Mục đích
đi chùa không phải là để cúng lạy, mà vì học hỏi chánh pháp, tập tu
đức hạnh. Người Phật tử mới đến với đạo chưa thấm nhuần Phật
pháp, nếu không được sự chỉ dạy của Tăng Ni thì làm sao hiểu đạo
tu hành. Muốn hiểu đạo lý, Phật tử tới lui Tự viện để thưa hỏi học
tập là sự đương nhiên không thể thiếu. Vì sự sống bận rộn ngoài
xã hội, Phật tử đâu đủ thì giờ nghiên cứu giáo lý, chỉ gặp Tăng,
Ni trong nửa giờ, một giờ, Phật tử có thể học được nhiều điều
trước kia chưa biết. Vì thế, đến chùa để gặp Tăng, Ni là điều thiết
yếu không thể thiếu, đối với mỗi Phật tử tại gia. Ði chùa có hai trường
hợp, đi chùa ngày thường và đi chùa ngày lễ vía.
Ði chùa
ngày thường: Bất cứ ngày nào thấy rảnh việc nhà, người Phật tử có
thể đi chùa. Khi đi chùa, Phật tử phải nhắm thẳng mục đích thưa hỏi
đạo lý. Vì hỏi đạo lý, Phật tử phải ghi lại những điều gì mình
chưa hiểu để đem ra hỏi. Mỗi lần đến chùa, Phật tử phải có ít nhất
đôi ba vấn đề thưa hỏi Tăng, Ni. Những vấn đề ấy, hoặc do thấy nếp
sống sanh hoạt nhà chùa chưa hiểu đem ra hỏi, hoặc đọc trong kinh sách
chỗ nào không biết đem ra hỏi. Biết thưa hỏi như vậy, người Phật tử
học đạo rất chóng tiến. Ði chùa hỏi đạo là đúng tinh thần học vấn
của người Phật tử.
Nhưng cũng
có những khi không vì hỏi đạo mà vẫn đi chùa. Ðây là trường hợp vì
đua chen trong cuộc sống, người Phật tử thần kinh bị căng thẳng, vội
vàng bỏ việc đến chùa. Ðến đây để ngồi yên trên tảng đá dưới bóng
mát tàn cây, nghe tiếng gió thì thào trên ngọn cây, giọng chim líu lo trong
cành râm, khung cảnh tịch mịch của nhà chùa, khiến tâm hồn lắng xuống
thần kinh dịu lại. Không cần gặp ai, chẳng màng thưa hỏi, chỉ cần mắt
ngắm mấy cội tùng xanh, mũi ngửi mùi hương nhẹ của hoa lan, hoa nguyệt
quới, ngồi đặt lưng tựa bên vách chùa, chúng ta cảm nghe lòng nhẹ
nhàng khoan khoái, những giờ phút này gánh nợ đời oằn oại đôi vai bỗng
dưng như quẳng mất. Chính cảnh cô liêu tịch mịch của nhà chùa đã giải
tỏa xoa dịu phần nào nỗi bực dọc não phiền của Phật tử.
Ðến chùa
ngày lễ vía: Cùng Phật tử với nhau như con một cha, những ngày lễ vía
là ngày huynh đệ sum họp. Ngày thường mỗi Phật tử có hoàn cảnh riêng
gia đình riêng, ít khi gặp được nhau để thăm hỏi sự tu hành, nhắc nhở
nhau về đức hạnh. Nhân ngày lễ vía ở chùa, toàn thể Phật tử tụ hội
về cùng thăm hỏi nhau trong tình đạo bạn, cùng giãi bày nhau về kinh nghiệm
tu hành, thật là một cơ hội quí báu. Chúng ta đâu không nghe ông cha
chúng ta đã nói "ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Ðoàn tụ dưới
mái chùa, huynh đệ ngồi gần nhau đàm đạo mật thiết thân tình, đây
là một niềm vui để dắt dìu nhau trên con đường đạo đức. Mến
thương nhau, đoàn kết nhau, khích lệ nhau, cùng nỗ lực leo lên cho đến tận
đỉnh ngọn giác ngộ.
Càng cao cả
hơn, khi chúng ta nghe Tăng, Ni kể lại hành trang nhuộm mùi từ bi đượm màu
giác ngộ của chư Phật, Bồ-tát, hoặc nghe giải thích giáo lý cao siêu
thoát tục của Phật dạy, làm sáng tỏ thêm đường lối tu hành. Thật
là những cơ hội hiếm có để Phật tử thấm nhuần chánh pháp. Vắng mặt
trong những ngày lễ vía, là một thiệt thòi đáng kể của người Phật tử.
Có nghe giáo lý, có học công hạnh của Phật, Bồ-tát, Phật tử mới biết
phương hướng tu hành, mới thấy những gương sáng ngời để noi theo. Dù
đã qui y mấy mươi năm, không chịu học hỏi giáo lý, không siêng nghe giảng
dạy, Phật tử này vẫn mờ mịt không hiểu gì về đạo Phật. Là Phật
tử phải tỏ ra xứng đáng với danh nghĩa của mình, nghĩa là học và
hành đúng với đường lối Phật dạy. Vì thế, đi chùa nghe giảng là điều
tối cần thiết của người Phật tử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét