Có nhiều người nghĩ rằng, tu là
phần riêng của những kẻ rảnh rang nhàn hạ, những người thừa của thừa
tiền, còn mình làm đầu tắt mặt tối, cơm không đủ no áo không đủ
ấm, có thì giờ đâu mà nói chuyện tu. Hoặc có những người nghĩ, tu là
việc của những kẻ thiếu phước bần hàn, cô quả, tật nguyền, nhờ tu
họ được an ủi bớt khổ, còn ta phước nhiều của lắm, thân quyến đầy
đàn, đẹp đẽ sang trọng mà tu làm gì. Lại có người nghĩ, tu là việc
của những kẻ tội lỗi ác độc, bởi họ tạo nhiều tội lỗi nên phải
tu để chuộc tội, còn tôi hiền lành có làm gì hại ai đâu mà tu. Bởi
có những quan niệm này, nên người ta không màng không nghĩ đến tu. Họ
đâu biết rằng, mọi chúng ta trong tâm niệm có cả xấu lẫn tốt, nếu
thả nổi mặc tình niệm xấu hoành hành, là sống theo bản năng, mất hết
tư cách của con người và sẽ gây tội lỗi ngập trời. Ðể hạn chế
tâm niệm xấu, khiến nó tiêu mòn, khởi dậy tâm niệm tốt, khiến nó tăng
trưởng, đây là việc làm của người tu. Có giảm tâm niệm xấu, tăng tâm
niệm tốt, người này mới đủ tư cách con người và làm nhiều việc tốt
đẹp với mọi người chung quanh. Thế là, có hoàn cảnh nào mà chẳng nên
tu?
Có những
người bận lo sinh kế gia đình, tửng bưng sáng đã có mặt ở chợ, đến
sẩm tối mới về tới nhà, rồi lo ăn uống giặt giũ cho con cái là tối
mò, có rảnh lúc nào đâu mà tu? Nếu bảo những người này phải tụng
kinh, phải lần chuỗi niệm Phật, chắc hẳn không thế nào làm được.
Nhưng tu ở đây là, bỏ ý nghĩ xấu, nuôi dưỡng ý nghĩ tốt, bỏ lời nói
dữ, nói lời nói lành, dừng những hành động ác, tạo những hành động
thiện, có mất thì giờ chút nào mà tu không được. Trái lại, chính khi
buôn bán làm ăn ấy, chúng ta có ý nghĩ tốt, thốt lời nói lành, có hành
động thiện, người khách hàng mến thương, khiến khách mua hàng càng lúc
càng đông, việc làm ăn dễ phát đạt. Ví như cô bán hàng có khách đến
mua, giá món hàng một ngàn đồng, cô nói một ngàn hai, chờ khách trả một
ngàn là cô bán. Song trớ trêu, người khách không trả một ngàn, mà trả
ba trăm. Trường hợp này, nếu cô bán hàng không biết tu thì nổi giận
quát tháo ầm ĩ, gây ra cuộc cãi vã ồn ào. Ngược lại, cô bán hàng biết
tu, chỉ cần cười, nói nhẹ nhàng "trả chưa tới giá, bán không được".
Mọi việc êm ái, không ai thiệt thòi gì, mai kia người khách ấy còn có
thể đến gian hàng này mua hàng. Trước những cảnh bất như ý, chúng ta
biết kềm hãm sự nóng giận, biết lựa lời ôn hòa để đáp, biết giữ
thái độ bình tĩnh, là khéo tu. Ở giữa chợ, mỗi ngày sự bất như ý diễn
ra liên tục, nên tu hành là điều tối cần cho người sống trong hoàn cảnh
này. Vì thế người xưa nói: "Nhất tu thị, nhị tu sơn."
Nếu là người
nông phu làm nghề ruộng khi vác cuốc ra đồng, chúng ta nghĩ "cần mẫn
làm cho lúa trúng, để có cơm cho gia đình mình ăn, vơi ra giúp đồng bào
mình cùng có cơm ăn". Quan niệm ấy là ý nghĩ lành, đó là tu. Thấy
thửa ruộng bên cạnh tốt hơn ruộng mình, không có tâm đố kỵ, mà lòng
mừng thầm bạn mình được lúa trúng, gia đình ấm no..., mình gắng học
hỏi theo cách làm ăn ấy, đây là tâm niệm của người biết tu. Lại, khi
làm việc đắp bờ cuốc ruộng, trong tâm vừa nảy ra niệm xấu, ta liền
diệt trừ, trong tâm nảy ra niệm tốt, ta liền khơi dậy cho nó tăng trưởng,
ấy là tu, một cuốc là một câu niệm Phật, hoặc một cuốc tận kim cang
địa ấy là tu.
Là học
trò bận việc học hành, công phu tu không hề chướng ngại. Khi cắp sách
đi học, em nghĩ "ta cố gắng học cho giỏi, để mai kia giúp cha mẹ
khi tuổi già, có tài để góp công mình xây dựng quê hương tốt đẹp
hơn", đó là em tu. Thầy giáo, cô giáo nhọc sức giảng dạy bài vở,
em lắng nghe và cố học thuộc, vì thương sợ thầy cô buồn, đấy là em
biết tu. Bạn bè trong lớp có những trò học giỏi hơn em, em không ganh tỵ,
trái lại còn kính phục để bắt chước theo, ấy là tâm niệm người tu.
Người tu là người biết phục thiện, mỗi khi có lỗi lầm bị rầy, bị
phạt, biết lỗi sửa ngay, không oán hờn trách móc. Có những đứa học hành
thua kém và thiếu phương tiện hơn em, em thương mến hướng dẫn và giúp
đỡ nó, là em khéo tu. Xã hội ngày mai sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn, chính
nhờ những mầm non biết tu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét