SỰ TÍCH BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Bồ tát Quán Thế Âm tiếng Phạn gọi là Avalokitesvara. Ngài là một
vị Phật thành tựu trong đời quá khứ hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai,
thị hiện trong đời làm một bậc Đại Bồ-tát để trợ duyên cho chư Phật Thế
Tôn giáo hóa chúng sanh và gần gũi chúng sanh để tế độ ra khỏi cảnh đau
khổ. Hình tướng Ngài là nam nhân trong Phật giáo Ấn Độ. Trong Phật giáo
Trung Quốc, Ngài mang tướng nữ nhân kể từ đời nhà Đường.
Nhắc đến Phật giáo, chúng ta nghĩ đến
từ bi cứu khổ. Hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất không ai khác
hơn là đức Bồ-tát Quán Thế Âm luôn hiện hữu trong tâm thức của những
người con Phật. Vị Bồ-tát này có đầy đủ phẩm chất của một người mẹ trong
tất cả những người mẹ. Hình như trong mọi trái tim của những người con
Phật thuần thành - nhất là giới Phật tử bình dân - không ai là không có
hình ảnh đáng tôn kính của vị Bồ tát giàu lòng bi mẫn này. Mỗi khi nói
về Ngài, tựa hồ chúng ta ai cũng biết, nhưng có lẽ không ai dám cho là
mình đã hiểu biết đầy đủ tất cả.
Ở Việt Nam chúng ta, các cụ già thường
hay dạy bảo con cái phải luôn tưởng nhớ công ơn cha mẹ. Người cha đứng
đắn dạy bảo con cái nghiêm trang, được gọi là nghiêm phụ. Người mẹ hiền
lành thường khuyên răn con nhỏ nhẹ, chớ không rầy đánh nên được gọi là
từ mẫu tức mẹ hiền. Cha thì nghiêm, mẹ thì từ. Bồ tát Quán Thế Âm tu
hạnh từ bi, thường cứu khổ chúng sanh, nên người ta thường xưng tán Ngài
là Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát. Hạnh đại từ bi của Ngài là lúc nào
cũng an ủi, nhắc nhở, khuyên lơn, đem lại nguồn an vui cho tất cả chúng
sanh. Ở đâu có tiếng than, có nỗi khổ, Ngài đều đến để cứu vớt. Vì vậy
Ngài tượng trưng cho tâm hạnh từ bi. Hạnh từ bi thì gần với tình thương
của người mẹ, nên người ta tạc tượng Ngài là nữ. Đó là hình ảnh biểu
trưng cho hạnh từ bi, chớ không phải Ngài thật là người nữ.
Bồ tát Quán Thế Âm tiếng Phạn gọi là
Avalokitesvara. Ngài là một vị Phật thành tựu trong đời quá khứ hiệu là
Chánh Pháp Minh Như Lai, thị hiện trong đời làm một bậc Đại Bồ-tát để
trợ duyên cho chư Phật Thế Tôn giáo hóa chúng sanh và gần gũi chúng sanh
để tế độ ra khỏi cảnh đau khổ. Hình tướng Ngài là nam nhân trong Phật
giáo Ấn Độ. Trong Phật giáo Trung Quốc, Ngài mang tướng nữ nhân kể từ
đời nhà Đường. Bồ-tát là mẫu người lý tưởng của Phật giáo Đại thừa. Ngay
các Đức Phật, sau khi đã viên mãn công đức cũng tham gia Bồ-tát hạnh,
chứ không an trú nghỉ ngơi ở Niết Bàn.
Thể theo tinh thần Phật giáo Đại thừa,
tướng nam hay tướng nữ đều là bình đẳng, chỉ là sự thị hiện Pháp thân,
“ông” hay “bà” Quán Thế Âm không quan trọng, vì ai ai cũng tôn kính vị
Bồ tát cứu khổ cứu nạn cho khắp tất cả chúng sanh trên thế giới này.
Bồ-tát Quán Thế Âm hiện nay thường
được biết đến với hình tướng một người phụ nữ đẹp đẽ và hiền từ, trang
nghiêm và thanh thoát, một tay cầm nhành dương liễu và một tay cầm tịnh
bình… Bồ-tát hiển linh nhiệm mầu thị hiện khắp mọi nơi để giáo hóa mọi
chúng sanh chìm đắm trong khổ đau nơi cõi Ta bà.
Tay mặt Ngài cầm cành dương liễu là
tượng trưng cho đức nhẫn nhục. Tay trái cầm bình thanh tịnh đựng nước
cam lồ là tượng trưng cho tâm từ bi. Chỉ có cành dương liễu mới có khả
năng mang nước cam lồ rưới mát chúng sanh. Vì thế, cành dương được tượng
trưng cho đức nhẫn nhục. Nhẫn nhục không có nghĩa ai làm sao cũng được,
ai bảo gì cũng nghe. Chính bản chất của nó là khéo tùy thuận người, để
hướng dẫn họ, theo đường lối hay lập trường của mình. Tùy thuận mà không
bị họ chi phối, ngược lại chi phối được họ? Người nhẫn nhục mới trông
qua như rất yếu hèn, kỳ thật họ có sức mạnh phi thường, đã tự chiến
thắng được tình cảm, phản ứng theo bản năng của cuộc sống.
Bể cả triều dâng tiếng Phổ môn,
Chín tầng sen ngát hiện đồng chơn
Cam lồ giọt nước cành dương rải
Thấm nhuần sơn hà cảnh sắc xuân.
Bồ-tát Quán Thế Âm chính là hiện thân
của lòng bi mẫn. Muốn nói lên tình thương chân thành tha thiết nhất
trong con người, không gì sánh bằng tình mẹ thương con. Mẹ đối với con
là tình thương chân thành thâm thúy bao la, khó lấy cái gì có thể so
sánh được. Cho nên, Đức Quán Thế Âm hiện thân là một người mẹ hiền của
nhân loại, hay của tất cả chúng sanh. Người mẹ dầu bận công ăn việc làm
gì, một khi nghe tiếng con kêu khóc, mẹ buông bỏ tất cả vội vàng chạy
lại vỗ về con. Đức Quán Thế Âm cũng thế, dù bận việc giáo hóa ở đâu, một
khi nghe tiếng kêu thương của chúng sanh, Ngài liền hiện thân đến an
ủi. Vì thế, gọi Ngài là Bồ-tát Quán Thế Âm, người mẹ hiền của tất cả
chúng sanh, người mẹ lúc nào cũng lắng nghe tiếng nấc nở từ cõi lòng của
đàn con dại đang đắm chìm trong bể khổ mênh mông, để đến xoa diu, cứu
thoát khiến mọi khổ não đều được tiêu tan.
Với
lòng tôn kính sâu sắc của mình, người ta họa nên những hình tượng tôn
kính nhất Bồ-tát Quán Thế Âm như mẹ hiền… Điều đó phù hợp thể hiện thực,
nhân sinh mà lại gần gũi. Với những hạnh nguyện của Ngài thị hiện ra
nhiều hóa thân, để làm cho chúng sanh có lòng tin Tam bảo, lòng từ của
Bồ-tát đến với tất của chúng sanh không giới hạn.
Sự
hiện thân của Đức Quán Thế Âm mang đến cho chúng ta một thông điệp đó
là tình thương yêu, nhẫn nại và sự tỉnh thức vì lòng từ bi dùng mọi
phương tiện hóa thân…Với những hạnh nguyện cứu độ chúng sanh, Bồ tát
luôn luôn có mặt khắp nơi dìu dắt mọi người thoát khỏi khổ đau.
Qua
những ý nghĩa trên, chúng ta thấy lòng từ bi cao cả của Bồ tát thật
khôn lường. Lễ bái tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta phải luôn ghi
nhớ hai đức tánh căn bản của Ngài: nhẫn nhục và từ bi, để đem áp dụng
đời sống hàng ngày. Có thế, sự lễ bái mới thật sự hữu ích và vô cùng cần
thiết.
Sự tích về Bồ Tát Quán Thế Âm
Đức
Quán Thế Âm Bồ Tát, khi chưa xuất gia tu hành, có một kiếp ngài làm con
đầu lòng của vua Vô Tránh Niệm, tên là Bất Huyến Thái Tử. Trong thời kỳ vua ấy thống trị thiên hạ, thì có Phật Bảo Tạng ra đời. Vua thấy nhân tâm xu hướng theo lời giáo hóa của Phật càng ngày càng đông, bèn suy nghĩ rằng:
"Nếu đạo Phật không phải chân chánh, thì đâu có lẻ người ta sùng bái khắp xứ như vậy!"
Nên
vua mới phát tâm sắm đủ lễ vật đến cúng dường Phật và chúng tăng trong
ba tháng, và lại khuyên các vị vương tử và đại thần cũng làm như vậy.
Quan đại thần Bảo Hải, là phụ thân của Phật Bảo Tạng, thấy vậy khuyên rằng: "Điện Hạ đã sẵn lòng tu phước mà cúng Phật, cúng tăng, vậy xin Điện Hạ hãy đem công đức đó mà hồi hướng về đạo vô thượng bồ đề, chớ nên cầu sự phước báu trên cõi trời Đao Lợi hay là cõi trời Phạm Thiên làm chi. Bởi vì mấy cõi ấy, tuy là cảnh vật vui tốt, nhân dân vui sướng, căn thân đẹp đẽ, thọ mạng lâu đài, đặng phép thần thông, dạo đi tự tại, những đồ y thực sẵn có, các cuộc du hí đủ bày, trăm thức tự nhiên thọ dụng đủ đều khoái lạc, không có sự khổ như cõi nhân gian.
Cái phước báu trong các cõi đó tuy là mỹ mãn như thế, nhưng còn thuộc về hữu lậu, có hư có mất, chắc chắn gì đâu, chính là sự vô thường, thật là tướng vô định, như cơn gió thổi mau không có thế lực gì cầm lại đặng, hết vui thì xảy ra buồn, hết sướng thì trở lại khổ, dầu có sống lâu đến mấy ngàn năm đi nữa, cũng không khỏi con ma sanh tử lôi kéo vào đường nọ ngõ kia.
Nếu Điện Hạ cứ cầu phước báu đó, chắc không thoát khỏi ải sanh tử luân hồi, nếu đã không khỏi luân hồi, thì chưa chắc lúc nào đặng tiêu diêu tự tại. Chi bằng Điền Hạ đem công đức đó mà cầu món phước báo vô lậu, không hư không mất, đời đời kiếp kiếp vượt ra ngoài ba cõi bốn dòng, hưởng sự an vui vô cùng vô tận, và hồi hướng về đạo bồ đề mà cầu mau thành Phật quả, đặng cứu độ chúng sanh khỏi sông mê biển khổ. Vậy phần tự lợi đã vuông tròn, mà đức lợi tha lại đầy đủ nữa."
Bất Huyến Thái Tử nghe ông Bảo Hải khuyên nói như vậy, bèn đáp rằng: "Ta xem xét cả thảy chúng sanh trong đường địa ngục chịu sự khổ cực; còn kẻ nhân gian và người thiên thượng thì đủ điều cấu nhiễm, lắm chuyện trần lao, không có chút nào đặng thanh tịnh, bởi đó mà tạo thành tội nghiệp, nên mới thọ quả báo mà đoạ vào ba đường dữ là: địa ngục, ngạ quả, và súc sanh."
Bất Huyến Thái Tử đáp lại rồi tự nghĩ rằng: "Bởi chúng sanh ở trong đời không gặp đặng những người hiền nhân quân tử, khuyên việc lánh dữ làm lành mà dìu dắt lên con đường giải thoát, chỉ gặp những kẻ tàn ác tiểu nhân cũ dụ nhau kết bạn bè, thường xúi dục những điều bất thiện, và lại phá hư chánh pháp, khinh pháp đại thừa, làm cho mất cả căn lành, thêm điều tà kiến, vì vậy mới che lấp tâm tánh, không biết đạo đức là gì, nên phải chịu nổi đày đọa."
Bất Huyến Thái Tử ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi thưa rằng: "Nay tôi đối trước mặt Phật và đại chúng mà tỏ lời như vầy: Tôi nguyện đem tất cả các món công đức tôi đã từng cúng dường Tam Bảo và các món công đức tôi đã từng tu tập pháp mầu mà hồi hướng về đạo vô thượng bồ đề.
Tôi nguyện trong khi tôi tu những điều công hạnh bồ tát, làm những việc lợi ích cho chúng sanh, nếu tôi xem có kẻ mắc sự khốn khổ hiểm nghèo ở trong hoàn cảnh ám muội, không biết cậy nhờ ai, không biết nương dựa đâu, mà có xưng niệm danh hiệu tôi, tức thời tôi dùng phép thiên nhỉ mà lóng nghe và dùng phép thiên nhãn mà quan sát coi kẻ mắc nạn ấy ở chỗ nào, cầu khẩn việc gì, đặng tôi hiện đến mà cứu độ cho khỏi khổ và đặng vui. Nếu chẳng đặng như lời thề đó thì tôi không thành Phật.
Thưa đức Thế Tôn! Nay tôi vì hết thảy chúng sanh mà phát lòng đại nguyện, tu học về pháp xuất thế, lo làm các công hạnh tự giác tự lợi, nguyện khi phụ vương tôi là Vô Tránh Niệm, trải hằng sa kiếp nhẫn sau thành Phật, hiệu là A Di Đà Như Lai ở cõi An Lạc thế giới, hóa độ chúng sanh xong rồi, chừng nhập niết bàn, chánh pháp truyền lại, thì tôi tu hạnh làm việc Phật sự. Đến lúc chánh pháp gần diệt, hễ diệt bửa trước thì bửa sau tôi chứng đạo bồ đề.
Xin đức Thế Tôn từ bi mà thọ ký cho tôi, và tôi cũng hết lòng yêu cầu các đức Phật hiện tại ở hằng sa thế giới trong mười phương đều thọ ký cho tôi như vậy nữa."
Đức Bảo Tạng Như Lai nghe mấy lời nguyện ấy, liền thọ ký Bất Huyến Thái Tử rằng: "Ngươi xem xét chúng sanh trong cõi thiên thượng nhân gian và trong ba đường dữ đều mắc những sự tội báo, mà sanh lòng đại bi, muốn đoạn trừ mọi sự khổ cực, dứt bỏ những điều phiền não và làm cho cả thảy đều đặng hưởng sự an vui. Vì ngươi có lòng soi xét những loại yêu cầu của loài hữu tình trong thế gian mà cứu khổ như vậy, nên nay ta đặt hiệu là: Quán Thế Âm.
Trong khi ngươi tu hạnh bồ tát, thì giáo hóa cả vô lượng chúng sanh cho thoát khỏi sự khổ não và làm đủ mọi việc Phật sự. Sau khi A Di Đà Như Lai nhập niết bàn rồi, thì cõi Cực Lạc lại đổi tên là: Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu, y báo càng tốt đẹp hơn trước đến bội phần.
Chừng đó, đương lúc ban đêm, độ trong giây phút, có hiện ra đủ thức trang nghiêm, thì ngươi sẽ ngồi trên tòa kim cang ở dưới cây bồ đề mà chứng ngôi chánh giác hiệu là: Biến Xuất Thiết Quang Minh Công Đức Sang Vương Như Lai, phước tròn hạnh đủ, muôn sự vẻ vang, đạo pháp cao siêu, thần thông rộng lớn, rất tôn rất quý, không ai sánh bằng mà lại sống lâu đến chín mươi sáu ức na do tha kiếp, rồi khi diệt độ thì chánh pháp còn truyền bá lại đến sáu mươi ba ức kiếp nữa."
Bất Huyến Thái Tử nghe Phật Bảo Tạng thọ ký rồi, liền vui mừng mà thưa rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Nếu sự thề nguyện của tôi quả đặng hoàn mãn như lời ngài nói đó, thiệt là hân hạnh biết bao! Nay tôi lạy ngài xin làm thế nào cho các đức Phật hiện ở hằng sa thế giới cũng đều thọ ký cho tôi và khiến cho cả thảy thế giới đều đồng thời vang ra những tiếng âm nhạc, và các kẻ chúng sanh nghe tiếng ấy đều đặng thân tâm thanh tịnh mà xa lìa mọi sự dục vọng trên đời."
Lúc Bất Huyến Thái Tử thưa rồi, đương cúi đầu lễ Phật, tức thì các thế giới tự nhiên rung động vang rền, kêu ra những tiếng hòa nhã, ai ai nghe đến cũng sanh lòng vui vẻ, làm cho các điều dục vọng bổng nhiên tiêu tan cả.
Khi ấy, thoạt nghe các đức Phật ở mười phương đồng thinh thọ ký cho Quán Thế Âm rằng: "Đương khi thời kiếp Thiện trụ, ở tại cõi Tán Đề Lam thế giới, nhằm lúc Phật Bảo Tạng ra đời mà giáo hóa chúng sanh, có con của vua Vô Tránh Niệm, tên là Bất Huyến Thái Tử phát tâm cúng dường Phật và đại chúng trong ba tháng, do công đức đó, nên trải hằng sa kiếp sẽ thành Phật, hiệu là: Biến Xuất Nhất Thiết Công Đức Quang Minh Sang Vương Như Lai, ở về thế giới Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu."
Bất Huyến Thái Tử khi đặng chư Phật thọ ký rồi, thì lòng rất vui mừng. Đến khi mạng chung, thì ngài thọ sanh ra các đời khác, trải kiếp nọ qua kiếp kia, hằng giữ bổn nguyện, gắng công tu hành, cầu đạo bồ đề, làm hạnh bồ tát, chăm lòng thi hành những sự lợi ích cho chúng sanh, không có khi nào mà ngài quên cái niệm đại bi đại nguyện.
Hiện nay Quán Thế Âm đã chứng được bậc đẳng giác bồ tát, ở cõi Cực Lạc mà hầu hạ đức Phật A Di Đà, hằng ngày tiếp dẫn chúng sanh trong mười phương đem về cõi ấy.
Đến sau, đức Phật A Di Đà nhập niết bàn rồi, thì ngài kế ngôi Phật vị mà giáo hóa chúng sanh.
sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét