Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

16 CHỦ ĐỀ THEO PHƯƠNG PHÁP THIỀN ĐỊNH QUÁN NIỆM HƠI THỞ


16 CHỦ ĐỀ
THEO PHƯƠNG PHÁP THIỀN ĐỊNH
QUÁN NIỆM HƠI THỞ

HT. THÍCH THIỆN CHÂU
Thiền định quán niệm hơi thở là một phương pháp căn bản và thích hợp với các đối tượng mới tu thiền trong các nền văn hoá khác nhau. Phương pháp này được Đức Phật thuyết giảng trong kinh tạng Nikàya. Sau đây là những hướng dẫn của HT. Tiến sĩ Thích Thiện Châu, người đã mang bức thông điệp này truyền vá trong nhiều tầng lớp Phậttử, đặc biệt là giới trẻ sinh viên ở các nước Châu Aâu, trích từ baì viết "Thiền định với cuộc sống hôm nay" tại Hội thảo "Phật giáo và thời đại" ở Paris, Pháp, tháng 9/1995.
Phương pháp thiền định do Phật truyền dạy khác hẳn với các phương pháp thiền định của ngoại đạo. Ngày nay người ta thường nhắc đến phương pháp "kiềm chế hơi thở" (prànàyàna) của Hathayoga. Đây là phương pháp rất xưa thường được các ẩn sĩ Aán Độ tu tập. Trong kinh Mahàsaccaka (Mn, I, 243), Phật có nhắc đến phương pháp này với danh từ "thiền không thở" (appànaka jhàna). Chính Phật có tu tập trước khi giác ngộ và nhận thấy nguy hại của nó – thân thể đau đớn và không dẫn đến giác ngộ. Do đó Phật từ bỏ và trở lại tu tập phương pháp mà Phật đã thực hành lúc còn bé, khi ngồi dưới gốc cây Jambu xem vua cha cày ruộng trong ngày lễ khai mùa và chứng được sơ thiền. Kinh nghiệm về phương pháp trên như Phật cho biết :
"Các thầy, ta bèn thường tu tập phương pháp quán niệm hơi thở này trong hầu hết thời giờ của ta. Và nhờ sống trong tu tập phương pháp này mà thân thể và đôi mắt ta không hề mệt nhọc ; nhờ kết quả ấy mà tâm ta giải thoát các lậu hoặc". (Sn, V, 317) hay ;
" Các thầy, phương pháp quán niệm hơi thở, nếu được tu tập, dẫn đến bình an, cao cả, ngọt ngào, hoan hỷ ; nó làm tiêu mất các tư tưởng xấu ác và làm tâm ý an tịnh". (Mn, III, 82 ; Sn, V, 321-322 ; Vin, III, 70).
Hai đoạn kinh trên diễn tả những nét đặc thù của phương pháp "quán niệm hơi thở". Nó cũng khác hẳn với các phương pháp thiền định khác do chính Phật truyền dạy như 10 đề mục bất tịnh, bất tịnh nơi thân thể v.v…
Các phương pháp thiền định khác dù rất sâu sắc và có khả năng điều trị tham dục, song đồng thời gây nên sự nhàm chán, ghê tởm nơi thiền sinh và có thể đưa đến tự hủy diệt đau đớn. Trong khi đó phương pháp quán niệm hơi thở làm cho thiền sinh cảm thấy mát mẻ, khỏe khoắn, trầm tĩnh, không dao động. Ngay từ khi mới tu tập, thiền sinh cả thân và tâm được bình an, tĩnh lặng, phiền não tan biến, tuệ quán phát triển một cách dễ dàng và cuối cùng là chứng đạt an lành trọn vẹn của Niết bàn.
Phương pháp thiền định chú ý hơi thở gồm 16 chủ đề, chia làm 4 phần, mỗi phần gồm 4 chủ đề. Phần 1 là phần mở đầu của thiền quán, cần thiết và thích hợp cho người tu Thiền. Trong khi đó 3 phần sau nhằm phát triển tuệ quán. Mục đích của phần một là xây dựng sự chú ý để làm căn bản cho sự phát triển trí tuệ. Bốn phần của toàn bộ phương pháp bao gồm tuần tự 4 niệm xứ: thân, thọ, tâm và pháp. Phần 1 có thể dẫn đến chứng đạt 4 bậc thiền. Và sau đó, bằng phát triển tuệ quán có thể chứng đạt A la hán với 4 vô ngại trí (Patisambhidà): hiểu nghĩa, hiểu đạo, hiểu tiếng và biện tài.

PHẦN MỘT

Thiền sinh nên sắm sửa hành trang cho cuộc đi xa, với đời sống giản dị, lành mạnh, nơi chốn tu tập thích hợp, dụng cụ và tư thế ngồi thiền đúng đắn, rồi bắt đầu thực tập phương pháp "Quán niệm hơi thở".

Chủ đề 1

1. Hít vô dài, vị ấy biết : "Tôi thở vô dài"
Thở ra dài, vị ấy biết : "Tôi thở ra dài"
2. Hít vô ngắn, vị ấy biết : "Tôi hít vô ngắn"
Thở ra ngắn, vị ấy biết : "Tôi thở ra ngắn"
Trong thực tập phương pháp "Quán niệm hơi thở", có hai hoạt động khác nhau về hơi thở : hít vô và thở ra. Sự biết rõ và phân biệt này dẫn thiền sinh đến sự chú ý. Theo Patisambhidàmagga, I, 177, có 9 cách hít vô và thở ra mà thiền sinh biết rõ mình đang làm như vậy.
1.    Hít vô dài
2.    Thở ra dài
3.    Hít vô dài, thở ra dài, mỗi hơi thở choán một khoảng thời gian.

Thực tập như thế, thiền sinh cảm thấy hơi thở dần dần trở nên an hoà : rồi sự ưa thích tiếp tục khởi lên. Như thế, với sự ưa thích, thiền sinh :
4.    Hít vô dài
5.    Thở ra dài
6.    Hít vô và thở ra dài

và hơi thở trở nên an hoà hơn trước. Trong giai đoạn này, thiền sinh trở nên hoan hỷ ; với tâm ý hoan hỷ, thiền sinh :
7.    Hít vô dài
8.    Thở ra dài
9.    Hít vô dài và thở ra dài
và tâm ý trở nên an hoà một cách tuyệt đối. Tâm ý thiền sinh lúc này không còn có quán niệm về hơi thở dài nữa và như vậy được thanh thản tự tại. Trong giai đoạn này, hơi thở trở nên nhẹ nhàng vi tế ; do đó không còn thấy có hơi thở thô tháo như lúc mới bắt đầu. Hơi thở dài gồm 9 cách như trên goị là Thân (kàya) ; sự hiểu rõ 9 cách trên gọi là Niệm (sati) ; quán chiếu về tính chất vô thường, vô ngã của hơi thở là trí tuệ. Thiền sinh chứng đạt trí tuệ trong thực tập về 9 cách này là thành tựu được phương pháp Niệm thân gồm cả Niệm tức (anàpàsati) của phương pháp bốn niệm xứ (satipatthana).

Chủ đề 2

Thực tập chủ đề 2 về hơi thở ngắn cũng gồm có 9 cách như đã giải thích ở trên. Sự sai khác đối với chủ đề 1 là hơi thở nhẹ nhàng vi tế hơn. Bởi vì hơi thở ngắn chỉ choán một khoảng thời gian ngắn tương ứng với điều kiện thân thể của thiền sinh.
Như vậy thiền sinh có thể xây dựng sự chú ý theo 2 chủ đề và mỗi chủ đề gồm 9 cách thở khác nhau. Thiền sinh chứng các thiền vị nhờ phương pháp thiền định và đạt tuệ quán nhờ phương pháp niệm xứ. Tất cả kết quả này đều dựa trên 4 hoạt động (2 hít vô dài ngắn, 2 thở ra dài ngắn) thuộc về yếu tố không khí (không đại), diễn biến trên đầu mũi trong hình thức hơi thở vô/ra dài ngắn.

Chủ đề 3

"Cảm giác toàn thân (hơi thở), tôi hít vô
Cảm giác toàn thân (hơi thở), tôi thở ra".
Chủ đề thực tập này khó hơn hai chủ đề trước. Ở đây thiền sinh phải thực tập ba điều :
1.    Chú ý hơi thở khi hít vô và thở ra
2.    Phân biệt 3 giai đoạn nơi hơi thở : đầu, giữa, và cuối.
3.    Tu luyện tâm ý
Trong trường hợp chú ý luồng hơi hít vô thì nơi đầu mũi là đầu, tim là giữa và lỗ rốn là cuối. Khi chú ý luồng hơi thở ra thì lỗ rốn là đầu, tim là giữa và đầu mũi là cuối.
Chú ý như thế, thiền sinh hít vô và thở ra trong lúc tâm ý liên hệ với sự hiểu biết dựa trên cảm giác về toàn bộ hơi thở. Do đó chủ đề ba này được diễn tả trong nghĩa tinh thần :
"Cảm giác toàn thân (hơi thở), tôi hít vô
Cảm giác toàn thân (hơi thở), tôi thở ra"
Sở dĩ đồng bộ hơi thở được gọi là Thân vì nó là một thành phần thuộc những yếu tố cấu tạo thân thể. Với một số người, bắt đầu của toàn thân hơi thở toả ra trong những hạt nhỏ được nhận thấy rõ ràng nhưng khoảnggiữa và phần cuối thì lại không. Với một số người khác, khoảng giữa hơi thở được nhận thấy rõ ràng nhưng bắt đầu vào phần cuối thì lại không. Với một số người khác nữa, phần cuối hơi thở được nhận thấy rõ ràng, nhưng bắt đầu và khoảng giữa thì lại không. Với một số ít người, cả ba phần đều được nhận thấy rõ ràng và không nhầm lẫn.
Tuy nhiên, bất cứ thiền sinh nào cũng mong muốn và cố gắng thành tựu hoàn toàn chủ đề thực tập này.

Chủ đề 4

"An tịnh thân hành, tôi hít vô
An tịnh thân hành, tôi thở ra".
Nhờ thực tập chủ đề 4 này, thiền sinh tiến tới giai đoạn cuối cùng của chánh định. Trong giai đoạn này thiền sinh thực nghiệm đầy đủ sự an tịnh nơi thân thể và do đó chứng đạt đầy đủ chánh định (sự an tịnh hoàn toàn nơi thân thể luôn luôn dẫn đến an vui và do đó tâm ý chứng được chánh định).
Trong thực tế, động tác vô ra hơi thở tuy được điều khiển bởi tâm ý song không thể hiện hữu nếu không có thân thể, cũng như động tác lên xuống của gió trong ống bễ là do cả người thợ lẫn ống bễ mà có. Vì thế, mặc dù động tác hơi thở được điều khiển bởi tâm ý song vẫn được gọi là thân hành, điều này có nghĩa là đồng bộ thân thể hay là nhân tố thuộc về thân thể.
Khi thân thể nặng nề, tâm ý sầu não hay không được chế ngự thì thân hành trở nên thô tháo, trầm trệ và hơi thở trở nên gấp rút, hổn hển đến nỗi mũi không đủ để thở ra và người ta phải thở thêm bằng miệng. Trái lại, khi thân thể nhẹ nhàng, tâm ý an vui hay được chế ngự thì hơi thở trở nên an tịnh, vi tế và người ta có thể nhận thấy rõ ràng động tác của nó.
Khi người ta chạy mau, mang nặng hoặc có những độngtác quá mạnh thì hơi thở trở nên thô tháo. Song khi thân thể được nghỉ ngơi,thư thái thì hơi thở trở nên an tịnh,vi tế. Nói cách khác, nhờ tu tập thiền định, thân thể trước kia thô tháo nay an tịnh và hơi thở hổn hển lần lần được điều hoà. Trong giai đọan đầu, hơi thở điều hoà làm cho thân thể thư thái, bộ não an tịnh và hoạt động một cách êm ái. Lần lần thiền sinh chế ngự được hơi thở bằng cách không cần thiết phải lấp đầy khoảng trống của hai lỗ mũi với khối lượng lớn không khí. Thiền sinh hít vô thở ra với ý niệm giảm bớt sự thô tháo nơi hơi thở và cố gắng giữ đều đặn nhịp thở cho đến lúc chứng được thiền vị. Sự thật, hơi thở vốn do tâm ý điều khiển cho nên trạng thái hoạt động của nó tùy thuộc tâm trạng trong thời điểm nào đó : hơi thở thô tháo khi tâm ý loạn động và hơi thở nhẹ nhàng khi tâm ý an tịnh. Khi thiền sinh chứng được thiền vị thì tâm ý trở nên an tịnh và hơi thở trở nên vi tế hơn trong các thiền vị kế tiếp quá trình tu của bốn bậc thiền : sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, và khi chứng được tứ thiền thì thân hành của hơi thở vô ra không hoạt động nữa.
Theo Thanh tịnh đạo luận (Vism, 283) thì có 8 trạng thái ở trong đó không có hơi thở : 1. Trong thai mẹ, 2. Khi chết đắm dưới nước, 3. Trong loài hữu tình vô thức, 4. Khi chết, 5. Trong lúc tu thiền, 6. Trong cõi trời Vô tưởng, 7. Trong cõi trời Vô sắc, 8. Trong Diệt tận định (chứng đạt sự diệt tận hết cảm thọ và nhận thức).
Như vậy, hơi thở thuộc thành phần thân thể thô tháo trước khi tu tập thiền định lần lần được điều hòa bắt đầu từ sơ thiền và trở nên hoàn toàn an tịnh khi chứng được tứ thiền.
Trong trường hợp thiền sinh tu theo phương pháp Tuệ quán (Vipassanà) thì hơi thở thuộc thành phần thân thể trước khi tu tập một chủ đề tuệ quán là thô tháo. Song trải qua quá trình phát triển tuệ quán hơi thở trở nên vi tế và an tịnh. Khi tâm ý chứng đạt đầy đủ tuệ giác và thông ngộ ba pháp ấn (khổ, vô thường, vô ngã) thì lúc bấy giờ hơi thở tiến vào giai đoạn cuối cùng của an tịnh và tâm ý chứng đạt đầy đủ chánh định về chủ đề quán niệm hơi thở.
Như thế là trong cả hai trường hợp : trường hợp tu tập quán niệm hơi thở và chứng được tứ thiền ; trường hợp tu tập chủ đề tuệ quán và thông ngộ ba pháp ấn, hơi thở thuộc thân hành hoàn toàn an tịnh. Đó là mục tiêu mà thiền định mong đạt được khi tu tập chủ đề quán niệm hơi thở. Vì thế mà chủ đề IV được diễn tả :
"An tịnh thân hành, tôi hít vô
An tịnh thân hành, tôi thở ra".

PHẦN HAI

Phần hai cũng gồm 4 chủ đề với phương pháp phát triển "quán niệm hơi thở" ể tiến tới "tuệ quán" tức là thọ niệm xứ gồm cả định và tuệ.

Chủ đề 5

"Cảm giác hỷ, tôi hít vô
Cảm giác hỷ, tôi thở ra".
Chủ đề hành thiền này và những thiền đề tiếp theo thuộc hệ thống thiền quán có chủ đề vì chúng liên hệ với quá trình tâm lý của những người đã chứng đạt các bậc thiền nhờ sự tu tập trước kia.
Có hai cách diễn tả về "cảm giác hỷ" trong khi thiền sinh chứng đạt định tâm bằng phương pháp "quán niệm hơi thở". Thứ nhất, khi thể nhập thiền vị thứ nhất và bậc thiền thứ hai, thiền sinh cảm giác hỷ nhờ thành tựu trong sự chứng đạt đầy đủ các thiền đề (chủ đề hành thiền). Thứ hai, vượt lên từ hai bậc thiền đầu (I và II) mà trong ấy hỷ có mặt, thiền sinh chú ý hỷ vốn liên hệ với các thiền vị và nhận thức rằng hỷ là vô thường. Ngay trong lúc thông hiểu tính chất vô thường của hỷ nhờ tuệ quán, thiền sinh cảm giác hỷ một cách không lầm lộn.
Về quán điểm này, Patisambhidà, I, 187 diển tả như sau : "Do hít vô dài, thiền sinh chứng đạt định tâm và nhận thức rằng tâm ý đang hướng về một điểm. Do hiểu biết và định tâm ấy mà hỷ phát khởi. Do hít vô ngắn và thở ra ngắn… do hít vô, thở ra và cảm giác toàn thân…, an tịnh thân hành … mà hỷ phát khởi".
Như vậy thiền sinh cảm giác hỷ và toàn thân thấm nhuần hỷ suốt quá trình hành thiền qua những giai đoạn : quán niệm, cảm giác, minh sát, tin tưởng, tinh tấn, chú ý, định tâm… Vì thế mà chủ đề diễn tả :
"Cảm giác hỷ, tôi hít vô
Cảm giác hỷ, tôi thở ra".

Chủ đề 6

"Cảm giác lạc, tôi hít vô
Cảm giác lạc, tôi thở ra".
Thiền đề này vốn liên hệ với ba thiền vị đầu (I, II, III) trong đó thiền sinh cảm giác lạc phát xuất từ đối tượng của quán niệm hơi thở và nơi sự nhận thức rõ rệt của tâm ý. Về chi tiết, chủ đề này không khác chủ đề trên.

Chủ đề 7

"Cảm giác tâm hành, tôi hít vô
Cảm giác tâm hành, tôi thở ra".
Với thiền đề này, thiền sinh nhận thức đầy đủ tâm hành vốn liên hệ với các thiền vị. Danh từ tâm hành ở đây áp dụng cho hai uẩn : thọ (lạc, khổ và trung tính tưởng (nhận thức đối tượng qua 6 giác quan).

Chủ đề 8

"An tịnh tâm hành, tôi hít vô
An tịnh tâm hành, tôi thở ra".
Với thiền đề này, thiền sinh tu luyện nhằm làm cho các yếu tố tâm lý trở nên an tịnh và tinh tế. Các yếu tố tâm lý vốn quấn chặt thọ và tưởng, trong khi thọ và tưởng lại liên hệ hỷ, lạc. Tuy nhiên, lạc lại hệ thuộc thọ và có khả năng ràng buộc thiền sinh trong các thiền vị và làm trở ngại cho thiền sinh trong sự chứng đạt cao hơn. Do đó, các yếu tố tâm lý hệ thuộc thọ là những tình cảm mà tính chất là thô kệch thấp kém. Vì thế thiền sinh phải nhận thức tính chất của chúng là vô thường và phát triển tuệ quán và như vậy vượt khỏi những cảm giác cảm tình vui thích tầm thường trong các thiền vị. Vì thế chủ đề diễn tả :
"An tịnh tâm hành, tôi hít vô
An tịnh tâm hành, tôi thở ra".
Bốn thiền đề trên được phát triển trong trình tự của Thọ niệm xứ. Và vì thế chúng thuộc phần hai của Bốn niệm xứ.

PHẦN BA

Phần ba gồm 4 thiền đề thuộc phần III trong Bốn niệm xứ, tức là quán niệm về tâm.

Chủ đề 9

"Cảm giác tâm, tôi hít vô
Cảm giác tâm, tôi thở ra".
Khi đã chứng đạt các thiền vị, thiền sinh quán niệm tính chất vô thường của tâm ý trong mỗi thiền vị và nhận thức rằng tâm ý vốn thay đổi trong từng giây từng phút. Với tư duy này, thiền sinh hít vô và thở ra.

Chủ đề 10

"Với tâm hân hoan, tôi hít vô
Với tâm hân hoan, tôi thở ra".
Trong khi tu luyện thiền đề này, thiền sinh hít vô, thở ra với sự vui vẻ, sung sướng và thanh thoát. Trong giai đoạn này, hân hoan phát khởi bằng hai cách :
1/ Thiền sinh thể nhập hai thiền vị đầu (I, II), trong đó có hỷ. Trong lúc chứng đạt hai thiền vị này, thiền sinh với hỷ, vui vẻ, sung sướng trong tâm.
2/ Vượt lên từ mỗi thiền vị, thiền sinh quán niệm tính chất vô thường của hỷ vốn liên hệ các thiền vị. Như vậy ngay trong lúc quán niệm, thiền sinh xem hỷ như là đối tượng của tâm ý và vui vẻ, sung sướng với tâm ý. Vì thế chủ đề diễn tả :
"Với tâm hân hoan, tôi hít vô
Với tâm hân hoan, tôi thở ra".

Chủ đề 11

"Với tâm thiền định, tôi hít vô
Với tâm thiền định, tôi thở ra".
Trong lúc tu luyện thiền đề này, tâm ý thiền sinh cần phải chú ý vào đối tượng (hơi thở) bằng phương tiện của thiền bậc nhất, thiền bậc hai… Thể nhập thiền bậc thấp rồi tiến lên thiền bậc cao hơn, thiền sinh quán niệm tính chất thay đổi của tâm ý liên hệ với các thiền vị. Trong quá trình tiến lên của thiền quán có lúc tâm ý được chú định do sự nhận thức tính chất vô thường nơi tâm ý. Bằng phương thức này, thiền sinh chú tâm trong khi quán niệm hơi thở. Vì thế chủ đề diễn tả :
"Với tâm thiền định, tôi hít vô
Với tâm thiền định, tôi thở ra".

Chủ đề 12

"Với tâm giải thoát, tôi hít vô
Với tâm giải thoát, tôi thở ra".
Thiền đề này có nghĩa là thiền sinh trong khi tu luyện nhằm cởi mở tâm ý ra khỏi mọi sự ràng buộc. Trong bậc thiền thứ nhất, thiền sinh cởi mở được những triền cái ngăn che (tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi ngờ) ; trong bậc thiền thứ hai, thiền sinh cởi mở được tầm và tứ ; trong bậc thiền thứ ba, thiền sinh cởi mở được hỷ ; và trong bậc thiền thứ tư, thiền sinh cởi mở được lạc và khổ. Thể nhập các thiền vị thấp rồi tiến lên các thiền vị cao, thiền sinh quán niệm tâm ý vốn liên hệ các thiền vị và nhận thức rằng tâm ý là vô thường. Ngay trong khi thiền quán, thiền sinh hít vô, thở ra, thiền sinh cởi mở khỏi tâm ý những kiến chấp thường còn bằng quán niệm vô thường, lạc bằng quán niệm khổ, ngã bằng quán niệm vô ngã, tịnh bằng quán niệm bất tịnh, luyến ái bằng quán niệm từ bỏ, nguồn gốc sống chết bằng quán niệm khổ diệt, cố chấp bằng cách xả ly. Vì thế chủ đề diễn tả :
"Với tâm giải thoát, tôi hít vô
Với tâm giải thoát, tôi thở ra".
Trên đây là 4 thiền đề nhằm quán niệm tâm, thuộc về phần ba của Bốn niệm xứ.

PHẦN BỐN

Phần bốn cũng là phần chót của phương pháp quán niệm hơi thở gồm bốn chủ đề thuộc phần IV quán pháp trong Bốn niệm xứ :

Chủ đề 13

"Quán niệm vô thường, tôi hít vô
Quán niệm vô thường, tôi thở ra".
Chủ đề này liên hệ đạo lý vô thường. Vô thường là tính chất thiên nhiên của 5 uẩn, sanh diệt, và đổi thay nơi con người, cả thân thể lẫn tâm thức. Thiền sinh vừa hít vô thở ra vừa quán niệm mỗi uẩn (sắc thân, cảm giác, nhận thức, ý chí, hiểu biết) là vô thường.

Chủ đề 14

"Quán niệm ly dục, tôi hít vô
Quán niệm ly dục, tôi thở ra".
Ly dục có hai nghĩa :
- Giải thoát mọi ràng buộc do tham đắm cuộc đời giả dối, mong manh.
- Giải thoát hoàn toàn là Niết bàn. Xa lià tham dục là điều kiện tất yếu dẫn đến giải thoát hoàn toàn. Thiền sinh vừa hít vô thở ra vừa quán niệm ly dục với hai nghĩa trên.

Chủ đề 15

"Quán niệm khổ diệt, tôi hít vô
Quán niệm khổ diệt, tôi thở ra".
Có hai loại khổ diệt : khổ diệt giai đoạn, chỉ cho sự trừ bỏ lần lần các lậu hoặc trong những thiền cảnh khác nhau : khổ diệt vĩnh viễn chỉ cho sự tiêu diệt hoàn toàn khổ đau trong khi đạt được mục đích cuối cùng (Niết bàn). Thiền sinh vừa hít vô thở ra vừa quán niệm hai loại khổ diệt trên.

Chủ đề 16

"Quán niệm xả ly, tôi hít vô
Quán niệm xả ly, tôi thở ra".
Xả ly trong chủ đề cuối cùng này được áp dụng trong tuệ quán và chánh đạo với hai ý nghĩa : trừ bỏ và vượt ra.
Trong tuệ quán, theo quá trình phát triển lần lần, thiền sinh trừ bỏ những tâm ý nhiễm ô do nhận thức lầm lạc gây nên bởi chấp trước các pháp hữu vi, thiền sinh hướng tâm đến Niết bàn và do đó vượt qua những giai đoạn tu chứng thấp kém và những chấp trước vốn là những trở ngại cho sự chứng đạt Niết bàn.
Chánh đạo là con đường đưa đến nơi cao cả, vì thế cũng đưa đến sự trừ bỏ các lậu hoặc và sự hướng tâm đến Niết bàn ; xả ly trong chánh đạo là sự vượt qua tất cả những điều kiện thuộc thế gian. Như thế, xả ly có hai nghĩa : trừ bỏ và vượt qua. Tu tập chủ đề này, thiền sinh vừa hít vô thở ra vừa quán niệm xả ly với hai nghĩa trên.
Phần bốn của phương pháp quán niệm hơi thở này thuộc tuệ quán, trong khi đó ba phần trên thuộc cả định tâm lẫn tuệ quán.
Như vậy, phương pháp quán niệm hơi thở gồm 4 phần, 16 chủ đề, mỗi phần liên hệ với 1 phần trong Bốn niệm xứ, mỗi niệm xứ được khai triển trở thành một hệ thống độc lập về thiền định Phật giáo, là phương pháp tu hành chủ yếu có khả năng đưa đến giác ngộ giải thoát. Với ý nghĩa này, phương pháp quán niệm hơi thở quả là phương pháp căn bản cho giác ngộ giải thoát. Điều này được Phật minh xác trong đoạn kinh sau đây :
"Các Tỳ kheo, phương pháp thiền định và quán niệm hơi thở là cho Bốn niệm xứ được thành tựu. Khi Bốn niệm xứ phát triển thì Bảy giác chi được thành tựu. Khi Bảy giác chi được thành tựu thì giác ngộ giải thoát được thành tựu". (Mn, III, 82).
Hơn nữa, ai có tu tập phương pháp thiền định này thì biết rõ sự dừng nghỉ của những hơi thở cuối cùng như Phật nói rõ trong đoạn kinh sau đây :
"Rahula, khi quán niệm hơi thở phát triển theo cách thức này thì những hơi thở cuối cùng được biết khi chúng dừng nghỉ, chứ chúng không dừng nghỉ một cách không hay biết" (Mn, I, 425).
Điều này có nghĩa là những người tu tập phương pháp quán niệm hơi thở,lúc chết hay biết sự dừng nghỉ của hơi thở cuối cùng ; do đó, có thể chết một cách tự tại trong tư thế nằm, ngồi hoặc đi tùy theo ý muốn. Tuệ Trung Thượng sĩ chết rồi lại ngồi dậy khuyên dạy thân quyến, rửa tay, uống trà rồi lại viên tịch trong tư thế nằm một cách yên lặng ; Điều Ngự Giác Hoằng Trần Nhân Tông, sau khi dạy bảo đệ tử, viên tịch theo tư thế ngồi của sư tử ; một Đại đức ở chùa Cittalapabatta (Sri Lanka) viên tịch trong lúc đi kinh hành nơi hành lang tu viện.
Những thiền sinh tu tập phương pháp quán niệm hơi thở một cách đúng đắn chắc chắn thành tựu được nhiều lợi ích tức khắc như sức khoẻ, quân bình… dứt bỏ được các dây ràng buộc và chứng đạt bốn thiền vị căn bản để hướng đến Niết bàn giải thoát an lạc trong quả vị A la hán, và nếu muốn có thể thực hiện giác ngộ hoàn toàn, bằng cách thành tựu sung mãn Bảy giác chi, trong quả vị Phật Đà.
(Nguyệt san Giác Ngộ số 49)


 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét