Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Tranh chăn trâu

THẬP MỤC NGƯU ĐỒ

   Trong một lần thuyết pháp, đức Phật dạy các đệ tử về cách tu dưỡng tâm tính: " phải y như chăn trâu,phải cầm gậy canh chừng,không để nó buông lung,phạm vào lúa má của người." Con trâu ở đây ví như cái Tâm. Người tu hành ví như kẻ chăn trâu. Phải chế ngự được con ngưu ma vương trong tâm tính mình,tức tự thắng được bản năng, sau đến tự tri rồi tự tại . Về sau có người dựa theo lời dạy của đức Phật thể hiện thành mười bức tranh liên hoàn,vẽ cảnh chăn trâu.Bộ tranh ấy gọi là Thập Mục Ngưu Đồ, một dòng tác phẩm hội họa rất nổi tiếng trong giới nghiên cứu Phật học. Nói một dòng tức là có nhiều bộ tranh, nhiều người vẽ trong nhiều thời điểm khác nhau nhưng cùng chung một đề tài là

  Phép chăn trâu theo lời Phật dạy. Nhiều bộ tranh không rõ ai là tác giả và xuất hiện trong  thời đại nào. Bộ tranh được phát hiện sớm nhất tương truyền là của thiền sư Khuyếch Am Sư Viễn (Kuoan Shiyuan -1100-1200) người Trung Hoa, sinh vào thời nhà Tống. Bộ tranh nầy được tìm thấy trong bộ sưu tập tranh của họa sĩ Châu Văn người Nhật vào năm l460 nhưng cũng chỉ là bản sao chứ không thấy bản chính .Từ đó ngày càng có thêm nhiều  bộ khác hoặc màu, hoặc đen trắng, hoặc theo luận giải của Thiền phái hoặc theo Đại thừa phái.

  Tranh Thập mục ngưu đồ không rõ đã được du nhập vào nước ta từ lúc nào. Nhưng từ đời vua Lê Dụ Tôn ( l706-1729) và chúa Trịnh Cương đã có thiền sư Quãng Trí luận giải về tranh nầy. Vào năm 1933, dưới thời vua Bảo Đại có cư sĩ Phan Thế Khương dựa theo bộ sưu tầm của Hội Phật Học Huế khắc thành mộc bản kèm với bài luận giải của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.       
    
   Hiện nay bộ tranh đã được giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới .Vẫn là bộ tranh của Khuyếch  Am  Sư Viễn, chỉ khác ở phần luận giải. Đáng chú ý nhất là phần luận giải của Giáo sư Thiền học người Nhật là Daisetz Teitaro Suzuki  trong quyển sách Thiền Luận đã được hai nhà phật học uyên thâm là Trúc Thiên và thiền sư Tuệ Sĩ dịch ra tiếng Việt. Hiện nay có thêm một công trình biên khảo về Thập Mục Ngưu Đồ do nhà nghiên cứu Nhật Cao Trần Đình Sơn dịch từ tài liệu của thiền sư  Thích Quảng Trí đời Lê Dụ Tôn, nhà xuất bản Phương Đông đã phát hành rộng rãi trên các nhà sách. Đây là Thập Mục Ngưu Đồ qua cái nhìn của Thiền học Việt nam. Ngoài ra,còn có những bộ tranh Thập Mục Ngưu  Đồ do các họa sĩ đương đại phóng tác ,vẽ màu hoặc đen trắng được trưng bày ở chùa Tam Tông Miếu ( Quận 3-TPHCM ) và ở chùa Linh Phước ( gần Trại Mát  -Đà lạt ).

  Sau đây là mười bức tranh và thơ Thập Mục Ngưu Đồ của Khuyếch Am Sư Viễn và bản dịch của các thiền sư được trình bày theo thứ tự :
            1. Tầm ngưu ( tìm trâu ) 2.Kiến tích ( thấy dấu ) 3.Kiến ngưu ( thấy trâu ) 4.Đắc ngưu ( Bắt được trâu ) 5.Mục ngưu ( Chăn trâu ) 6. Kỵ ngưu qui gia ( cỡi trâu về nhà ) 7.Vong ngưu tồn nhân ( Quên trâu còn người ) 8.Nhân ngưu câu vong ( người và trâu đều quên ) 9.Phản bổn hoàn nguyên (trở về cội nguồn ) 10 . Nhập triền thùy thủ ( thỏng tay vào chợ ).


 1. Tầm ngưu ( tìm trâu )


Luận :
Mất giới luật thì tình kia thô tháo.
Đuổi theo lợi danh thì khó tỉnh một đời.
Vô minh che lấp làm mờ chơn tâm.
Hể khởi lên động niệm của tâm liền sai với cửa pháp.



 2. Kiến tích ( thấy dấu )


Luận :
Giữ thân hành động theo tâm chánh thì không bị
sai lầm, còn buông lung tình cảm thì luôn bị đau khổ.
Kẻ sơ cơ sức yếu thì rất khó câu thúc được sự toán loạn dục tâm.
Phát tâm lập chí thì phải ra công khổ nhọc.

 


3.Kiến ngưu ( thấy trâu )


Luận :
Ở kẻ ngộ, động và tịnh, thể vẫn an nhiên.
Nơi người phàm, nhiễm và lậu, tính lại tự thành.
Cứ quyết chí mà gia tăng sư tinh tiến thêm một bước.
Đấy là lẻ phấn đấu không nghĩ đến thân, cứ chuyên tinh cho đến đạo.

 

 

 

4.Đắc ngưu ( Bắt được trâu )


Luận :
Lâu ngày dùng công phu làm cho thuần thục dần.
Hai ma hôn trầm, tán loạn từ từ hàng phục được.
Công phu đến đây rồi lại phải gia tăng tinh tiến.
Ngầm cầm roi, mật luyện tập không thể buông rơi.

 

5. Mục ngưu (Chăn trâu)




Luận :
Chốn phồn hoa huyên náo, hoặc chỗ cảnh sắc thanh u,
đều không bị ràng buộc vì cảnh, đến đâu cũng thong dong tự tại.
Trước mắt tuy có ngàn việc sai khác, nhưng trong lòng chỉ có một
cảnh mà thôi, sự tán loạn của tâm đã dứt, cứ thuận hợp với cửa định.

 6. Kỵ ngưu qui gia (cỡi trâu về nhà)


Luận :
Mặc ý nổi chìm theo duyên phóng khoáng.
Không buông lung xa xỉ, mà chẳng câu thúc tiểu tiết.
Tấm lòng thanh thản đi vào núi rừng hoặc thành thị.
Chẳng có ai là tri âm, chỉ nhàn nhã tự biết mình.

 7. Vong ngưu tồn nhân (Quên trâu còn người)

 
Luận :
Việc ăn uống hằng ngày không bị say đắm vào chỗ phồn hoa huyên náo.
Nơi cảnh sắc thanh u, theo dòng mà nhận ra được tính,
theo duyên mà tiêu trừ nghiệp cũ, không tạo ra oan khiên nữa.
Theo thời mà xử thế là thuận với trí linh giác vậy.

 

 8. Nhân ngưu câu vong (người và trâu đều quên)



Luận :
Cảnh trí vốn ngầm chứa một vị không tịch.
Cảnh trí đều tịch lặng thì tâm và lự được an nhiên.
Trong chỗ không tịch ngầm ẩn cái linh giác.
Trong linh giác ngầm ẩn cái không tịch.
Sắc và không, tự bản thể vốn là một.

 9. Phản bổn hoàn nguyên (trở về cội nguồn)

 
Luận :
Bỏ cái chấp vào kẻ khác, chứng được trí hiểu "các pháp đều không",
thì các nghi ngờ vi tế bặt, nhưng cái tinh diệu vẫn chưa tròn đầy !
Thế mới biết quả thực đường về quê nhà vẫn còn ở nơi bờ sanh tử.
Cần phải biết rằng rốt ráo ở bên kia núi xanh.

 10. Nhập triền thùy thủ (thỏng tay vào chợ)

Luận :
Tâm, Pháp cả hai đều quên mất.
Linh giác dứt sự đối đãi. Bản thể sáng sủa không có chỗ y cứ.
Chứng nhập vào cảnh giới không thể nghĩ bàn.
Dứt sạch năm ấm và ba độc, nên bảo rằng :
Người và trâu đều không thấy, chính là lúc trăng sáng.
Ánh trăng sáng cùng với vạn tượng đêu không.
Trong cái tính tịch diệt này khjông thể dùng ngôn ngữ mà giảng biện,
cần phải tự mình chứng lấy thì mới được.



Thượng Tọa Thích Minh Nhựt biên soạn
Thượng Tọa Thích Minh Nhựt biên soạn
(và sưu tầm nhiều nguồn) 








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét