Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Nghệ thuật chăn trâu

NGHỆ THUẬT CHĂN TRÂU


Phật ngồi trên một chiếc chõng tre, cao hơn mọi người chừng vai gang tay để mọi người có thể nhìn thấy. Người ngồi ung dung và uy nghiêm như một con sư tử chúa ngồi trong bầy sư tử. Người đưa mắt nhìn đại chúng một cách từ hòa. Rồi cái nhìn của người dừng lại nơi Svastika và Rahula. Bỗng nhiên, Phật mỉm cười. Người cất tiếng:
- Hôm nay tôi muốn nói chuyện với đại chúng về việc chăn trâu, và thế nào là một em bé chăn trâu giỏi. Một em bé chăn trâu giỏi là một em bé có thể dễ dàng nhận ra được trâu của mình, biết hình tướng của mỗi con, biết cách cọ xát tắm rửa cho trâu, biết thương yêu trâu, biết tìm bến tốt để cho trâu qua sông, biết tìm chỗ có cỏ non và nước uống cho trâu, biết bảo trì những vùng thả trâu và cuối cùng là biết để cho những con trâu lớn làm gương cho nhưng con trâu nhỏ.
Ngưng một lát Phật tiếp :
- Này các vị khất sĩ! Một vị khất sĩ giỏi cũng phải làm tương tự như một em bé chăn trâu. Nếu em bé chăn trâu biết nhận ra được trâu của mình, thì người xuất gia cũng phải biết nhận ra được những yếu tố tạo nên sắc thân của mình. Nếu em bé chăn trâu biết được hình tướng của mỗi con trâu trong đàn trâu của mình, thì nguời xuất gia cũng phải thấy được những hành động nào của thân, của miệng, và của ý là những hành động đáng làm, và những hành động nào là những hành động không đáng làm. Nếu một em bé chăn trâu biết cách cọ xát tắm rửa cho trâu, thì người xuất gia cũng phải biết buông xả và gột rửa khỏi thân tâm những tham dục, si mê và hờn oán...
Trong khi Phật nói những lời trên, mắt Phật không rời Svastika, Svastika có cảm tưởng rằng chú là nguồn cảm hứng cho những lời mà Phật đang nói. Chú nhớ rằng ngày xưa chú đã được ngồi bên Phật hàng giờ, và Phật đã từng hỏi chuyện chú một cách tỉ mỉ về công việc chăn trâu và cắt cỏ. Vốn là một vị hoàng thái tử xuất thân, làm sao Phật có thể hiểu rõ như thế về nghề chăn trâu, nếu chính chú đã không kể hết những chuyện đó cho người nghe?
Phật vẫn nói. Tiếng nói người vừa rõ vừa trong.
Tuy người chỉ nói giọng bình thường, tiếng của người vẫn vọng ra rành mạch từng âm, không ai là không nghe thấy:
- Nếu em bé chăn trâu biết chăm sóc các vết thương của trâu, thì người xuất gia cũng phải biết hộ trì sáu căn của mình là mắt, tai, mũi, lưỡi thân và ý, và để cho sáu đối tượng, tức là sáu trần không thể lung lạc được mình.
Nếu em bé chăn trâu biết cách đốt khói un trâu để trâu khỏi bị muỗi đốt, thì người xuất gia cũng phải đem đạo lý giải thoát để dạy cho người chung quanh, để họ tránh được những khổ đau dằn vặt trong thân tâm họ.
Nếu em bé chăn trâu biết tìm đường đi an toàn cho trâu, thì người xuất gia cũng phải biết tránh những con đường đưa tới danh lợi, sắc dục, quán rượu và hí trường. Nếu em bé chăn trâu biết thương yêu trâu, thì người xuất gia cũng phải biết quý trọng những niềm an vui do thiền tập đưa tới. Nếu em bé chăn trâu biết tìm bến tốt cho trâu qua sông, thì người xuất gia cũng phải biết nương vào diệu lý bốn sự thật để biết đến bến bờ. Nếu em bé chăn trâu biết tìm chỗ có cỏ non và nước uống cho trâu, thì người xuất gia cũng phải biết rằng bốn lãnh vực quán niệm là mảnh đất tốt nhất để làm phát sinh giải thoát. Nếu em bé chăn trâu biết bảo trì những vùng thả trâu, không tàn hại phá phách môi trường nuôi trâu, thì người xuất gia cũng phải cẩn thận và dè dặt trong việc tiếp xúc với quần chúng, và thu nhận của cúng dường. Nếu em bé chăn trâu biết dùng những con trâu lớn làm gương cho những con trâu con, thì người xuất gia cũng phải biết nương vào đức hạnh và kinh nghiệm của các bậc thầy đi trước... Một vị khất sĩ biết làm đúng theo mười một điều vừa nói, thì có thể đạt đến quả vị La hán trong vòng sáu năm tu học.
Trích chương 02 "Đường xưa mây trắng" - Thích Nhất Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét