử Phật để mua bán Như Lai, thì ma con, ma cháu rất đông. Làm người con Phật chân chánh, ngày nay phải có tinh thần khiêu chiến với ma! Thời mạt Pháp, cách Thánh lâu xa thì Phật cao một thước, ma cao một trượng! Mong rằng đệ tử chánh tín của Phật thời nay phải học theo Bồ tát Vi Đà, tay cầm chày hàng ma, tuân theo lời dạy Kinh này để hàng phục tất cả ma quỷ chướng đạo!

Kinh văn nói: Hàng phục bốn ma. Bốn ma đó là:

1.Phiền não ma: Đây là chỉ tập khí tham sân si v.v… làm não hại thân tâm.

2. Ngũ ấm ma: Đây là chỉ năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay sinh ra tất cả đau khổ.

3. Tử ma: Đây là chỉ sự chấm dứt mạng căn sinh tồn của chúng sinh.

4. Thiên ma: Đây chỉ thiên ma ngoại đạo làm hư hoại thiện căn của chúng sinh, như ma vương ở cõi trời Tự tại dục giới.

Trong Tiểu Chỉ Quán và Khởi Tín Sớ v.v…, đều nói cách hàng phục bốn ma là trì niệm Thánh hiệu đức Phật A Di Đà, hay xưng niệm tam quy, ngũ giới, hoặc tụng Bát Nhã Tâm Kinh. Đức Phật Thích Ca khi ngồi trên tòa Kim cang dưới cội Bồ đề, trước phải hàng phục ma, rồi sau mới thành đạo!

Phiền não khiến chúng ta gây tạo tội ác đã phá trừ; ma chướng làm nhiễu loạn đạo nghiệp của chúng ta đã hàng phục, thì có thể ra khỏi luân hồi sinh tử, giải thoát lao tù ngũ ấm, tam giới!

Ngũ ấm là chỉ sắc thân do ngũ uẩn hòa hợp của loài hữu tình. Ấm có nghĩa là che ngăn, vì sắc thọ tưởng hành thức thường ngăn che chân như Phật tánh của chúng hữu tình. Tam giới chỉ dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

Ngũ ấm là chỗ tụ họp của các khổ, ba cõi như ngôi nhà đang bốc cháy. Thân tâm, thế giới đều vô thường không thật, như lao ngục không thể nương cậy. Phải phá phiền não ác, hàng phục bốn ma, mới có thể ra khỏi ngục ấm giới!

Chúng sinh phải tinh tấn tu đạo, không được giải đãi, buông xả thân năm ấm, ra khỏi nhà ngục tam giới, chứng đắc pháp thân thường trú, an nhiên tự tại, mới là cảnh giới an ổn, giải thoát, quang minh!

Dịch Thơ:

Điều thứ tư phải luôn ghi nhớ
Lười biếng làm lỡ dở đạo tâm
Quen theo thói tục lạc lầm
Đắm mê sa đọa trong hầm khổ đau.
Nên thường phải dồi trau tinh tấn
Dũng mãnh tu phá những não phiền
Bốn ma hàng phục bình yên
Khỏi ngục ấm giới về miền chân như.

(Trích KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC
Hán dịch: Đại Sư An Thế Cao
Giảng: Đại sư Tịnh Vân
Việt dịch: Thích Minh Quang)

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Nước biển chỉ có một vị mặn

Mùa Xuân năm sau, trong chuyến đi về miền Đông, Bụt đã ghé thăm Vesali, Campa, và theo dòng sông đi ra tới miền biển để giáo hóa. Bụt và các vị khất sĩ đã có những dịp ra ngồi rất lâu trên bờ biển.
Một lần kia, đại đức Ananda nói với Bụt:
- Bạch Thế Tôn, nghe tiếng sóng vỗ, nhìn các đợt sóng, chấm dứt mọi suy tư, theo dõi hơi thở và an trú trong hiện tại, con thấy thân tâm thật thoải mái, và đại dương như giúp con đổi mới trong từng giây từng phút.
Bụt gật đầu.
Có một hôm nọ đứng nói chuyện với ngư dân ven biển, đại đức Ananda hỏi các ngư dân này nghĩ gì về biển cả. Một người đàn ông cao lớn, nước da xạm nắng, dáng người rất đẹp nói với thầy:
- Biển có những đặc tính rất lớn và tôi ưa biển vì những đặc tính ấy. Đặc tính thứ nhất là biển có những bãi cát thoai thoải đưa ta đi từ từ xuống nước, khiến cho việc thả thuyền và kéo lưới trở nên rất dễ dàng. Đặc điểm thứ hai là biển luôn luôn ở tại chỗ, biển không bao giờ dời chỗ. Mình muốn ra biển thì mình biết hướng mà tìm đi. Đặc điểm thứ ba là biển không chấp nhận thây chết. Khi có thây chết, biển luôn luôn đẩy nó lên bãi. Đặc điểm thứ tư là biển chấp nhận nước của tất cả các dòng sông, dù đó là sông Ganga, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarabhu hay sông Mahi. Sông nào ra tới biển thì cũng bỏ tên riêng của mình để mang tên biển cả. Đặc điểm thứ năm là tuy ngày đêm muôn sông liên tiếp đổ nước về biển, biển cũng không vì vậy mà có khi vơi khi đầy. Đặc điểm thứ sáu là nước biển ở đâu cũng mặn. Đặc điểm thứ bảy là trong lòng biển có biết bao nhiêu thứ san hô, xà cừ và ngọc quý. Đặc điểm thứ tám là biển làm chỗ dung thân cho hàng triệu loài sinh vật, trong đó có những loài rất lớn dài hàng trăm do tuần, và những loài nhỏ bé như cây kim hoặc hạt bụi. Thưa các thầy, tôi chỉ nói có chừng đó, các thầy cũng thấy tôi yêu biển đến chừng nào.
Ananda nhìn kỹ bác ngư dân. Bác này làm nghề chài lưới mà nói năng như là một thi sĩ. Thầy hướng về phía Bụt:
- Thế Tôn, bác ngư dân này ca tụng biển rất hay. Thế Tôn, bác ngư dân yêu biển thế nào thì con cũng yêu đạo pháp giác ngộ như thế, con thấy đạo pháp của Thế Tôn có rất nhiều đặc tính tuyệt vời, đạo pháp này cũng bao la như biển cả, mong Thế Tôn dạy cho chúng con.
Bụt mỉm cười, đưa tay chỉ ghềnh đá:
- Chúng ta hãy tới ngồi trên những tảng đá kia. Tôi sẽ nói cho các vị nghe về những đặc tính của đạo pháp giác ngộ.
Mọi người theo Bụt leo lên ngồi trên ghềnh đá. Các bác ngư dân cũng được mời theo. Khi mọi người đã an tọa quanh Bụt, Bụt cất tiếng:
- Nầy quý vị, bác ngư dân vừa nói tới tám điều đáng yêu của biển. Tôi cũng sẽ nói tới tám điều đáng yêu của chánh pháp.
* Thứ nhất, nếu biển có những bờ cát thoai thoải có thể đưa ta đi từ từ xuống nước, khiến cho việc thả thuyền và kéo lưới trở nên dễ dàng, thì chánh pháp cũng vậy. Trong đạo pháp này, mọi người có thể đi từ dễ tới khó, từ thấp tới cao, từ cạn tới sâu. Chánh pháp mở rộng cho tất cả mọi người thuộc đủ loại căn tính: ai cũng có thể đi vào chánh pháp được cả. Dù là em bé, người già, giác ngộ trí thức, kẻ thiếu học ... tất cả đều tìm thấy pháp môn tu học thích hợp với mình trong đạo pháp này.
* Thứ hai, nếu biển luôn luôn ở tại chỗ mà không dời đi nơi khác, không cuốn phăng đi xóm làng và thành thị, thì chánh pháp cũng thế, những nguyên tắc của chánh pháp luôn luôn không thay đổi, và giới luật của người thọ trì chánh pháp đã được quy định rõ ràng, Ở đâu có sự học hỏi và thực hành đúng theo những nguyên tắc ấy và những giới luật ấy là ở đó có chánh pháp, không thể nào sai chạy được.
* Thứ ba, nếu biển không bao giờ dung túng một thây chết trong lòng nó thì chánh pháp cũng vậy. Chánh pháp không dung túng được vô minh, biếng lười và hành động phạm giới. Một người không tu trong một đại chúng có tu không thể nào cư trú lâu dài được. Ngưòi đó sớm muộn gì cũng phải bị đẩy ra khỏi đoàn thể và giáo pháp.
* Thứ tư, nếu biển chấp nhận nước của tất cả các dòng sông không phân biệt kỳ thị thì chánh pháp cũng thế. Từ giai cấp nào trong bốn giai cấp xã hội, người ta cũng được đón tiếp một cách bình đẳng vào trong đạo pháp này. Cũng như khi nước các dòng sông chảy ra biển, chúng bỏ lại sau lưng mình tên của dòng sông và bắt đầu lấy tên biển cả, những người đi vào trong đạo pháp của tôi không còn mang theo giai cấp, dòng dõi và địa vị xã hội của họ: tất cả đều được gọi chung là người khất sĩ.
* Thứ năm, nếu biển không vơi đi cũng không đầy thêm dù đêm ngày muôn sông vẫn tiếp tục chảy về, thì chánh pháp cũng vậy. Chánh pháp là chánh pháp, không phải vì có nhiều người đi theo mà mới là chánh pháp, không phải là vì ít người đi theo mà đạo pháp không phải là chánh pháp. Sự thịnh suy không đánh giá được chân lý của đạo pháp này.
* Thứ sáu, nếu nước biển ở đâu cũng chỉ có một vị là vị mặn, thì chánh pháp cũng thế. Dù giáo pháp được trình bày ra nhiều cách, dù có hàng ngàn hàng vạn pháp môn, thì chánh pháp cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. Không có công năng giải thoát thì đó không phải là chánh pháp.
* Thứ bảy, nếu trong lòng biển có vô số các loại san hô, xà cừ và ngọc quý thì chánh pháp cũng thế. Trong đạo pháp ta có nhiều pháp môn vi diệu và quý báu như tứ diệu đế, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lục, thất bồ đề và bát chánh đạo.
* Thứ tám, nếu biển là chỗ dung thân thoải mái cho hàng triệu loài sinh vật trong đó có những loài vật nhỏ như hạt cát và dài lớn đến hàng trăm do tuần, thì chánh pháp cũng thế. Trong đạo pháp ta, một em bé hay một người ít học vẫn có thể cơ hội tu học thoải mái. Trong đạo pháp ta, những bậc đại nhân có kích thước lớn như những vị bồ tát, có thể có cơ hội tu học và hoằng hóa trong một môi trường thênh thang. Trong đạo pháp ta cũng có vô số các vị đã chứng đạt quả vị Nhập lưu, Nhất hoàn, Bất hoàn và A la hán.
Nầy quý vị, biển cả là một nguồn cảm hứng, là một kho tàng vô tận. Chánh pháp là một nguồn cảm hứng, là một kho tàng vô tận.
Đại đức Ananda chắp tay nhìn Bụt:
- Thế Tôn, người là một vị đạo sư, nhưng người cũng là một thi sĩ nữa. 

(Trích ĐXMT chương 67 - Thích Nhất Hạnh)
 

Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân



Một hôm đang ngồi ở vườn Bhesakala ở Sumsumaragira, Bụt bảo các vị khất sĩ:
Này các vị, tôi muốn nói để các vị nghe về tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân. Tám điều này đã từng được đại đức A Nậu Lâu Đà chiêm nghiệm và nói tới. Hồi tôi gặp đại đức tại Vườn Tre xứ Ceti, nơi đại đức ẩn cư. Đây là tám điều mà những bậc giác ngộ có thể đem ra dạy dỗ và giáo hóa để đưa người từ cõi mê lầm đến bờ giải thoát.

  • Điều thứ nhất là giác ngộ rằng vạn pháp là vô thường và vô ngã. Quán sát về tính vô thường và vô ngã của vạn pháp thì tránh được khổ đau và dần dần đạt tới giải thoát và an lạc.
  • Điều thứ hai là giác ngộ rằng càng nhiều ham muốn thì càng nhiều khổ đau. Giảm bớt ham muốn tức là làm cho đời bớt khổ.
  • Điều thứ ba là giác ngộ rằng tri túc đem tới an lạc. Biết sống đơn giản thì sẽ có thì giờ và tâm lực để tu đạo và để giúp đời.
  • Điều thứ tư là giác ngộ rằng chỉ có sự tinh cần mới đưa ta đến quả vị giác ngộ. Lười biếng và hưởng thụ chỉ đưa đến sự đọa lạc vào thế giới của ma chướng và phiền não.
  • Điều thứ năm là giác ngộ rằng sống trong quên lãng và vô minh thì sẽ bị giam hãm đời đời trong cõi sinh tử ràng buộc. Chỉ có đời sống chánh niệm và tỉnh thức mới đưa tới sự thành tựu giác ngộ và khả năng giáo hóa.
  • Điều thứ sáu là giác ngộ rằng bố thí là một phương tiện quan trọng để độ người. Vì nghèo khổ mà phần đông bị giam hãm trong oán hận và căm thù, do đó mà cứ tạo thêm nghiệp xấu. Người hành đạo phải thực hiện phép bố thí, coi kẻ ghét người thương bằng nhau, bỏ qua những điều ác mà người ta đã làm đối với mình và không đem tâm ghét bỏ những ai đã vì nghèo khó mà lỡ phạm vào tội lỗi.
  • Điều thứ bảy là giác ngộ rằng người hành đạo tuy đi vào đời để hóa độ mà không bị chìm đắm trong cuộc đời. Người xuất gia khi đi vào đời để cứu độ chỉ nên lấy y bát làm vật sở hữu duy nhất của mình, luôn luôn sống nếp sống thanh bạch mà hành đạo, giữ phạm hạnh cho thanh cao và đem lòng từ bi mà tiếp xử với tất cả mọi người và mọi loài.
  • Điều giác ngộ thứ tám là không chỉ bo bo lo việc giải thoát cho riêng mình mà phải biết nỗ lực phục vụ cho kẻ khác để tất cả cùng hướng về nẻo giác ngộ.
Nầy các vị khất sĩ! Trên đây là tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân. Tất cả các bậc đại nhân đã nhờ tu tập theo tám điều nầy mà được giác ngộ. Khi đi vào đời họ cũng đem tám điều nầy để khai mở và giáo hóa cho mọi người, để cho ai nấy đều biết được con đường đưa tới giác ngộ và giải thoát.
(Trích ĐXMT - Thích Nhất Hạnh)