NGŨ CĂN-NGŨ LỰC
Ngũ căn và ngũ
lực là hai hành pháp thứ tư và thứ năm thuộc bảy hành phẩm trong ba
mươi bảy phẩm trợ đạo. Năm căn và năm lực ở đây thuộc nền tảng căn bản
thúc đẩy để từ đó phát sinh ra kết quả tùy thuộc vào tác nhân tạo ra
chúng hoặc thiện hoặc ác, hoặc tốt hoặc xấu … Năm căn là nền tảng có khả
năng sản sinh và tăng thượng các thiện nghiệp, thì năm lực chính là sức
mạnh để chận đứng, triệt tiêu các thế lực vô minh phiền não bất thiện
và, tác dụng các khả năng tăng thượng các pháp lành.
- NGŨ CĂN
(Pañcānām indriyāṇām) ở đây chỉ cho năm vô lậu căn, là năm nền tảng căn
để, đưa đến việc sản sinh và, tăng trưởng thiện nghiệp, là con đường đưa
về Thánh đạo, chúng câu hữu với tác dụng tăng thượng giải thóat cho hành
giả, cho nên gọi là năm căn. Theo Luận Trí Ðộ 10, giải thì:
“Năm căn này là nền tảng căn bản để phát sanh ra tất cả các thiện pháp,
nên gọi là ngũ căn”. Và theo luận Câu-xá 3 thì: “Đối trong pháp
thanh tịnh thì năm căn này có tác dụng tăng thượng. Vì sao vậy? Vì thế
lực của chúng có khả năng hàng phục tất cả các thứ phiền não, đưa hành
giả đến Thánh đạo.” Năm căn ấy là:
Tín căn (Śraddhendriya)
Tấn căn (Vīryendriya)
Niệm căn (Smṛtīndriya)
Ðịnh căn (Samādhīndriya)
Huệ căn (Prajñendriya).
1. Tín căn (Śraddhendriya):
là lòng tin được đặt trên chiều hướng câu hữu với thiện pháp và đưa đến
giải thóat, tức là tin một các vững chắc vào Tam bảo, tin một cách như
thật vào đạo lý Tứ đế. Lòng tin này được đặt trên nền tảng như thật
không giống như lòng tin mù mờ, vô căn cứ, không thấy, không biết, không
nghe mà vẫn cứ tin, đó gọi là tin mù quán, mê tín dị đoan không có cơ
sở, bất chấp sự thật của hầu hết các bộ phái ngoại đạo. Lòng tin ở đây
là con đẻ của lý trí, là kết quả của sự suy luận so sánh đối chiếu sáng
suốt, của sự quan sát tư duy kỹ càng chứ không phải của tình cảm đam mê
lú lẫn. Ðức Đạo sư không bao giờ bắt buộc chúng ta tin một điều gì mà
không tìm hiểu suy xét về nó, không giải thích tường tận rõ ràng về nó.
Vì vậy cho nên Ngài thường dạy cho các đệ tử của Ngài là: “Tin Ta mà
không hiểu Ta, tức là hủy báng Ta!” Lòng tin của chúng ta phát khởi
từ trí tuệ, có xét đoán tìm hiểu một cách rõ ràng minh bạch thì, lòng
tin đó nó mới vững chắc, mãnh liệt. Chính nó là nền tảng căn bản phát
sinh các hạnh lành, Phật dạy: “Tin là mẹ vô lượng công đức”.
Nhưng hành giả chúng ta tin cái gì cho đúng với thiện pháp, đúng với
giải thóat? Đó chính là tin vào ba ngôi báu:
a) Tin Phật:
Chúng ta biết rằng đức đức Đạo sư là bậc hoàn toàn giác ngộ và, giải
thoát tất cả mọi vướng bận của khổ đau thế gian. Vì vậy, hành giả chúng
ta lúc nào cũng luôn luôn tin tưởng về Phật và, hướng mục tiêu hòan
thành giác ngộ, cũng như giải thoát cuối cùng của chúng ta như chính đức
Đạo sư đã thân chứng.
b) Tin pháp:
Hành giả chúng ta tin vào Pháp là chân lý sống, là pháp như thật mà đức
Ðạo sư đã thân chứng và, truyền lại cho những người đi sau như chúng ta.
Hay nói một cách khác, pháp đó chính là giáo lý chỉ cho bốn sự thật mà
đức Đạo sư đã thuyết minh lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như tại
vườn nai. Chúng ta tin tưởng một cách tuyệt đối vào những giáo lý ấy, vì
người nói ra là đức Đạo sư, Ngài đã tự thân tác chứng và, giác ngộ được
cũng nhờ vào giáo lý ấy.
c) Tin Tăng:
Hành giả chúng ta tin tưởng vào Tăng là những người thật hành các giáo
lý của đức Đạo sư, để tự thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, giác ngộ
mình, giác ngộ người khác, là những vị đại diện cho đức Đạo sư đưa cao
ngọn đuốc chánh pháp sáng soi cho mọi người đi theo. Nên hành giả quyết
trọn đời phải tin tưởng và, quy hướng về Tăng để thực hành giải thóat.
2. Tấn căn (Vīryendriya):
Là sự nổ lực siêng năng, tinh tấn dũng mãnh trong việc thực hành tu tập
các pháp lành mà hành giả đã lựa chọn, không bao giờ để cho thối lui.
Nếu hành giả đã có lòng tin chắc chắn vào pháp tu mà không nổ lực siêng
năng tinh tấn thực hiện thì, lòng tin suông trên lý thuyết đó sẽ trở
thành vô dụng, không đưa hành giả chúng ta đạt đến cứu cánh giải thóat
được.
Nên hành giả
nào đã tin tưởng vào Tam bảo, thì phải luôn luôn nổ lực siêng năng, tinh
tấn thực hành giáo lý của Phật mà mình đã chọn. Theo Nhiếp đại thừa
luận thì, tinh tấn có ba:
a) Bị giáp
tinh tấn: Mặc áo giáp tinh tấn, là một trong những thứ vũ khí lợi
hại khi chiến đấu với các loại giặc, các loại ma trong đó có nội ma
ngoại ma thì. Trong cuộc chiến đấu này hành giả bắt buộc phải cần đến áo
giáp tinh tấn, nó là một trong những lợi khí khi xông pha vào trận địa
“phiền não”, nó luôn luôn động viên và thúc giục hành giả tiến lên phía
trước một cách cam đãm dũng mãnh mà không còn sợ sệt ma quân hảm hại.
Nhờ có áo giáp này, nó là một năng lực khiến chúng ta hùng dũng tiến
tới, không sợ gian nan nguy hiểm, không lùi bước trước một trở ngại hay
một địch thủ nào, nên siêng năng tinh tấn là một trợ lực rất có hiệu quả
cho hành giả trên bước đường tu tập thực hành để đạt giải thóat.
b) Gia hành
tinh tấn: Hành giả luôn luôn nổ lực gắng sức không bao giờ lười nhác
dừng nghĩ trên bước đường tu tập đi đến giải thoát. Với thứ tinh tấn
này, nổ lực của sức mạnh tiếp sức này tức là chỉ cho những duyên phụ
thuộc kích thích hành giả chúng ta càng tiến lên càng tạo thêm sức mạnh
càng hăng, càng kích thích phấn chí nhiều hơn và, chúng sẽ làm cho hành
giả không còn mệt mỏi biến nhác nữa.
c) Vô hỷ
túc tinh tấn: Là không vui sướng tự mãn với thành quả vừa đạt được
trong lúc tu tập thực hành mà cho là vừa đủ không cần cố gắng tiến lên
nữa. Hành giả khi nào chưa vào được Thánh đạo thì dứt khóat phải còn gia
công gắng sức tu tập mãi mãi, chứ không chịu dừng lại, mà hưởng vui với
một quả vị thấp kém, tạm thời. Như người đi bộ khi chưa đến đích cuối
cùng thì, vẫn còn hăng hái tiến bước mãi càng nhanh càng tốt, chứ không
chịu chấm dứt cuộc hành trình của mình với dạng lấy lệ, hay cho như vậy
là đủ bằng cách an phận nghỉ ngơi mãi trong quán trọ bên đường, làm cho
tiến độ càng ngày càng suy giãm tốc độ dần cho đến khi quên mất mục đích
nơi đến cuối cùng của mình.
3. Niệm căn (Smṛtīndriya):
Mục tiêu của niệm là nhớ nghĩ đến những pháp câu hữu với giải thóat,
giúp hành giả nếu muốn đạt được mục đích thì, cần phải nhờ vào những
pháp phương tiện trợ duyên pháp hành của mình. Nhớ nghĩ ở đây liên quan
đến:
a) Niệm
thí: Là nhớ nghĩ đến việc tu tập bố thí. Hành giả ở đây ngoài việc
tự làm lợi cho chính mình, mà còn phải lúc nào cũng phải nhớ nghĩ đến
việc đem tài sản bố thí cho người nghèo khổ; đem hùng lực vô úy của
chính mình cứu giúp cho những người sợ hãi nhút nhát; đem chánh pháp chỉ
giáo bày vẽ cho người si mê, khiến họ hết khổ được vui như mình.
b) Niệm
giới: Là nhớ nghĩ đến việc trì tịnh giới để đoạn trừ các phiền não
nghiệp chướng mà hành giả đã lỡ tạo ra trong quá khứ gần hay xa và, ngăn
ngừa những nghiệp nhân ác bất thiện có thể xảy ra trong hiện tại, cùng
làm tăng trưởng mọi pháp lành trong quá khứ qua những tác nhân trong
hiện tại. Hành giả ở đây cũng vậy ngoài việc tự lợi cho chính mình trong
việc giữ gìn giới cho thanh tịnh mà còn ảnh hưởng hỗ tương đến mọi người
chung quanh qua việc sống với người trong một cộng đồng cọng hưởng qua
ba loại Giới:
- Nhiếp luật
nghi giới: Những giới điều để ngăn cấm các tác nghiệp thô xấu qua các
oai nghi có thể xảy ra trong hiện tại, đồng thời cùng lúc đoạn trừ các
nghiệp chướng nơi thân tâm có thể xảy ra trong tương lai.
- Nhiếp thiện
pháp giới: Những giới điều được đặt ra đúng pháp và lợi ích chúng câu
hữu với giải thóat. Hành giả tu tập thực hành giữ gìn theo nó thì, có
thể thành tựu tất cả mọi pháp lành trong tương lai.
- Nhiêu ích
hữu tình giới: Những giới điều đưa đến làm lợi ích an lạc cho tất cả
chúng sinh khi hành giả thực hành tu tập giữ gìn chúng. Vì sự tương quan
tương duyên sinh khởi nên một khi hành giả thành tựu pháp tu thì tất cả
đều cùng lúc thành tựu trong sự hiện hữu đồng thời của chúng.
c) Niệm
thiên: Lúc nào hành giả cũng nhớ nghĩ đến sự giàu sang vui sướng của
chư thiên và, bố thí trì giới để tạo ra các thiện nghiệp cho tương lai
thì chắc chắn sẽ hưởng được mọi thứ công đức này khi thọ thân trời phóng
ra ánh sáng, không đâu là không chiếu tới. như Kinh Tăng Nhất A-hàm
2 phẩm Quảng diễn đức Đạo sư dạy: “Nếu có Tỳ-kheo nào, chánh
thân chánh ý, ngồi kiết già, cột niệm phía trước, không tưởng nghĩ đến
việc khác, chỉ nhớ nghĩ đến trời, thân khẩu ý thanh tịnh không tạo ra
các việc xấu. Giữ gìn giới, thành tựu thân giới thì, thân phóng ra ánh
sáng, không đâu không đến … lúc nào cũng nhớ nghĩ đến trời không bao giờ
quên thì, sẽ thu được mọi thứ công đức thiện này.” Hay Nhiếp Ðại
Thừa luận thì nói: “Niệm Thiên là an trụ vào bốn món thiền định”.
Vậy niệm thiên là nhớ nghĩ đến cách tu tập bốn thiền định, để thanh lọc
sạch hết tất cả phiền não mà giải thóat.
4. Ðịnh căn (Samādhīndriya):
Ðịnh nói cho đủ là Chánh định dịch nghĩa từ chữ Samādhi phiên âm là
Tam-ma-địa. Ðịnh là khiến tâm hành giả trụ vào một nơi, một chỗ để lắng
tâm yên tịnh, chuyên chú vào chánh pháp, không cho tâm hành giả tán loạn
mà quán sát suy đạt thật nghĩa của nó. Còn căn phạn ngữ gọi là indriya
bao gồm vừa có nghĩa tăng thượng vừa có nghĩa sinh khởi. Do đó định căn
có nhiệm vụ khiến cho tâm hành giả dừng lại một chỗ, không vì hòan cảnh
ngoại tại mà sức thiền định bị dao động; vì sức thiền định này có khả
năng sinh khởi ra mọi thứ công đức và làm chúng tăng trưởng lên. Cho nên
gọi là căn. Theo Thành duy thức luận 9, trong Thập độ tam hành,
độ thứ thứ năm là Thiền độ tam hạnh thì tịnh lự (định) có thể chia làm
ba bậc:
a) An trụ
tịnh lự: Để tâm an trụ vào định, nên vọng tưởng không có cơ hội để
khởi lên, nhờ vậy mà hành giả đi sâu vào trong thiền định và, từ đó
phiền não được diệt trừ.
b) Dẫn phát
tịnh lự: Nhờ phiền não đã được đoạn trừ nên trí tuệ được hiện hữu
phát sinh các thứ công đức thù thắng.
c) Biện sự
tịnh lự: Nhờ đã phát sinh các thứ công đức viên thành, nên thường
làm lợi ích cho tất cả chúng sanh; cứu độ chúng sanh giải thoát sanh tử,
chứng đắc Niết-bàn.
5. Huệ căn (Prajñendriya):
Quán trí phát sinh được nhờ trong định và, cũng từ đó mà hành giả hiểu
rõ được chân lý như thật của muôn pháp. Quán đạt chân lý gọi là tuệ; khi
trí huệ đầy đủ thì tất cả mọi thứ phiền não tự tiêu trừ và, các năng lực
thiện pháp xuất hiện, thành tựu trọn vẹn mọi thứ công đức, cho đến lúc
thành đạo. Cho nên gọi là Huệ căn. Theo Nhiếp Ðại Thừa, trí huệ
có ba thứ:
a) Vô phân
biệt gia hành huệ: Trí tuệ nầy không còn có sự phân biệt nữa, nhưng
còn cần phải thực hành thêm, nghĩa là còn cần sự dụng công tu hành, để
thành tựu hoàn toàn trí vô phân biệt. Vì thế, nên gọi là “vô phân
biệt gia hành huệ”.
b) Vô phân
biệt huệ: Trí huệ nầy không còn có sự phân biệt và, cũng không cần
phải thực hành thêm nữa vì nó đã đầy đủ và thuần phục. Nhờ trí huệ này,
mà hành giả thể chứng nhân như một cách tự tại.
c) Vô phân
biệt hậu đắc huệ: Còn gọi là hậu đắc trí, là trí huệ có được sau khi
đã chứng được chân như. Trí huệ này không còn phân biệt nữa hoàn toàn
sáng suốt, tỏ ngộ được thật nghĩa của các pháp. Chư Phật nhờ hậu đắc trí
nầy mà thi tác vô lượng công đức, để cứu độ chúng sanh. Nói một cách
tổng quát giản dị, huệ căn là trí huệ nhờ thiền định làm lặng sạch có
được. Nó thông đạt được sự thật của các pháp; nó là nền tảng phát sanh
ra mọi việc vĩ đại để giải thoát chúng sinh ra khỏi khổ đau.
Tóm lại vì Năm
căn này là nền tảng có khả năng sinh sản ra tất cả các pháp thiện, nên
gọi là năm căn. Hơn nữa ‘căn’ ở đây nó cũng mang ý nghĩa tăng thượng,
như trên chúng ta đã biết, năm loại căn này cũng có thể khiến cho con
người sản sinh ra Thánh đạo vô lậu nên cũng gọi là căn. Theo Đại thừa
nghĩa chương 16 nói về ý nghĩa của căn thì, “Vì sức mạnh của Năm
căn này nghiên nặng hơn về việc sản sinh ra Thánh đạo xuất thế, nên gọi
là căn.” Năm loại căn này còn có tác dụng dùng để đối trị với những
người: không có lòng tin (bất tín), biếng nhác (giải đãi), buông lung
(phóng dật), táy máy thân hình (trạo cử), phiền não vô minh, nên cũng
gọi là căn. Ngoài ra theo phần một quyển 7 Chỉ Quán bổ hành truyện
hoằng quyết thì, người tu hành tuy mần thiện chưa phát, vì căn
chưa sinh, song nay nếu tu tập năm pháp này thì, sẽ khiến cho thiện căn
sẽ sinh ra, nên năm pháp này được gọi là căn.
-
NGŨ LỰC
(Pañcānāṃ
balānām): tức là năm lực này có được nhờ vào năm căn tăng trưởng sinh ra
trong lúc hành giả tu hành, chúng chính là sức mạnh duy trì sự liên tục
đưa đến giải thóat cho hành giả. Đó chính là thần lực của năm căn, chúng
có khả năng đối trị thế lực của năm chướng. Nói một cách dễ hiểu: Ngũ
căn như năm cánh tay của chúng ta, còn ngũ lực như là sức mạnh của năm
cánh tay ấy.
1. Tín lực
(Śraddhā-bala):
Tức
là sức mạnh do tín căn sinh ra, với công năng là phá hủy tất cả mọi thứ
tà tín.
2. Tấn lực
(Vīrya-bala): Tức sức mạnh do tinh tấn căn sinh ra, có công năng phá
hủy mọi sự lười biếng nhác nhớm của thân và, lúc nào cũng siêng năng
tinh cần trong việc chỉ ác hành thiện,. trong việc thực hành tu tập tứ
chánh cần.
3. Niệm lực
(Smriti-bala): Tức là sức mạnh do niệm căn sinh ra, hay sức mạnh lớn
lao bền chắc của niệm căn, với khả năng phá hủy mọi thứ tà niệm và, dùng
pháp tứ niệm xứ để giữ gìn chánh niệm.
4. Ðịnh lực
(Samādhi-bala): Tức sức mạnh do định căn sinh ra, với khả năng chống
phá các thứ lọan tưởng, bằng vào chuyên tâm thiền định để đọan trừ các
dục phiền não.
5. Huệ lực
(Prajñā-bala): Tức sức mạnh do huệ căn sinh ra, với khả năng phá
hoại các hoặc của ba cõi, bằng vào quán ngộ Tứ đế, thành tựu trí tuê, mà
đạt được giải thóat.
Năm lực này vì
chúng có công năng phá hủy mọi thứ ác pháp nên gọi là năm thứ sức mạnh.
Theo Trí độ luận 19 thì: “Năm căn tăng trưởng, không bị phiền
não phá hoại, đó gọi là lực.” hay: “Thiên ma ngoại đạo không thể
làm trở ngại, đó gọi là lực.” Nội dung ý nghĩa và công dụng của
chúng cùng với năm vô lậu căn giống nhau, vì Phật giáo là một đạo thực
tiễn nên việc thực hành thực tập những giáo pháp này là cần thiết theo
thứ tự từ trước đến sau từ trên xuống dưới. Những sức mạnh nầy là kết
quả đã đạt được từ sự nổ lực tinh tấn siêng năng tu tập của Ngũ căn. Nó
như là một ngọn lửa được bật lên sau khi hành giả đã nỗ lực tinh tấn cọ
sát hai cây gỗ vào nhau để có kết quả ngọn lửa được sinh ra.
Tóm lại, Năm
căn là nền tảng có khả năng sản sinh ra và, làm tăng thượng các thiện
nghiệp, thì năm lực chính là sức mạnh để chận đứng, triệt tiêu các thế
lực vô minh phiền não bất thiện và, tác dụng các khả năng tăng thượng
các pháp lành. Như những trình bày ở trên, Ngũ căn và Ngũ lực vừa là
những nền tảng căn bản phát sinh các thiện pháp và, làm tăng thượng vô
lượng công đức thù thắng đưa hành giả đến Thánh đạo, vừa có khả năng
chận đứng tiêu diệt các pháp ác bất thiện vô minh, giải thóat mọi thứ
phiền não mà đạt niết-bàn an vui; chúng là những nền tảng cơ bản để hành
giả làm nhân tư lương tốt trong việc thực hiện giải thóat đưa về Thánh
đạo.■
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét